Bộ phim Blade Runner của đạo diễn Ridley Scott ra mắt năm 1982, nhưng phải mất đến 25 năm để giới mộ điệu điện ảnh xếp nó vào vị trí những bộ phim vĩ đại nhất mọi thời. Vì Blade Runner không chỉ là bộ phim có hiệu ứng hình ảnh mê hoặc lòng người, mà nó cũng là phim mang đến những thông điệp sâu sắc về giá trị sống.

Blade Runner hoàn toàn thất bại về mặt doanh thu khi chỉ thu về khoảng 23 triệu so với 28 triệu chi phí sản xuất. Thêm vào đó là sự không mặn mà gì của giới phê bình dành cho bộ phim. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu khi bản phim đầu tiên đã có sự can thiệp hoàn toàn từ phía sản xuất. Họ sợ phim khó hiểu nên đã tự ý dựng một bản phim theo ý họ bao gồm việc thêm vào lời dẫn truyện để giải thích điều gì xảy ra trong thế giới tương lai giả tưởng đó. Ý tưởng của đạo diễn hoàn toàn bị gạt sang một bên. 

Hiểu được lý do thất bại, năm 1992, một bản phim mới được dựng lại với tên gọi: Director’s Cut (bản dựng của đạo diễn) đã được phát hành dựa theo những ý đồ mà Ridley Scott mong muốn. Tuy nhiên do khi đó ông đang bận tham gia một dự án khác không trực tiếp nhúng tay vào bản phim Director’s Cut nên Blade Runner chỉ dừng lại ở mức được yêu thích hơn.

Cho đến bản phim cuối cùng The Final Cut phát hành năm 2007, nhà phê bình Roger Ebert đã ngay lập tức gọi Blade Runner là kiệt tác. Bản phim The Final Cut chứa đựng tất cả những điều mà Ridley Scott muốn gửi gắm đã hoàn toàn chinh phục khán giả khi đặt vào phim những câu hỏi mang tính triết lý rất con người về sự tồn tại, ý nghĩa của sự sống và câu hỏi khiến người ta sẽ mãi mãi không trả lời về số phận nhân vật.

Kiệt tác về hình ảnh

Trong thế giới giả định phản địa đàng ở thời tương lai, nơi đó không khí bị ô nhiễm, đất đai bị huỷ hoại, tài nguyên cạn kiệt. Một thế giới tàn lụi mà trước phim của Ridley Scott chưa bộ phim nào dám thể hiện sự tăm tối như vậy. Khi đó, việc khai thác tài nguyên ở các hành tinh thuộc địa (Off-world) là điều cần thiết để duy trì sự sống vốn đầy khổ ải của con người trên trái đất. Việc khai thác được giao cho những người nhân bản được gọi là Replicant. Họ khoẻ hơn, có trí tuệ nhưng chỉ có tuổi thọ 4 năm. 

Trí tuệ nhân tạo được nâng cấp qua thời gian, giúp họ nhận ra sự tồn tại của mình và ý nghĩa của nó nên họ nổi loạn, dẫn đến những người nhân bản bị cấm trở về Trái Đất. Còn ở Trái Đất, một đội cảnh sát đặc biệt có tên Blade Runner được thành lập để tìm diệt tất cả những người nhân bản. Trong bối cảnh như vậy, câu chuyện phim là ở thời điểm năm 2019. 4 kẻ nhân bản do tập đoàn Tyrell chế tạo biết mình sắp chết đã tìm cách trốn về trái đất để tìm kiếm kẻ chế tạo ra mình hòng kéo dài tuổi thọ. Blade Runner Deckard (Harrison Ford) lúc này được gọi trở lại để thực hiện nhiệm vụ cuối cùng, tìm và diệt những Replicant đang lẩn trốn.

Bộ phim mở đầu bằng hình ảnh máy quay từ xa tiến lại gần thành phố Los Angeles của năm 2019. U ám, mờ đục, rực rỡ trong ánh đèn neon, những toà nhà chọc trời lèn kín, trong đó nổi bật lên hai kim tự tháp Maya hiện lên sừng sững của tập đoàn khổng lồ về chế tạo người nhân bản do Tyrell (Joe Turkel) đứng đầu.

Mặc dù được thực hiện vào năm 1982, nhưng những hình ảnh trong Blade Runner chân thực đến nghẹt thở. Những tấm pano quảng cáo khổng lồ, những geisha Nhật Bản nhảy múa trên các bức tường của những toà nhà lớn. Hiệu ứng thị giác của phim thực sự choáng ngợp và mê hoặc.

