Được công chiếu ở hạng mục Gặp gỡ (Encounters) của Liên hoan phim Berlin và nhận được Giải Đặc biệt (Special Jury Award), Vị (tên tiếng Anh: Taste) của Lê Bảo là phim về những khoảng dừng. Đặt bối cảnh ở Sài Gòn, Vị kể câu chuyện về một cựu cầu thủ bóng đá người Nigeria – anh đã tìm thấy nơi trú ẩn của mình khi sống cùng vài người phụ nữ trung niên là người địa phương, trong một boong ke nào đó. Với cơ thể và sinh hoạt thường ngày được phơi bày dưới ánh sáng, họ cùng nhau trôi trong ngày và đêm, giống như những hồn ma đã tìm ra cái bóng xa xưa của chính mình. Họ sống trong một không gian trống và tối – một phòng trưng bày của sự trần trụi tuyệt đối. Không quần áo, không đồ đạc, cơ thể họ trình diện nếp ngày: họ nấu ăn, tắm, ngủ cùng nhau, chia sẻ những câu chuyện riêng của nhau – những câu chuyện vang vọng nỗi buồn. Trong Vị, thế giới đã dừng lại, thời gian hóa thành một hồ nước bất động.
Ta thoáng nhìn thấy thực tại, khi thời gian cứ trôi không mục đích, như trong đời sống ngày nay của nhiều người. Mỗi cảnh trong phim đều trầm ngâm về kết cấu của cơ thể; âm thanh thì chỉ toàn tiếng thở của khao khát; ở hậu cảnh, có một chiếc TV được bật lên, càng tô đậm vẻ lẩy bẩy của cơ thể trong sự yên lặng tăm tối ngút ngàn. Máy quay lần theo làn da, sự liên tưởng thu hút người xem: nhục cảm ở một nơi đầy bụi là mùi hương hiếm có của cái đẹp. Phim là khoảng dừng của suy tư – với sự đa tầng của kết cấu, nhịp điệu trầm tư của Lê Bảo giúp anh và người xem khám phá miền cảm xúc của Sài Gòn.
Vị có thể là một phim khiến bạn nghĩ đến những đại diện lớn về phim nghệ thuật của điện ảnh châu Á, nhưng kết luận như vậy thì thật đánh giá phim thấp quá. Tôi cũng đã từng nhanh nhảu gán cho phim cái mác sao chép. Cho đến khi tôi gặp Lê Bảo. Gặp anh, dù chỉ qua Zoom, đã đảo chiều suy nghĩ trong tôi về phim. Chúng tôi nói về những miền cảm xúc của Sài Gòn, và cách mà anh nắm bắt cảm xúc của thành phố này trong phim. Chúng tôi chia sẻ về những yếu tố cấu thành phim ảnh, về khung hình, sự chuyển động (và sự thiếu vắng chuyển động), và về niềm ám ảnh với sự trần trụi của cấu trúc, cũng như việc khán giả có thể ngủ gật khi xem phim.
Phim dựa trên kí ức của anh, nhưng nó cũng là sự pha trộn giữa phần siêu thực và phần thực. Vậy phần thực đến từ đâu?
Có hai yếu tố chính định hình câu chuyện. Cái đầu tiên liên quan đến cảm giác tôi có khi bắt đầu nghĩ về ý tưởng của phim. Khi còn là sinh viên, hàng ngày, tôi thường bắt xe buýt đi học. Lúc đó, tôi bắt đầu chú ý đến những điều xung quanh. Mỗi ngày tôi đều thấy những người đàn ông châu Phi đi cùng tôi trên xe buýt. Họ rất cao, to con hơn tôi rất nhiều, và luôn ngồi phía sau xe. Họ ngồi rất yên và im lặng. Tôi có thể cảm nhận được cảm giác mất mát, một dòng chảy buồn trong điệu bộ cơ thể của họ. Cảm giác này đọng lại trong tâm trí tôi rất lâu. Nó lặp đi lặp lại, và nó khiến tôi bắt đầu tưởng tượng về nguồn gốc của họ, và về việc họ cảm thấy thế nào khi đến Sài Gòn, Việt Nam. Sự cô đơn của họ cứ đeo bám tôi. Nó càng thúc đẩy tôi quan sát họ. Tôi bắt đầu làm điều đó rất cẩn thận và tìm hiểu thêm về cộng đồng của họ với ý tưởng một ngày nào đó sẽ kể câu chuyện của họ.
