Midnight in Paris không phải là bộ phim mới nhưng người xem luôn sẵn lòng tua lại nhiều lần bởi đây là món quà mà đạo diễn Woody Allen dành để tôn vinh vẻ đẹp nàng thơ Paris của mình. Một thước phim đầy tính nghệ thuật làm tan chảy bao trái tim của những người yêu cái đẹp và mộng mơ.

Woody Allen – “gã lập dị mắn đẻ”

“Gã lập dị mắn đẻ” hẳn là một trong những mĩ danh khán giả ưu ái dùng để gọi Woody Allen – cây đại thu của làng điện ảnh thế giới. Khởi nghiệp viết kịch bản cho chương trình truyền hình và sân khấu Broadway, Allen biến hóa như “tắc kè hoa” từ nghệ sĩ hài, đạo diễn, diễn viên, nhà văn cho tới một tay clarinet lão luyện trong một ban nhạc Jazz…Ở vai trò nào, Allen cũng thể hiện sức sáng tạo phi thường. Bởi lẽ, cái chất nghệ sĩ đã được định sẵn trong bản năng, nhiều đến nỗi chính Allen nghĩ rằng nếu không có nghệ thuật, ông chỉ có thể sống kiếp đỏ đen hoặc là một ảo thuật gia tay mơ.

Woody Allen là người đam mê công việc, ông thường dậy rất sớm để viết kịch bản. Nhưng “gã lập dị” này không làm phim theo mong muốn của bất kỳ hãng phim nào mà vì bản thân ông và những người yêu điện ảnh. Allen tự nhận mình không theo chủ nghĩa hoàn hảo, bù lại ông muốn quay được càng nhiều trang kịch bản trong một lần quay càng tốt. Nhưng phim của Allen hầu hết đều thành công bởi kịch bản, diễn viên, góc máy…đều vô tình hay hữu ý vừa hài hước, sâu sắc nhưng vẫn gần gũi, bình dị.

Ngoài đời, Woody Allen không khác nhiều với những nhân vật ông thể hiện trong phim. Vẫn cặp kính gọng đen của chàng thanh niên năm 17 tuổi, chất giọng Brooklyn (nơi ông sinh ra) nhẹ nhàng, luyến láy, Allen cho người đối diện cảm nhận về một người đàn ông khiêm tốn, chậm rãi pha lẫn chút rụt rè, thiếu tự tin. Một người nghệ sĩ mang trong mình những sợ hãi vô cớ lại trở thành đạo diễn của nhiều tác phẩm kinh điển hẳn là phải tồn tại một mặt đối lập khác. Ở Woody Allen, đó chính là một ý chí mạnh mẽ và một phong cách làm việc cần mẫn, đầy hiệu quả. Xuyên suốt sự nghiệp điện ảnh của mình, từng 3 lần đoạt giải Oscar, Allen chỉ khiêm tốn “thỏa mãn” với hơn chục bộ phim, và Midnight in Paris là một trong số đó.

Midnight in Paris – Giấc mộng hoài cổ

Tại một góc thân quen, bên ly cafe nồng đậm, tôi và Paris có dịp hội ngộ qua những khung hình. Mở đầu phim, nàng thơ Paris lả lướt khiêu vũ trên đoạn nhạc Jazz du dương “Si Tu Vois Ma Mère” của Sidney Bechet. Allen để người xem sắm vai du khách, chọn cho mình những nét riêng của Paris và đặt một góc máy quay tĩnh để làm đôi mắt bao trọn khung hình. Tháp Eiffel, sông Seine, nhà thờ Đức Bà, cung điện Tuileries, Khải Hoàn Môn, Viện bảo tàng Louvre, nhà hát Opéra national de Paris… lần lượt lướt qua. Ban ngày, Paris vàng óng như rót mật với đại lộ rợp bóng, quảng trường thênh thang, dãy nhà cổ, hàng quán nhỏ xinh hay những cơn mưa giăng lối khiến lòng người thêm quyện chặt. Hoàng hôn buông, Paris sắc màu với những khu vui chơi, những ngọn đèn ấm áp bao trọn vẻ rực rỡ của kiến trúc Pháp và dòng xe hối hả nối đuôi trở về. Paris hiện lên không lê thê mà vẫn trọn vẹn, gợi ta nhớ tới đoạn mở đầu bộ phim Manhattan trên nền nhạc Rhapsody in Blue của Woody Allen.

Gil Pender (Owen Gilson) – một nhà văn trẻ người Mỹ, đã tới Paris nghỉ lễ cùng vị hôn thê xinh đẹp Inez (Rachel McAdams) của mình. Sẵn một tâm hồn lãng mạn, Gil nhanh chóng bị Paris mê hoặc, anh thích sà vào những cửa hàng tạp hóa ven đường, lật giở những đồ vật cũ để tìm được một chiếc đĩa than của Cole Porter hay đi dạo dưới mưa để lấy cảm hứng văn chương. Dáng vẻ của anh, đóng thùng trong chiếc sơ mi caro, quần kaki bạc màu hay chiếc áo vest nâu xù xì gợi cho người xem một cảm giác lỗi thời pha chút hoài cổ. Trái lại, Inez lại là cô gái phóng khoáng, đam mê tận hưởng sự hiện đại và hào nhoáng của Paris. Cô yêu những buổi tiệc tùng, thích sự tiện nghi và ăn vận những bộ cánh thời thượng.

