“Dead Poets Society” – câu chuyện về giáo dục, tuổi trẻ, tình yêu và lòng can đảm

0
2039

“Dead Poets Society” của đạo diễn Peter Weir là một câu chuyện được kể từ những năm 50 của thế kỷ trước. Mặc dù đã hơn 60 năm trôi qua nhưng những con người, triết lý trong phim vẫn chưa bao giờ cũ. Ta bắt gặp mình trong đó, những kẻ nổi loạn (dù ít hay nhiều) bị kìm kẹp, nhốt vào trong cái lồng chật hẹp mà gia đình, nhà trường, xã hội hay chính bản thân mình tạo ra. Nếu như “3 Idiots” của Ấn Độ nói về nền giáo dục những môn khoa học – công nghệ thì “Dead Poets Society” là câu chuyện về văn chương, thơ ca.

“Dead Poets Society” là câu chuyện kể về một nhóm bạn học trường dự bị Welton – ngôi trường danh giá với 75% học sinh trở thành sinh viên của Ivy League. Họ hầu hết là những người giống nhau, đều đầy khát vọng và chỉ đinh ninh đi về đích, hoặc bị kỳ vọng quá cao từ các bậc phụ huynh mà không biết mình muốn gì. Những chàng trai trẻ đều đang sống chung một cuộc đời mòn mỏi như những con chim bị cầm tù.

Mọi thứ thay đổi kể từ khi thầy giáo dạy Văn – John Keating được bổ nhiệm công tác tại đây. Thầy Keating là một nhân vật đặc biệt, tạo động lực làm thay đổi tất cả nhờ vào những bài học  cuộc đời ý nghĩa. Mỗi lần thầy cất tiếng giảng bài thì không chỉ những học sinh trong lớp mà khán giả cũng tập trung cao độ, cố gắng không bỏ sót một chữ. Những bài học ấy thực chất không quá mới (đối với chúng ta của những năm 2016), thậm chí đôi khi dễ gây cảm giác nhàm chán, giáo điều. Thế nhưng nhờ vào diễn xuất tuyệt vời của Robbin Williams từ giọng điệu đến dáng vẻ, hình thái, chúng ta thấm nhuần ý tưởng ấy một cách rất tự nhiên, thoải mái. Một trong những câu nói ảnh hưởng đến suy nghĩ của tôi nhất chính là:

tumblr_n3o2g9bumc1qzqoygo1_500tumblr_mwf670bbu61t0l0fxo1_500

poetrybeauty-gif
“Chúng ta không đọc thơ vì nó dễ thương. Chúng ta đọc và viết thơ bởi chúng ta là một phần của nhân loại và nhân loại thì tràn đầy khát vọng. Y học, luật, kinh doanh, kỹ thuật là những nhu cầu cao cả và cần thiết cho cuộc sống. Nhưng thơ ca, vẻ đẹp, lãng mạn, tình yêu… đó mới là mục đích sống của chúng ta.”

Đúng như thầy Keating đã nói, thơ ca, cái thứ mà nhiều người tưởng chừng quá mơ mộng, thừa thãi, thực chất lại là vẻ đẹp tuyệt vời của cuộc sống. Xuyên suốt bộ phim đã có hàng chục câu thơ được trích dẫn từ những tác phẩm, nhà thơ lỗi lạc của nền văn học Mỹ. Và dù sao 60 năm hay 100, 1000 năm đi chăng nữa, thông điệp ấy vẫn còn mới mãi, sáng mãi. Ý tường của bộ phim đã được nêu ra ngay từ đầu:

page2.jpg
“Vì chúng ta đều là thức ăn của sâu thôi. Tin hay không thì tùy nhưng mỗi người chúng ta đây rồi sẽ có lúc tắt thở, lạnh ngắt đi rồi chết… Vậy nên hãy nắm trọn từng ngày được sống, các bạn ạ. Hãy khiến đời mình thật phi thường”