Sau đó, tôi bắt đầu tiếp cận cộng đồng người châu Phi. Cuộc sống [của họ] ở Sài Gòn thật sự hấp dẫn đối với tôi. Họ sống theo kiểu rất tư do. Dù vậy, tôi cũng đã mất kha khá thời gian để tìm hiểu kĩ về đời sống riêng của họ, vì rào cản lớn nhất là ngôn ngữ. Nhưng nhờ đó, tôi có thể liên tục quan sát. Tôi đã trở thành đôi mắt.
Mặc dù tôi muốn chia sẻ câu chuyện của họ, nhưng tôi không muốn tiết lộ mọi thứ. Lúc đầu, tôi nghĩ rằng Vị sẽ là một phim tài liệu với nhịp điệu nhanh, những cảnh quay bằng máy quay cầm tay sẽ gần gũi với cuộc sống của người châu Phi ở Sài Gòn. Tuy nhiên, không lâu sau đó, tôi nhận ra đó không phải là cách tôi muốn khắc họa họ, cảm giác không đúng lắm.
Sao lại không đúng lắm?
Tôi phần nào cảm thấy rằng tôi không có cảm xúc từ cách tiếp cận đó. Tôi cảm thấy đó không phải là tôi. Tôi bắt đầu nghĩ về các hình thức biểu đạt khác. Tôi nhận ra rằng nếu dành thời gian và dùng nó để tạo các cảnh tĩnh, ta có thể cảm nhận được nhiều hơn từ cơ thể và từ những tương tác hay có của nó với các cơ thể khác. Khi im lặng, ta có thể cảm nhận mọi người. Nó trở thành phương châm của tôi; một phương châm quan trọng vì nó cho phép tôi gói cảm xúc của mình vào phim.
Anh có gặp trở ngại gì trong khi viết kịch bản không?
Khi tôi viết kịch bản, tôi không biết gì về việc trở thành một nhà làm phim độc lập. Tôi không biết gì về liên hoan phim. Tôi chỉ muốn kể câu chuyện của mình. Tôi cứ viết đi viết lại kịch bản, rồi đến một ngày, tôi muốn xem hình ảnh trong kịch bản sẽ như thế nào khi trở thành hình ảnh trên màn hình, vì thế tôi bắt đầu đi tìm nguồn vốn. Với kinh phí mà tôi có, chỉ có thể mua được một chiếc máy quay tử tế và tìm một đoàn làm phim, nên tôi cần phải tìm được [những địa điểm quay phù hợp với] cảm giác thẩm mĩ của tôi về phim.
Tôi đi dạo phố và ngắm nhìn phong cảnh như một họa sĩ. Tôi muốn nắm bắt ý niệm về không gian, cảm nhận sự thay đổi của màu sắc, và bụi. Dần dần, tôi trở nên tự tin vào hướng đi của mình. Để “nâng cấp” hình ảnh [cho phim], tôi bắt đầu từ việc viết, rồi chuyển thành trò chuyện với mọi người, và khám phá các địa điểm. Khía cạnh mà tôi bắt đầu là không gian và tôi nghĩ đó là điều quan trọng nhất đối với cách kể chuyện của tôi.
Làm thế nào mà anh tìm thấy không gian cho phim của mình?
