Ra đời vào năm 2010, tác phẩm điện ảnh bom tấn Inception của Christopher Nolan không chỉ khiến người hâm mộ điện ảnh thích thú, bị mê hoặc bởi một câu chuyện gốc ấn tượng, thông minh, nó còn để lại một dư âm suốt từng đấy năm trời vì một cái kết lửng lơ. Biết bao nhiêu giả thuyết được đưa ra để lý giải kết cục của bộ phim, của cuộc đời nhân vật. Nhưng giả thuyết thì mãi mãi chỉ là giả thuyết nếu như tác giả của nó không lên tiếng. Nolan đã im lặng cho đến hôm nay, nhà làm phim người Anh đã đưa ra câu trả lời.
Inception là một bộ phim bom tấn hành động giả tưởng về một thế giới, nơi một số người có khả năng thâm nhập vào giấc mơ của người khác để tim cách lấy những thông tin bí mật mà người đó giấu, và ở một cấp độ cao hơn, những người kiến tạo giấc mơ có khả năng cấy vào đầu óc người khác một ý niệm để thay đổi thức tế khiến người ta sẽ hành động theo ý đồ của mình. Với kịch bản gốc đầy sáng tạo, thông minh, câu chuyện hấp dẫn và dàn diễn viên tuyệt vời trong đó bao gồm cả Leonardo Di Caprio, Marion Cottilard, bộ phim thực sự là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc ở cả khía cạnh giải trí, cũng như khía cạnh thử thách khả năng tư duy của mỗi người để hiểu được vấn đề.
Nhân vật chính là Dom Cobb, một kẻ trộm đặc biệt, có khả năng đi vào giấc mơ người khác để trích xuất được những thông tin bí mật mà người bị ăn cắp giấc mơ cất giấu. Chính vì lẽ đó Cobb bị truy nã tại Mỹ, anh không thể trở về nhà để gặp gỡ hai đứa con gái của mình, trong lúc đó thì vợ anh cũng là cộng sự đã chết. Công việc của Cobb là một công việc nguy hiểm, nếu không cẩn thận, anh rất dễ rơi vào hôn mê, và bị lạc trong cõi mộng không thể thoát ra được. Chính vì lẽ đó, những người như Cobb cần có 1 totem riêng mà chỉ bản thân mình biết về hình dạng, trọng lượng, và cài vào đó 1 ý niệm của thực tại. Totem của Cobb là một con quay nhỏ. Để biết mình đang ở trong giấc mơ hay đang ở hiện tại, Cobb chỉ cần quay totem của mình, nếu nó không dừng lại có nghĩa là anh đang ở trong giấc mơ, còn nếu nó đổ tức là anh đang ở hiện thưc.
Một doanh nhân Nhật Bản Saito (Ken Watanabe) đã đề nghị anh thực hiện một phi vụ vô cùng khó và nguy hiểm, bù lại, anh sẽ được ân xá và có thể quay trở về Mỹ với những đứa con của mình. Cobb nhận lời. Và ở cảnh quay cuối cùng, dường như anh đã thành công trong phi vụ cuối cùng của mình. Anh về được Mỹ. Và để chắc chắn với hiện thực không tưởng mà anh đang nắm giữ, anh bắt đầu quay totem của mình.
Dù phim nào của Nolan cũng để lại ít nhiều câu hỏi, với những cái kết lấp lửng và khó hiểu, nhưng không bộ phim nào để lại sự hoài nghi dai dẳng và những tranh cãi kịch liệt như Inception. Người ta tự hỏi liệu ở cảnh cuối cùng, totem của Cobb có dừng lại hay sẽ quay mãi mãi, vì sau khi quay totem, anh không nhìn vào nó, mà quay người về những đứa trẻ, hạnh phúc khi chúng chạy đến với mình.
Sau 5 năm, với rất nhiều lý giải từ người hâm mộ, Nolan cuối cùng đã trả lời. Đấy không phải là một câu trả lời khẳng định. Đó là một dạng lý thuyết, một quan điểm sống, mà Nolan muốn áp dụng không chỉ cho bộ phim này mà còn đối với những sinh viên mà ông đã phát biểu tại đại học Princeton.
