*MCU – Marvel Cinematic Universe (Vũ Trụ điện ảnh Marvel)

Điều đáng nể của Marvel Studios là tạo ra 1 vũ trụ điện ảnh có hệ thống, với những bước đi cụ thể, có ý đồ, có tham vọng và có 1 tiêu chuẩn nhất định để khiến fan cứng của comic không thấy tệ, và fan điện ảnh thì không bị nhàm chán, dù cho vẫn có cảm giác nhàm chán. Điều đó được thể hiện rất rõ trong bộ phim mới nhất Doctor Strange.

Từ những siêu anh hùng của trái đất (Iron Man, Captain America…), mở rộng không gian và biên độ ra ngoài vũ trụ (Thor, Guardians of the Galaxy), cho đến Doctor Strange, chính là mở ra các chiều không gian mới bằng khả năng “phù thuỷ”, chiều thứ 4 với sự khống chế thời gian, và chiều thứ n trong cõi vũ trụ bất tận. Thực sự với công nghệ ngày càng tiên tiến, khiến visual (hình ảnh) của điện ảnh đi đến những biên giới tưởng như không có giới hạn. Doctor Strange khiến chúng ta cảm thấy choáng ngợp đầy mê hoặc, một thứ “vặn” không gian mà Inception trở nên sơ xài, và Interstellar trở nên tương đối đơn giản. Điều đó như một thông báo về những phần phim tiếp sau trong vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU) dù kì ảo với bối cảnh không gian rộng lớn thế nào, cũng không nằm ngoài khả năng của Marvel Studios.

Trong MCU, những mối nối giữa các phần phim không cần làm khoa trương, chỉ 1 hint nhỏ trong một bộ phim, là đủ cho fan cứng hiểu và “à ồ” khi nghĩ đến những phần phim khác, điều đó đảm bảo cho việc biên kịch không cần tốn quá nhiều thời gian dài dòng để liên hệ, mà dành thời gian đó để phát triển nhân vật sao cho đơn giản và dễ hiểu để bất kỳ ai cũng có thể nắm được nhân vật đó, bất kỳ ai khi xem 1 bộ phim Marvel cũng có thể coi 1 cách riêng biệt mà không cần hiểu biết về vũ trụ điện ảnh Marvel. Điều này là điều mà DC hoàn toàn thua thiệt khi mang điện ảnh đi ra từ comic, điển hình như phần phim mới nhất đến từ DC comic, Batman VS Superman, chính vì Batman chưa có phim riêng, nên bản thân đạo diễn phải dành rất nhiều thời gian giới thiệu Batman, và dù như nào, với một nhân vật lớn như Batman thì điều đó không thể đủ, khiến cho BVS trở nên sơ xài, ngây ngô và mắc quá nhiều lỗi.

 

Điểm thứ hai khiến phim của Marvel luôn có vẻ ngoài hào nhoáng đủ lôi cuốn chính là việc chọn diễn viên để thể hiện nhân vật chính. Diễn viên được chọn, hoá thân tốt đến mức ta có cảm giác về “sự đóng đinh” vào nhân vật, biến nhân vật mang chính hình hài của diễn viên để ta có một khuôn mặt đại diện cho nhân vật truyện tranh không thể thay thế trong vũ trụ điện ảnh. Benedict Cumberbatch cho nhân vật Doctor Strange cũng vậy. Mặc dù cách anh vào vai khiến ta nghĩ ngay đến Sherlock, nhưng không có nghĩa Doctor Strange của anh bị nhàm chán, chỉ vì Doctor Strange có tính cách quá giống Sherlock mà thôi: Thông minh, kiêu ngạo, tự tin, vô tình và ham mê công việc. Trong bộ phim Doctor Strange thì tôi đặc biệt ấn tượng về nhân vật The Ancien One do Tilda Swinton thủ vai. Tilda thì khỏi cần nghi ngờ về khả năng diễn xuất, nhưng không thể ngờ việc chị chấp nhận cạo trọc đầu lại khiến cho khuôn mặt của Tilda giúp nhân vật The Ancien One trở nên đặc sắc như vậy. Sự quyết đoán, thái độ coi cuộc đời là vô thường, và cách ẩn giấu nội tâm vừa kín đáo vừa khiến người khác cảm thấy ngưỡng mộ và thương cảm thật đặc biệt. Tilda Swinton, bỏ qua những điều tiếng về việc Hollywood “Tẩy trắng” nhân vật (The Ancien One vốn dĩ là người Nepal chứ không phải người da trắng trong vũ trụ 616), đã thực sự mang đến một diện mạo rất dễ gần đối với khán giả.

