Tôi nghĩ về sự tồn tại của mình, vào đêm trăng rằm, lại là đêm trung thu. Tôi cố tìm câu trả lời có ý nghĩa cho chính tôi, về sự tồn tại hữu hạn của tôi trên cuộc đời này. Thật khó, tôi cũng không ngây thơ đến nỗi tin rằng, chỉ cần chìm đắm vào trong suy nghĩ của chính mình tôi sẽ trả lời được nó. Nhưng tôi vẫn cố gắng nghĩ về nó, trăng thì tròn, không gian thì lặng im, đâu đó chỉ có tiếng tíc tắc của đồng hồ, tiếng tôi gõ bàn phím, và tiếng một bản nhạc buồn của ban nhạc Mono. 

Tôi nhớ nhân vật Arisu trong Alice in Borderland, một bộ manga tuyệt vời về sinh tồn, khi những con người đang không còn nhiều động lực sống họ bị đẩy vào một thế giới chết chóc, nơi luật lệ được đưa vào những trò chơi và muốn sống, ta phải chơi và phải thắng. Arisu là một nhân vật được xây dựng cực kì tốt của tác giả Asou Haro, từ tính cách, tâm lý đến quá trình anh chàng học sinh trung học này khám phá ra khả năng của bản thân trong việc nhìn được vào những chi tiết rất nhỏ qua đó có thể phá vỡ được cấu trúc và giải mãi được trò chơi mà cậu ta tham gia. Trong suốt nhiều chương truyện, trong hành trình không thiết sống, đến tìm ra mục đích sống, Arisu luôn muốn tìm kiếm câu trả lời, mà có lẽ đó cũng là mong muốn tìm kiếm câu trả lời của tác giả, ta tồn tại trên đời này có mục đích gì? 

“Cuối cùng mình cũng hiểu ra rằng cuộc sống này không phải là ở tất cả những sự cố gắng hay những gì ta có thể đạt được, mà là ở mong muốn được chung sống với một ai đó”. Arisu nghĩ như vậy.

Arisu trong Alice in Borderland

Và cũng vì điều này, cậu đã tìm ra được con đường để sống tiếp cuộc đời đầy bi kịch của mình. Tôi nghĩ nó cũng phù hợp với lối diễn giải của triết gia về việc chúng ta luôn luôn cố gắng đi tìm một nửa của mình để hoàn thiện con người mình, như một thiên chức mà con người gánh vác cho mỗi sinh mệnh sống. Mà ta gọi bằng cái tên thật lãng mạn và tuyệt đẹp “Tình Yêu”.

Tôi lại nhớ đến Dune của nhà văn Frank Herbert, thực ra tôi nghĩ, cuộc đời tôi luôn được neo vào những quyển sách và những bộ phim, nơi mà tôi có thể góp nhặt được rất nhiều điều, cho tôi rất nhiều những kiến giải, và giúp tôi hình dung rõ ràng hơn về thế giới xung quanh mình. Trong Dune có những người bản xứ của xứ Cát, họ được gọi là người Fremen. Đó là những người đã rất quen thuộc việc sống sót trên sa mạc nơi có lượng nước cực kì khiêm tốn khiến họ rất tôn thờ và tiết kiệm nước, thậm chí với mỗi người chết đi, họ sẽ lấy nước từ cơ thể người đó vì đối với họ, nước là thuộc về mọi người, chỉ có xác thịt mới thuộc về cá nhân. Tôi luôn nhớ mãi chi tiết tiết lộ lý do mà họ làm hết sức mình để sống, sinh tồn, họ muốn hành tinh Arrakis của họ sẽ được phủ đầy nước, đầy những mảng màu xanh của cây cối, không ai phải lo thiếu thốn nước nữa, họ sẵn sàng hy sinh hết thế hệ này đến thế hệ khác để làm điều đó, mục tiêu tối thượng của sự tồn tại của họ là như vậy.

