Khi Amy Adams cầm tấm biển có viết chữ Human (loài người) để giơ ra trước những sinh vật ngoài hành tinh để chỉ bản thân mình, ta có thể cảm nhận được con người đã cô độc như nào trong sự tồn tại của mình. Bộ phim Arrival của đạo diễn Denis Villeneuve như một tác phẩm phát triển từ bộ phim kinh điển Close Encounters of the Third Kind của đạo diễn Steven Speilberg, mà ở đó, Arrival lồng vào câu chuyện khoa học viễn tưởng về người ngoài hành tinh đến trái đất khiến con người tò mò và ngỡ ngàng để nói về chủ nghĩa hiện sinh, về tháp Babel nơi con người không thể thấu hiểu nhau và huỷ hoại tất cả. Arrival chính vì thế, mang một thông điệp giàu tính triết học về ý nghĩa của cuộc sống loài người.
Trong tác phẩm Close Encouter of the Third Kind, những nhà khoa học ngỡ ngàng trước những phát hiện chỉ dấu về những sự xuất hiện kì lạ, khi đó một nhà khoa học điều tra và sử dụng những nốt nhạc để giao tiếp với người ngoài hành tinh. Cũng với một chủ đề tương tự, đạo diễn Denis Villeneuve với kịch bản của Eric Heisserer được phát triển từ truyện ngắn Story Of Your Life của nhà văn Ted Chiang đã xây dựng một bộ phim tinh tế và chặt chẽ về sự cô đơn của con người không chỉ trong vũ trụ bao la, mà cô đơn trong chính cuộc đời mình, khi có những điều đã xảy ra và không bao giờ có thể lấy lại được.
Treo lơ lửng tại nhiều nơi trên thế giới một cách tuỳ ý, 12 phi thuyền khổng lồ treo lơ lửng trên không trung như một mối đe doạ dù cho từ trong phi thuyền đó không có bất kì phản ứng thù địch nào thể hiện ra bên ngoài. Chúng chỉ lơ lửng ở đó, như đang chờ đợi một sự đổ bộ, loài người nghĩ vậy. Họ sợ những gì họ không hiểu, chính phủ sơ tán và cô lập khu vực có phi thuyền ngoài hành tinh, sẵn sàng quân đội để chiến đấu nếu có bất kì dấu hiệu bất thường xảy ra. Họ muốn biết những vị khách không mời mà đến đó, đến Trái Đất với mục đích gì và họ từ đâu đến? Câu chuyện tập trung vào một chiếc phi thuyền treo lơ lửng tại một vùng hoang mạc của Mỹ (gợi nhắc nhiều đến địa điểm mà chiếc phi thuyền dừng lại trong phim của Steven Speilberg cũng trên hoang mạc và cách biệt với khu vực đông dân cư). Những biện pháp an ninh được sử dụng bao gồm phòng độc, tránh nhiễm phóng xạ, và vũ khí luôn sẵn sàng chiến đấu. Lúc này tiến sĩ ngôn ngữ Louise Banks (Amy Adams) được chính phủ mời đến để thông dịch lại thông điệp của người ngoài hành tinh. Louise Banks kết hợp với tiến sĩ vật lý lý thuyết Ian Donnelly (Jeremy Renner) bắt đầu quá trình của mình, tìm kiếm bí mật của 12 chiếc phi thuyền bí mật.
Đan xen với những cảnh quay riêng rẽ về cuộc sống cá nhân của Louise Banks, bộ phim kể câu chuyện không chỉ vì một nhà ngôn ngữ cố gắng tím hiểu những kí tự kì lạ được viết ra của người ngoài hành tinh, mà còn là câu chuyện về một người mẹ đang cố gắng thấu hiểu con gái mình, để thấu hiểu ý nghĩa của cuộc đời, về sự sống cái chết, về đau khổ hạnh phúc. Từ đó, Louise tự trả lời cho câu hỏi, nếu chúng ta biết trước được cuộc đời mình, liêu chúng ta có làm đúng những điều chúng ta đã làm hay không? Liệu cuộc đời này, điều tuyệt vời nhất là hành trình, chứ không phải điều tuyệt vời nằm ở đích đến?