Nói qua về Doctor Strange, ông là một nhà phẫu thuật thần kinh kỳ tài, với kiến thức sâu rộng và đôi bàn tay giải phẫu tinh tế, Strange tạo cho mình một danh tiếng rất lớn trong nghề. Điều đó góp phần tạo nên tính cách của ông, một kẻ khó gần, kiêu ngạo, khô khan. Trong một lần bị tai nạn xe hơi do bất cẩn, Doctor Strange gần như không còn khả năng cầm dao mổ, sự nghiệp của ông chấm dứt. Điều đó khiến cho một kẻ say nghề như ông không thể chấp nhận được. Ông tìm kiếm khắp nơi một phương pháp chữa trị cho đôi tay của mình, cho đến khi nghe nói về The Ancien One. Ông lặn lội đến Nepal để tìm kiếm niềm hy vọng cho mình. Từ đó, thế giới phù thuỷ, nơi con người phải thực sự có niềm tin vào linh hồn, vào tinh thần, vào sức mạnh tâm linh để khai mở trí tuệ của mình nhằm thấu hiểu vạn vật được mở ra đối với Doctor Strange. Ông từ một kẻ kiêu ngạo và duy lý, đã trở thành một trong những pháp sư tài năng, nhằm chống lại Kaecilius (Mads Mikkelsen) – một kẻ có tham vọng bất tử, muốn mở ra chiều không gian Đen (Dark Dimension) để triệu hồi sức mạnh của Dormammu.

 

Và hài hước, quả thực Doctor Strange khai khác yếu tố hài rất tinh vi để khiến không ít lần khán giả phải bật cười vô thức, như cách Ant-Man, Avengers, Guardians of the Galaxy đã làm được. Nội điều này đã kéo bộ phim lên rất nhiều, khi khán giả vốn tìm kiếm tính giải trí cho một tác phẩm điện ảnh bom tấn ngoài rạp. Đặc biệt là khuôn mặt của Benedict Cumberbatch có khả năng biểu cảm tuyệt vời, có thể quay ngoắt 360 độ để gây kinh ngạc cho khán giả, từ nghiêm nghị, sang đùa cợt một cách không thể lường trước.

Nhưng, vậy thôi, Doctor Strange quá đơn giản và hời hợt trong kịch bản, khiến cho nhân vật phản diện do Mads Mikkelsen thủ vai quá thiếu sự hấp dẫn, ít đất diễn và có phần ngớ ngẩn, cái kết hơi hẫng hụt so với tầm vóc của trùm cuối, kết cấu phim bắt đầu từ phần giữa bị lỏng lẻo, và vội vàng như thể sợ hết thời gian. Ngay cả kẻ thù không đội trời chung là Mordo (Chiwetel Ejiofor) cũng chán kinh hoàng, thiếu cá tính, khô khan. Có lẽ Doctor Strange chỉ khá hơn các phim về Thor thôi, còn về độ sâu không thể so với Captain America, hay Iron Man.

Dù sao thì, cũng nên coi vì visual của phim vô cùng choáng ngợp. Đừng kì vọng, Doctor Strange chỉ là 1 phim giải trí thông thường, và 1 mảnh ghép cần có để mở rộng vũ trụ điện ảnh Marvel, vậy thôi. Không hơn không kém.

Comment