Bộ phim Bên Trong Vỏ Kén Vàng là câu chuyện về hành trình Thiện đi tìm cha cho cháu mình, hay đúng hơn, là đi tìm “Tâm” – đức tin cho cái bản ngã của hắn. 

Thiện – một người làm nghề phóng sự cưới, ngồi nhậu cùng hai người bạn. Một khung cảnh không thể Việt Nam hơn để bắt đầu phim. Cái hỗn loạn, nhộn nhịp của đời sống phố thị Sài Gòn. Đàn ông thường nói chuyện gì trong tình cảnh tụ tập, ăn uống? Những câu chuyện phiếm? Đàm tiếu về đàn bà? Không, Thiện và các bạn của hắn bàn về đức tin. Rồi một cái chết bất ngờ, mang đến những trách nhiệm bất ngờ cho Thiện. Hắn phải làm gì để tìm cha cho cháu mình, phải làm gì khi hành trình quay về quê hương khiến hắn bất đắc dĩ phải đối mặt với tình trạng “vô tâm” của mình: mù mờ về đức tin từ trong lõi?

Bên Trong Vỏ Kén Vàng của Phạm Thiên Ân bắt đầu với một cú máy dài – báo hiệu đây là một trải nghiệm điện ảnh không hề dễ nuốt: mạch phim chậm, những cú long-take (cú máy dài) gần như liên tục, thôi miên người xem đi vào hành trình đi tìm đức tin của Thiện. Việc không có những đoạn cắt, trong những cảnh quay dài được dàn dựng một cách tỉ mỉ không chỉ đơn thuần như màn trình diễn kỹ thuật, mà còn phản ánh sự hiện diện tách biệt của Thiện trong một thế giới hắn đang sống trong, nhưng dường như cũng đi ngang qua hắn. 

Khủng hoảng hiện sinh – không ai không từng gặp phải

Không khó để nhận ra được từ ngay đầu phim, “đức tin” không nằm trong Thiện. Hắn chứng kiến cái “sống” – sự náo nhiệt của đời sống; cái chết của chị Hạnh; hắn hưởng lạc thú trong quán massage đèn mờ, nhưng tất cả những gì hắn biểu lộ, đều là sự bàng quan, ủ rũ, là một kẻ không có năng lượng. Tuy nhiên, xuyên suốt phim, những cuộc gặp mặt, những ký ức được tua lại buộc hắn phải xem xét lại những gì mình tin tưởng. Thiện có thể đang đi tìm Tâm nhưng hắn cũng đang cố gắng tìm kiếm chính mình.  

“Sự tồn tại của đức tin thật mơ hồ. Tao muốn tin, nhưng không thể.” 

Người ta tin vào tôn giáo bởi nó cho họ sức mạnh, thứ sức mạnh tin thần. Ai cũng muốn tìm lấy cho mình một niềm tin, một điểm tựa. Phim đề cao hình ảnh của tôn giáo, càng làm bật nổi được tình trạng đang lạc lối của Thiện. Những nhân vật hắn gặp trong hành trình, đều đã tìm được mỏ neo trong tâm trí họ. Niềm tin không chắc chắn của hắn bị thử thách qua những cuộc gặp then chốt với các nhân vật. Ông Lưu từng tham gia quân ngũ và giờ đây tìm thấy ý nghĩa cuộc sống bằng việc chuẩn bị khăn liệm cho tang lễ. Thảo, người đã tìm ra con đường tu hành cho riêng mình. Ta thấy rõ được sự đối lập của Thiện và những người hắn nói chuyện cùng. Hắn bối rối, nói nhiều nhưng “nói dại”, mù mờ; khác với ông Lưu và Thảo, họ đã tìm đường đến được đức tin – dứt khoát, an tĩnh. Các cuộc trò chuyện đều được “chứng kiến” từ xa bằng cảnh tĩnh – một chuyển động mời người xem vào thời điểm hiện tại, đòi hỏi sự tập trung. 

Thiện là một kiểu nhân vật bướng bỉnh, thiếu tự tin trong suốt hành trình. Bị thu hút bởi đức tin của người khác nhưng do dự trong việc tìm cách xác định niềm tin của chính mình. Thiện không có tính cách hay hình ảnh đặc trưng của khuôn mẫu gọi là “nhân vật chính” – kẻ vẽ ra hành trình phim. Thiện là một người thường, đang lạc mất niềm tin, trống rỗng, vô định. Hắn không phải “anh hùng”, không mang trong mình những điểm tốt nổi trội có thể lấy được lòng thương của người xem. Rõ ràng, ta theo chân Thiện đi tìm đức tin của hắn, nhưng có lẽ điều được tô đậm hơn cả, đó chính là câu hỏi về đức tin của mỗi người. Qua Thiện, phim đặt ra câu hỏi mang tính hiện sinh, dường như việc hướng câu hỏi ấy vào mỗi người xem là việc quan trọng hơn cả. Bởi cuối phim, ta cũng không chắc Thiện có tìm được con đường đúng đi vào bên trong mình không. Nhưng chắc chắn được một điều, câu hỏi lớn về sự tồn tại lại được gợi lên trong mỗi người, một cách sâu sắc. 

