Phim gia đình vốn là thể loại không được đánh giá cao trong những liên hoan phim hay giải thưởng hàn lâm danh giá. Có lẽ cũng bởi đây là thể loại dành cho mọi lứa tuổi, từ người lớn tới trẻ nhỏ, mà phim gia đình không thể chạm tới những vấn đề quá nhạy cảm của xã hội, không thể tập trung nhấn nhá những hình ảnh ẩn dụ đầy tính nghệ thuật. Mặc dù vậy, vẫn có những bộ phim gia đình vượt qua định kiến kia, xướng tên mình trong những lễ trao giải danh giá và để lại ấn tượng sâu đậm cho người xem. Trong đó, chắc chắn ta phải kể tới “Little Miss Sunshine” – Hoa hậu nhí ánh dương.

“Little Miss Sunshine” (2006) là một bộ phim gia đình hài hước, xen lẫn chính kịch, được đạo diễn bởi vợ chồng Jonathan Dayton và Valerie Faris. “Little Miss Sunshine” – tên của bộ phim cũng chính là tên của cuộc thi sắc đẹp đã làm thay đổi cuộc sống của cả gia đình nhà Hoover. Gia đình Hoover, khỏi phải bàn cãi, là một mớ hỗn độn, hội tụ đủ thứ tính cách gàn dở, bướng bỉnh. Nào là một ông già luôn tỏ ra vô trách nhiệm nhưng yêu thương cháu vô cùng, một ông bố cứng đầu, không bao giờ chịu chấp nhận thua cuộc, từ bỏ, một bà mẹ luôn tất bật để lo cho gia đình. Rồi thì một người anh trai sống tách biệt với quyết tâm vào được trường phi công, một người chú đồng tính, thất bại rồi tự tử suýt chết. Và cuối cùng, tỏa sáng như một ánh dương khỏi đám người lớn kì quặc kia, là cô bé Olive mũm mĩm, vô tư, mang trong mình ước mơ trở thành hoa hậu. Hành trình của họ bắt đầu cùng nhau khi cô bé “sái” được vị trí trong một cuộc thi sắc đẹp có tiếng, và cả nhà phải đi 700 dặm “hộ tống” cô. Mỗi người một cá tính, một quan điểm sống riêng, nên biết bao tranh cãi, mâu thuẫn, tình huống dở khóc dở cười đã xảy ra trong chiếc xe van VW cũ kỹ, hỏng hóc đủ chỗ. Để đến phút cuối phim, dường như không ai hoàn thành được ước mơ của mình: bố không xuất bản được cuốn sách tâm huyết, đưa gia đình đến bờ vực phá sản, ông không được chứng kiến cô cháu gái biểu diễn trên sân khấu, anh trai Dwayne không thể vào trường bay vì bị mù màu, chú Frank không tìm lại được chút sự nghiệp hay tình yêu nào và Olive cũng chẳng trở thành “Hoa hậu nhí ánh dương”. Thế nhưng, những điều ấy dường như chẳng còn quan trọng, chiếc xe vẫn lăn bánh trên con đường đầy nắng và họ sẽ yêu thương, san sẻ cùng nhau hơn trước kia, cùng đối mặt với khó khăn sắp tới. Họ bên nhau, là một gia đình. Và đó có lẽ là “cái kết có hậu nhất” có thể dành cho bộ phim này.

“Little Miss Sunshine” hài hước là thế, nhưng cũng không kém phần châm biếm sâu cay nhiều hiện tượng đời sống. Mà nổi bật nhất là định nghĩa, tiêu chuẩn về cái đẹp. Ở ngoài kia, hẳn chúng ta đã từng nghe thấy hàng loạt cuộc thi hoa hậu mọc lên như nấm sau mưa, nào là Hoa hậu Trái Đất, Hoa hậu Thế Giới, Hoa hậu “Vũ trụ”, hay thậm chí còn có “Hoa hậu của những Hoa hậu”. Vậy thì ở nước Mỹ – một “cường quốc sắc đẹp”, hẳn những cuộc thi như “Hoa hậu nhí ánh dương” cũng không hiếm. “Little Miss Sunshine” là cuộc thi sắc đẹp dành cho các bé gái từ 7-8 tuổi trên khắp mọi miền đất nước. Tham gia cuộc thi, các bé phải trải qua nhiều vòng loại gắt gao, thi phần thi áo tắm, tài năng và hẳn cả ứng xử nữa. Điều nực cười nhưng cũng nhức nhối chính là hình ảnh các em được chát lớp phần son dày cộp trên gương mặt non nớt, không khác gì những cô búp bê Barbie nhưng nụ cười lại giả tạo và vô hồn biết bao. Để rồi một cô bé như Olive với lớp trang điểm nhẹ do mẹ em đánh vội, với điệu nhảy hài hước do ông cô bé dạy trở thành lạc lõng, thành sự xúc phạm tới một cuộc thi sắc đẹp “tầm cỡ” như thế.

“Little Miss Sunshine” thành công, trước hết là nhờ tới kịch bản được chắp bút bởi Michael Arndit. Bộ phim nói về những chủ đề vừa quen vừa lạ, dễ gần nhưng không dễ đoán, đơn giản nhưng không hề nhạt nhẽo, tầm thường. Nghệ thuật xây dựng và miêu tả nhân vật cũng là một yếu tố đặc sắc khi mọi nhân vật trong phim đều mang những nét tính cách riêng, vừa gàn dở, vừa đáng yêu, đáng mến. Dường như cũng không hề có nhân vật chính khi tất cả đều được trao đủ thời lượng và không gian để thể hiện mình. Cinematography được tô bởi màu vàng nắng, từ đầu cho đến cuối phim, gợi cho người xem cảm giác dễ chịu, lạc quan. Các cảnh quay cũng đơn giản nhưng vừa đủ, phù hợp với một bộ phim gia đình. Nhưng đặc biệt, khi nhắc tới thành công của “Little Miss Sunshine”, người ta không thể không nhắc tới dàn diễn viên “bình dân”, ít tên tuổi (có lẽ để phù hợp với ngân sách eo hẹp của một bộ phim độc lập) đã hoàn thành rất xuất sắc vai diễn của mình, khắc họa những nét tính cách đa dạng, điển hình nhưng đặc sắc. Nổi bật hơn cả, phải nhắc tới Abigail Breslin khi đó mới 10 tuổi đã nhận đề cử “Diễn viên nữ phụ xuất sắc nhất” của Viện Hàn lâm. Cô đã thành công trong việc thể hiện một cô bé 7 tuổi hồn nhiên, đáng yêu không kể đâu cho hết, nhưng cũng rất tinh ý, biết suy nghĩ và cảm thông cho người khác.

“Little Miss Sunshine” là một bộ phim đáng yêu, đặc sắc, dường như đạt đến độ gần cân bằng giữa hai yếu tố đối nghịch: giải trí và nghệ thuật, hài hước và chính kịch. Bộ phim sẽ đưa người xem từ cười tới khóc, giận hờn hoài nghi tới tin tưởng, mến thương. “Little Miss Sunshine” chắc chắn sẽ là một bộ phim tiêu biểu cho những nhà làm phim độc lập kinh phí thấp, một bộ phim không thể bỏ lỡ trong những dịp tụ tập bạn bè, người thân. Hay cũng đơn giản chỉ là bộ phim cho cá nhân, khi muốn tìm thêm động lực, tự tin hơn vào chính bản thân mình.

Facebook Comments Box

Comment