(Bài viết có tiết lộ một số tình tiết trong phim. Vui lòng cân nhắc trước khi xem)
Một ngày bình thường, như bao ngày dài khác, trái đất quay theo quỹ đạo đã định sẵn, mọi người làm công việc của mình. Hấp tấp, mệt mỏi và bực bội, bà mẹ trẻ loay hoay lên xe, vừa nghe điện thoại công việc vừa khởi động xe. Đằng sau là tiếng đứa nhỏ đang khóc ré lên, thật nhức óc. Thế rồi, âm thanh phiền toái ấy im bặt, cô quay lại đằng sau và chẳng thấy con mình đâu. Chạy đi tìm kiếm con, tìm kiếm sự giúp đỡ, cô nhận ra ai cũng hoảng loạn như mình. Người thân của họ, người đang đi cùng họ tự dưng biến đâu mất. Vậy, điều gì thực sự còn lại?
The Leftovers (tạm dịch: Những kẻ bị bỏ lại) là series phim bắt đầu sản xuất từ năm 2014, thuộc sở hữu của nhà đài HBO. Phim được sáng lập bởi Damon Lindelof và Tom Perrotta. Phim cũng có sự quy tụ dàn diễn viên chất lượng, đồng đều với những cái tên như Justin Theroux, Amy Brenneman, Christopher Eccleston, Liv Tyler hay Carrie Coon,… “The Leftovers” dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của chính Perrotta, giả định về sự kiện ngày 14/10, trong một khoảnh khắc, 2% người trên thế giới biến mất. Bất chợp và không để lại một dấu vết. Không ai biết họ đi đâu, tại sao lại biến mất. Mọi cuộc tìm kiếm đều trở nên vô vọng, mọi nỗ lực để giải thích bằng khoa học cũng chẳng ăn thua. Vậy thì, sau 3 năm, thế giới sẽ như thế nào, những người còn lại sẽ sống ra sao?
Hầu hết mọi người được khuyến khích hãy bước tiếp, sống tiếp cuộc đời của mình, để nỗi đau chìm sâu trong quá khứ, vờ như chưa có gì xảy ra, hoặc coi sự biến mất của người thân như một tai nạn giao thông thôi chẳng hạn. Và họ sẽ lại làm việc, lại ăn uống, lại hẹn hò, lại xây dựng cuộc sống mới. Có những người chuyển đi nơi khác để bắt đầu lại. Có những người lại ngừng đi lễ nhà thờ vì không còn tin vào Chúa sau tất cả những gì Người lấy đi của họ. Câu chuyện về đức tin, vốn là câu chuyện phức tạp, nay lại càng trở nên phức tạp hơn. Câu chuyện về bản chất con người vốn đã mâu thuẫn, nay lại càng rối rắm, mâu thuẫn hơn. Và chính thế, “The Leftovers” “hack não” vì đào sâu đến hai vấn đề này.
Tôn giáo, đức tin và con người trong “The Leftovers” luôn được đặt sát cạnh nhau, trong một mối quan hệ chặt chẽ. Để hiểu về mỗi nhân vật, hành động của họ, chúng ta đều phải giải đáp câu hỏi “Họ tin vào điều gì?”. Mỗi con người lại đại diện cho những tính cách, suy nghĩ, đức tin khác nhau. Cũng chính nhờ tuyến nhân vật phong phú, thuyết phục này mà người xem có thể thấy nhiều sự tương đồng, cảm thông, đôi khi còn là “chọn phe” nữa. Nhân vật chính của phim hẳn là Kevin Garvey – viên cảnh sát mới lên chức cảnh sát trưởng. Kevin là người vô thần, không tham gia bất cứ giáo phái nào. Điều anh quan tâm duy nhất là giữ gìn sự bình yên cho thị trấn quê nhà Mapleton, New York, bảo vệ được con gái – mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh gia đình tan vỡ. Cảnh sát trưởng là một người phức tạp, khó đoán định với chứng mộng du đôi khi đưa anh đi thật xa, gây nên những việc hãi hùng. Ánh mắt anh ta luôn nhăn nhó, hoài nghi, ẩn chứa sự yếu đuối, bất lực, lo âu. Một hình ảnh xuất hiện nhiều đến lạ trong season 1 chính là hình ảnh con nai với đôi sừng hùng vĩ. Nó tượng trưng cho Kevin, uy nghi là thế nhưng luôn cảm thấy bị kìm kẹp, mắc kẹt trong cuộc sống của chính mình. Và dường như luôn làm rối mọi chuyện lên, phá hoại mọi thứ. Anh không biết tin vào điều gì, và hẳn chẳng dám tin vào điều gì. Cuộc sống của anh hoàn toàn bế tắc và “hạnh phúc” thì dường như là một khái niệm quá xa xỉ.