Nó là hình ảnh khu ổ chuột ven sông đã xuất hiện trong phim ngắn trước đây của tôi. Tôi sinh ra ở một nơi như thế này ở Sài Gòn, đó là lí do tại sao việc quay phim ở đó lại quan trọng đối với tôi. Khi tôi còn là một cậu bé, tôi thường dành những ngày ở nhà chỉ đơn giản là đợi cha tôi đi làm về. Tôi cứ nhìn ra bên ngoài qua những ô cửa sổ nhỏ. Tôi đoán hồi đó tôi đã bắt đầu trở thành một người quan sát: quan sát những người xung quanh tôi trong những căn nhà nhỏ của họ, những người sinh hoạt gần sông, để ý đến mùi của xunh quanh. Nếu không mang mùi hương [như xưa], nơi đó sẽ trở thành một nơi xa lạ, tôi cần phải nắm bắt được không khí của địa điểm quay, và mùi hương đã trở thành một phần quan trọng trong bầu không khí đó.
Còn một địa điểm quay khác, là một tiệm hớt tóc. Giờ không thể tìm ra những nơi giống xưa nữa, nhưng tôi muốn nắm bắt nó theo cách tôi đã nhớ trong quá khứ. Tôi từng đến một tiệm hớt tóc như thế với cha tôi khi tôi còn nhỏ. Tôi không biết làm thế nào mà họ đã thành công trong việc duy trì hoạt động kinh doanh [của tiệm]. Tôi nhớ những nơi này được lấp đầy bởi mùi hương, những mùi mà trí nhớ của tôi đã lưu giữ rất tốt.
Tôi cũng nhớ mình từng đến thăm cha ở dòng sông nơi ông từng làm việc. Ngay cả hồi đó, không gian đó cũng khiến tôi bị cuốn hút: với mùi xăng quanh tôi, không khí khô, cát sông, mùi mồ hôi của cha. Chúng trộn lẫn với nhau. Tôi muốn tìm những địa điểm quay phù hợp với những kí ức đó, nhưng tôi cũng muốn phản ánh những nhục cảm: kết cấu của làn da con người, thành phần của mùi hương. Những nơi này kể những câu chuyện về cảm xúc của tôi.
Không gian rất tối giản, hầu như không có đồ đạc gì. Như thế nào mà anh lại sắp đặt như vậy?
Nếu anh đến Sài Gòn, anh sẽ thấy nó chật ních ra sao, đặc biệt là ở những khu ổ chuột. Nhiều người ngủ trong không gian rất nhỏ. Nhà của họ chất đống đồ đạc. Trong phim của tôi, không hiện diện những điều đó. Đồ đạc được bỏ đi gần hết, không gian phơi trần con người, họ khỏa thân trong đó, không hề che đậy gì. Tôi muốn loại bỏ những thứ đó để tôi có thể tập trung vào con người, vào cảm xúc của họ, vào một thế giới thay thế khác.
Vì chuyển động của các nhân vật (hoặc sự thiếu vắng chuyển động của họ) rất quan trọng đối với việc tạo ra các cảnh phim, tôi muốn hỏi anh đã làm việc với các diễn viên của mình như thế nào? Có các buổi diễn tập phức tạp không?
Hiệu quả của các cảnh quay không phải nhờ các buổi diễn tập. Chúng tôi đã không tập hợp các diễn viên lại với nhau để diễn tập. Tôi làm việc riêng với từng người bằng cách đơn giản là để họ thực hiện các động tác của họ: nhào bột, làm bánh bao, chèo thuyền trên sông, đạp xe… Đối với tôi, việc diễn tập cùng nhau sẽ làm mất đi sự tươi mới của cảnh phim, sự tươi mới này rất quan trọng trong cách biểu đạt cảm giác.
Trong quá trình tiền sản xuất, tôi không quá gần gũi với các diễn viên, nhưng tôi biết cách dành thời gian để tìm hiểu họ. Tôi lắng nghe câu chuyện cuộc đời của họ, quan sát cách họ thể hiện niềm vui, nỗi buồn và cảm xúc của họ. Tôi đã cố gắng hiểu chúng ở một mức độ nhất định. Điều đó như một nguồn dưỡng chất cho tâm trí tôi; nó cho phép tôi tìm ra nhịp điệu kết nối diễn viên với vai diễn tương ứng của họ. Điều thú vị là trong những hoàn cảnh khác nhau, các diễn viên nghiệp dư của tôi thích nghi và nắm bắt vai diễn của họ theo cách bản năng nhất tùy thuộc vào sắc thái của không gian. Nhờ đó, tôi có thể hướng họ đi đến những gì tôi muốn từ họ. Tôi nghĩ quá trình tìm kiếm và chọn diễn viên cho Vị rất quan trọng.