“Theo cách mà kết thúc bộ phim đã chỉ ra, nhân vật của Leonardo DiCaprio, Cobb đã quay lại với những đứa con của mình, anh ta đã ở trong thực tại chủ quan của bản thân anh ta. Anh ra không thực sự quan tâm đến điều gì nữa, điều đó đưa ra tuyên bố rằng: Tất cả cấp độ của thực tại đều có giá trị”.
Nolan đã phát biểu như vậy. Điều đó có nghĩa là, không quan trọng thực tế của chúng ta như nào, chúng ta nhìn Nolan và thấy anh ở trong giấc mơ hay không, điều quan trọng là Cobb đã hạnh phúc trong thực tại của bản thân anh ta. Đấy là tất cả những gì chúng ta cần biết. Cuộc đời của Cobb không thuộc về cuộc đời của ai, nó thuộc về bản thân anh ta, để anh ta có toàn quyển thiết kế chính thực tại cho mình.
Nolan đã nhìn cái kết ở điểm nhìn chủ quan của Cobb, chứ không phải ở điểm nhìn chủ quan của ông. Một câu trả lời khôn khéo để ông dẫn nhập tiếp vào những phát biểu của mình trước những sinh viên của trường Princeton:
“Tôi cảm thấy rằng, qua thời gian, chúng ta bắt đầu nhìn thực tại của mình giống như một người em họ nghèo nàn so với những giấc mơ của ta. Tôi muốn chứng minh cho các bạn rằng những giấc mơ của chúng ta, những hiện thực thực tế, những điều rút ra được mà chúng ta thích thú và bao trùm xung quanh của sống của chính chúng ta mới chính là những thành tố của thực tại.”
Và điều đó chứng minh cho quan điểm của ông dành cho sinh viên:
“Theo truyền thống thì những bài phát biểu như này (trước những em sinh viên chưa tốt nghiệp), nói chung, mọi người sẽ nói đại loại rằng “Hãy theo đuổi giấc mơ của bạn, nhưng tôi không muốn nói với các bạn điều đó vì tôi không tin vậy. Tôi muốn các bạn hãy theo đuổi thực tại.”
Một ý tưởng rất rõ ràng phân biệt những ước mơ viển vông, và những ước mong nằm trong tầm tay của mình. Hay nó cách khác, Nolan đã dùng chính cái kết của Inception để biện giải cho một quan niệm sống về sự độc lập của mỗi cá nhân, nơi thực tế của mỗi người mới thực sự quan trọng đối với bản thân người đó chứ không phải bởi bất kì ai khác. Đối với người xem, Cobb đang mơ hay đang ở thực tại không thực sự quan trọng nữa. Vấn đề nằm ở những gì Cobb có thể sờ nắm và cảm nhận được. Vấn đề nằm ở mỗi cá nhân chúng ta, hiểu được thực tế của mình, và tạo ra được những mong muốn nằm trong tầm tay và theo đuổi nó, chứ không phải theo đuổi một giấc mơ viển vông, hay mơ màng về một hiện thực của người khác.
Sau 5 năm, ông đã lên tiếng, bằng sự khôn ngoan, sự lý giải của Nolan mang đến nhiều ý nghĩa hơn là một lời khẳng định Đen và Trắng. Cuộc sống nhiều màu sắc, và có nhiều điểm nhìn, cuộc sống là sự chủ quan của đầu óc. Nên nhìn vào khía cạnh tích cực, Cobb đã hạnh phúc. Tại sao chúng ta lại đi lo anh ấy đang không ở thực tại, trong khi, Cobb đâu còn quan tâm nữa. Anh đã không cần nhìn totem của mình. Nó trở nên vô nghĩa với hiện thực chủ quan mà anh đang có, nếu anh không nắm lấy, há chẳng phải anh đang bỏ rơi chính hiện thực của mình sao.