Thậm chí ở Mỹ, phụ nữ làm đạo diễn vẫn là một nghề rất thiểu số, và nhận được rất ít sự ủng hộ từ các nhà sản xuất, thì một đạo diễn nữ ở Việt Nam dám dấn thân làm phim, và lựa chọn một chủ đề thuần nghệ thuật với rất nhiều bạo lực và tình dục không chỉ là một sự dũng cảm, mà còn tạo nên những tiền đề cho một sân chơi công bằng về giới. Lại là bộ phim đầu tay. Chính vì vậy, dù cho Đảo của dân ngụ cư không tròn trịa và trọn vẹn, bộ phim vẫn cho thấy góc nhìn của một người phụ nữ, muốn gửi gắm vào đó tiếng nói cho sự bạo hành, cho những ẩn ức dục tình, và những khao khát tự do.

Ẩn ức của một ngôi nhà u tối

Câu chuyện xảy ra ở một thời điểm không cụ thể, trong một ngôi nhà mà những mảng tối nhiều hơn mảng sáng, sự bức bí nhiều hơn thoải mái, và sự u buồn che kín mọi tiếng cười. Nhân vật chính là một cậu bé mới trưởng thành đang đi tìm việc. Phước (Phạm Hồng Phước) đến đó làm người phụ việc bếp núc cho ông chủ (Hoàng Phúc) đang kinh doanh nhà hàng nhậu về các món ăn làm từ dê.

Chọn một bối cảnh hẹp là cái khó đầu tiên dành cho đạo diễn chưa nhiều kinh nghiệm. Sự lặp lại của khung hình, dàn cảnh và cách áp đặt góc nhìn thực sự là một sự thử thách, không chỉ cho đạo diễn mà cho cả quay phim. Lý Thái Dũng chính vì vậy, có lẽ đã có chút bối rối ở ngay cảnh vào nhà đầu phim. Một sự bối rối mang đến cảm giác bối rối cho chính khán giả về những gì đang đợi Phước ở phía trước.

Sự im lặng bao trùm ngôi nhà, có lẽ vì thế mà mỗi lời nhân vật nói ra, tạo nên sự kích âm lớn, ta cảm giác như họ đang muốn thoát ra khỏi đó. Thoát ra khỏi sự tù túng mà nếu để ý ta sẽ thấy sự ảnh hưởng của bộ phim đến từ Đèn Lồng Đỏ Treo Cao của Trương Nghệ Mưu, hay tác phẩm mà Hồng Ánh đóng vai chính Trăng Nơi Đáy Giếng của đạo diễn Vinh Sơn. Những ẩn ức giấu kín bên trong lòng, con người nhốt kín trong một không gian bức bối, tù túng. Phải thực sự lành nghề đạo diễn mới có thể liên kết được cảm xúc của nhân vật và bối cảnh, liên kết những căn phòng và những phận người đang tự co mình trong 4 bức tường, mà ánh sáng duy nhất đến từ khoảng sân, cửa sổ có chấn song và những ước mơ tự do.

Điều đó đã thực sự làm khó Hồng Ánh, trong tác phẩm đầu tay của chị, mà nói thực là sẽ làm khó bất kì ai dám dấn thân vào địa hạt của tâm hồn được phóng dụ thành một căn nhà quá nhiều ẩn ức.

Ẩn ức của người vợ có khao khát nhưng bất lực trong việc sinh con, ẩn ức của người cha luôn luôn muốn bao bọc đứa con gái một cách thái quá, ẩn ức của cô gái (Chu do Ngọc Thanh Tâm thủ vai) đang thanh xuân dù tàn tật nhưng không thiếu những khao khát được làm phụ nữ, ẩn ức của Phước cậu trai trẻ muốn được yêu, được ôm vào lòng như thể cậu thực sự thiếu tình thương yêu của người mẹ, ẩn ức của ông già theo đạo Hồi, luôn câm lặng, và chìm đắm trong tôn giáo của mình mà không ai biết ông là ai, có số phận ra sao, hay cuối cùng là ẩn ức của cậu thanh niên khoẻ mạnh hừng lực lửa tình nhưng chỉ là một thứ giống đực để bà mẹ dùng cho đứa con gái tàn tật có thể có con.

