Điểm sách: “Hồ” – Kẻ độc hành miên viễn – của cái đẹp và sự nhơ bẩn

0
1068

Yukio Mishima từng gọi Yasunari Kawabata là kẻ lữ hành miên viễn. Kawabata cũng tâm sự vốn là trẻ mồ côi không một chốn gọi là nhà, ông luôn khao khát được lang thang vô định một cách buồn bã. Bởi thế rất nhiều tác phẩm của nhà văn Nhật đầu tiên đạt giải Nobel năm 1968 này mô tả những cuộc trôi dạt mà câu mở đầu trở thành nỗi ám ảnh khi mở ra một không gian mới nơi những phiêu lưu, bất định, mới mẻ, chờ sẵn các nhân vật. Đó là chiếc tàu ra khỏi đường hầm dài dẫn vào “Xứ Tuyết” hay cơn mưa sầm sập đổ xuống con đường du lịch của nhân vật trong “Vũ Nữ Izu,” hay Gimpei Momoi vừa đặt chân đến Karuizawa cuối mùa hạ trong “Hồ.” Ở tiểu thuyết ngắn “Hồ,” người đọc bắt gặp cả hai hành trình, một ngoài hiện thực của Gimpei, một ở trong hồi ức của y bởi Gimpei kéo lê thân xác qua hết đoạn đường này tới đoạn đường khác, là một kẻ xê dịch, kẻ bị mất chỗ ở trong tâm trí cũng như cuộc đời. Trạng thái xê dịch của Gimpei, được dựng lại qua những lần bám đuôi phụ nữ, vừa đóng vai trò như thú vui của nhân vật, đồng thời là lối thoát, cho một cá nhân què quặt về mặt tâm hồn lẫn thể xác.

Gimpei Momoi vốn là một giáo viên nay đã bị đuổi việc vì quan hệ tình cảm với học trò của mình nay trên đường lẩn trốn vì một tội nào đó không rõ. Truyện mở đầu bằng chi tiết y vào một nhà tắm Thổ và khi được cô gái phục vụ với giọng nói như thiên thần mát xa, bao ký ức xa xăm chợt quay về, tràn ngập dòng tự sự. “Hồ” được kể bằng kỹ thuật xáo trộn thời gian nơi mọi ký ức được đẩy đưa theo những kích thích của hiện tại, tạo thành một dòng tâm tưởng. Kỹ thuật liên tưởng tự do khiến trần thuật phân thành các mảnh nhỏ, tan vỡ theo ký ức và đột ngột chuyển cảnh không theo quy luật nào ngoại trừ quy luật của trí nhớ và liên tưởng. Chẳng hạn, hồi ức Gimpei bị kích nhờ một cú đập vào mặt thế là ký ức bị quật vào mặt bởi cái túi tiền của một phụ nữ đưa người đọc tới một miền không gian khác. Cứ như vậy các ký ức luân chuyển, đan cài, chao đi chao lại giữa các thời giúp người đọc hình dung ra cuộc đời của Gimpei qua các lát cắt: người cha chết đuối ở hồ và tuổi thơ ở ngôi làng không tên với đứa em học vừa xinh xắn vừa ác độc, ký ức về cô gái điếm đã đẻ con cho y rồi y vứt bỏ ngoài đường, những cô gái y bám đuôi ngoài đường. Kawabata đã phát triển nhuần nhuyễn những ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại, nơi ông bị ảnh hưởng lớn bởi James Joyce cũng như Virginia Woolf, khi dùng thủ pháp dòng ý thức, để khắc họa những ẩn ức, đen tối và thảm hại, những mộng tưởng, trong tâm trí Gimpei. Những phát xộc của ký ức ở Gimpei, rất gần với những lần viếng thăm trong quá khứ, một thủ pháp Kawabata đã thành thục trong “Tiếng rền của núi” qua nhân vật ông lão Shigo.

