Giấc mơ Mỹ là một từ ma thuật, nó chứa trong đó tất cả những gì chống lại cái gọi là “không thể”. Ở đó, ta có quyền sống cuộc đời của mình, phát triển cái tôi của mình và hy vọng những gì tốt đẹp nhất. Chẳng thế mà những năm đầu thế kỉ 20, hàng nghìn người từ khắp nơi trên thế giới vì những lý do như chiến tranh, chính trị, kinh tế… kéo đến nước Mỹ trên những con tàu biển ngột ngạt hòng mong chạm được vào “Giấc mơ Mỹ”. The Immigrant của đạo diễn James Gray kể một câu chuyện như vậy. Qua bộ phim, nước Mỹ năm 1921 được tái hiện, những mảnh đời được lột tả, và giấc mơ Mỹ, không hồng như cái tên mà người ta gọi, đầy những éo le, trớ trêu và buồn khổ.

Câu chuyện kể về Ewa (Marion Cotillard) cùng chị gái vì những dư âm khủng khiếp của chiến tranh thế giới thứ nhất cùng sự nghèo khổ cùng cực đã rời khỏi Ba Lan đến Mỹ. Trước khi vào Mỹ, họ đặt trên lên đảo Illis nơi kiểm soát người nhập cư trước khi lên đất liền. Tại đây, trái với kì vọng được họ hàng đón chờ. Ewa gặp rắc rối với giấy tờ và bị từ chối nhập cảnh, còn người chị gái Magda bị đưa vào bệnh viện trên đảo với ghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm. Với sự trợ giúp của Bruno (Joaquin Phoenix), một kẻ điều hành một nhóm phụ nữ diễn trò trong một rạp hát rẻ tiền bao gồm cả dịch vụ đi đêm với đàn ông nếu họ có nhu cầu, Ewa đến được thành phố New York và làm việc cho Bruno hòng kiếm tiền tìm cách giúp đỡ chị gái thoát khỏi đảo Ellis. Ngay từ đầu Ewa đã không tin tưởng vào lòng tốt của Bruno, cô bỏ đi, tìm đến nhà của người dì đang sống ở New York, người mà hứa sẽ giúp đỡ mình khi cô đến Mỹ. Tuy nhiên, với những điều trong giấy tờ ghi về một quá khứ “đạo đức không trong sạch” của Ewa, chồng của dì cô không chấp nhận, và đã gọi cảnh sát. Ewa bị bắt trả lại đảo Ellis để chờ tàu đưa về lại Ba Lan. Tai đây, cô gặp Orlando (Jeremy Renner) – một ảo thuật gia nghiệp dư, có quan hệ họ hàng với Bruno. Từ đó, câu chuyện bắt đầu diễn biến phức tạp và nhiều bi kịch từ mối tình tay ba của Ewa, Bruno và Orlando.

Tôi luôn nghĩ, với dạng phim như này, sự mong manh giữa hay và dở rất gần nhau. Tiêu đề bộ phim “Kẻ Nhập Cư” đã cho ta có cái hình dung về bi kịch mà phim mang lại, bi kịch của kẻ phải bỏ quê hương, của kẻ chân ướt chân ráo đến vùng đất mới mà không biết nó thực sự dễ dàng hơn hay khó khăn hơn ở quê nhà nhiều lần. Chính vì cái bi kịch đến ngay từ tên phim đã cho ta cảm giác về những kịch bản sẽ được tạo ra. Một phụ nữ xinh đẹp, một gã lưu manh lợi dụng sự ngây thơ và sự yếu thế để lợi dụng họ. Câu chuyện sẽ dẫn đến đâu, nhà chứa, một tay nhà giàu, một gã khốn nạn… Cuộc đời cô gái sẽ bị vùi vập, hoang tàn. Nhập cư là thế giới của mafia, của những kẻ sống bên ngoài pháp luật. Nhất là với diễn viên nữ chính là nữ minh tinh người Pháp Marion Cotillard thì ta càng thấy bộ phim như con dao hai lưỡi. Thật may là câu chuyện đã đi theo chiều hướng khác, xúc động hơn, buồn hơn và giàu tình người hơn. Điều đó dẫn tới sự dễ hiểu khi nam chính được lựa chọn là Joaquin Phoenix, người mang khuôn mặt của bi kịch, đôi mắt sâu thẳm giàu tình cảm, và như luôn để rất nhiều sự xót thương trong giọng nói.

