Sau năm năm kể từ tác phẩm không gây được nhiều tiếng vang và thể hiện rằng anh có phần đuối sức CJ7 thì Châu Tinh Trì đã trở lại với một câu chuyện không mới nhưng nội dung thì hoàn toàn không giống như những gì mà người hâm mộ bộ truyện Tây Du Kí và bản phim truyền hình cùng tên năm 1986. Châu Tinh Trì đã dựa vào một câu chuyện cũ và mặc sức sáng tạo ra những mảnh ghép mới, để ráp lại thành câu chuyện kinh điển, Đường Huyền Trang thu phục ba đồ đệ Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng để đi Tây Trúc thỉnh kinh.
Châu Tinh Trì là vua hài của Hồng Kông, điều đấy ít ai có thể phủ nhận. Những năm của thập niên 90, Châu Tinh Trì với sức sáng tạo vô biên, diễn xuất đầy duyên dáng và quái của mình đã càn quét các thị trường phim ảnh của châu Á mà đặc biệt là Việt Nam. Không phải là một dạng hài nhảm mà dạo này hãng phim Phước Sang đang thực hiện, khi lấy hài hước từ sự vô duyên, tấu hài một cách kệch cỡm, thì ở Châu Tinh Trì là sự nhảm quái, trong cái nhảm đấy ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa về cuộc sống, về nhân sinh, về tình yêu, tình bạn, có thể thấy rõ điều đó qua các phim như “Tiếu Ngạo Giang Hồ”, “Vi Tiểu Bảo”, “Đội bóng thiếu lâm” và đặc biệt là “Tuyệt Đỉnh Công phu”… Điểm đặc biệt trong tất cả các phim anh đạo diễn là anh cũng trực tiếp đảm nhiệm vai chính của phim, cái nét duyên của khuôn mặt, cách thoại… đã hình thành nên một cá tính hài độc nhất và vô cùng thú vị – một kiểu giống Hoài Linh nhà ta. Chính vì vậy, nên có một chút hụt hẫng khi Châu Tinh Trì không trực tiếp tham gia vào dàn diễn viên của bộ phim mới nhất: “Journey to the west: conquering the demons” với dàn diễn viên nổi tiếng: Văn Chương (Đường Tam Tạng), Thư Kì (Bạch Cốt Tinh)…
Bộ phim không đi theo logic dựng sẵn của Ngô Thừa Ân, Châu Tinh Trì đã bằng sự tưởng tượng của mình hình dung ra một cách khác cho 4 thầy trò Đường Tăng. Đường Tam Tạng (Văn Chương), với phong cách ngô nghê, bụi bặm, tóc tai bù xù ban đầu là một người chuyên đi hàng yêu nhưng không phải với sự tinh thông võ thuật hay phép thuật, mà đơn giản là dựa vào bản sách “300 nursery rhymes”. Với các ca khúc rung động lòng người, ca từ đầy lòng thương của đạo Phật để cảm hóa yêu quái, và trong lần cố gắng thu phục yêu quái sông (Sa Tăng), Đường Huyền Trang đã được sự giúp đỡ của một nữ pháp sư họ Đoạn (Thư Kì – Bạch Cốt Tinh), với lòng dũng cảm vô bờ của một người không có võ công mà dám hàng yêu quái như Huyền Trang, cô đã yêu Huyền Trang sâu sắc, và từ đó vừa cô muốn lấy được tình cảm từ anh, lại luôn giúp đỡ anh trong việc chinh phục yêu quái Bát Giới, Tôn Ngộ Không…
Với một phong cách nhảm và quái mà lại thiếu đi nhân vật chính diễn hài nhảm và có duyên thì thật phim đã mất đi nhiều cái nét duyên đáng có của một tác phẩm hành động hài đặc trưng của Châu Tinh Trì. Thêm nữa, các tuyến nhân vật khá mỏng, không đi vào chi tiết khiến cho cảm giác về ba nhân vật chính là “Sa Tăng”, “Chư Bát Giới”, “Tôn Ngộ Không” không sâu, hời hợt, thiếu điểm nhấn. Đúng là phim nào cũng Châu Tinh Trì cũng thể hiện quá lên khiến cho nhiều tình tiết cảm thấy gượng gạo, giống như tấu hài trên sân khấu, tấu hơi lố gây cảm giác hơi khó chịu, những góc quay không nhiều độc đáo. Tuy nhiên phim cũng có nhiều điểm mà Châu Tinh Trì làm khá tốt. Đoạn đầu phim bối cảnh đẹp, câu chuyện diễn biến thú vị, đến đoạn giữa thì dài dòng và lung tung, và câu chuyện lại trở về mạch hấp dẫn ở đoạn cuối. Cái lồng ghép tình yêu vào một câu chuyện Phật Pháp là điều rất thú vị, Châu Tinh Trì đã cho Đường Huyền Trang yêu, và chính tình yêu đó là động lực, là điểm giác ngộ của anh để nhận chân ra con đường cứu khổ, giúp con người thoát khỏi bể khổ của Tham Sân Si, của những ảo tưởng, của sự diệu kì đến từ những bài giảng kinh tưởng từng đơn giản của đạo Phật. Một sự mô tả “Giác Ngộ” rất ấn tượng và rất con người, không còn là một Đường Huyền Trang phải tu luyện vô lượng kiếp để đầu thai vào thời nhà Đường, và trở thành Nhà Sư trong Tây Du Kí của Ngô Thừa Ân, Đường Tam Tạng đã tự giác ngộ con đường của mình qua những khổ nạn trong cuộc đời, từ những thân phận, từ tình yêu, đó mới chính là Ngộ Tính bền vững để một con người hướng về với Đức Phật.
Thêm nữa, tạo hình nhân vật trong phim này đúng là gây shock thật, Trư Bát Giới thì mặt nhẵn bóng trông ma quái và bệnh hoạn. Tôn Ngộ Không thì trông giống anh ăn mày, sau khoác thêm bộ dạng khỉ thì tư thế bé xíu, nhìn không còn sự oai phong và mạnh mẽ của “Tề Thiên Đại Thánh”, công tử Hư Không có bốn người hầu nữ toàn người già, mặt mũi xấu xí. Thêm nữa là đến gậy Như ý của Tôn Ngộ Không còn bị thanh kiếm của Công tử Hư Không phá tan thì cũng hơi kì quặc. Thư Kì chính là nhân vật và diễn viên đã cứu bộ phim này, diễn xuất tốt, cộng thêm là một nhân vật phức tạp, có tình cảm sâu nặng với Đường Tăng khiến câu chuyện luôn luôn trở về quỹ đạo của nó khi có cô.
Có vẻ Châu Tinh Trì đang cố gắng nốt những sự sáng tạo đang dần dần trở nên không còn nhiều của mình. Bộ phim đã không thành công nếu so với nhiều phim trước của anh, và so với sự kì vọng của những người yêu mến anh, và mặc dù cũng theo dõi được hết toàn bộ bộ phim thì xem xong vẫn cảm giác hơi nản, dài dòng và không có nhiều thú vị.