Matt Jamison lại khác, là linh mục trong một nhà thờ khá lớn của thị trấn, nơi mà trước kia chật kín người nghe giảng đạo, nay chỉ còn lại lẻ tẻ. Dù cũng phải chịu đau thương từ sự kiện 14/10 như bao người khác nhưng Matt lại luôn vững tin vào Chúa, tin rằng đây chỉ là một sự thử thách, và phần lớn những người biến mất đều là kẻ xấu, tội đồ. Chúa làm vậy để trừng phạt họ, một việc làm đúng đắn. Và nhiệm vụ của anh là phải khiến mọi người tin vào điều đó, dù có bị đánh đến bầm dập, Matt vẫn cố tìm hiểu và rêu rao tội lỗi của những người đã ra đi. Còn có một nhóm người khác, phức tạp hơn, mang cái tên Guilty Remnants (Cứu chuộc tội lỗi). Họ mặc đồ trắng toát, hút thuốc vài bao một ngày, không nói chuyện (vì cho rằng phí hoài hơi thở) mà chỉ giao tiếp bằng giấy bút. Họ tin rằng thế giới đã đến hồi diệt vong, tin vào “rapture”. “Rapture” (tạm dịch: Sự cất hội thánh lên trời) là một khái niệm được xây dựng dựa trên Kinh thánh. Phần opening credit ấn tượng của season 1 cũng là về Sự cất hội thánh lên trời, khi nhiều nhân vật trong bức tranh tưởng bất động lại đang từ từ bay lên, hướng về phía thứ ánh sáng lạ lùng, trong tiếng nhạc day dứt, thê lương dần trở nên hào hùng. Những người tin tưởng vào “rapture” tin rằng vào thời điểm tận thế, tất cả tín đồ vẫn còn sống trước khi thế giới bị hủy diệt sẽ được đưa lên Thiên Đàng. Những người không có lòng tin sẽ bị bỏ lại trong thời kì đại nạn trên trái đất (được tin là kéo dài trong 7 năm). Những người trong Guilty Remnants cho rằng sự kiện 14/10 chính là “tiếng còi báo hiệu trò chơi đã kết thúc”, là cuộc rời đi đầu tiên. Nhiệm vụ của Guilty Remnants chính là khiến mọi người ở lại phải nhớ về những người ra đi, day vào những nỗi đau mới lành của họ, khiến họ hiểu ra tội lỗi của mình. Nhóm G.R còn muốn thể hiện lòng tin của mình với Chúa để được lên Thiên Đàng trong cuộc rời đi tiếp theo, cũng là cuối cùng. Gia nhập hội này đều là những con người bất hạnh từ trước 14/10. Người thì bị chồng mình ngược đãi, người thì mẹ mất, người thì bí bách với cuộc sống gia đình,.. Họ đều không có lối thoát khỏi cuộc sống do chính mình tạo nên, đều không rõ mục đích sống để làm gì, đều sống mà như chết. Và có lẽ việc từ bỏ mọi kí ức, khái niệm trước kia về gia đình, người thân, hạnh phúc, hút thuốc để chết nhanh hơn hay sống trong im lặng là thứ họ cho rằng có thể cứu rỗi bản thân.