Mỗi chuyển động dường như đều mang sự ám ảnh của anh về cơ thể và sự khỏa thân. Tại sao anh lại quyết định diễn tả nhân vật của mình như vậy?
Khi nghĩ đến các hoạt động và các tương tác của nhân vật, việc miêu tả họ khỏa thân dường như đã là lựa chọn đúng ngay từ đầu. Đó dường như là một quyết định rất tự nhiên. Lúc đầu, tôi không cố ép mình tạo ra một thế giới khác, nhưng quá trình viết kịch bản và suy nghĩ đã dần hình thành thế giới của tôi. Thế giới đó chứa những yếu tố của sự nguyên thủy. Tôi quan tâm đến cách các nhân vật tương tác với nhau, điều này rất quan trọng trong một thế giới mà hầu hết mọi thứ đều trở lại trạng thái nguyên sơ của chúng. Bản tính sơ khai của con người được khơi dậy, chỉ sau đó, con người mới có thể tìm thấy sự yên bình của mình và nhận ra nhau.
Khi tôi nhớ ai đó, tôi thường nhớ đến dáng điệu của họ trong thoáng chốc. Tôi thực sự bị cuốn hút bởi cách mọi người ngồi, nằm hoặc đi bộ. Trong quá trình quay phim, tôi đặc biệt quan tâm đến tư thế của các diễn viên, hành vi của họ. Đôi khi tôi chú ý đến những chi tiết rất nhỏ, chẳng hạn như mái tóc của họ như thế nào, bàn tay đặt ở đâu, hình dạng của các ngón tay, bàn chân của họ. Tôi rất kĩ lưỡng trong những chi tiết này vì tất cả những điều này đều rất quan trọng trong việc thể hiện cảm xúc.
Phần lớn không gian của phim dành cho hơi thở và sắc thái cơ thể của nhân vật. Hơi thở là âm thanh nguyên bản và quyến rũ nhất. Đôi khi không cần một lời nói, không cần nhìn vào nhau, cảm giác của hơi thở sẽ thể hiện sự chân thành nguyên bản.
Điều này hoạt động như một công cụ để định vị nhân vật. Tôi phản ánh cách các nhân vật chiếm dụng không gian. Tôi vô cùng hứng thú với những gì mọi người làm khi họ xem TV. Khi xem TV, họ có thể làm bất cứ điều gì. Họ có thể nhìn vào màn hình, nhưng cũng có thể bắt đầu làm gì đó hoàn toàn khác. [Tất cả đều diễn ra] cùng một lúc, phải không? Một số người cần TV để ngủ. Họ ngủ khi ở trước màn hình TV. Ở Việt Nam, mọi người luôn bật TV khi làm việc gì đó. Nó luôn ở chế độ nền, chúng tôi cũng bật nó khi ngủ. Hầu hết thời gian, chúng tôi sẽ không chú ý đến những gì đang chiếu trên màn hình.
Phần lớn cuộc sống hàng ngày của nhân vật được ghi lại đều ở trước một màn hình TV.
Những gì có trên màn hình là thứ hoàn toàn không liên quan, điều tôi quan tâm ở đây là hình ảnh của những người ở trước mặt nó, dáng điệu của họ. Chúng thể hiện một nhịp điệu sống nhất định, một cảm giác về khoảng khắc mà tôi muốn ghi lại trong phim. Có một cảnh, ba người phụ nữ ngồi trên giường xem TV. Tuy nhiên, TV không có tiếng. Khán giả có thể cảm nhận được nhiều hơn nhờ vào vị trí của cơ thể họ, thông qua âm thanh của hơi thở. Âm thanh đó rất tinh tế, và chuyển động của họ cũng vậy. Đây là cảnh tôi thích nhất trong phim.