Trong một lần lạc bước vào một con ngõ nhỏ, khi tiếng chuông nhà thờ Saint-Étienne-du-Mont báo hiệu nửa đêm vang lên, một chiếc Peugeot Landaulet cổ đã đưa Gil trở về quá khứ. Tại đây, anh gặp vợ chồng “Gastby vĩ đại”, đại văn hào Ernest Hemingway, danh họa Salvado Dali, đạo diễn Luis Bunuel, nữ văn sĩ Gertrude Stein, danh hoạ Pablo Picasso cùng người tình của ông – nàng Adrina xinh đẹp. Tất cả hội tụ tại một Paris “hoàng kim” của những năm đầu thế kỷ 20 – giai đoạn mà nhiều nghệ sĩ tận hưởng sự phù du, sa hoa của những quán bar và trót yêu “hội hè miên man” để rồi cho ra đời những tác phẩm vĩ đại. Gil háo hức chia sẻ cuốn tiểu thuyết đầu tay – kể về một người đàn ông trong tiệm bán đồ cổ luôn ước mong sống mãi trong quá khứ, cái thời kỳ mà anh ta nghĩ mình thuộc về. Anh từ chối tham gia những cuộc chơi cùng Inez. Dường như tình yêu giữa hai người tồn tại một sự “lệch tông”. Hoặc giả như, Gil yêu Inez không nhiều bằng tình yêu anh dành cho cô gái Paris của mình.

Đêm đến, Gil lại lên chiếc Peugeot cổ để trở về quá khứ. Anh dần nảy sinh tình cảm với Adriana, họ đi dạo bên dòng sông Seine êm đềm, chuyện trò như những cố nhân lâu ngày gặp lại. Rồi Gil nhận ra một điều là Adriana cũng chối bỏ thực tại của cô giống như anh. Nếu Gil luôn say mê Pháp thời kỳ hoàng kim của năm 1920 thì Adriana, đang sống trong quá khứ mà Gil mơ tưởng lại hoài niệm dĩ vãng xa hơn về “Belle Epoqué” của những năm 1890. Tình cờ, cả hai lên cỗ xe ngựa lạc về những năm 1890 mà Adriana hằng mong thì các văn nghệ sĩ đương thời lại cảm thán về thời kì Phục Hưng của Michelangelo. Gil tỉnh ngộ, anh hiểu rằng con người ở mỗi giai đoạn luôn có những hoài niệm, khát khao trở về quá khứ, thời điểm mà ta cho là “thời kì tươi đẹp”. Không một ai chịu nhìn nhận những điều tốt đẹp của thực tại mà luôn đổ lỗi, than vãn. Gil phần nào đó đã học được cách chấp nhận và thích nghi thực tại. Anh chia tay Inez và chuyển tới Paris để tập trung viết sách. Cuộc đời Gil rẽ sang hướng khác, chỉ có tâm hồn lãng mạn và hoài cổ vẫn giống như cơn mưa tưới mát tâm hồn người nghệ sĩ.

Dưới bàn tay ma thuật của Woody Allen, Midnight in Paris giống một tấm ảnh chụp đã ngả vàng của nhiều năm về trước. Một không khí xa hoa, sến sẩm với những bản concerto ngọt ngào. Những quý ông vest đen lịch lãm cùng những quý cô diện đầm một mảnh điểm chút sequin lấp lánh, băng đô cầu kì và điếu thuốc hững hờ trên tay. Tất cả như men say vỗ về lòng người. Ánh sáng – bóng tối trong bộ phim cũng tượng trưng cho hiện tại – quá khứ. Ở một góc độ nào đó, Paris cũng mang tâm trạng của con người. Paris ban ngày dưới ánh mặt trời là cuộc sống bận rộn, chỉ đến ban đêm Paris tỏa sáng bằng thứ ánh sáng nội tại, thả lỏng và chứa chan những cảm xúc trong tâm hồn. Nhưng quá khứ dù có đẹp tới đâu cũng chỉ là giấc mộng phù du, hiện thực mặc dù trần trụi, khó khăn vẫn là con đường mà ta phải bước đi. Giấc mơ không thể thành hiện thực nếu người ta chỉ mãi hoài mơ về nó. Chìm đắm trong men say quá khứ như những kẻ hèn nhát hay chọn cách tỉnh dậy rồi can đảm đối mặt, nỗ lực cố gắng biến giấc mơ đó trở thành sự thật – đó là sự lựa chọn khác nhau của mỗi người.

Facebook Comments Box

Comment