Birdman (The Unexpected Virtue of Ignorance) – Khi ta là bóng ma của chính mình

1
1320

Vậy là chỉ còn chưa đến một tuần nữa, lễ trao giải thưởng danh giá cho các cá nhân, tập thể và tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất, Oscars sẽ diễn ra. Trong khi mọi người còn đang phát cuồng về La La Land, còn đang sôi nổi với những dự đoán, trông chờ thì tôi lại nghĩ đến “Birdman” – bộ phim gặt hái được những 4 tượng vàng của Viện Hàn Lâm năm 2015. Một bộ phim mà tôi cho rằng vượt xa những bộ phim “Xuất sắc nhất” trong những năm gần đây.

“Birdman – The Unexpected Virtue of Ignorance” là một bộ phim hết sức đặc biệt, dùng nghệ thuật để nói về nghệ thuật, đưa nghệ thuật lồng ghép trong nghệ thuật. Nó cũng nói những người làm nghệ thuật. Riggan (Michael Keaton) là một diễn viên hết thời, từng thành công với vai diễn siêu anh hùng Người Chim. Giờ đây, khi đã ở tuổi trung niên, ở sườn dốc của sự nghiệp, người đàn ông này quyết định dấn thân vào kịch nghệ, tự làm biên kịch, đạo diễn, diễn viên chính trong vở kịch “What We Talk About When We Talk About Love” dựa trên truyện ngắn có thật của Raymond Carver. 1 tiếng 59 phút của “Birdman” là quá trình chuẩn bị đằng sau sân khấu, những áp lực, căng thẳng, những vấn đề phức tạp đằng sau cuộc đời, vai diễn để rồi người diễn viên tỏa sáng, được mọi người đón nhận, tìm lại thứ ánh hào quang đã vắng bóng rất lâu.

Vậy tại sao cái tên của bộ phim lại là “Birdman”? Bởi Người Chim là nhân vật thường xuyên xuất hiện bên cạnh Riggan, khi ông thất bại, khi ông cô đơn. Bởi Người Chim là tiếng nói trong đầu ông, xui ông quay trở lại với Hollywood, với ánh hào quang siêu anh hùng trước kia ông đã được đón nhận. Và cũng bởi, Người Chim chính là cái tôi của Riggan, cái tôi đầy kiêu hãnh và ngạo mạn. Có lẽ, Người Chim chính là đối thủ lớn nhất mà Riggan phải vượt qua mà cũng phải làm thỏa mãn nó.

Bên cạnh cái tên nhanh nhảu, dễ gọi “Birdman”, những nhà làm phim còn không quên dòng chữ “The Unexpected Virtue of Ignorance” (tạm dịch:  Tuyệt tác bất ngờ của kẻ ngu dốt) chính là tiêu đề bài báo mà Tabitha – một nhà phê bình khó tính – viết về vở kịch của Riggan. Tabitha ghét cay ghét đắng những kẻ như Riggan, những thứ hào nhoáng của Hollywood, những người chưa có kinh nghiệm, không qua đào tạo nhưng đã muốn dấn thân vào Broadway. Bà ta tin rằng những kẻ như vậy sẽ làm dơ bẩn nghệ thuật, cũng như tin rằng Riggan sẽ là sự thất bại của sân khấu kịch. Thế nhưng sau đó, với màn trình diễn không thể thuyết phục hơn, với vũng máu thật đổ trên sân khấu, Riggan đã buộc Tabitha phải công nhận mình mà trong bài bình luận, bà đã viết: “(Riggan) Thompson đã vô tình sản sinh ra một thể loại mới, chỉ có thể là chủ nghĩa siêu thực… Dòng máu đổ xuống, đau đớn thay, lại là thứ lâu nay đã bị lãng quên trên sân khấu kịch nghệ Mỹ”. Như thế, cái tôi thèm khát hào quang, danh vọng trong quá khứ đã được đặt bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực, sự công nhận của hiện tại.

Nhân vật chính của “Birdman” – Riggan hiện lên với vẻ điên rồ điển hình của một người nghệ sỹ. Ông ta lúc nào cũng trong trạng thái bất an, không ổn định, bị ám ảnh với vai diễn trước kia. Riggan thèm khát thành công, danh vọng và tình yêu một lần nữa nhưng đồng thời cũng bị rằn vặt, day dứt bởi đã không làm tròn bổn phận của một người chồng, người cha, một diễn viên chân chính. Ông cũng luôn đem trong mình nỗi lo rằng không tồn tại, không hòa nhập với cộng đồng và khi chết đi sẽ không được ai nhớ tới. Nỗi sợ hãi ấy được bộc lộ khi Riggan kể về chuyện quá khứ, khi ông cùng chuyến bay với Geogre Clooney, máy bay đi qua vùng bão và mọi người hoảng loạn. Ngay giây phút đó, Riggan bỗng điềm tĩnh tưởng tượng ra ngày mai, lỡ chuyến bay này có rơi thì mặt Geogre Clooney sẽ chình ình trên báo, chứ không phải mặt ông. Mọi người sẽ nhớ tới hắn ta, chứ không phải ông.  Sự bất an của Riggan còn được thể hiện ngay ở những thước phim đầu tiên, khi xen lẫn với cảnh sao chổi bay xuống là một bờ biển đầy xác sứa chết. Lý giải về nó, đạo diễn Inarritu chia sẻ: “Hình ảnh đó là miêu tả chính xác nhất người đàn ông này. Ông ta là người mà một lúc trước vừa cảm thấy phiêu như một ngôi sao chổi rực cháy thì một lúc sau đã cảm thấy như con sứa chết trôi”. Chính cuộc chiến nội tâm ấy đã khiến Riggan trở thành một kẻ điên. Ông điên khi cố gây tai nạn cho diễn viên chỉ vì anh ta đóng quá tệ, khi ông luôn đập phá đồ đạc, khi ông luôn tưởng tượng ra người bạn trò chuyện với mình như những đứa trẻ mẫu giáo, khi một giây trước còn phi dao vào người vợ và một giây sau đã nói yêu cô. Và đỉnh điểm của sự điên rồ ấy đã đưa Riggan đến với thành công, là khi ông dùng một khẩu súng thật, bắn vào mũi mình để nhập vai trên sân khấu.

