Tuấn Lalarme

Three Billboards outside Ebbing, Missouri – Lòng căm thù và sự khoan dung

“Đây là một bộ phim mà bạn không thể đoán được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, với đầy những cú twist làm bạn bật ngửa, xáo trộn mọi suy đoán trước đó của bạn, rồi sau đó để bạn lại với những suy nghĩ về tình cảm giữa con người với nhau trong cuộc sống này…”

Hài đen (Black comedy) là một thể loại rất khó làm phim, vì xây dựng một câu đùa với chủ đề cấm kỵ làm sao cho nó vừa gây cười lại vừa khéo léo để nó không gây phản cảm là một nghệ thuật không phải ai cũng làm được. Hơn nữa, xây dựng một bộ phim làm sao cho nó vừa giữ được cái tinh túy của hài đen, lại vừa giữ được tính nguyên bản của tác phẩm, đồng thời thể hiện được tính gai góc của chủ đề phim nhưng vẫn làm khán giả động lòng vì tình người, đó là cả một công trình. Tuy nhiên có vẻ như Martin McDonagh đã làm chủ được nghệ thuật này và ngày càng hoàn thiện nó, với sự tiến bộ rõ rệt qua In Bruges, Seven Psychopaths, và đã xây dựng thành công công trình tuyệt tác của mình qua bộ phim mới nhất của ông: Three billboards outside Ebbing, Missouri.

Câu chuyện kể về hành trình đòi lại công lý cho cô con gái bị cưỡng hiếp trong lúc đang hấp hối của Mildred Hayes (Frances McDormand). 7 tháng sau khi tội ác diễn ra, phòng cảnh sát Ebbing vẫn không có manh mối gì về hung thủ, quá chán ngán với tình cảnh không lối thoát này, Mildred, trong một lần lái xe về nhà qua ba chiếc biển quảng cáo đổ nát đã hơn 30 năm không ai thuê, đã nảy ra sáng kiến dùng chúng để thuật lại tội ác đã diễn ra và đồng thời buộc tội phòng cảnh sát đã tắc trách, không làm hết sức mình, đặc biệt là chỉ đích danh cảnh sát trưởng Willoughby (Woody Harrelson).

Sẽ không có gì đáng nói nếu Willoughby thật sự là một cảnh sát tệ hại, lười biếng, đáng phải chịu những lời buộc tội của Mildred, đằng này ta lại được thấy một con người đầy trách nhiệm, một người đàn ông của gia đình, thương yêu vợ con hết mực, một cảnh sát trưởng đầy tình cảm, luôn tin vào tiềm năng của nhân viên mình dù họ đang lạc lối. Chính ông cũng đã đến tận nhà Mildred để chịu trách nhiệm về việc không thể điều tra được vụ án, vì DNA không hề trùng với bất cứ mẫu DNA nào thu được từ tất cả các vụ án trước đó, trên cả nước, lại không hề có một nhân chứng nào thấy cô con gái Angela Hayes (Kathryn Newton) từ lúc ra khỏi nhà đến lúc gặp nạn, cuộc điều tra đơn giản là không thể tiến hành do không có manh mối. Nhưng dù lý lẽ có thuyết phục đến mấy thì  bà mẹ tuyệt vọng kia vẫn không bỏ ý định đòi lại công lý cho con gái của mình, một bà mẹ đầy tình cảm nhưng đã chịu quá nhiều tổn thương, làm tâm hồn bà trở nên trơ cứng, đến nỗi mọi hành động của bà sau này đều nhắm tới mục đích cuối cùng là trả thù cho cô con gái, mặc kệ cái giá phải trả, mặc kệ sự đúng sai của hành động bà làm, mặc kệ những hành động đó có ảnh hưởng tới bao nhiêu người, và mặc kệ việc Willoughby chỉ còn sống được 6 tháng nữa do ung thư tuyến tụy.

Có thể nói Three billboards là một tác phẩm lấy chủ đề trả thù, tuy nhiên tính nhân văn và tình người mới là yếu tố quan trọng nhất của phim. Tình người được thể hiện trong cách anh chàng Red (Caleb Landry Jones) cho thuê biển quảng cáo hết mực bảo vệ Mildred dù phải đối đầu với cảnh sát, trong việc những người dân thị trấn Ebbing mặc dù rất thương cảm cho Angela và Mildred nhưng vẫn ủng hộ cảnh sát trưởng Willoughby vì họ cảm thấy việc chỉ đích danh một người tốt như ông trong việc này là quá không công bằng… Bạn có thể bắt gặp tính nhân văn trong bất cứ trường đoạn nào của phim, như việc một nạn nhân lại sẵn sàng chia sẻ thức ăn của mình cho người tấn công mình khi người đó gặp hoạn nạn, việc một người bạn giúp Mildred trả tiền thuê biển quảng cáo giùm khi bà gặp khó khăn, ánh mắt lo lắng, cử chỉ ân cần của Mildred khi Willoughby ho, mặc dù trước đó họ vẫn đang cãi vã, và trên hết là hành trình đền tội đầy máu, nước mắt, sự hi sinh nhưng cũng đầy tiếc nuối của nhân vật hay nhất phim.

