Trong thời buổi hiện đại như ngày nay, thật khó tưởng tượng cuộc sống con người sẽ ra sao nếu thiếu đi công nghệ? Rất có thể bạn đang đọc bài viết này trên một chiếc smartphone có kết nối Internet – vật bất ly thân của nhiều cư dân sống trong kỷ nguyên số. Loạt phim truyền hình Black Mirror ra đời trong bối cảnh đó, như một lời cảnh tỉnh cho xã hội trước sự lệ thuộc ngày càng lớn vào công nghệ. Black Mirror có số tập phim không nhiều so với các series truyền hình khác, nhưng khán giả sẽ khó có thể xem kiểu “marathon” từ đầu tới cuối bởi dư vị ám ảnh mà từng tập phim đem lại.

Không giống với những loạt phim truyền hình thông thường, Black Mirror là một series theo dạng anthology (tuyển tập) với mỗi tập phim có nhân vật và bối cảnh hoàn toàn độc lập, riêng rẽ. Điểm chung của chúng là đề cập tới con người trong xã hội hiện đại đang ngày càng lạm dụng công nghệ và cho người xem thấy hệ quả của nó. Nhà sản xuất Charlie Brooker đã đúc kết về đứa con tinh thần này: “Mỗi tập sẽ có dàn diễn viên khác nhau, bối cảnh khác nhau và có thể có cả thực tế ở thì tương lai. Nhưng tất cả đều xoay quanh cách mà chúng ta đang sống, hoặc có thể sẽ sống trong tương lai gần nếu không cẩn thận.”

Cho tới thời điểm này, Black Mirror đã có tổng cộng ba mùa với 13 tập phim. 13 tập phim với thời lượng trung bình 1 tiếng/tập và nội dung tách biệt, phần lớn do Charlie Brooker viết kịch bản. Chất lượng của phim là không phải bàn cãi, với điểm số 8,8 trên trang IMDB và 96% trên trang Rotten Tomatoes. Sau hai mùa đầu tiên gây tiếng vang lớn sau khi trình chiếu tại Anh, đại gia của thể loại streaming là Netflix đã quyết định đầu tư sản xuất tiếp mùa thứ ba vừa ra mắt khán giả. Dù mới chỉ được tung ra chưa đầy một tuần nhưng mùa thứ ba của Black Mirror nhanh chóng vươn lên hàng đầu trong số những series truyền hình được xem/tải về nhiều nhất.

 

Thứ làm nên sức hấp dẫn của Black Mirror đầu tiên phải kể tới kịch bản xuất sắc. Người xem nhanh chóng bị cuốn hút từ tập phim đầu tiên “The National Anthem” với khởi đầu gây sốc: “công chúa Hoàng gia Anh đã bị bắt cóc và tên bắt cóc không đòi tiền chuộc. Thay vào đó, hắn muốn Thủ tướng Anh quan hệ tình dục với một con lợn trên sóng truyền hình trực tiếp!”. Màn dạo đầu ấn tượng như vậy khiến khán giả khó có thể rời mắt và vừa xem vừa tự hỏi rốt cuộc câu chuyện sẽ đi đến đâu.

Kịch bản từng tập phim Black Mirror đều theo một mẫu chung là chặt chẽ, không có tình tiết thừa thãi và khiến khán giả khó có thể đoán trước kết cục. Việc bối cảnh và dàn diễn viên từng tập là khác nhau cũng đem lại sự hào hứng bởi người xem sẽ không thể đoán được câu chuyện tiếp theo sẽ đề cập tới khía cạnh nào, có bối cảnh hiện đại hay ở thì tương lai…? Những nút thắt bất ngờ, cách dẫn dắt câu chuyện khéo léo và sự mới mẻ làm nên tính hấp dẫn cho cả loạt phim.

Tuy nhiên, điều khiến Black Mirror được nhắc tới nhiều đến thế còn bởi tính liên quan của nó với xã hội hiện đại. Khán giả có thể bắt gặp thấy chính bản thân mình trong phim qua các nhân vật. Dù không trực tiếp nhắc tới nhưng ai cũng dễ dàng liên tưởng tới Facebook, Twitter hay Instagram … khi xem tập phim “Nosedive”. Trong tập phim này, các nhân vật chính sống trong một xã hội mà tất cả đều được đánh giá theo điểm trung bình cộng từ 1-5. Khi ra đường, chỉ cần vô tình làm mếch lòng ai là bạn có thể nhận điểm 1 và điểm số trung bình càng thấp, bạn sẽ càng khó khăn trong việc làm quen với người mới hay sử dụng các dịch vụ công cộng. Điều này dẫn tới một xã hội “sống ảo”, khi ai cũng tỏ ra hạnh phúc hay cố gắng lấy lòng cả những người mình không ưa chỉ để được chấm 5 sao. Một xã hội mà người ta nhìn vào màn hình điện thoại nhiều hơn nhìn vào mặt nhau và đánh giá nhau qua những con số vô hồn “4,2” hay “3,5”.

 

Black Mirror đả kích không chừa một khoảng nào của thời buổi công nghệ số: Từ mạng xã hội, các chương trình truyền hình thực tế, trò chơi điện tử cho tới nạn ném đá hội đồng trên mạng. Và điều này đem lại sức nặng cho cả loạt phim. Sẽ khó để khán giả xem liền mạch một lèo cả một mùa Black Mirror như nhiều loạt phim truyền hình khác, bởi cái kết của từng tập phim đem lại cảm giác nặng nề tới ám ảnh. Rất hiếm tập phim nào của Black Mirror có một cái kết hạnh phúc, một điểm tương tự như bộ phim “Wild Tales” của Argentina gồm sáu câu chuyện ngắn mang chủ đề Trả thù.

 

Khi phim hết cũng là lúc ta nhìn vào màn hình đen ngòm – một “tấm gương đen” phản chiếu chính xã hội hiện đại. Phim có thể đưa câu chuyện tới thế giới tương lai với những công nghệ tân tiến, nhưng những vấn đề mà Black Mirror đề cập thì không hề xa lạ. Xã hội trong “Nosedive” khi mà ai cũng cố được điểm cao như một thừa nhận của những người xung quanh, để cảm thấy vui về bản thân mình … cũng không khác mấy nơi chúng ta đang sống: nơi mà có những người sẵn sàng làm những hành động điên rồ nếu nhận đủ số likes trên Facebook.

Hay như trong tập “Hated in the Nation”, các cư dân mạng có thể chọn ra người họ ghét nhất kèm theo hashtag #CáiChếtDànhCho để rồi nhân vật đó sẽ bị giết một cách bí ẩn. Nhìn xung quanh, ta có thể bắt gặp không ít người bị ném đá hội đồng trên mạng vì những lý do rất vu vơ, từ những người hoàn toàn xa lạ … Black Mirror là vậy, lôi cuốn và khiến khán giả rùng mình, trằn trọc vì những đề tài mà phim khai thác.

Nếu như Requiem for a Dream được xem như bộ phim khiến khán giả xem xong muốn tránh xa ma túy và các loại chất kích thích, thì Black Mirror là series mà những ai đang nghiện hay lệ thuộc công nghệ cần phải xem.

Facebook Comments Box

Comment