Khi đó, câu chuyện tự nhiên như nó đã được kể, nó trở thành câu chuyện về thân phận và tình yêu. Bruno có một tình cách trái ngược với cái nghề mà vốn dĩ gã nên có. Nhẹ nhàng, tử tế, dễ xúc động, có lẽ Bruno đã sớm có tình cảm với Ewa, nhưng như anh nói, dù có tình cảm nhưng công việc thì vẫn phải làm, đó là cuộc sống. Liệu có ai làm cái điều như Bruno, giọng run run và bảo với Ewa trong lần đi khách đầu tiên của cô là nếu cô không muốn anh sẽ bảo khách của anh đi. Tất nhiên, trong cái giọng nói đầy sự thương cảm và dễ làm người khác tin tưởng đó có nhiều vị của sự lợi dụng điểm yếu của Ewa hòng khiến cô phải làm việc phải làm. Họ đều là những số phận đang thương trên đường mưu sinh nhằm duy trì cuộc sống, mà ở đó chỉ có sự tương trợ và tha thứ mới có thể giúp nhau tồn tại. 

Nếu Bruno, yêu và có trách nhiệm trong chừng mực của một người phải duy trì cuộc sống và bảo vệ những cô gái dưới sự cai quản của mình, thì Orlando là một con sói lạc loài, tự do và hưởng thụ cuộc sống. Qua lời thoại ta có thể hiểu được Orlando từng có vấn đề với cờ bạc và thiếu trách nhiệm, chính vì đó mà Bruno đã cảm thấy không hài lòng khi anh quay lại. Nhưng cũng như Bruno, Orlando cũng nhanh chóng bị vẻ đẹp và sự rụt rè của Ewa đánh gục, điều mà bản thân Ewa không hề chủ động. Những số phận quay quắt trong nghịch cảnh, để rồi mọi thứ trôi qua tay một cách khó khăn hơn nhiều lần. Cứ vậy, thân phân của ba người trong một thứ tình cảm không rõ rằng, còn bản thân Ewa chỉ có một ý nguyện duy nhất cứu chị và tìm kiếm giấc mơ Mỹ, bộ phim theo mạch tuyến tính của thời gian mang đến nỗi buồn đến nao lòng đầy đắng cay.

Nhưng bộ phim không hẳn buồn như thế, vì đó là những số phận sạch sẽ theo cách nhìn nào đó, đầy vị tha và tình yêu, lòng khoan dung và sự cảm thông. Marion Cotillard đã làm rất tốt trong vai diễn Ewa của mình. Nữ diễn viên từng được Oscar vinh danh qua vai nữ danh ca Pháp Edith Piaf không thực sự làm tốt khi làm phim với người Mỹ, điều này đã được chứng minh qua các vai diễn trong A Good Year, Contagion… Nhưng lần này thì khác, sự kiệm lời của Ewa, sự đề phòng Bruno, sự lo lắng cho chị gái mình tất cả đã được lột tả rất thành công. Marion Cotillard mang đến cho ta cảm giác vừa thương, vừa tò mò về quá khứ của cô ở Ba Lan, vừa hy vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với cô. Những góc quay cận cảnh khuôn mặt, sự tả chân về thần thái và cảm xúc, ánh mắt ám ảnh đã đạt được những hiệu ứng tuyệt vời.

Tất nhiên, một bộ phim đề cao tình người như The Immigrant thì Joaquin Phoenix là sự lựa chọn không thể tốt hơn. Đây không phải là lần đầu tiên Joaquin hợp tác với Gray, ta đã từng được xem sự hợp tác này trong bộ phim tình cảm bi kịch Two Lovers hay bộ phim trước đó – We Own the Night. Có lẽ vì thế, Gray nắm bắt khá rõ sự nhạy cảm đầy tinh tế của Joaquin trong những nhân vật đòi hỏi sự bộc lộ cao về mặt cảm xúc. Jeremy Renner có một vai diễn khá, vui vẻ, thoải mái. Luôn tự làm theo ý mình đã mang đến cho Orlando một kết cục không đẹp. Nhưng đôi khi chính vì cảm xúc được đẩy cao quá khiến cho đôi khi bộ phim mang đến cho ta cảm giác không thật, đó chính là điều làm cho tôi không thực sự đánh giá cao ở mặt tổng thể của cả bộ phim.

Trong những góc máy ấn tượng của nhà quay phim Darius Khondji (Mignight in Paris, Amour) cùng tông màu vàng và bối cảnh của New York những năm 20, bộ phim thực sự lôi ta trở về và chứng kiến một thời kì có ánh sáng và bóng tối, nơi những thân phận ở mức thấp nhất trong xã hội đùm bọc nhau, xung đột nhau, cứu giúp nhau. James Gray đã làm rất tốt trong cách kể chuyện của mình. Để sau khi xem xong bộ phim, nó cứ ám ảnh ta về thân phận con người, về tình yêu và ước mong muôn thuở về cuộc sống mới hạnh phúc hơn cuộc sống cũ, về tương lai sẽ giúp ta quên đi đoạn quá khứ u buồn của mình.

Facebook Comments Box

Comment