Câu chuyện quá nặng cho một tác phẩm đầu tay

Đặc quánh, bầu không khí phim vừa có vẻ ma mị, vừa mang lại niềm thương xót, trong tiếng cười của cô gái, trong khuôn mặt ngây thơ của Phước, hay đôi mắt bất cần đời của Miên (Nhan Phúc Vinh). Những khuôn mặt đó tương phản với những khuôn mặt cười nói của khách đến ăn trong nhà hàng thịt dê, như hai thế giới tách biệt. Nói đến đây, mới thấy rằng, nếu Hồng Ánh xây dựng một bối cảnh đúng như tên bộ phim, một đảo nhỏ biệt lập, thì những thân phận người sẽ được thể hiện sắc hơn, và cô đọng hơn. Nhưng khi chị xây dựng ở một nơi nhiều dân cư, ta lại thấy có những tình tiết thừa vì kéo dãn bối cảnh và bắt buộc phải kể gì đó về bối cạnh bị kéo căng ra đó. Khách chửi mắng chủ, khách hát hò, chè chén… Những điều đó không cần thiết vì bản thân bối cảnh chật của căn nhà đã quá đủ để nói về ẩn ức rồi.

Bộ phim không nói rõ về mốc thời gian, nhưng nhìn vào bối cảnh và nhân vật, ta có thể mường tượng nó ở đâu đó miền trung, nơi đàn ông mang tính gia trưởng, còn người phụ nữ luôn chứa quá nhiều sự cam chịu trong lòng. Hãy xem Trăng Nơi Đáy Giếng, chị Hồng Ánh vào vai một người vợ cam chịu, và tham chiếu vào hình ảnh người vợ của Ngọc Hiệp, thật giống nhau đến xót xa, và còn biết bao thân phận phụ nữ như vậy trên mảnh đất đó. Có lẽ, nếu Hồng Ánh dám để Ngọc Hiệp và đứa con gái mạnh dạn phá bung “xiềng xích” và giải phóng bản thân mình để đạt được ước mơ của cô con gái là sự tự do, là mênh mông của biển thì bộ phim sẽ khác rất nhiều.

Bộ phim có cốt liệu rất dày, chính vì vậy, kịch bản của Nguyễn Quang Lập, hay chính bản thân Hồng Ánh đã khá bối rối trong cách chọn điểm nhìn. Việc đó vô hình chung làm bộ phim bị rời rạc và thiếu nhất quán. Phim nói về ai đây, về Phước, người kể chuyện, hay về Chu – cô gái tật nguyền, hay về bà mẹ không thể có con… Mỗi người được nói một chút, và chính vì để ai cũng có đất diễn, nên bản thân bộ phim lại không trở thành đất diễn cho một câu chuyện đậm tính tự sự và luôn chực chờ bùng nổ để tự do. Điều đó thực sự làm khán giả bối rối.

Một điều đặc biệt là âm nhạc. Thay vì sử dụng nhạc Việt theo cách truyền thống cho một bộ phim mang nhiều màu sắc truyền thống. Hồng Ánh lại sử dụng âm nhạc phương tây. Điều đó không mang lại cảm giác khó chịu, thay vào đó nó làm cho bộ phim có sức sống. Vì âm nhạc phương tây nó đại diện được cho ý nghĩa của tự do, giải phóng tư tưởng. Nó làm bộ phim như được tắm mát, và khiến không khí bớt ngột ngạt, và đặc biệt là khán giả buông lỏng sự chịu đựng của mình.

Dùng bạo lực và tình dục như ẩn dụ về sự bức bí và tự do, Đảo Của Dân Ngụ Cư (The Way Station) thực sự là một tác phẩm nên có của điện ảnh Việt cho dù nó còn nhiều thiếu sót. Vì nó nói rằng, xã hội Việt Nam, dù thời đại nào, cũng có nhiều mảng u ám đáng buồn bên trong những ngôi nhà đóng kín.

Tuổi Trẻ

Comment