Có lẽ ai cũng đã từng, đang và sẽ một lần cảm thấy như Thiện trong hành trình tìm kiếm cái tôi. Sẽ có những nốt thăng, nốt trầm luân phiên nhau. Và sẽ chẳng có gì đáng tủi khổ, hay ái ngại khi nhắc đến những năm tháng lạc lối, “vô tâm” của mình, bởi chính những lúc lạc lối đó, ta mới học được cách tìm thấy ngọn hải đăng trong tâm hồn. Bên Trong Vỏ Kén Vàng đã hữu hình hoá được câu hỏi về mục đích sống qua tính siêu hình trong câu chuyện và chất thơ trong hình ảnh.

Trải nghiệm thuần tính điện ảnh 

“Show, don’t tell”. Phần hình của Bên Trong Vỏ Kén Vàng được sử dụng đầy tinh tuý và cẩn thận, là sự pha trộn giữa ảo và thực một cách nhuần nhuyễn, tạo nên một ngôn ngữ điện ảnh thật khó để trộn lẫn. Chuyển động trong phim – hay nói cách khác – hình ảnh, phải khuyến khích được người xem tự vấn và tự mình đi vào hành trình nhận thức riêng, chứ không phải là một hình thức “phơi bày”. Bên Trong Vỏ Kén Vàng đã làm được điều đó. 

Những cảnh tĩnh, cảnh thiên nhiên trong Bên Trong Vỏ Kén Vàng không chỉ cho thấy một vùng nông thôn Việt Nam tuyệt đẹp mà còn là phương tiện kể, cho thấy tình trạng của nhân vật, và cũng mang lại cho người xem một không gian để thở, để suy ngẫm: những ngọn núi phủ đầy sương mù, thảm thực vật tươi tốt, đẫm mưa, ngôi làng dân cư thưa thớt. Có những hình ảnh đầy bí ẩn về rừng đêm, thác đổ ào ạt, cây cối lộng gió và con tằm trong lồng với chiến kén vàng rực rỡ. 

Bàn tay nhân tạo của con người được cắt giảm đến mức tối đa. Có thể thấy phim chủ yếu dùng ánh sáng tự nhiên, tránh can thiệp ánh sáng nhân tạo, và nhiều cảnh quay dài đôi khi gần nửa tiếng (cảnh Thiện ghé thăm nhà cụ Lưu). Đời sống trong phim dường như được trải nghiệm thực, thay vì ta thấy những lát cắt của nhà làm phim. Thiện dấn thân vào một cuộc tìm kiếm phức tạp, bất thường; bề ngoài là dành cho Tâm, nhưng thực chất là dành cho tâm hồn của chính hắn, một cảm giác khó nắm bắt về mặt vật lý. Cảnh trí xuất hiện đúng lúc thể hiện diễn biến của Thiện. Sương mù chưa bao giờ biến mất trong hành trình hắn đi tìm Tâm. Nhưng ở cuối phim, khi đắm mình trong làm suối, trời quang mây tạnh, có lẽ Tâm của hắn cũng đã được khai trong, thanh tẩy đi ít nhiều. 

Xuyên suốt phim, ta được nhận những “ẩn dụ”, gợi ý rằng việc tìm kiếm đức tin xuất phát từ việc hiểu rõ những yếu tố xảy ra xung quanh mình, thay vì cố gắng tìm kiếm vị trí của ta trong nó. Thiện thờ ơ trước mọi sự sống, chết, hỉ, nộ, ái, ố; nhưng khi dấn thân vào hành trình đi tìm chồng cho chị Hạnh, hắn dường như song hành với việc tìm lấy bản thân mình. Như dòng nước ngâm mình ở cuối phim, cái tôi nổi lên qua sự phản chiếu. Cách kể chuyện chậm rãi, lan man đã truyền đạt ý niệm này một cách hiệu quả, buộc khán giả phải kiên nhẫn. Bởi khi đủ kiên nhẫn, ta sẽ nhìn thấy được thứ ta không nhìn được. 

Mối liên hệ giữa quá khứ – hiện tại đặt ra nhiều câu hỏi hơn và tạo ra những khoảnh khắc người xem phải suy ngẫm về ý nghĩa của những gì họ chứng kiến trên màn ảnh. Nhịp điệu phim, âm nhạc, ý niệm về sự sống – cái chết, đức tin, sự tái sinh và tính siêu hình của Bên Trong Vỏ Kén Vàng mang lại sự đồng cảm rõ rệt với phim của Apichatpong Weerasethakul, Andrei Tarkovsky hay Thái Minh Lượng. Chậm và tĩnh, nội dung mang tính hiện sinh, siêu hình, không có điểm cao trào “vật lý”. Có lẽ, điện ảnh không nhất thiết phải trình hiện một câu chuyện “hoàn chỉnh”, có lẽ ta chỉ cần cảm thấy được mình ở trong đó thôi là đã đủ rồi. 

Đây là phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Phạm Thiên Ân. Thật khó để nói rằng liệu ở những bộ phim sau, anh còn tiếp tục khai thác chung chủ đề. Dòng phim tác giả (auteurs) ở Việt Nam cho đến hiện tại gần như còn rất ít. Nhưng với thứ ngôn ngữ điện ảnh mạnh mẽ được thể hiện qua Bên Trong Vỏ Kén Vàng, ta cũng có quyền hy vọng rằng những nhà làm phim như Phạm Thiên Ân sẽ mở rộng dòng phim tác giả tại Việt Nam. 

KẾT NỐI VÀ CHIA SẺ THÊM VỚI TÔI TẠI TRANG FACEBOOK – TUAN LALARME

Facebook Comments Box

Comment