Trong con mắt tôi thì phim ma trận là một câu chuyện triết học, cổ vũ cho chủ nghĩa hiện sinh, ca ngợi vẻ đẹp của những người dám Dấn thân, đồng thời cũng chỉ rõ xã hội loài người đang sống trong một khung cảnh máy móc, lập trình sẵn và giả tạo ở mức độ nào. Ở đây, tôi không tập trung vào câu chuyện và nội dung của bộ phim, tôi chỉ tập trung vào câu chuyện của 2 nhân vật theo tôi là nổi bật nhất của phim Neo và Mopheus, và thông qua hai nhân vật này tôi sẽ giải thích lịch sử và sự khác nhau của Hiện sinh phái hữu thần và Hiện sinh phái vô thần.
Truyện phim kể về Neo, vốn là một hacker, sống giữa thời đại của chúng ta. Tình cờ Neo liên lạc qua mạng với một người bạn bí ẩn là Mopheus, người hứa sẽ dẫn Neo tới một thế giới diệu kỳ và rất thực nếu Neo chịu Dấn thân theo Mopheus. Người sau đó đã chỉ ra cho Neo hiểu anh đang sống trong một thế giới giả tạo hoàn toàn được lập trình do robot thông minh vẽ ra. Thế giới Ma trận – chính là xã hội chúng ta ngày nay. Nơi mọi cảm xúc và trải nghiệm của mỗi người thực ra chỉ diễn ra trong não mà thôi, còn thân thể thực sự của con người đang được nuôi cấy trong những bể dung dịch để cung cấp năng lượng cho Robot. Mopheus và những người tự do còn lại đang cố gắng giải thoát cho loài người, những người như Neo, trong cuộc chiến tranh chống lại Robot này, bằng cách dẫn dắt họ ra khỏi Ma trận, xã hội vô minh.
Nội dung phim đi thẳng vào những vấn đề cơ bản của Triết học. Triết học luôn đặt ra câu hỏi “Tôi là ai?” “Tôi có thể nhận thức được cái gì” “Và những gì tôi đang nhận thức, có thực hay không”. Và cách lựa chọn trả lời những câu hỏi đấy của Neo và Mopheus, theo tôi là rất Hiện sinh, nhưng mỗi người mỗi khác.
Nhắc lại chủ nghĩa hiện sinh là gì, là những lời kêu gọi triết học và bản thân mỗi người chúng ta hãy quay lại nhìn bản thân mình. Chúng ta chỉ tồn tại một thời gian ngắn trên quả đất, nên hãy sống sao cho thật độc đáo. Hãy là một chủ thể có trách nhiệm với bản thân cuộc đời mình, chỉ chịu trách nhiệm với mình mà thôi, hãy sống tự do, khác người. Những con người theo thuyết hiện sinh đều luôn phải lựa chọn, dấn thân để sống.
Mopheus
Hiện sinh hữu thần, đó là Mopheus, vị thuyền trưởng người đặt hoàn toàn niềm tin vào Neo, Mọpheus tin Neo là Người sẽ dẫn dắt con người dành chiến thắng, tin tuyệt đối, tin hoàn toàn, ủng hộ mọi hành động, sẵn sàng hy sinh tất cả, sẵn sàng đánh đổi tất cả dù là vận mệnh con tàu của mình, vận mệnh bản thân hay vận mệnh của tất cả những con người tự do cuối cùng, Mopheus sẵn sàng gạt sang tất cả để ủng hộ Neo. Vì Mopheus luôn tin Neo là Đấng cứu thế, là Người được chọn.
Niềm tin vào đức chúa đó là sự khác nhau giữa hữu thần và vô thần. Vào cái thời mà triết học của Hegel phát triển với phương pháp luận biện chứng đầu thế kỷ 19, con người đã giải thích được rất nhiều vấn đề trong vũ trụ bằng vốn tri thức của mình. Khoa học ngày càng mở rộng và đi kèm với nó là trình độ lý luận ngày càng sắc sảo và logic. Tôn giáo dần dần sụp đổ, đặc biệt là Kito giáo khi những bức màn tối thần thành lùi dần nhường chỗ cho ánh sáng khoa học. Nhưng có 1 con chiên ngoan đạo đã cứu vớt Giáo hội, mở ra một khoảng không thăm thẳm chưa được giải thích để cân bằng lại lãnh địa của Tôn giáo và Khoa học, đồng thời khai sáng ra chủ nghĩa Hiện sinh, đó là Kierkegaard.