Tôi lấy hai ví dụ để muốn nói về hai mục đích sống hoàn toàn khác nhau, mục đích vì cá nhân, mục đích vì tập thể. Rốt cuộc trên cuộc đời này, có lẽ ý nghĩa tồn tại cũng chỉ quẩn quanh hai mục đích sống đó, dù ở đâu, thời đại nào, tuỳ hoàn cảnh mà chúng ta sẽ lựa chọn mục đích sống để làm kim chỉ nam cho lý do tồn tại của mình.

Đôi khi tôi tự hỏi, những nếu như ta đang sống trong một thế giới giả lập, kiểu Ma Trận, hay dù có cố gắng thế nào, có tốt đẹp hoặc có tìm được mục đích sống ra sao, ta cũng sẽ chết ở một độ tuổi nhất định như tất cả những người khác, dù họ không có mục đích đi chăng nữa. Có gì khác nhau đâu? vậy phải chăng cái việc tìm một sự neo đâu cũng là một việc làm mang tính huyễn hoặc, một kiểu nghịch lý Kafka, mà ta vướng vào để có niềm tin cho những ngày sắp tới, chứ thực ra, nó không hề có bất kì ý nghĩa nào?

Nhân vật nữ chính là một người Fremen trong bộ phim chuyển thể Dune của đạo diễn Denis Villeneuve

Trong quyển vũ trụ của Carl Sagan, có những đoạn dài ông tự đặt mình là người tiền sử để kể về những suy tư của người tiền sử khi cuộc sống của họ chỉ xoay quanh săn bắn hái lượm để tồn tại, rồi có ngày họ khám phá ra lửa, họ nuôi lửa, mang lửa theo mình, nhóm lên những đống lửa vào ban đêm. Khi đó, nhìn lên trời, họ thấy muôn vàn vì sao, và họ tự hỏi, những vì sao kia có phải cũng là những đống lửa của những bộ lạc khác, những nhóm người khác rải rác khắp nơi. Tôi cũng tự đặt mình vào một nhân tính như vậy, tôi ngồi bên đống lửa, ôm gối mình và ngước nhìn lên trời, bằng một bộ não không chứa nhiều thông tin như hiện tại, chưa biết sách và phim là gì, chưa có những phương tiện sống nào khác, tôi cũng sẽ nghĩ như họ, tự hỏi làm sao có thể đi đến gặp những người bên đốm lửa kia, họ có hình dạng ra sao, và phải chăng, khi tìm được họ, tìm được rất nhiều họ, tôi sẽ ở trong một cộng đồng lớn hơn, và bầu trời đêm sẽ sáng rực rỡ hơn với những cộng đồng lớn. Tôi nghĩ, rồi có lẽ con tôi cũng ngồi bên đống lửa và nghĩ… con người chúng ta, hết thế hệ này sang thế hệ khác, sẽ nghĩ đến việc khai mở những chân trời mới, những tri thức mới cho mình, mở rộng biên độ biên giới, để biết ta là ai và ý nghĩa tồn tại của chúng ta trên cuộc đời này. 

Chứ không chỉ đơn giản đợi đến khi ta 69 tuổi, và chấp nhận số phận rằng, ta sẽ đi lên một ngọn núi và chết để có được sự bao bọc trở che của thần núi như những người già trong phim của Shohei Imamura. 

Vậy phải chăng, tôi đang tóm lại ba mục tiêu của sự tồn tại: để tìm tình yêu, để duy trì các thế hệ kế tiếp, và để mở rộng vốn tri thức cho nhân loại? Có lẽ vậy, nhưng có lẽ chưa đủ, vì 3 mục  tiêu kia là ba mục tiêu xuất phát từ bản ngã chúng ta, cái nhìn của chính chúng ta soi chiếu vào mối quan hệ của chúng ta với xã hội và cuộc sống. Còn nếu như, chúng ta nhìn chúng ta như chỉ là những sinh thể sống tồn tại trong vũ trụ này thì sao, vậy liệu, mọi tìm kiếm về ý nghĩa của sự tồn tại có còn hiện hữu và đáng bàn nữa không? Tôi xin trích dẫn một lời thoại mà tôi cho rằng, nó hàm chứa góc nhìn lớn lao dành cho sinh vật sống, cho người người, về sự tồn tại của mỗi chúng ta trong toàn bộ vũ trụ rộng lớn này. Lời thoại của nhân vật Erin trong bộ phim Midnight Mass của Mike Flanagan, khi cô nói về cái chết, về việc mình đối diện với cái chết. Cái chết, điểm chặn cuối cùng trong hành trình sống tuyến tính của mỗi người.

