Chuyến Tàu Đến Busan (Train To Busan) là một bộ phim có kịch bản thú vị, mang đậm phong cách Mỹ. Chính vì thế, nếu chuyến tàu đến Busan được kể bằng giọng kể của người Mỹ, với chất drama của người Hàn được giảm bớt, thì hẳn, bộ phim sẽ thành công hơn rất nhiều, chứ không dừng lại ở mức độ giải trí, thoả mãn về mặt hình ảnh và khía cạnh giải trí tạo cảm giác căng thẳng hồi hộp cho khán giả, như cách Train To Busan của đạo diễn Yeon Sang-ho đã thể hiện trên màn ảnh rộng.
Đề tài về Zombie không mới, đặc biệt trong thập niên gần đây, nó đã được Hollywood khác thác triệt để, ở mọi khía cạnh để mô tả như một hiện thực nhãn tiền, một ngày tận thế tới gần đối với xã hội loài người, khi những nghiên cứu về y sinh đang ngày càng đạt tới những tiến bộ mới, song hành với đó là những mạo hiểm mà loài người phải đối mặt khi những virus bị biến thể, những căn bệnh mới phát sinh vô phương cứu chữa. Zombie chính vì thế, là lời cảnh báo cho sự an toàn của xã hội hậu hiện đại. Đại dịch đó, nói một cách hình tượng đã được đạo diễn Yeon Sang-ho mang đến Hàn Quốc. Bộ phim là hành trình chạy trốn khỏi zombie của một nhóm người trên một chuyến tàu định mệnh.
Câu chuyện bắt đầu bằng những hình ảnh thân thuộc, của cuộc sống hiện đại, một người cha (Yoo Gong) vì quá mải mê công việc mà không thực sự có thời gian chăm sóc đứa con gái của mình (Yoo Gong). Đến ngày sinh nhật cô bé, nó muốn lên Busan chơi với mẹ – người đã ly thân với Yoo Gong. Yoo Gong sau khi thấy con gái mình buồn bã đã đồng ý đưa con gái lên Busan bằng chuyến tàu sớm. Trong sự bình yên là những dấu hiệu bắt đầu của một thảm hoạ sắp xảy đến, mà những nhân vật trong phim chưa nhận thức được. Căn bệnh zombie ùa đến như dòng thác, mà đạo diễn Yeon Sang-ho chưa bao giờ có chủ định giải thích nguồn gốc trong suốt cả bộ phim, do đó, trên chuyến tàu đến Busan, những hành khách của chuyến tàu, và bản thân khán giả xem phim hoàn toàn không biết trước điều gì sẽ xảy ra. Cho đến khi, điểm kịch tính bắt đầu, một cô gái bị thương, đau đớn, thổn thức lao lên tàu, trong sự lơ đãng của nhân viên trong tàu. Chuyến tàu đóng cửa, hình ảnh chậm lại, âm thanh nổi bật, và góc máy cận cảnh tạo cho bầu không khí bình yên, một sự đe doạ rõ ràng, một chuyến tàu nằm ở tâm bão, mà sự bình an chỉ là bề mặt giảo trá của cuộc đời.
Bộ phim là hành trình biến một người cha ích kỉ trở thành một người cha anh hùng trong mắt đứa con gái. Yoo Gong, mang hình ảnh ẩn dụ trong lối sống hiện đại, khép kín và ích kỉ, mang nặng chủ nghĩa cá nhân, không quan tâm đến người khác nếu bản thân chưa thoải mái. Yoo Gong mang cách sống đó dạy cho con gái mình. Nó ghi ngại, bối rối với cách dạy của người cha, vốn quá ham mê công việc mà không chăm sóc được cho nó. Yoo Gong sẵn sàng hy sinh người khác để bản thân và con gái được an toàn. Một hình mẫu điển hình, một chân dung mang dáng dấp thời đại, một nhân vật khiến người xem phải tự đặt mình vào hoàn cảnh đó để tự soi xét. Sự va chạm, và những khổ ải mà Yoo Gong gặp trên chuyến tàu định mệnh đã giúp anh dần dần thay đổi con người mình. Yoo Gong biết hợp tác với người khác, biết giúp đỡ người khác, biết nương vào người khác để cùng nhau sống. Đấy chính là điểm sáng của bộ phim, nó khiến sự biến đổi trong thái độ sống của Yoo Gong trở nên tự nhiên và hợp lý.
Bên cạnh Yoo Gong và con gái, là những chân dung khác, trong đó, vai phản diện dành cho một doanh nhân thành đạt, kẻ bất chấp tất cả, sẵn sàng đạp qua mọi thứ để sống sót. Một cách tự nhiên, chuyến tàu đến Busan, giống như cách Snowpiercer của đạo diễn Bong Joon-ho mang những ẩn dụ về bản năng của con người, bộ phim mang đến cho ta sự đe doạ không chỉ từ những xác sống, mà từ chính người sống, những kẻ sẵn sàng từ bỏ nhân tính của mình.
Đơn giản, chân thực, với những góc máy cận và trung cảnh nhầm đặc tả nỗi khiếp sợ, sự khủng khiếp, và sự hoảng loạn của những người sống ở bên bờ vực của tận thế. Nhưng có lẽ, với đặc điểm nổi bật của điện ảnh Hàn là tìm mọi cách kéo rút cảm xúc của khán giả, nên những góc máy vì thế bị lạm dụng cảnh cận khuôn mặt của nạn nhân, hòng lấy nước mắt của khán giả. Chính vì thế, đôi khi kịch tính bị làm quá, khiến cảm xúc của khán giả bị bão hoà đi rất nhiều.
Bộ phim có kịch bản hấp dẫn và kịch tính, những trường đoạn hành động được xây dựng chỉn chu và thông minh, tiết tấu diễn ra nhanh để lại nhiều ấn tượng. Đặc biệt là cách xây dựng hình ảnh zombie có thể di chuyển nhanh, và điên cuồng hoàn toàn khác với những zombie chậm chạp và vô tri của người Mỹ.Nhưng xen giữa đó là những đoạn nghỉ bị kéo dài mang lại cảm giác thừa dễ khiến khán giả bị chán.
Chuyến tàu Busan vì thế mang được chất giải trí, có những đoạn giàu cảm xúc, nhưng bộ phim không được trọn vẹn vì những cảnh thừa, gây chững lại nhịp hưng phấn của khán giả, cắt đứt một cách “vô duyên” cái cảm giác được hoá thân thành nhân vật của người xem. Chính thể, Train To Busan dừng lại ở việc quan sát, mà không tạo được cảm giác nhập vai với những cảm xúc thật, sợ hãi và hồi hộp, điều sẽ khiến cho 1 bộ phim hành động thực sự trở nên hoàn hảo.