Trong điện ảnh, thường có ba kiểu cảm xúc khi xem phim. Thứ nhất là đối với một bộ phim xuất sắc, khán giả sẽ cảm thấy cực kì phấn chấn, day dứt, âm vang của bộ phim còn đọng lại mãi và đôi khi làm thay đổi suy nghĩ của cả quãng đời sau đó. Thứ hai là những bộ phim tệ và phi lý không thể nào tả nổi, khiến khán giả ghét, dè bỉu. Kiểu cuối cùng là những bộ phim “bình thường”, không hay mà cũng không dở, không có cao trào, mà cũng chẳng có thoái trào mà khán giả rời khỏi phòng chiếu phim với chẳng nhiều suy nghĩ. Nếu chia phim thành ba kiểu như vậy thì hẳn Cô Ba Sài Gòn sẽ thuộc kiểu thứ ba.
Cô Ba Sài Gòn là bộ phim được đạo diễn bởi Lộc Trần và Kay Nguyễn. Phim nói về đề tài áo dài – một chủ đề chẳng mới mà cũng chẳng cũ. Áo dài hẳn đã xuất hiện nhiều trong thơ ca, hội họa hay âm nhạc, nhưng trên màn ảnh rộng thì còn khiêm tốn. Áo dài là một đối tượng khá an toàn bởi áo dài sẽ khơi dậy cảm xúc tôn trọng, quý mến của bạn bè quốc tế và sự thiêng liêng đối với những con người đất Việt. Cô Ba Sài Gòn cũng không hề nhàm chán bởi bộ phim diễn ra trong những bối cảnh đặc biệt. Làm sao không hào hứng và mong chờ được khi đây là một trong những bộ phim đầu tiên nhắc đến Sài Gòn vào những năm 1960, không nói về chiến tranh, mà nói về một nếp sống, nền văn hóa.
Cô Ba Sài Gòn kể về Như Ý – con gái nhà may Thanh Nữ có truyền thống may áo dài đã chín đời. Như Ý luôn cho áo dài là cũ kĩ, thiếu sáng tạo mà chìm đắm vào những bộ Âu phục thời thượng. Một biến cố đã đưa cô “xuyên không” đến năm 2017. Liệu đây sẽ là thiên đường hay là ác mộng đối với cô gái trẻ? Như Ý sẽ chọn tà áo dài của truyền thống hay trang phục hiện đại của những đất nước xa xôi?
Trailer và poster của Cô Ba Sài Gòn thực sự ấn tượng và để lại nhiều kì vọng trong khán giả. Poster phim được thiết kế theo phong cách retro, mang lại cảm xúc của những năm 60 thế kỉ trước. Còn trailer cũng rất kịch tính, cuốn hút. Thế nhưng, điều gây thất vọng lại cũng chính ở đây, khi trailer, đáng ra phải giới thiệu về nội dung phim, lại đánh lừa khán giả. Trên trailer, Cô Ba Sài Gòn giống như một bộ phim mang hơi hướng lịch sử, chính kịch. Nhưng 100 phút của bộ phim lại là chính kịch pha lẫn hài hước. Hay nói cách khác, trailer của Cô Ba Sài Gòn chỉ là tóm tắt về 15 phút đầu của tác phẩm. Các nhà làm phim lại chọn yếu tố hư cấu là “dịch chuyển thời gian” chứ không ở lại những năm 60 thế kỉ trước mà khai thác bối cảnh xã hội, tâm lí của nhân vật. Việc đem Sài Gòn của quá khứ lên phim hẳn sẽ tốn nhiều công sức, của cải hơn nhưng chắc chắn sẽ ấn tượng và thu hút hơn nhiều.
Kịch bản Cô Ba Sài Gòn thuộc mức trung bình khá. Diễn biến tâm lí nhân vật mặc dù chưa đặc sắc, nhưng cũng đáng kể. Dàn diễn viên tròn vai, nhưng không đủ đất để bứt phá. Đẹp nhất và xuất sắc nhất phải kể đến đội ngũ phục trang và bối cảnh đã khắc họa lại thật chân thực những con người, năm tháng trong quá khứ. Mặc dù nhân vật chính của Cô Ba Sài Gòn phải là áo dài nhưng bộ phim cũng điểm tô nhiều trang phục hiện đại, mới mẻ. Cô Ba Sài Gòn chắc chắn sẽ không thể bỏ qua với những tín đồ thời trang.
Bộ phim đẹp cả ở những bộ áo dài thướt tha truyền thống và phá cách, mới lạ, hay những bộ cánh hiện đại, năng động của năm 2017. Nhiều phân cảnh của phim khiến khán giả không khỏi nhớ về Devil Wears Prada của David Frankel. Những cảnh quay của Cô Ba Sài Gòn đẹp và chỉn chu khiến nhịp phim chảy mượt mà. Tuy nhiên, mặc dù mọi yếu tố đều khá hài hòa, tròn trịa nhưng cảm xúc mà Cô Ba Sài Gòn đem đến cho khán giả vẫn là chưa đủ. Người xem phần nào đoán được cái kết và biến đổi tâm lí của nhân vật. Những từ “áo dài” và “áo dài” được nhắc đi nhắc lại trong lời thoại, khiến cho thông điệp của bộ phim trở nên khuôn mẫu và cứng nhắc.
Tuy nhiên, nếu nhìn theo mặt bằng chung, thì Cô Ba Sài Gòn vẫn rất đáng được ủng hộ, quan tâm. Thứ nhất là bởi Cô Ba Sài Gòn đã dám thoát khỏi lối mòn của những bộ phim Việt cùng thời, chắc chắn sẽ mở đường cho cách nghĩ mới, cách làm phim phá cách hơn của những nhà làm phim trẻ Việt Nam. Thứ hai, Cô Ba Sài Gòn là nỗ lực nghiêm túc của cả đội ngũ làm phim đã đầu tư rất nhiều công sức từ phục trang, bối cảnh,… đến cả truyền thông. Mặc dù cách thể hiện còn thiếu tinh tế nhưng không thể phủ nhận được rằng nội dung của Cô Ba Sài Gón rất nhân văn và ý nghĩa, đề cao giá trị của tà áo dài, truyền thống văn hóa và người phụ nữ Việt Nam độc lập, giỏi giang nhưng cũng không hề kém phần quyến rũ. Cô Ba Sài Gòn xứng đáng là một ví dụ điển hình cho bước chuyển mình tích cực của điện ảnh Việt Nam những năm trở lại đây.