Đứa cháu của bà Nguyện lúc nào cũng gọi Culi là con khỉ, dù nó không phải khỉ, và vì thế con bé luôn định kiến nó mang đến điềm gở cho gia đình mình. Còn con Culi lúc nào cũng mở to đôi mắt nhìn vào camera, nhìn vào cái nhà nó sống, nhìn vào bà Nguyện, nhìn vào đứa cháu gái cụt tay ướng bướng, vào cậu thanh niên phục vụ quán bar tóc trắng lúc nào cũng đi một mình… Nó có quan sát không, chắc cũng không quan trọng, đôi mắt nó như đôi mắt khán giả chúng ta đây, có gì quan trọng với gia đình bà Nguyện, với nỗi buồn của bà Nguyện, với những ám ảnh sâu thăm thẳm của bà Nguyện đâu. Ta chỉ xem phim, và chứng kiến, và đồng cảm, có thể, nhưng cũng vậy mà thôi.
Như đến một ngày con Culi nó không còn ở bên bà Nguyện nữa, chúng ta cũng thoát ra khỏi những khung hình đen trắng buồn bã nhưng có vẻ rực rỡ đó để lại sự riêng tư cho bà và sự riêng tư cho 2 bạn trẻ mới cưới thôi.

Culi không bao giờ khóc không có cốt truyện rõ rệt, bộ phim chỉ là một chuỗi những tiểu tiết trong đời sống đời thường của một người đàn bà dường như đã bỏ hạnh phúc của mình qua một bên để nuôi đứa cháu gái không may mẹ mất sớm còn bố thì bỏ đi biệt tích. Chính cái việc bỏ qua hạnh phúc của mình để dành tình yêu thương cho một người khác đã khiến bà Nguyên dường như luôn luôn khắc khoải, mong đợi 1 điều gì đó mà qua thời gian, qua sự khắc nghiệt của thời gian, như dòng nước siết của sông Đà ngày thuỷ điện Hoà Bình xả nước, nó cứ trôi tuột đi mất, để lại trước đôi mắt của bà một nỗi buồn cô đơn sâu thẳm, như thể bà đang ngóng tìm cái xứ “Thiên Thai” nào đó, nó cứ chớp hiện rồi biến mắt trước mắt bà, như những điểm sáng thường xuyên xuất hiện trong khung hình của đạo diễn Phạm Ngọc Lân.
Cách xử lý trắng đen cho phim đã giúp cho nỗi buồn cần có toả lan ra từ nhân vật trở nên rõ nét và sắc sảo hơn rất nhiều. Một Hà Nội nhỏ bé, tầm thường, giản dị với những thân phận có phần mỏng manh còn đang lưu giữ trong mình rất nhiều kí ức không chỉ của riêng họ, mà còn là kí ức của một thời người ta đã quyết liệt sống, quyết liệt yêu và quyết liệt làm chủ vận mệnh của mình sau chiến tranh.

Nghệ sĩ Minh Châu đã diễn thật hay, dù voice over của bà có điều gì đó không gợi được nhiều cảm xúc, có lẽ do tiếng Việt khi được đọc to lên, nó cứ có cảm giác ngang ngang và kịch. 2 diễn viên trẻ trong vai Vân và Quang cũng vừa đủ, cái non nớt của Quang, và cái vẻ có phần chán nản với cuộc sống của Vân, thiệt khó có thể tin 2 bạn trẻ này sẽ hạnh phúc sau kết hôn, nhưng có lẽ như con Culi đã đi mất, chúng ta cũng đi mất để quay về lo cho đời của riêng chúng ta thôi, kệ bà Nguyện, kệ Vân Quang.