Cuối cùng, một nhân vật làm người xem hoài nghi là Wayne – một người tự xưng Thánh. Hắn ta cho rằng mình có thể hấp thụ nỗi đau của người khác bằng những cái ôm chặt, nhìn vào mắt những linh hồn đang lạc lõng mà hiểu được họ, tiêu khiển họ và dùng nó để kiếm tiền. Thực sự thì Wayne có thể chữa mọi nỗi đau tâm hồn là siêu năng lực hay ảo ảnh người ta tự huyễn? Ông ta thấy được tương lai hay chỉ đoán mò? Wayne giúp Kevin thực hiện điều ước có được gia đình trở lại hay chỉ là sự trùng hợp? Đó là những câu hỏi không có lời giải đáp, mà dường như, để tốt hơn hết thì không nên có lời giải đáp rõ ràng. Cái thú của một bộ phim là để lại dư vị, ám ảnh cho người xem, và cái thú của những người xem được phim hay chính là bàn luận, dự đoán và đánh giá về nó. Và quả thật, mùa đầu tiên của “The Leftovers” đã thỏa mãn được những khán giả kể cả khó tính nhất.
Chất liệu kể chuyện và khắc họa nhân vật trong phim thực sự xuất sắc. Cái nhìn của bộ phim luôn đi từ khái quát tổng thể tới chi tiết. Nhân vật được khắc họa từ xa tới gần gợi sự thu hút, hấp dẫn. Cách phác thảo đôi khi chỉ cần qua loa cũng rất tinh tế. Chỉ cần vài chi tiết nhỏ thôi cũng đủ để nói lên họ là người thế nào (như cái cách Tommy lưu số điện thoại Kevin là bố, trong khi anh chỉ là bố dượng). Dần dần, những trăn trở về “Chuyện gì đã xảy ra?” biến mất, thay vào đó là băn khoăn chuyện gì sẽ xảy ra tiếp khi cuộc sống mọi nhân vật cứ lộn xộn, họ đau đớn, mệt mỏi và bối rối, họ cố tỏ ra mạnh mẽ nhưng sau cùng chỉ thấy sự yếu đuối. “Sẽ có chuyện gì xảy ra đối với những giáo phái đang giao tranh, sẽ có chuyện gì xảy ra với trái đất, với loài người,…?” luôn là những câu hỏi khiến khán giả thèm khát chờ đợi tập tiếp theo.
Tóm lại, “The Leftovers” u ám, lạnh lẽo với những trăn trở, hoài nghi. Phim xây dựng được lối kể chuyện cuốn hút, có thể ví các yếu tố như góc quay, âm nhạc, tốc độ,… như một dàn hợp xướng được kết hợp cực hài hòa, nhuần nhuyễn, đem đến những cảm xúc chân thực, mãnh liệt cho khán giả. Tình tiết phim gay cấn và khó lường, luôn luôn căng như dây đàn. “The Leftovers” còn ấn tượng với những đoạn hội thoại, chi tiết giàu hàm ý ám chỉ, ẩn dụ. Tính cách nhân vật được phát triển một cách hấp dẫn, phần công lớn cũng thuộc về dàn diễn viên xuất sắc, phong độ đồng đều qua cả mùa. Một yếu tố nữa được đánh giá cao ở bộ series này chính là sự táo bạo. Trước hết, những nhà làm phim táo bạo vì dám đưa chủ đề liên quan tới tôn giáo – một chủ đề nhạy cảm lên màn ảnh nhỏ. Tiếp đến là dàn diễn viên cũng rất táo bạo, khi dám dấn thân mình đóng nhiều cảnh nhạy cảm (trong đó có rất nhiều cảnh nude). Mặc dù “đường dài mới biết ngựa hay” nhưng qua màn trình diễn xuất sắc của mùa đầu tiên, thật không khó để khẳng định “The Leftovers” sẽ là một trong những series phim hay nhất trong vài năm trở lại đây.