“Hồ” kể hai câu chuyện dường như không liên quan gì đến nhau, một của Gimpei, một của cô gái trẻ Miyako làm người tình của một ông già đã có vợ để được ổn định về mặt kinh tế. Tuy vậy, ở “Hồ” lại đan xen, một cách tinh tế, các mối quan hệ ngẫu nhiên tình cờ và kết nối chúng với nhau như trong một màng tơ nhện mỏng mảnh: Miyako bán thân ở cùng ông già Arita, em trai Miyako có cô bạn gái Machie yêu bạn của cậu, chiều chiều bí mật hẹn hò gặp gỡ trên bờ đê mà chính Gimpei từng bám đuôi cô bé, Gimpei lại từng được ông già Arita thuê viết các bài phát biểu tại trường của cô bé học trò người yêu y, Hisako. Truyện cứ thế dệt bởi các lớp ký ức khác nhau, các sự kiện của các cuộc đời khác mà vô hình trung lại tựu quanh một người là Gimpei.

Gimpei là một kẻ biến thái có thú vui kỳ quặc là bám đuôi phụ nữ: y lần mò đi theo bước chân họ, chỉ để ngắm nhìn, để thỏa mắt, chứ không hề tiếp cận họ. Y tôn thờ phụ nữ đẹp, đó là cái Đẹp như vẻ đẹp của mẹ y. Ngay ở điểm này, người này có thể nhận ra, “Hồ” bao chứa đầy đủ những đặc điểm cố hữu trong tiểu thuyết Kawabata: đó là sự cô độc của nhân vật chính, luôn khát khao tình cảm gia đình, đặc biệt là của người mẹ; đó là việc biến những khát khao tình mẫu tử, và chuyển chúng sang đối tượng nữ, nơi các nhân vật say mê cái đẹp được tinh khiết ở những thiếu nữ trinh bạch. Các nhân vật nữ đẹp được tôn thờ trong tác phẩm của Kawabata đều chia nhau một đặc điểm: cái đẹp còn non tơ mơn mởn, ở cánh tay thon, nới cần cổ thanh tao, nơi còn lưu giữ nét thanh xuân chuyển giao giữa thiếu nữ và đàn bà. Hisako cô học trò bé ngày nào, Machie cô bé sinh viên, hay Miyako đều là những nét đẹp điển hình như vậy. Tuy nhiên, ở “Hồ” Kawabata lần đầu tiên xây dựng một mô hình nhân vật thấm đẫm sự nhơ nháp và tạo cảm giác rờn rợn ở kẻ bám đuổi cái đẹp một cách mù quáng. Thay vì một hành trình truy tìm cái đẹp, người đọc lại lẩn quất trong một câu chuyện rùng mình đến bệnh hoạn: Kawabata đã đẩy tiểu thuyết của ông sang một lạch khác, nơi những điểm tối đen trong tâm hồn được khai thác và phô bày cho người đọc. Gimpei là kẻ thảm hại về cả tinh thần, thể xác, và đạo đức, y rơi vào một cuộc hành xác vĩnh viễn, nơi cuộc đời còn lại với y là sự cô độc lang thang trên mọi nẻo đường, không cứu vãn. Ở “Hồ” sự xa lạ hóa của nhân vật, gắn liền với một thứ văn xuôi bang bảng chất gợi dục, được đẩy tới mức cùng cực.

