Tôi bắt đầu viết review vì để cho cảm xúc của mình không bị trôi tuột đi hết mà vẫn còn giữ lại điều gì đó sau khi xem xong một bộ phim. Tôi vẫn đang làm công việc ghi lại cảm xúc đó, nhưng đôi khi khác trước một chút, tôi viết vì duyên. Hôm trước, có người inbox hỏi tôi về Departure, muốn tôi gợi ý vài chủ đề cho buổi thảo luận sau khi chiếu bộ phim này. Lúc đó tôi đã muốn xem lại để viết review đầy đủ nhưng động lực vẫn chưa đủ lớn, do thời gian đi làm nhiều khiến tôi khá mệt mỏi. Rồi sau đó, một bạn khác lại đề cập đến phim này trên ask.fm của tôi. Vậy là tôi nghĩ, duyên vậy là đủ. Tôi quyết định không đi ra rạp xem Dawn of the planet of the Apes nữa mà ở nhà xem Departure, bộ phim của đạo diễn Nhật Yôjirô Takita đã vinh dự được giải Oscar phim nước ngoài xuất sắc nhất. Nhưng hơn tất cả, đối với tôi, bộ phim đã chiến thắng cảm xúc của người xem, để họ hay tôi là một đại diện, phải xúc động đến nghẹn ngào, phải khóc, phải cười vì cái tình người đầy đặn qua từng khung hình.

“Sự khởi hành” là từ mà công ty NK Agent dùng ở mẩu quảng cáo tuyển người trên báo. Daigo Kobayashi đọc được mẩu quảng cáo đó như định mệnh. Trong khi anh đang loay hoay đi tìm việc làm tại quê nhà, vì dường như làm nhạc công chơi đàn Cello đã không thể giúp nuôi sống anh và vợ mình. Một công việc không đòi hỏi kinh nghiệm, không cần đọc sơ yếu lý lịch của người đến xin làm là tất cả những gì rơi vào Daigo như một vận may không tưởng. Daigo đã thực sự hoảng hốt khi biết được đó là công việc tân trang lại xác chết, nói như ông chủ của anh, “Đây là lần tắm rửa đầu tiên khi người chết bước sang thế giới mới”. Nhưng vì cần tiền, anh đã nhận việc. Công việc đó ban đầu mang cho anh sự hổ thẹn khi anh giấu vợ và cảm thấy xấu hổ trước người khác. Cứ vậy, trong một cốt truyện đơn giản của một chủ đề kì lạ. Bộ phim hút ta ngồi trước màn hình 130 phút với đầy cảm xúc, mang đến nhiều suy nghĩ về cuộc sống vô cùng tinh tế.

Chọn cái chết làm chủ thể của câu chuyện để nói về sự sống. Bộ phim thoạt đầu vừa mang đến sự tò mò, vừa mang đến sợ hãi. Còn gì kinh khủng hơn cái chết, khi nó tước đi sinh mệnh, mang đến buồn đau và sự chia cách mãi mãi. Chẳng thế mà, Daigo phải giấu vợ công việc của mình. Khi cô biết anh đang làm gì, cô đã hỏi anh rằng anh không thấy xấu hổ vì điều đó ư và bảo anh đi tìm việc bình thường mà làm. Thật đáng buồn, chúng ta sống cả một đời, ngửi đủ thứ mùi trong cuộc sống, nhiều trong số đó rất kinh khủng, ta tránh, ta làm sạch mình, ta tìm cho ta những mùi thơm để làm cho mình đẹp hơn trong mắt người khác. Khi ta chết đi, ta để lại cái mùi kinh khủng nhất, khiến ai cũng phải khiếp sợ. Nghĩ đến đây, chẳng phải nghề của Daigo rất đáng trân trọng hay sao? Tỉ mỉ và chính xác, tinh tế và thẩm mỹ. Anh làm sạch xác chết, tạo cho họ diện mạo như họ chỉ đang ngủ thiếp đi. Đến đây, câu chuyện không còn đáng sợ nữa, như một chồi non đâm lên nơi mà ta cho rằng nó đầy đe doạ và sợ hãi. Tự nhiên cái chết mang đến một nét đẹp khó tả, vì qua cái chết, chân dung của cuộc sống được ta nhìn thấy rõ ràng hơn, đáng trân trọng hơn.

Daigo là một nhạc công Cello, anh đã từng nghĩ rằng đó là ước mơ của đời mình, sự nghiệp của mình. Điều đó khiến anh không do dự mua chiếc đàn với giá gấp nhiều lần, để rồi khi dàn nhạc phải giải tán, nó trở thành gánh nặng. Khi đam mê trở thành gánh nặng thì liệu chúng ta vẫn tiếp tụng ôm nó như cách mà mọi người vẫn luôn nghĩ về việc theo đuổi ước mơ hay không? Đôi khi ý nghĩa của cuộc đời là phải theo đuổi giấc mơ đến tận cùng dù cho khó khăn thế nào, đôi khi ngược lại, ta phải biết từ bỏ, ta phải biết nó không dành cho ta, ta không đủ tài năng cho nó. Không phải ai cũng đủ dũng cảm để làm điều đó, chấp nhận trở về với con số không. Daigo đủ dũng cảm hay đơn thuần là định mệnh? Câu chuyện được lái đi khéo léo để ta thấy ý đồ của số phận hơn là ý đồ của biên kịch. Cuộc đời mỗi người đều có những ngã rẽ mà không ai có thể đoán trước được, đôi khi ta phải tin vào định mệnh cho những sự sắp đặt kì lạ.