Có tất cả 90 cảnh quay có hiệu ứng kĩ xảo đặc biệt. Trong đó phần lớn được thực hiện thông qua các mô hình thu nhỏ, và các bản vẽ tay 3D trên kính để tạo độ chân thực nhất có thể. Từng góc phố, bảng hiệu, đèn điện, cơn mưa, cửa hàng quần áo…. tất cả được dàn cảnh vô cùng chi tiết và hoàn hảo. Sự hợp tác của nhà quay phim Jordan Croneweth và giám sát thiết kế Lawrence G. Paul (người thực hiện thiết kế cho siêu phẩm 2001: A Space Odyssey của Stanley Kubrick) đã mang lại những thước phim ấn tượng khiến người xem không khỏi ngỡ ngàng và bị một ấn tượng mạnh khó phai mờ. 

Ridley Scott đã thực sự dụng công trong việt dàn cảnh và tạo ra một bối cảnh vô cùng đặc biệt và duy nhất, nó có sức ảnh hưởng rất lâu dài cho các thế hệ đạo diễn về sau trong việc xây dựng một thế giới tương lai tăm tối, hoàn toàn không mang đến chút hy vọng nào cho loài người.

Những triết lý tồn tại mãi với thời gian

Thế hệ người nhân bản Nexus-6 không khác biệt gì nhiều so với con người. Chúng có trí thông minh, có cảm xúc. Do đó, để phân biệt giữa replicant và con người thì cần vượt qua một bài kiểm tra Voight-Kampff bao gồm rất nhiều câu hỏi mẹo. Do các Replicant sẽ bị lật tẩy sau nhiều câu hỏi, vì chúng không có kí ức, hoặc những kí ức cấy vào là giả và không đủ độ sâu để chúng có thể hiểu, khi đó những cảm xúc tiêu cực xuất hiện và các Replicant sẽ bị phát hiện.

Nhà triết học John Locke cho rằng, con người chỉ trở thành người khi có kí ức. Quá trình sống giúp ta hình thành tính cách và trải nghiệm từ con số 0 lúc mới ra đời, điều đó giúp chúng ta trở thành con người. Ridley Scott cấy ý tưởng này vào phim. Những replicant như Roy Batty đã thốt lên “ta đã nhìn thấy những gì mà các người chưa bao giờ từng thấy… Nhưng rồi tất cả những khoảnh khắc đó sẽ trôi đi… như giọt nước mắt trong mưa.” Điều đó đặt cho chúng ta câu hỏi, liệu replicant có đáng được sống và đáng được có những gì mà con người đang có.

Liệu “các người có bao giờ “giết” người chỉ vì họ mắc lỗi không? “

Vậy sao những Replicant bị săn đuổi? Deckard tìm giết những kẻ nhân bản, rồi bị chính những kẻ nhân bản truy đuổi lại. Trong quá trình đó, nhận thức của Deckard hoàn toàn thay đổi, thậm chí nhận thức của khán giả cũng sẽ thay đổi khi xem phim vì cảm nhận được số phận của những nhân vật được sinh ra nhưng vô thừa nhận do con người sợ hãi vì họ đang không kiểm soát được chính tạo vật của họ. Roy Batty là nạn nhân hơn là một kẻ ác. Rachel khi biết mình chỉ là Replicant được cấy kí ức đã vô cùng đau đớn.

Con người có quyền gì tước đoạt đi sự sống của các replicant, ngoài việc muốn kiểm soát và thống trị? 

Mặc dù nhân vật Deckard do Harrison Ford thủ vai là nhân vật chính. Nhưng nhân vật ấn tượng nhất phải là Roy Batty do nam diễn viên Rutger Hauer. Trường đoạn hành động đuổi bắt giữa Deckard và Roy mang đầy đủ thông điệp của bộ phim. Deckard nếm trải nỗi đau đớn mà người nhân bản phải hứng chịu. Và Deckard cũng được thấy một Roy rất con người khi thấu hiệu nhân sinh quan của sự sống, có lòng trắc ẩn và rất hiểu sự quý giá của việc được tồn tại.

Do đó, Blade Runner là một bộ phim Neo-noir (Tân phim đen) mà trong đó những nhân vật phải đấu tranh với chính bản tính của mình trong ranh giới của thiện và ác, giữa tốt và xấu. Roy Batty chỉ là kẻ muốn được sống, Deckard không biết mình thực sự là người hay người nhân bản. Hai kẻ lạc lối trong cuộc đời chỉ vì đã được sinh ra. Blade Runner do đó mang đến những giá trị lớn lao về đạo đức xã hội, chính trị, và tư tưởng xuyên suốt chiều dài lịch sử loài người: Chúng ta là ai?

Comment