Thế nhưng, điều thú vị là Riggan không phải người duy nhất điên trong phim. Thực chất, mỗi nhân vật trong phim đều điên một kiểu. Và họ đều tìm kiếm những điều khác nhau. Nghệ thuật xây dựng nhân vật của những nhà làm phim “Birdman” thực sự rất đáng kinh ngạc, bởi mỗi nhân vật đều đại diện cho một tầng lớp, một thế hệ, một loại người khác nhau trong xã hội. Mỗi nhân vật đều được có những nét tính cách rất đăc biệt, cá tính để rồi sau đó, họ lại được cho không gian để thể hiện mình, kể những câu chuyện làm nên chính mình. Đó là những Mike Shiner (Edward Norton) khốn nạn nhưng có một tình yêu vĩ đại dành cho kịch nghệ, cống hiến nghiêm túc cho công việc mình làm. Đó là người con gái nghiện hút – Sam (Emma Stone) – bất cần, luôn tỏ vẻ lạnh lùng nhưng bên trong lại là khát vọng tình yêu, lòng vị tha cho ông bố tồi tệ. Đó còn là Lesley (Naomi Watts), một diễn viên trẻ nhạy cảm, yếu đuối lần đầu được bước lên sân khấu Broadway, lần đầu được chạm tới ước mơ thuở nhỏ. Hay cũng là Tabitha (Lindsay Duncan), nhà phê bình khó tính, luôn có cái nhìn hằn học về người khác. Hẳn bà ta cũng từng có những ước mơ thật lớn trở thành một người nghệ sỹ nhưng giờ lại ngồi ủ rũ trong quán bar, dùng những câu chữ của mình để vùi dập (hoặc ngợi ca) tác phẩm nghệ thuật, công sức cả đời của người khác, như câu nói của Flaubert: “Người ta trở thành nhà phê bình khi không thể trở thành nghệ sỹ. Cũng như người đàn ông trở thành gián điệp khi không thể là chiến binh”. Trong suốt gần 2 tiếng đồng hồ, khán giả dường như không thể rời mắt khỏi màn hình, vì mỗi câu thoại đều hay xuất sắc, đều phản ánh cuộc đời của mỗi nhân vật trong đó, đồng thời cũng phản ánh thật chân thực cuộc sống hiện đại.

“Birdman – The Unexpected Virtue of Ignorance” thành công nhất chính ở màn trình diễn xuất sắc của dàn diễn viên từ gạo cội đến trẻ trung. Tất cả diễn viên trong “Birdman” đều không chỉ diễn thật đạt, thật trọn vai mà còn hơn thế, vượt quá sức tưởng tượng. Cũng chính vì vậy mà cả Michael Keaton, Edward Norton và Emma Stone được nhận giải thưởng Nam chính xuất sắc nhất, Nam phụ xuất sắc nhất và Nữ phụ xuất sắc nhất ở giải thưởng BAFTA, đồng thời cũng nhận được đề cử Oscar ở hạng mục tương tự. Các góc quay của “Birdman” cũng quá đỗi khác lạ khi cả bộ phim tưởng chừng như chỉ được quay “one take”. Những cảnh quay liên tục ấy đã đem lại cảm giác căng thẳng, hồi hộp cần có, nhưng đồng thời cũng làm những phân cảnh đắt giá trở thành “quý giá”, những cuộc hội thoại trở nên chân thực và sống động hơn bao giờ hết. Phần nhạc nền cũng làm người ta ấn tượng khi những nhà làm phim không dùng piano, vĩ cầm hay guitar mà dùng trống trong phần lớn tác phẩm. Nhịp trống khi hối thúc, giục giã, khi lại kiên nhẫn, đều đặn như báo hiệu một bước ngoặt mới.

Tóm lại, “Birdman – The Unexpected Virtue of Ignorance” là một bộ phim nghệ thuật xuất sắc nói về nghệ thuật và những người làm nghề. Bộ phim đã tái hiện thật chân thực, nhưng cũng hình tượng hóa quá trình làm nên một tác phẩm nghệ thuật có giá trị và những thứ người nghệ sỹ cần phải hy sinh, vật lộn để đến với thành công. Phải là nhà làm phim độc lập người Mexico Alejandro G. Inarritu, chứ không phải ai khác, mới có thể làm ra một tác phẩm mới lạ, đặc sắc và tuyệt vời đến vậy. “Birdman – The Unexpected Virtue of Ignorance” xứng đáng là một trong những bộ phim xuất sắc nhất mà những người yêu điện ảnh, nghệ thuật chân chính nên xem.

Comment