Daigo nhìn xuống lòng suối, những con cá hồi bơi hàng vạn cây số ngược dòng nước, tìm về nơi chúng được sinh ra chỉ để chết. Những hình ảnh ẩn dụ được thể hiện rất nhiều trong phim như muốn cho ta thấy sự vô thường của đời sống. Con người, đi đến tận cùng của cuộc đời tức là đi đến cái chết. Cuộc đời là một hành trình như con cá hồi vậy, kết thúc hành trình là lúc ta tìm về bản thể. Phải chăng Daigo nghĩ được điều đó nên anh đối xử với cái chết với một sự tinh tế và điềm tĩnh vô cùng như cách mà ông chủ của anh đã truyền dạy? Hình ảnh anh thả trở về dòng nước con bạch tuộc vợ anh được cho, rồi nhìn nó chết vì bị bắt quá lâu là một hình ảnh ẩn dụ khác. Nó càng như khẳng định số phận của anh, nhìn thấy cái chết và tắm rửa cho xác chết trước khi thân thể đó tan thành tro tàn và linh hồn bước vào một thế giới mới.

Cứ vậy, anh đã trở thành một người tân trang xác chết chuyên nghiệp. Anh chiến thắng sự hoài nghi của người vợ yêu anh hết mực. Anh làm cho chúng ta hiểu về giá trị của một công việc lương thiện luôn đáng được bình đẳng so với bất kì công việc lương thiện nào khác. Anh tiệm cận những cái chết khác nhau, những gia cảnh khác nhau, dù đó là một bà chết già không ai biết ngay trong căn hộ của mình, đến đứa trẻ con bị chết yểu, đến anh chàng chuyển giới… Khi họ chết chẳng còn gì khác biệt, tất cả được anh đối xử như nhau với lòng nhiệt tâm và trách nhiệm. Còn hơn thế nữa, nó là nghiệp cho ý nghĩa của cuộc đời anh, một cuộc đời cũng có nỗi buồn của riêng mình, của một đứa trẻ không có tuổi thơ thực sự. Cứ vậy, ta đi từ cái chết này sang cái chết khác, để rồi thấy mọi thứ nhẹ bỗng như một bông hoa nở và tàn. Cõi người là cõi tạm, nghĩ vậy cho lòng bình an.

Câu chuyện được gói trong một thị trấn nhỏ. Tại đó, mỗi nhân vật có một câu chuyện của mình. Bộ phim không chỉ cho ta chiều sâu suy nghĩ về đời sống của một cá nhân, mà còn là những hình dung rất mộc mạc về tình yêu, gia đình và bạn bè. Nó đưa ra những ẩn ý đơn giản nhưng sâu sắc, dễ hiểu nhưng tinh tế, để ta cứ cuốn vào đó, hiểu về bộ phim, học từ bộ phim và ngẫm về chính mình.

Trong bộ dây của dàn nhạc giao hưởng, Cello là nhạc cụ tôi thích nhất vì âm thanh của nó luôn ở một mức khiêm tốn so với sự khoa trương của Violon, hay sự nhún nhường quá nhiều của Contrabass. Nghe tiếng Cello ta như nghe tiếng của âm thanh đêm, ấm áp và buồn bã, nó ấm hơn tiếng suối và gây ra những hoài cảm đặc biệt. Có lẽ cũng vì thế mà nhạc cụ Daigo chọn là Cello. Dùng tiếng đàn Cello làm chủ đạo để dẫn nhịp cho mạch truyện, bộ phim nhờ đó đưa lại thêm nhiều cảm xúc cho người xem. Nó như những sợi tơ dẫn mạch để câu chuyện của nhân vật chạm vào và gây rung động, khiến ta cười, khóc và thấy vô cùng thoải mái với cuộc đời, với cái chết. Đôi khi tôi không biết phải chăng vì tính cách của người Nhật luôn quyết đoán và chỉn chu, nên họ có thể đạt đến mức độ rất cao của sự tinh tế như vậy.

Có nhiều dấu hiệu để nhận biết một phim hay, một trong những điều đó là nước mắt của khán giả. Nếu ta rơi lệ vì một cảnh phim, tức là bộ phim đó có cảnh phim thật đắt giá. Nếu ta rơi lệ từ hai cảnh phim trở lên, bộ phim đó hẳn phải sâu sắc như nào (xin đừng lôi phim truyền hình Hàn Quốc làm ví dụ vì tôi đang lấy nước mắt của chính mình làm bảo chứng).

Comment