Trong vài năm trở lại đây, những bộ phim bom tấn Hollywood luôn chú ý tới vấn đề số lượng diễn viên da trắng và da màu. Phải đến Black Panther, mới có một bộ phim siêu anh hùng hầu hết do diễn viên da màu đảm nhiệm từ đạo diễn, biên kịch, diễn viên… Điều đáng nói là bộ phim này đang gặt hái được rất nhiều thành công từ doanh thu phòng vé, chứng tỏ khán giả thế giới luôn cởi mở và không bận tâm tới vấn đề màu da. Tuy nhiên Black Panther thực chất vẫn là một hình tượng siêu anh hùng do người Mỹ dựng lên.

Trước tiên xét về ngôn ngữ điện ảnh có thể thấy Black Panther được làm rất tốt. Kĩ xảo, hành động không rối mắt. Dàn diễn viên ấn tượng. Hình ảnh đẹp, xem không thấy buồn ngủ. Chỉ không thích 15 phút đầu phim phần âm nhạc hơi “nửa nạc nửa mỡ” tức là vẫn bị mang hơi hướng truyền thống của phim siêu anh hùng Mỹ rồi cho thêm mấy nhạc cụ châu Phi vào nghe không ăn nhập lắm. Nhưng càng về cuối âm nhạc càng hay và tạo được âm hưởng của miền đất Châu Phi hoang dã. 

Tuy nhiên về nội dung như đã nói ở trên Black Panther là của người Mỹ da trắng. Nhân vật Black Panther ban đầu đây chỉ là tuyến nhân vật phụ trong loạt truyện Fantastic Four, và là một siêu anh hùng da màu đầu tiên trong thế giới truyện tranh được hai tác giả Stan Lee và Jack Kirby cho ra đời vào năm 1966. Phải tới tận năm 1973 thì Black Panther mới có loạt truyện riêng cho bản thân mình. Phiên bản điện ảnh chuyển thể của Marvel ra mắt năm 2018 mặc dù toàn bộ ê-kip từ đạo diễn, biên kịch, cùng dàn cast hầu hết đều là diễn viên da màu, nhưng đây vẫn chỉ là tác phẩm chuyển thể từ truyện tranh do người Mỹ viết, và do Mỹ sản xuất nên vẫn có những chi tiết chưa thật sự hay.

Cũng như Kong: Kull Island, bộ phim bom tấn có phân cảnh quay tại Việt Nam đã khiến không ít khán giả trong nước cảm thấy háo hức, nhưng cũng không ít khán giả cảm thấy hoài nghi về “nhiệt tình” của các nhà làm phim Mỹ khi hình ảnh Việt Nam hiện lên trên phim có nhiều vấn đề tranh luận. Và giờ là Black Panther, người Mỹ lại được mỉm cười khi thấy những bom tấn này khiến cho khán giả cảm thấy tự hào. Nhưng liệu khán giả có đang bị ảo tưởng về sự tôn vinh văn hóa bản địa qua ống kính của các nhà làm phim Mỹ?

Vương quốc Wakanda , một quốc gia hư cấu ở châu Phi dù có vũ khí tối tân, hiện đại nhưng họ vẫn là những thổ dân hoang dã với những màn thách đấu man rợ để giành quyền lực. Hay thay vì xây dựng tâm trạng đau buồn sau cái chết của cha thì khán giả lại chỉ thấy nỗi vui mừng của mẹ con Black Panther vì cha mất nên Black Panther được lên ngôi, điều mà họ đã mong chờ từ lâu. Kiến trúc của vương quốc Wakanda cũng không hiểu là theo trường phái gì: New York, Paris hay HongKong, Thượng Hải…? Và bên cạnh việc quảng bá tài nguyên vô giá của vương quốc này cụ thể là chất Vibranium, mà người xem có thể liên tưởng đó là kim cương, thì phim cũng cho thấy vấn đề nội chiến, không đoàn kết khi nhân vật phản diện Erik Killmonger, người anh em Châu Phi bị bỏ lại trên đất Mỹ, được người Mỹ huấn luyện lại chính là người trở lại gây chiến. Và đương nhiên trong cuộc xung đột đó Black Panther vẫn không thể không có sự góp mặt của một nhân vật người Mỹ, cựu nhân viên CIA.

Mặc dù vậy Black Panther cũng không đến nỗi thế, bởi nó phần nào đem đến cho khán giả một cái nhìn cởi mở và tôn vinh tài năng của các nghệ sĩ da màu. Đặc biệt bộ phim mang những thông điệp ý nghĩa về chiến tranh và đoàn kết thế giới nhưng cũng có một chút mỉa mai về Liên Hiệp Quốc. Trong khi ca ngợi Black Panther: “Ngài là vị vua đầu tiên đến đây và nói Chúng Ta” thì bộ phim lại chỉ ra: “Chúng ta đã sai khi quay lại với phần còn lại của thế giới.” Và kết phim thì khán giả lại thấy Wakanda mới là người quay lại với thế giới, khi Black Panther phát biểu trước Liên Hiệp Quốc tuyên bố về việc xây dựng những bức tường đã đến lúc phải chấm dứt. Có thể thấy kịch bản của Black Panther “tôn” nhưng chưa hẳn đã “vinh”. Tuy nhiên nếu tôn vinh quá thì liệu rằng Black Panther sẽ hay hơn? Có lẽ là không, vì dù phân tích, đánh giá thế nào thì Black Panther đã rất thành công khi mở rộng sức mạnh của Siêu anh hùng của “đế chế” Marvel.

Chắc chắn có không ít khán giả đã vội ra về khi đến phần kết nên đã bị bỏ lỡ phân đoạn after-credit. Đi xem phim của Marvel mà làm thế thì bị lỗ lắm. Và chẳng cần phải ca ngợi Marvel vì đã rất thành công khi xây dựng những siêu anh hùng như Thor hay Black Panther, nhưng cũng không quên nhắc nhở khán giả, dù chắc là chẳng mấy khán giả chú ý tới điều này, rằng: chiến tranh xảy ra đôi khi chỉ là vì những cuộc nội chiến tranh giành quyền lực. Vì thế hãy xây những cây cầu thay vì xây những bức tường ngăn cách như lời phát biểu trước Liên Hiệp Quốc của Black Panther.

Comment