“Bản thân em, bản ngã của em. Đó là toàn bộ vấn đề của mọi chuyện, cái từ bản ngã ấy. Nó không đúng. Cơ thể dừng hoạt động từng tế bào một, nhưng não tiếp tục kích thích nơ ron. Những luồng điện, như pháo hoa trong đầu ta và em tưởng em sẽ tuyệt vọng hay kinh hãi, nhưng em chẳng thấy thế, vì em quá bận rộn với thời khắc này, em đang nhớ lại. Em nhớ rằng mọi nguyên tử trong cơ thể em đã được khắc trên một vì sao. Vật chất này, cơ thể này xét tận cùng hầu hết chỉ là khoảng trống và vật chất rắn chỉ là năng lượng rung động rất chậm và em đâu có tồn tại. Chưa hề tồn tại. Các electron của cơ thể em hoà lẫn và quay cuồng cùng các điện từ của mặt đất bên dưới em và không khí mà em không còn hít thở và em nhớ làm gì có thời điểm cái nào trong đó dừng lại và em tồn tại. Em nhớ em là năng lượng. Không phải kí ức hay bản ngã. Tên tuổi, tính cách, chọn lựa, tất cả đều có sau em. Em có trước chúng và có sau chúng và mọi thứ khác là những hình ảnh, xuất hiện trên đường. Lướt qua những giấc mơ ngắn in trên các mô não đang chết dần của em. Và em là luồng điện nhảy múa giữa chúng. Em là năng lượng kích thích Nơ ron và em đang trở về. Chỉ bằng cách nhớ lại, là em đang trở về nhà. Và nó như một giọt nước rơi xuống lại lòng đại dương nơi nó luôn là một phần trong đó. Vạn vật là một phần. Tất cả chúng ta là một phần. Anh, em và con gái bé nhỏ của em, mẹ em và bố em, tất cả mọi con người từng tồn tại, mọi cây cối, thú vật, mọi nguyên tử, mọi ngôi sao, mọi thiên hà, tất cả. Trong vũ trụ có nhiều thiên hà hơn cả số cát trên bờ biển. Và đó là cái ta nói đến khi ta thốt lên “Chúa”. Đấng độc nhất. Vũ trụ và những giấc mơ vô tận của nó. Chúng ta là vũ trụ đang mơ về chính nó. Đơn giản là một giấc mơ mà em luôn nghĩ là đời mình. Nhưng em sẽ quên đi chuyện này. Luôn là thế. Em luôn luôn quên mất mọi giấc mơ của mình. Nhưng giờ, trong thoáng chốc này, trong khoảng khắc mà em nhớ, em hiểu được mọi sự rồi. Không có thời gian, không có cái chết. Cuộc sống là giấc mơ, là một ước muốn. Được thực hiện hết lần này đến lần khác đến vô tận. Và em là tất cả những điều đó. Em là tất cả, em là toàn bộ. I AM THAT I AM”.

Tôi muốn kết lại bài viết của mình ở đây bằng một ý của Democritus rằng toàn bộ ý nghĩa của cuộc đời là hưởng thụ và hiểu biết. Nên có lẽ trong quá trình chúng ta lâu lâu tự hỏi ta là ai, tồn tại là gì, ta cứ tiếp tục cung cấp kiến thức cho bản thân mình, và hưởng thụ cuộc đời mình. Vậy thôi, nhưng đừng quên nghĩ về sự tồn tại.

Comment