Mượn thông điệp về người ngoài hành tinh, câu chuyện Arrival mang những tầng nghĩa sâu sắc về nhân sinh quan, về sự khoan dung, kiên nhẫn và thấu hiểu. Những kẻ ngoài hành tinh trong một màu phim u ám đe doạ liệu có thực sự đe doạ? Thế giới trải qua rất nhiều nền văn minh đã chứng tỏ rằng, ngôn ngữ là chìa khoá để lĩnh hội tri thức, để giúp cho các nền văn minh vươn lên một tầm cao mới, để tạo dựng hoà bình, hay cũng có thể để gây ra những cuộc chiến tranh tương tàn. Chính vì lẽ đó, Arrival trật bánh ray ra khỏi những phim về khoa học viễn tưởng thông thường về người ngoài hành tinh, nó nói đến xã hội loài người, từ mức độ vi mô là những cá thể trong cuộc sống thường ngày có khả năng hiểu nhau đến đâu, cho đến vĩ mô ở cấp độ chính phủ, liệu mỗi quốc gia đã thực sự lắng nghe nhau để xây dựng một trái đất bình yên?
Bi kịch của Louise Banks trong những kí ức của cô ở các trường đoạn hồi tưởng khiến ta như lạc trong một chiều không gian khác để định hình nên bản tính của nhà ngôn ngữ học tài năng, nhạy cảm. Chuyện gì đang diễn ra, dòng thời gian như đan vào nhau, tạo cho ta cảm giác về một Interstellar của Nolan ở phiên bản tối giản, hay đúng hơn là phiên bản của Denis Villeneuve, một người biết tiết chế tối đa kịch tính, bóp chặt lại câu chuyện để tạo nên một lõi dày dặn về những tầng nghĩa mà ông muốn cài vào phim như thông điệp về tính hiện sinh chủ nghĩa, khi con người phải dấn thân vào thực tại để thấu hiểu bản thân mình hơn.
Amy Adams như một người thợ cần cù, cô hoá thân vào nhân vật với sự nhẫn nại, và tinh tế. Từ sự tò mò, đến đau khổ, từ sự ngỡ ngàng đến việc phải lựa chọn điều gì đúng để sẵn sàng lao theo nó, Amy Adams đã thực sự trọn vẹn, một nữ anh hùng thầm lặng, một người mẹ thầm lặng, và một nhà khoa học khiêm nhường. Cô hẳn chính là chìa khoá thành công của bộ phim, dù cho bản thân bộ phim đã mang một sức nặng đủ lớn về mặt câu chuyện, cũng như phô bày những hình ảnh tuyệt diệu trong rất nhiều cảnh quay đầy ấn tượng về ngôn ngữ và về sự giao tiếp, khi những kẻ xa lạ đang cố gắng thấu hiểu nhau.
Thành công của Arrival về mặt nghệ thuật kể chuyện, về sự cô đọng cảm xúc, và về ý nghĩa nhân sinh quan rất đáng kể khi mà chính đạo diễn Denis Villeneuve sẽ là người chỉ đạo thực hiện cho phần hai của bộ phim khoa học viễn tưởng kinh điển một thời Blade Runner. Phim khoa học viễn tưởng luôn là một thể loại hấp dẫn nhưng khó, khó ở chỗ, người đạo diễn phải tiết chế để không phô diễn quá nhiều sự tưởng tượng hòng tập trung vào một chủ đề chính mà bộ phim muốn nói. Denis Villeneuve đã làm rất tốt điều đó trong Arrival. Chính vì vậy mà 8 đề cử Oscar dành cho Arrival là hoàn toàn xứng đáng.
Box: Mặc dù có đến 8 đề cử Oscar, nhưng bản thân nữ diễn viên Amy Adams nhân tố vô cùng quan trọng dẫn tới thành công của bộ phim lại không kiếm được cho mình một đề cử cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Đây chắc chắn là một trong những thất vọng lớn cho mùa giải Oscar 2017.