Tôi nghĩ có hai thứ trên đời mà con người ta hay nói đến và tuổi trẻ cố chấp bám víu lấy nó, như thể nó là thứ nuôi dưỡng sự sống, như thế nếu thiếu nó, nếu thả nó ra, con người ta sẽ chẳng còn lại gì, ngoài sự trống rỗng và tuyệt vọng, đó là tình yêu và bản ngã. Hai thứ đó đều là hư vô, đều là những điều mang nặng tính chấp niệm, sự cố chấp, và thái độ cưỡng cầu không muốn buông dù nó có đang làm hại bản thân mình. Trong đó, đặc biệt là bản ngã, là cá tính, là thái độ sống vin vào một lý tưởng để theo nó đến tận cùng. Như Húc Tử (Trương Quốc Vinh) đã tin: “Tôi nghe nói có một loài chim không có chân. Chúng cứ bay, bay mãi. Khi mệt, chúng ngủ trong gió và chỉ dừng lại một lần duy nhất trong đời. Đó cũng là lần chúng chết.” Húc Tử tin cuộc đời mình giống loài chim đó, anh phải bay, phải đối diện với cuộc đời cho đến khi kiệt quệ sinh lực. Anh không có lựa chọn nào khác, ngoài sự phóng túng, nỗi cô đơn, và thái độ cố chấp với chính đời mình.
Vương Gia Vệ đưa chúng ta đến với một Hồng Kông của thập niên 60, những ánh đèn neon được bật sáng, màu sắc của phim, giống như một bức ảnh được chụp từ máy ảnh Kodak, vừa hư ảo, vừa xa xăm, mang đến nét cô đơn và buồn man mác. Bộ phim A Phi Chính Truyện (Days of being wild) giống như kí ức, nó đối lập với 2046 mà ông làm nhiều năm về sau mang chúng ta đến một tương lai xa xôi như giấc mơ. Trong Days of Being Wild, đạo diễn họ Vương mang chúng ta về quá khứ, nơi một cô gái bán tạp hoá trong một sân vận động Hồng Kông lần đầu tiên gặp Húc Tử. Chỉ bằng vài câu nói, cộng với thái độ phong trần, lãng tử, cô đã gần như ngay lập tức phải lòng anh. Họ yêu nhau, sau một vài cảnh phim, đơn giản tinh tế và không gượng gạo. Ta tin chắc cô gái đó (Trương Mạn Ngọc thủ vai) đã yêu Húc Tử vô cùng. Hai kẻ, một kẻ sống kiên định với bản ngã của mình, một kẻ kiên định với tình yêu của mình để rồi chấp nhận đau khổ, như một cơn bệnh kéo dài không thể chữa khỏi.
Húc Tử không muốn ràng buộc với tình yêu, anh ta chỉ là một kẻ có tâm hồn bị tàn phá nặng nề khi phát hiện ra mình không phải là con ruột, và người mẹ của mình đã bỏ rơi mình từ lâu. Húc Tử sống bất cần. Hắn dễ dàng tán đổ bất kì cô gái nào. Tô Lệ Trân với sự giản đơn và chân thành là nạn nhân, nhưng đến Mimi (Lưu Gia Linh) – một vũ công mạnh mẽ cũng không thoát khỏi thân phận thứ yếu trong trái tim của Húc Tử. Húc Tử không thể dừng lại, sự cố chấp, định mệnh, số phận, tất cả những điều đó khiến Húc Tử không thể buộc mình một chỗ. Số mệnh của hắn là làm tổn thương tình yêu, vì hắn không thể yêu, vì tình yêu của hắn, đã bị chính mẹ ruột mình làm tổn thương.