Anh có vui không nếu mọi người ngủ khi xem phim của anh?
Tôi đoán rằng khi mọi người xem phim của tôi, họ có thể ngủ bất cứ khi nào họ muốn. Đó là sự lựa chọn của khán giả. Vì khi phim đã được bật thì ta làm gì cũng được, ngồi ở chỗ nào xem cũng được, [xem theo kiểu] tạm dừng hoặc xem một mạch từ đầu đến cuối cũng được. Có thể khi đến rạp chiếu phim, ta sẽ nhận ra đó là cơ hội hoàn hảo để đi vào giấc ngủ. Nhưng trước khi ngủ, ta đã ở đó, kẹt giữa phim và thực, và lạc lối. Ta đã thấy điều gì đó từ phim: màu sắc và hình ảnh. Ta đã nhắm mắt lại nhưng vẫn nghe thấy âm thanh. Ấn tượng đó có thể lưu lại trong tâm trí ta. Sau khi thức dậy, có thể sẽ ta sẽ không còn nhớ gì nhiều, có thể ta sẽ không hiểu được gì [từ phim]. Toàn bộ câu chuyện có thể hoàn toàn mơ hồ. Nhưng có thể ta sẽ có cảm giác gì đó. Và nếu cảm giác đó có thể đọng lại trong tâm trí ta thì điều đó thật tốt.
Vì anh đã hỏi câu hỏi đó, nên tôi cũng muốn nói một chút về việc biên tập phim. Tôi rất may mắn vì đã có cơ hội làm việc với một biên tập phim rất giỏi (Lee Chatametikool, từng hợp tác với đạo diễn nổi tiếng Apichatpong Weerasethakul.) Anh ấy rất nhạy cảm với cảnh quay, luôn nhận ra sức mạnh của một khoảnh khắc hay một đoạn cắt. Anh ấy biết làm thế nào để triệt tiêu cảm xúc trong một cảnh, sau đó lại nắm bắt được dòng chảy của nó ở cảnh tiếp theo.
Nhiều nhà phê bình cho rằng phim của anh có cùng thẩm mĩ với nhiều cái tên lớn trong dòng phim nghệ thuật, như Pedro Costa, Tsai Ming-liang, Apichatpong Weerasethakul. Anh có nghĩ những nhà làm phim này đã tác động đến quá trình sáng tạo Vị của anh? Anh nghĩ tại sao các nhà phê bình lại cố gắng nhìn nhận phim của anh qua những lăng kính đó?
Tôi biết về những phát biểu đó và tôi tôn trọng chúng, đó là quyền tự do của người xem khi đưa ra phát biểu như vậy. Về phía tôi, [tôi nghĩ] đây là ba đạo diễn giỏi, nhưng phim của họ thực sự rất khác với phim của tôi. Tôi hiểu ngôn ngữ điện ảnh của mình và nơi mà nó bắt nguồn.
Cách biểu đạt và thẩm mĩ trong điện ảnh của tôi bị ảnh hưởng bởi cuộc sống thực của tôi: ngôi nhà của tôi trong khu ổ chuột khi tôi còn là một cậu bé, nhịp điệu của dòng sông, cách mọi người di chuyển hoặc ngồi trong trạng thái vô định, những cuộc gặp gỡ yên lặng với cha tôi giữa cát, những lần sum họp mong manh của gia đình tôi. Chúng ám ảnh tôi; chúng có nhịp điệu riêng – im lặng, nhưng đồng thời, rất náo động. Trong nhiều năm, những cảm xúc và kí ức ấy nhấn chìm tôi, nhưng rồi chúng lại khiến tôi khao khát thoát ra khỏi chúng. Cảm giác như được đánh thức trong một giấc mơ. Đó là phim của tôi.
Nguồn: Asian Movie Pulse