Đây là một bộ phim mà bạn không thể đoán được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, với đầy những cú twist làm bạn bật ngửa, xáo trộn mọi suy đoán trước đó của bạn, rồi sau đó để bạn lại với những suy nghĩ về tình cảm giữa con người với nhau trong cuộc sống này, khi mà tất cả những nhân vật trong phim đều cho ta cảm giác là họ có thật, những suy nghĩ và tình cảm của họ tồn tại, nên ta rất dễ cảm thông cho những hành động của họ, dù chúng là đúng hay sai theo chuẩn mực thông thường, nhất là khi ta có thể cảm nhận được sự giận dữ của họ. Tuy nhiên, như một nhân vật trong phim đã nói “Anger begets greater anger”, sự giận dữ không phải là câu trả lời, sự giận dữ tồn tại trong rất nhiều nhân vật trong phim, và nó ngày càng lớn lên với từng hành động xuất phát từ lòng căm giận, như ngọn lửa lan ra trong khu rừng cằn cỗi thiếu tình thương, cho đến khi cảnh sát trưởng Willoughby dập tắt nó bằng những lời khuyên răn chân thành, gieo mầm cho khu vườn tình người được nảy nở, từ đó, phim chuyển hẳn sang một hướng khác, một con đường đầy sự tha thứ và bao dung, với sự dẫn lối của tình thương giữa con người với nhau.

Tất cả những điều trên sẽ không thể được thể hiện đầy đủ nếu dàn diễn viên không có thực lực. Rất may, Martin McDonagh rõ ràng là một đạo diễn rất cứng tay trong việc casting và chỉ đạo diễn xuất (cũng như viết kịch bản) như đã thấy trong In Bruges và Seven Psychopaths. Sau khi xem phim, không thể nào tưởng tượng một diễn viên khác có thể đóng được vai Mildred như Frances McDormand, à không, phải gọi là vai Mildred được viết ra là để cho Frances, với ánh mắt biết nói và gương mặt, phong thái sắt đá của một bà mẹ mất con, đặc biệt khi bà vào phòng con gái và nhớ về đoạn nói chuyện cuối cùng của hai mẹ con, cũng như vai Dixon là dành cho Sam Rockwell, đỉnh cao là một cú longshot đầy cảm xúc ở giữa phim, xứng đáng với đề cử Oscar năm nay, đặc biệt không thể không nhắc đến Woody Harrelson, bằng phong thái chân chất và giọng miền nam đặc trưng, đã lột tả được một cảnh sát trưởng Willoughby tận tụy, yêu vợ thương con, một con người đầy tình nghĩa với những lời khuyên chí lý.

Đây có lẽ là một trong những bộ phim hài đen hiếm hoi mà khán giả có thể cười trong khi sự xót thương đang dâng trào, với những lời thoại được viết tỉ mỉ, rất hợp nhân vật và tình huống. Đặc biệt nhạc trong những trường đoạn quan trọng của phim nâng tầm chúng đến một ngưỡng mới, chạm đến một tầng cảm xúc khác trong ta, làm ta như sống cùng nhân vật, trong khoảnh khắc đó. Với bộ phim này thì Martin McDonagh đã ghi tên mình vào danh sách những đạo diễn xuất sắc nhất trong dòng phim black comedy, với hàng loạt đề cử Oscar, chỉ tiếc là trong đó không có đề cử cho đạo diễn xuất sắc nhất (tuy nhiên với ông thì có lẽ đề cử kịch bản gốc xuất sắc nhất cũng tương đương).

Năm nay có lẽ là một trong những mùa Oscar khó đoán nhất, với hàng loạt tác phẩm xuất sắc như Three billboards outside Ebbing, Missouri, Call me by your name, Dunkirk, Lady Bird, The Shape of Water và sự có mặt bất ngờ của Get Out. Tác phẩm nào cũng xứng đáng đoạt tượng vàng, tuy nhiên với những yếu tố đã nêu ra trong bài viết, ta hoàn toàn có thể hi vọng vào một chiến thắng của Three Billboards, giúp Martin McDonagh có được tượng vàng chính kịch đầu tiên của mình, điều ông thật sự xứng đáng sau những nỗ lực từ In Bruges, Seven Psychopaths và cuối cùng là tuyệt phẩm Three billboards outside Ebbing, Missouri.

Exit mobile version