Húc Tử đại diện cho một lớp thanh niên bất cần đời, lông bông, không công việc, không cần bất kì điều gì. Không tương lai, không định hướng. Hắn sống qua ngày, hắn gây tổn thương cho người khác, để rồi cứ lưu mãi vết thương bên trong, nhưng không ai biết, hắn không cần ai biết. Hắn là loài chim không chân, hay thực ra hắn chỉ nghĩ mình là vậy cứ đeo đuổi cuộc đời như vậy? Bộ phim là những dòng chảy của tâm lý nhân vật, không có một cốt truyện thực sự, họ Vương để nhân vật dựa vào tính cách tự phát triển tâm lý của mình. Một Húc Tử cố chấp với số mệnh, một Tô Lệ Chân lưu luyến vì tình, một Mimi mạnh mẽ tìm mọi cách để người yêu không bỏ rơi mình, và một anh chàng cảnh sát (Lưu Đức Hoa) an phận, đơn giản, có trách nhiệm với công việc, muốn trở thành thuỷ thủ.
Số phận là điều nực cười, nó ám vào mỗi bản thể như một sợi dây buộc mà cho dù ta có cố gắng cách nào cũng không thể cắt dứt được. Húc Tử đi tìm mẹ, đạo diễn không cho ta biết liệu có phải Húc Tử đi tìm lại tình yêu đã mất hay không, nhưng hắn cần phải tìm mẹ như cách mà định mệnh đẩy hắn đi để bắt gặp số phận của đời mình. Bộ phim có những chi tiết đắt giá để đẩy con người ta đến những hành động cần thiết, hòng cuốn khán giả đi vào một dòng kí ức về những số phận rời rạc, cô đơn, nhưng gắn liền với nhau bởi số phận. Thật khó có thể tìm được một đạo diễn nào có khả năng dùng hình ảnh để kể câu chuyện về một thành phố với những số phận trôi nổi trong đó giỏi như Vương Gia Vệ kể về Hong Kong của ông. Từ Days Of Being Wild, đến In The Mood For Love là chuỗi những hình ảnh nối tiếp nhau, có sự ma mị của cô đơn, của những gì xưa cũ, của tuổi trẻ, của tình yêu, và sự trớ trêu của số phận. Christopher Doyle đã làm quá tốt công việc quay phim của mình, trong sự dàn cảnh đầy hiệu quả khơi gợi kí ức và mất mát của Vương Gia Vệ.
Với Days Of Being Wild, cộng hợp cùng Farewell My Concubine và Happy Together, cuộc đời của Trương Quốc Vinh như một ảnh chiếu qua những nhân vật trong ba bộ phim đó. Một loài chim không chân, một kẻ yêu và làm khổ người mình yêu đến đau lòng. Khuôn mặt thư sinh, đẹp một cách vô thực, và đôi mắt tình cảm như thấu hiểu nhân gian, Trương Quốc Vinh thực sự khiến những bộ phim đó sống, và trở thành hình ảnh bất diện đại diện cho Hong Kong, cho những gì tuyệt đẹp nhất mà cũng đau đớn nhất của tuổi trẻ. Đó là tình yêu và bản ngã. Những người trẻ chúng ta, trong bất kì xã hội nào mà Trương Quốc Vinh (Húc Tử) đại diện, đều cố chấp bám lấy tình yêu, đều cố chấp bám lấy số phận như một cách để cảm thấy mình đang thực sự sống chứ không chỉ tồn tại. Chúng ta bất chấp, làm bất kì điều gì mà trái tim mách bảo, hòng cứu rỗi chính linh hồn mình. Nhưng chúng ta không biết, tuổi trẻ không biết rằng, đó là một lối sống để mong cầu, không phải là một lối sống để theo đuổi. Vì rút cuộc trong cuộc đời này, chúng ta vẫn có quá nhiều trách nhiệm để gánh lấy.
Tuổi trẻ thì đầy nhiệt huyết nhưng thiếu kinh nghiệm sống. Còn sự từng trải khiến ta đầy kinh nghiệm sống nhưng lại quá thiếu thốn nhiệt huyết với cuộc đời. Âu đây cũng là sự bất toàn của cuộc sống, mà mỗi chúng ta đều sẽ kinh qua bằng sự hối tiếc, niềm hối hận, hoặc hạnh phúc và khổ đau tận cùng. Những vị ngọt và đắng không thể tránh của mỗi bản thể trong một lữ trình sống của mỗi con người.