Tuấn Lalarme

The Wind Will Carry Us – Khúc nhạc tụng ca cuộc sống

Cái khó nhất của người xem dành cho 1 bộ phim không có cốt truyện là sự tập trung. Khi không có cốt truyện, bạn sẽ chẳng biết bám víu vào đâu để theo dõi, giống như mắt bạn lạc trong một bức tranh không có điểm nhấn, nơi tác giả phóng tay vẽ với sự tự do, với rất nhiều chi tiết, là một bức tranh phong cảnh, và hơn thế, là 1 bức tranh đơn giản về cuộc sống con người trong thiên nhiên rộng lớn.

Một bộ phim như vậy không dành cho những người lười suy nghĩ, lười quan sát, luôn chỉ biết đặt câu hỏi tại sao mà không bao giờ chịu tự mình đi tìm câu trả lời bằng chính giác quan của mình. The Wind Will Carry Us là một bộ phim như vậy của đạo diễn Iran Abbas Kiarostami.

Như thể ông đang đọc bài thơ về cuộc sống qua hình ảnh, nơi có sự sống nảy mầm, cái chết chờ đợi, và xen giữa nó, giữa cái chết và mầm sống là hành trình của sự quan sát, “quan sát tự nhiên thì tốt hơn là ngồi chơi cờ hoặc chẳng làm gì hết” hay “Cái chết là điều tồi tệ nhất, một khi ta nhắm mắt lại trước vẻ đẹp tuyệt vời của thế giới này, điều đó có nghĩa là ta sẽ không bao giờ quay trở lại” dù

“Người ta nói cô ta đẹp như một tiên nữ trên thiên đường
Nhưng ta nói rằng vị ngọt của rượu vang thì ngon hơn
Những lời hứa hẹn không thể so sánh được với hiện thực” (tạm dịch)

Những cái cây đứng lẻ loi trên những ngọn đồi, những cánh đồng bất tận, một ngôi làng được tạc vào núi, những người phụ nữ cặm cụi những công việc thường nhật ở nhà khi người đàn ông đang làm việc trên đồng áng, thung lũng và những con đường tít tắp bụi bặm, những giọng nói hiếm khi được xuất hiện trước ống kính máy quay, chỉ có nhân vật chính, một anh kĩ sư, mà mỗi lần có điện thoại gọi đến lại tất cả chạy đến quảng trường của làng, lên chiếc oto của mình, vụng về phóng xe đến một ngọn đồi để bắt được sóng. Ở ngọn đồi đó, anh bắt gặp một người đàn ông đang đào hố, anh trò chuyện với người đàn ông đó, anh ta cũng chẳng bao giờ xuất hiện trực tiếp, chỉ có giọng nói hiện diện. Giọng nói, sự đại diện của con người trong tự nhiên, nhưng cũng chỉ là một phần của tự nhiên, một phần của muôn vàn giọng nói mà mỗi giống loài có cách thể hiện riêng cho giống loài của mình.

Có thật anh là kĩ sư không, hẳn là không phải khi ngay từ cảnh đầu phim, trong cuộc trò chuyện của anh và hai đồng nghiệp trên chiếc oto của mình, máy quay vẫn ở đâu đó xa tít so với chiếc oto, họ đến ngôi làng hẻo lánh có việc, và họ muốn giữ bí mật công việc của mình. Họ cứ tiếp tục giữ bí mật, camera chưa bao giờ tiết lộ khuôn mặt của hai đồng nghiệp của anh kĩ sư, như hầu hết những người đàn ông khác trong phim. Ống kính của Mahmoud Kalari đặc biệt ưu ái phụ nữ, và tự nhiên, hai vẻ đẹp của sự chịu đựng và khoan dung trong cuộc sống. Một cô gái trẻ làm việc dưới lòng đất sợ sệt, ít nói giúp vắt sữa bò cho anh kĩ sư, một bà vợ bán nước trà cho khách điều mà anh kĩ sư nhận xét rằng “chưa bao giờ tôi thấy phụ nữ phục vụ trà bao giờ”, “vậy ai phục vụ trà cho bố anh” bà ấy trả lời, một bà mẹ đang mang thai đứa thứ 10. Những thân phận đơn lẻ, trong một ngôi làng hoà trong tự nhiên. Một bài thơ ngợi ca vẻ đẹp tinh tế của cuộc sống.

Quan sát cần sự kiên nhẫn và tỉ mỉ. Một con rùa đi lạc trên đồi, một con bọ hung đang tha bữa ăn của mình, những cảnh chi tiết xen giữa những cảnh rộng mô tả một không gian ngút tầm nhìn, trong đó chiếc oto, xe máy, con người và những cái cây trở nên trơ trọi và nhỏ bé. Bộ phim mang trong mình những cảnh rời rạc, những câu chuyện không liên quan, nhưng chúng lại gắn kết với nhau bằng cuộc sống. Vẫn phong cách làm phim như bộ phim Taste of Cherry đã giành được Cảnh Cọ Vàng tại liên hoan phim Cannes, Abbas tiếp tục khai thác đề tài về cuộc sống của những người dân nông thôn Iran, những phong tục, những mảnh đời, và hơn tất cả và sự đơn giản, chân thành của cuộc sống, mà ở đó, ta bấu víu vào như những gì trong trẻo nhất còn lại mà lối sống thành thị không thể có được.

Thế giới đầy những hận thù và lừa dối, Iran là một trong những nước nằm trong vòng kềm toả đó. Nhưng sự hận thù và lừa dối ở cấp độ vĩ mộ không cho ta biết được người dân Iran là ai, Abbas thì có. Ông miêu tả những người dân của ông nhưng ta hoàn toàn có thể thấy họ chẳng khác gì những người nông dân Việt Nam, chân chất, lam lũ và hiếu khách. Họ không cuồng tín vào tôn giáo của mình, họ có cuộc sống đơn giản và chân thành. Chiếc máy quay gắn vào con đường mà anh kĩ sư đi, lời thoại gắn vào những cuộc trò chuyện của anh với mọi người, hoặc những gì anh nghe người khác nói. Anh kĩ sư là nhân vật chính, nhưng thực ra anh giống như một tờ giấy, mà bàn tay cần tì vào đấy để viết. Máy quay phim cần dựa vào anh để lột tả thế giới của Abbas. Một thế giới tuyệt đẹp được cấu thành bởi tự nhiên, phụ nữ, và tiếng nói loài người.

Exit mobile version