Cuộc đời của những nhân vật chính bị lái sang một hướng hoàn toàn khác khi họ quyết định sống theo lẽ sống của thầy giáo. Neil lần đầu tiên trong đời biết mình muốn trở thành diễn viên và tìm mọi cách để vượt qua những cản trở gia đình đến với nghề diễn. Knox lại điên dại vì yêu, không ngại khó, ngại khổ để chinh phục một cô gái địa phương. Hay một nhân vật cực kỳ ấn tượng khác là Charlie dám đấu tranh cho thứ mình tin tưởng, phản kháng lại nhà trường mặc dù điều đó có thể khiến anh bị đuổi học hay bị đòn roi bởi chính thầy hiệu trưởng. Bảy chàng trai trong nhóm của Neil đã lần đầu tiên dũng cảm, dám phá bỏ những luật lệ hà khắc để tự do vùng vẫy. Họ lập lại hội “Những nhà thơ quá cố” đã bị cấm trước kia. Những chàng trai này, không ai đi theo văn chương, có những ước mơ khác nhau như trở thành luật sư, bác sỹ,… đã ngồi xuống và đọc thơ trong cái hang nhỏ hẹp. Họ chọn những bài thơ hay, phù hợp với tâm tư của mình, tự sáng tác hoặc thậm chí chỉ ngồi nghe. Và lần đầu tiên trong đời, họ hiểu được cái đẹp của thơ ca, họ sáng tác thơ ca, thể hiện cảm xúc mà không bị cười nhạo, chê bai. Có lẽ đó mới là vẻ đẹp thực sự của văn chương: Văn chương là thứ tình cảm xuất phát từ bên trong con người một cách tự nhiên nhất, chứ không phải cái gì quá cao xa, ảo diệu. Đó cũng chính là điều mà thầy Keating mong muốn ở giáo dục: “Giáo dục là tự tìm tòi, khám phá”. Hẳn xem xong phim ai cũng muốn có được một người thầy như vậy – một người truyền lửa thực sư – thứ mà nền giáo dục khắp nơi còn thiếu.

Cái kết của phim khá buồn và để lại nhiều suy ngẫm. Chàng trai trẻ thì chết oan uổng dưới đầu súng của cha mình (theo cả nghĩa đen, lẫn nghĩa bóng). Người giáo viên yêu nghề thì lại bị đình chỉ công tác, mang danh là “xúi dục học sinh làm loạn”. Nền giáo dục của “Hell – ton” nói riêng và của toàn xã hội nói chung lại trở về ban đầu, lại là một đám mây đen bao phủ, lại ngột ngạt, bí bách, kìm kẹp. Khát vọng của tuổi trẻ không chiến thắng, trái tim nhiệt huyết không chiến thắng, công lý cũng thất bại. Nhưng vào khoảnh khắc cuối cùng ấy, người ta thấy một tia lửa hy vọng bén lên. Đó là khi một vài chàng trai (không phải tất cả) ở lớp thầy Keating đứng lên bàn, tái diễn lại hành động trước kia của  thầy. Họ không đơn giản gọi Keating là thầy, mà là đội trưởng – một từ quá xúc động dành cho người thủ lĩnh thực sự đã dẫn họ đến lý tưởng mới. Cái kết không thực sự có hậu nhưng người xem có dự cảm về một tương lai tươi sáng hơn, một cái nhìn giảm bớt phần bi đát mà vẫn xúc động, nhân văn.

2010-10-04-DeadPoetsSociety1989CD2.avi_003839798.jpg

Về phần diễn xuất thì Robert Sean Leonard, Robin Williams hay Ethan Hawke đều quá xuất sắc nhưng ấn tượng nhất đối với tôi chính là Ethan. Khác với hình tượng hào hoa, lãng tử, phong trần sau này, Ethan trong “Dead Poets Society” khá non nớt, đáng yêu. Xuyên suốt bộ phim, tâm lý của nhân vật Todd biến chuyển ngầm, qua những tình tiết nho nhỏ. Todd đã dần nói chuyện nhiều hơn, tận hưởng cuộc sống nhiều hơn và dám thể hiện mình (mặc dù vẫn kém xa những người khác). Điều bất ngờ là, vào khoảnh khắc cuối cùng, Todd đã vỡ òa cảm xúc. Todd đã trở thành thủ lĩnh, thức tỉnh những chàng trai còn đang nghi ngờ, sợ hãi còn lại để đứng về phía thầy Keating. Anh là người đầu tiên đứng lên bàn, chống lại ông hiệu trưởng.

Nhìn chung, “Dead Poets Society” là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc, bất hủ bởi lý tưởng của nó vẫn soi đường chúng ta hiện tại và có lẽ là mãi về sau. Bộ phim là một tấm gương thu nhỏ phản chiếu trường học nói riêng và xã hội nói chung nơi mà mỗi người trẻ cần tự tìm ra lối sống, con đường đúng đắn của bản thân, biết đấu tranh cho công lý, phản kháng lại những điều bất công, tận hưởng tinh hoa cuộc sống một cách khôn ngoan, có giới hạn. Cuối cùng thì xin kết lại bài review bằng câu nói nổi tiếng của bộ phim này “CARPE DIEM”.

Comment