Kawabata đã cố tình thiết lập một nhị phân rạch ròi trong tiểu thuyết này: đó là sự đối lập tưởng như hiển nhiên giữa cái xấu và cái đẹp. Gimpei là một kẻ tự căm ghét bản thân vì cái vẻ xấu xí của mình, cái mà y thừa hưởng của người cha, đối lập với người mẹ xinh đẹp. Y kinh tởm đôi bàn chân xấu xí, y thấy ở mình một sự thiếu hụt, và tìm mọi cách bù đắp bằng cách ngắm nhìn cái đẹp ở phụ nữ. Cái nhìn, đối tượng được nhìn và chủ thể, chính vì thế trở thành một yếu tố quan trọng trong “Hồ”: Gimpei nhìn và dục hóa cũng như đẹp hóa phụ nữ và biến thành thành đối tượng trong mắt y. Tuy nhiên, văn bản không dừng lại một cách đơn giản hóa như vậy mà tạo dựng những hoàn cảnh nơi chính Gimpei không còn là chủ thể mà thành vật thể trong mắt của người đàn xấu khác. Hơn nữa, cái nhìn không chỉ một chiều từ phía Gimpei mà còn là chiều ngược lại, khi Miyako đáp lại ánh mắt của Gimpei và chính cô là người sung sướng tận hưởng cái nhìn đó, khi được là một kẻ bị bám đuôi. Chính ở đây sự phân lập xấu-đẹp đã dần tan rã: đôi bàn chân xấu xí của Gimpei lại chính là thứ dẫn tới cái đẹp mà y theo đuổi, chính cái xấu xí ấy lại là nơi bắt đầu cho mối tình của y với cô học trò khi y hỏi về thuốc chữa nước ăn chân, Gimpei-bàn chân xấu lại trở thành kẻ tạo nên khoái cảm ở người khác: y là kẻ khiến Miyako thích thú khi được bám đuôi, y lại là đuối tượng bám đuôi, xấu hóa đẹp, trong mắt kẻ khác. Không chỉ mình y hạnh phúc khi nằm trên bờ đê ngắm nhìn Machie đi về phía mình, một hạnh phúc tột đỉnh, mà y cũng có thể là nguồn hưng phấn cho kẻ khác.

Khi đăng truyện “Hồ” dài kỳ trên tạp chí, ở kỳ cuối cùng, Kawabata đã viết từ “Kết thúc”. Ấy vậy mà, khi in sách ông lại cắt toàn bộ kỳ cuối cùng trên tạp chí đi, và coi như cuốn tiểu thuyết không kết thúc. “Hồ” gia nhập hàng ngũ những tiểu thuyết không có hồi kết của Kawabata và kéo theo những điểm mờ, những điều không thể quyết định được. Cha Gimpei vì sao mà chết, đuối nước hay tự sát hay bị giết? Vì sao mẹ ông không bao giờ quay lại ngôi làng đó? Vì sao Gimpei phải lang thang hay cố tình chọn cuộc đời lang thang, có phải chỉ vì cái tội đã nhặt (hay cướp) được túi tiền mà không trả lại? hay như chính Gimpei tự thú, cái tội duy nhất của y là đã bám đuôi cái đẹp? Gimpei tiếp theo sẽ đi đâu và làm gì? Sự mơ hồ lan tràn cả sang mốc thời gian và nơi chốn: cái hồ không được nhắc tên nơi cha y chết, cũng như thời điểm kết thúc mối tình với cô bé học trò và nhặt được túi tiền của Miyako. Cái kết càng là một sự thách đố với người đọc, liệu người đàn bà xấu xí bám đuôi theo Gimpei có phải chính là cô gái điếm đã đẻ con cho y năm nào? Kawabata chọn một điểm dừng, đột ngột, và coi đó là kết thúc. “Hồ” là một câu chuyện lẫn lộn giữa cái đẹp và sự xấu xí nhơ bẩn, giữa hành trình cao quý đi tìm cái đẹp và sự rơi vào bệnh hoạn và nhớp nhúa, giữa chủ thể ngắm nhìn cái đẹp và đối tượng của cái nhìn. “Hồ” là nơi mọi nhị phân, mọi xác quyết, đều không đứng vững mà tan rã.

—–

Tên tác phẩm: Hồ
Tác giả: Yasunari Kawabata
Dịch giả: Uyên Thiểm
NXB: Nhã Nam và NXB Văn Học

Comment