Alfred Hitchcock là nhà làm phim bậc thầy của thể loại trinh thám, rùng rợn. Các phim của ông đều biết cách sử dụng tối đa ánh sáng và âm thanh để tăng độ bí ẩn, mờ ám cho không khí của câu chuyện. Với Vertigo năm 1958, Hitchcock lại tiến xa thêm một bước nữa khi phát minh ra kỹ thuật quay mang tính cách tân “Dolly zoom” và hàng loạt các tư tưởng đột phá khác. Dù vấp phải nhiều ý kiến trái chiều về bố cục và cách kể chuyện nhưng có lẽ, cùng với sự kiểm định của thời gian, giới quan sát cũng hiểu ra rằng: Vertigo không chỉ đơn thuần là một bộ phim ly kỳ rùng rợn, mà hơn thế, nó còn là một bộ phim về phận đời con người.

Bộ phim kể về John “Scottie” Ferguson, một thanh tra cảnh sát vì gặp phải một biến cố trong quá trình truy bắt tội phạm mà trở nên bị ám ảnh với độ cao. Triệu chứng tâm lý này khiến anh phải rời ngành cảnh sát và chuyển ra ngoài làm thám tử tư. Scottie sống cuộc sống chán nản với cái chân đau cho đến khi Gavin – bạn của anh đưa ra một lời đề nghị quái lạ. Đó là đi điều tra Madeleine – vợ của Gavin, người mà anh miêu tả là có những biểu hiện quái lạ của việc dính một lời nguyền cổ xưa trong gia tộc. Scottie miễn cưỡng đồng ý và trong quá trình điều tra, vẻ đẹp ma mị nhưng đầy mê hoặc của Madeleine đã cuốn anh vào một cuộc rượt đuổi đầy say đắm của tình yêu và những nỗi ám ảnh.

Hitchcock là người đặc biệt kỹ tính với các diễn viên nữ. Ông luôn đòi hỏi cao về mặt ngoại hình của các diễn viên. Các nhân vật nữ trong phim của ông thường có nhân dạng và tính cách giống nhau: tóc vàng(biểu tượng quyến rũ thời bấy giờ), khuôn mặt lạnh lùng và xa cách, luôn luôn bị đóng khung trong các bộ đồ thời trang như thể đó là một loại ái vật (fetish). Mẫu phụ nữ này được nhiều người cho rằng chính là hình ảnh mẹ của Hitchcok ngày xưa khi ông còn nhỏ. Ngoài ra, những người phụ nữ của Hitchcock luôn đóng vai trò là người cung phụng cho nam chính, nuông chiều họ, săn sóc họ, đặt họ lên cao hơn bản thân mình. Các nhân vật nam cũng thường là những người đàn ông bảnh bao, dí dỏm nhưng mắc phải một khuyết tật nào đó trong ý chí hoặc thân thể.

Madeleine sau khi được Scottie cứu mạng thì đã thầm phải lòng anh. Sự ấm áp, ân cần của Scottie dần dần làm lay động lớp vỏ lạnh lùng mà cô mang bên ngoài. Tuy nhiên, cô không thể đáp lại tình yêu đó bởi vì cô không có thật. Hay nói cách khác, cô chỉ là bản sao giả dối của Madeleine thật – người mà đã bị Gavin giết để chiếm quyền thừa kế. Danh tính thật của cô là Judy, một nữ diễn viên trẻ được thuê để đóng giả làm Madeleine nhằm lôi kéo Scottie vào làm nhân chứng cho một vụ giết người có chủ đích. Lòng tốt và sự ấm áp của Scottie dần khiến cô trở nên yếu mềm và cảm thấy tội lỗi với những gì mình đang làm. Và điều này đã trở thành một bi kịch đầy trớ trêu cho cả 2 con người đáng thương.

Từng vào vai Madeleine để phục tùng mệnh lệnh của Gavin, Judy lại một lần nữa diễn vai này vì Scottie – gã đàn ông đáng thương không quên nổi tình cũ. Cô để mặc cho Scottie nhào nặn vẻ ngoài của mình như nhào nặn một thứ đất sét trong điện thờ nữ thần trong giấc mơ của anh ta, chấp nhận làm mất mình chỉ để làm hài lòng người mình yêu. Từ nô lệ của tiền, cô chuyển sang làm nô lệ của tình yêu. Cả 2 đều ngang trái và bi kịch như nhau.

4 con người trong câu chuyện: Gavin – chủ mưu, Scott – người thứ 3 ngay tình, Judi – kẻ tòng phạm và Madeleine – nạn nhân/ cái bóng được tạo nên chỉ để lừa gạt Scott. Cả 4 người đều là nô lệ cho một ham muốn nào đó của người kia và tham vọng của người này là nỗi đau cho kẻ khác. Một vòng xoáy dục vọng khiến ta liên tưởng đến hình ảnh chữ “Vạn” (卐)trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhật Bản Tanizaki. Trong đó, Scott và Judi cùng làm con mồi bị mắc trên mạng nhện của tình yêu và để cho bản thân bị bóng ma Madelein nuốt chửng. Dù biết được điều gì sẽ diễn ra nhưng không thể vẫy vùng thoát ra được bởi vì mạng nhện này được dệt lên bởi chính niềm cuồng say trong tâm hồn họ.