Kierkegaard nói rằng con người phải dấn thân qua các cấp độ. Dấn thân ăn chơi trác táng, Dấn thân thành anh hùng cao cả và Dấn thân tôn giáo với đức Chúa trời. Dấn thân ăn chơi hưởng thụ thì thôi khỏi phải bàn. Cấp độ cao hơn là Anh hùng Cao cả, nơi chúng ta có thể phải hy sinh mọi thứ, hy sinh thân mình cho đất nước, cho một mục đích cao cả. Như những tấm gương chúng ta thường gặp trong văn chương lãng mạn, trong các sử thi và hùng ca cách mạng. Họ hy sinh bản thân để cứu nước, cứu dân, cứu loài người. Quá cao cả! Nhưng đối với Kierkegaard, họ vẫn hy sinh vì một cái gì đó. Đó mới chỉ là cấp độ 2, cấp độ cao nhất mà tri giác, mà các lý luận, đạo đức đạt được. Chưa phải tột đỉnh của Dấn thân.
Mức độ Dấn thân cuối cùng là dấn thân vì tôn giáo, dấn thân vì Thiên chúa, dấn thân vì Niềm tin của mình. Người ngoài bảo ta “mù quáng”, kẻ ngoại đạo bảo ta “ngu xuẩn”. Chỉ có ta, sống cô đơn và làm theo những gì Chúa bảo. Như những kẻ tử vì đạo (ngu xuẩn?), như Abraham (ông tổ của thiên chúa, do thái và đạo hồi) sẵn sàng giết chết con ruột của mình, đứa con ông yêu nhất (phi đạo đức?), nhưng họ đã vượt ra ngoài cảnh giới của tri thức, của lý luận và khoa học. Đó là triết lý hiện sinh hữu thần của Kierkegaard, với bài luận về triết lý này, ông đã đẩy khoa học và những người theo trường phái Biện chứng Hegel trở thành những kẻ đáng thương hại, không hiểu gì về những dấn thân cao đẹp nhất trong cuộc sống nhân sinh này. Chiến trường giữa tôn giáo và lý luận bỗng chốc mở rộng ra gấp trăm gấp ngàn lần khi bắt buộc cả hai phải quay lại nghiên cứu chính bản thân Con người, chứ không phải vũ trụ. Chiến thắng của khoa học trong suốt mấy trăm năm từ phục hưng tới thế kỷ 19 trở thành một chiến thắng nhỏ bé trên bàn cơ vây rộng lớn.
Mopheus sống đúng theo triết lý hữu thần đó. Ma trận trong phim là một ẩn dụ của khoa học và tri thức. Mopheus sẵn sàng hy sinh bản thân mình, thậm chí sẵn sàng hy sinh cuộc sống của tất cả những con người khác còn lại, để đặt niềm tin mù quáng vào Neo, vị chúa cứu thế mà Mopheus nghĩ. Mặc dù chỉ một mình Mopheus nghĩ vậy (hay sau này có thêm Trinity), ngay cả bản thân Neo cũng không tin vào mình, không nghĩ giống Mopheus, nhưng Mopheus luôn đi theo con đường mình lựa chọn. Những câu thoại của Mopheus trong phim đều là Hiện sinh hữu thần. “Anh phải chọn quay lại sống cuộc đời bình thường hoặc dấn thân vào cuộc sống khác mà tôi sẽ không nói trước gì hết” “Có sự khác nhau giữa biết được điểm cuối con đường và đi trên con đường đó” “Tôi tin vào sứ mệnh của mình”. Tôi không nhắc đến kết quả rực rỡ hay may mắn cho cái kết của niềm tin “đúng chỗ” của Mopheus (Happy ending chỉ giúp cho khán giả dễ nuốt hơn thôi, chứ đã Dấn thân rồi thì cần gì). Tôi chỉ lưu ý, trong suốt phim, Mopheus luôn là người bình thản nhất, tự tin và dám chịu trách nhiệm nhất, chưa bao giờ biết sợ hãi. Và một chi tiết nhỏ nhưng cực kỳ đắt giá, Mopheus sẵn sàng từ bỏ tình yêu của mình để đi tìm Chúa cứu thế, Mopheus quả thực là một nhà tu hành đắc đạo.
Neo – The One – Người Được Chọn
Đó là Hiện sinh hữu thần. Và Neo lại là một con người hiện sinh khác. Hiện sinh vô thần. Tại sao lại vô thần, vì Neo dấn thân mà chẳng tin vào cái gì hết, chỉ làm những việc Neo cho là mình phải làm và vượt ra ngoài tầm kiểm soát của mọi kịch bản, mọi chức danh, tín điều mà người ta áp đặt cho mình. Hành động khác đi và vượt lên, đó là những gì Neo làm.