Cảnh Scott ôm Judy khi cô bước ra dưới hình hài của Madelein, mọi thứ xung quanh bỗng dưng di chuyển và đi thành một vòng tròn từ quá khứ rồi về lại hiện tại. Thực tại và nỗi buồn bị đẩy phăng ra trong chốc lát. Đó là khoảnh khắc mà Scott tưởng như mình đã có lại được hạnh phúc ở trong tay. Rằng nếu muốn mình có thể tái tạo lại nó, nhào nặn nó ở trong tay. Đây là cảnh quay bộc lộ sâu xa nhất về con người Hitchcock và về nỗi ám ảnh của ông với việc tái hiện lại một mẫu người phụ nữ trong suốt các tác phẩm của mình. Không biết có phải trùng hợp không khi Madelein cũng là tên của một loại bánh quy Pháp trong “phút giây của Proust” – một trường đoạn trứ danh trong tiểu thuyết mà văn hào Marcel Proust mô tả là khiến cho nỗi hoài nhớ tuổi thơ tràn về trong ý thức.

Hitchcock không chỉ ngẫu nhiên được coi là bậc thầy phim rùng rợn. Các bộ phim của ông, dù có dù không yếu tố siêu nhiên trong cốt truyện thì vẫn khiến cho người xem có cảm giác của một câu chuyện ma ám. Ma ám hay nhập thần không nhất thiết phải là sự của linh hồn của kẻ đã chết mà có thể là của chính người còn đang sống. Việc ý chí và ham muốn của kẻ này chuyển sang kẻ khác thường xuyên hiện hữu trong thế giới của Hitchcock. Chẳng hạn như bà quản gia trong Rebecca hay gã sát nhân tâm thần Bateman trong Psycho. Với Vertigo, Scott đã bị “bóng ma” của Madelein – không phải của người sống, cũng không phải của người chết mà đơn giản là của một người không tồn tại ám ảnh, đưa anh vào cơn chóng mặt (Vertigo) tột độ trong cú ngã vào tình yêu (Fall in love).  Tình yêu trong phim có vai trò như thỏi nam châm lớn kéo tuột tất cả mọi thứ xuống như trọng trường của trái đất. Khái niệm “ngã” cũng hiện lên khi Hitchcock sắp xếp cho chiếc xe của Scott luôn luôn đi xuống đồi San Fransico chứ không phải là đi lên.

Trong số dàn mỹ nhân đang xếp hàng để đóng phim cho Hitchcock thời bấy giờ, Kim Novak tỏ ra phù hợp với vai này nhất bởi sự mỏng manh, e thẹn. Ngay cả khi đang là một Madeleine giả thì sự mềm yếu, hoang hoải vẫn rất rõ nét thông qua những cái nhìn thăm thẳm về phía vô định thông qua góc nhìn nghiêng của Kim Novak. Ánh sáng và màu sắc trong phim cũng tích cực hỗ trợ Kim. Cảnh Judy ngồi trước cửa sổ với luồng sáng xanh xám hắt vào nửa khuôn mặt thể hiện sự giằng xé đầy mâu thuẫn trong thâm tâm cô gái trẻ.

Bạn diễn của cô, James Stewart trong vai Scottie cũng làm tốt nhiệm vụ của mình. James thể hiện được một người đàn ông mang trong mình các nỗi ám ảnh là như thế nào. Phân đoạn đáng nhớ nhất của anh có lẽ là giấc mơ siêu thực khi Scott lạc vào mê cung của các hiện vật đến từ ký ức với bản nhạc nền nổi lên sởn gai ốc. Màu sắc và âm thanh dưới bàn tay thiện xảo của Hitchcock không chỉ là thứ hỗ trợ nữa mà trở thành một phần của câu chuyện, một ngôn ngữ đặc biệt của riêng bộ phim.

Cũng như các bộ phim kinh dị nổi tiếng khác của Hitchcock, Vertigo mang trong mình nhiều yếu tố quen thuộc như tội ác, dã tâm và sự hiện hữu của quả báo. Ngoài ra, sự lãng mạn và đau buồn trong không khí bộ phim cũng khiến Vertigo trở nên đáng nhớ hơn rất nhiều. Năm 2012, Vertigo đã xuất sắc vượt lên Citizen Kane của Orson Welles để giành vị trí số 1 trong cuộc bình chọn bộ phim xuất sắc nhất mọi thời đại do tạp chí Sight and Sound của Viện Điện ảnh Anh Quốc khảo sát, trở thành một bộ phim phải xem đối với bất kể ai là tín đồ của điện ảnh.

Comment