Trở lại vấn đề lý thuyết và lịch sử triết học, thì ông tổ của Hiện sinh vô thần có lẽ là Nietzsche. Nietzsche xóa đi tôn giáo, không thiên chúa, không phật giáo, không gì cả. Thậm chí trong triết học và khoa học, ông cũng xóa sạch từ Scorates, Platon tới Hegel, xóa hết, bỏ hết, mạt sát hết. Nietzsche quay trở lại với khởi nguồn nguyên thủy của văn minh châu âu, đó là Thần thoại Hy lạp và những anh hùng ca của Hommes. Và từ đó ông bắt đầu xây dựng một nền triết học của mình, đi vào nghiên cứu con người chứ không đi tìm những câu trả lời cho vũ trụ.
Nietsche cho rằng con người đã bị tri thức nô dịch, những thứ tôn giáo Thiên chúa như Platon hay bách khoa toàn thư của Plan Aristot đưa ra và những người sau xây dựng lên chỉ có tính chất áp chế con người, làm cho những người thống trị chìm đắm trong mớ tri thức rởm, những kẻ bị trị thì ngập ngụa trong đạo đức để tự an ủi mình. Chỉ có trở lại với Thần thoại Hy lạp, nơi con người hoàn toàn tự do, ta mới có thể tìm được những giá trị chân thực của cuộc sống. THeo Nietszche, có 2 điều quan trọng nhất đối với con người, đó là Ý chí (biểu tượng bởi thần Appolons) và Chất say mê (Biểu tượng bởi thần rượu nho Dyonizos), Hành động theo 2 điều này mới thực sự là con người tự do và độc đáo. Xã hội đã đặt cho con người những giá trị luân lý và ép buộc ta sống chung trong đó. Hệ thống tri thức và luân lý đó, chính là Ma trận. Theo Nietzsche thì ý chí tự cường của con người sẽ giúp chúng ta đặt ta vào trung tâm của vũ trụ. Mọi vật khác trong vũ trụ sẽ nhận những giá trị do ta đặt ra chứ không phải nó tồn tại sẵn như thế. “Anh hãy dám là anh đi, đừng là con người mà người ta nghĩ về anh, hoặc con người mà người ta nghĩ anh phải trở thành, Deviens ce que tu es”.
Hãy xem Neo trong phim. Neo hoàn toàn là con người như vậy, Neo đã nhìn ra được thế giới chỉ là hư vô. “Không có cái thìa nào cả”. Từ chỗ là một người bình thường Neo trở thành Người được chọn, rồi sau đó Neo trở thành siêu nhân với uy lực tuyệt đối trong Ma trận và cả ngoài Ma trận. Vâng nhắc đến “siêu nhân” trong triết học, người ta nghĩ đến Nietszche ngay lập tức. Mức cao nhất của hiện sinh vô thần, tất nhiên không phải là chúa trời, đó phải là Siêu nhân.
Cũng như Kierkegaard, hiện sinh vô thần của Nietszche muốn con người vượt lên cái thông thường. Nhưng khác nhau ở chỗ, Kierkegaard xếp luân lý và tri thức ở mức độ thứ hai, ghi nhận một giá trị cho nó (như một anh hùng cao cả) thì Nietsche coi luân lý chỉ là thứ tầm thường, không xứng với Siêu nhân của ông. Vì vậy Mopheus không thể thắng được Smith (giới hạn của ma trận) do trong lòng vẫn còn coi trọng tri thức. Neo thì ngược lại đã chiến thắng mọi Smith vì Neo đã không coi Smith xứng đáng là một địch thủ. Để đạt được mức độ Siêu nhân đó, ý chí hùng cường của Appolon là chưa đủ, còn cần thêm đam mê, cảm hứng đến từ Dyonizos. Ta không chỉ ý chí mãnh liệt, ta còn phải độc đáo khác người,và tình yêu với Trinity đã cho Neo điều đó.
Neo được coi là Người được chọn, nhưng những Người được chọn trước đến một cấp độ Dấn thân nào đó lại trở về với vòng luẩn quẩn tầm thường, (và Ma trận tái lập), trừ Neo. Tình yêu đã cho biến Neo vượt lên tất cả những Người được chọn khác, một mức độ dấn thân khác siêu việt hơn. Với Nietzsche thì siêu nhân phải là sự tổng hợp của tinh thần lãng mạn và ý chí hùng tráng (Tinh yêu thì Nietzsche chịu ảnh hưởng của Schoenhauer).
Như vậy thông qua hai nhân vật Mopheus và Neo, hy vọng mọi người nhận rõ sự khác biệt của 2 trường phái hiện sinh, và đồng thời so sánh với cái Tầm thường của cuộc sống, của tri thức là Ma trận. Cả hai trường phái đều đả phá kịch liệt triết học Hegel và những dòng triết học trước đó, khi quá coi trọng lý luận và trải nghiệm. Chúng chính là ma trận mà con người chưa thoát ra được để nhận biết Tôi thực sự là ai. Và khi thoát ra, thì Tôi sẽ làm gì? Câu trả lời của Hiện sinh vẫn ở 2 chữ Chủ thể và Tự do.