Câu hỏi đặt ra là, tại sao đa số tình yêu đều không có happy ending như trong phim hay tiểu thuyết, mà rút cuộc chúng chỉ ngắn hạn và đẩy chúng ta đến với đau khổ và thất vọng? Rồi rút cuộc, hai người, vốn từng rất tốt với nhau, từng là bạn thân, là bạn, là người tình chợt trở thành hai kẻ xa lạ. Một kịch bản quá tệ, bi kịch và cliché, nhưng nó là cuộc sống. Yêu để lên đỉnh, và khi lên đỉnh rồi thì người ta thật dễ dàng để bị rơi xuống vực, hoặc đơn giản là phải đi xuống mặt đất. Vậy ta bỏ qua những người vốn luôn lạc quan về tình yêu (như tôi), chỉ cần lên đỉnh 1 lần thì rơi xuống vực cũng được. Dylan (Justin Timberlake) và Jamie trong Friends With Benefits (Mina Kunis) là hai kẻ bi quan vì tình, khi cả hai đều bị chia tay vì những lý do vớ vẩn khi mà họ nghĩ tình yêu đang mang lại cho họ sự quan tâm và yêu thương.

Tổn thương và bi quan, nên họ đè cảm xúc thật của mình, đánh lừa chính mình để tiếp cận nhau ở mức độ thể xác mà không thể làm “hại” nhau về mặt tinh thần. Họ không muốn rơi vào “lỗ thỏ”, một hình ảnh về yêu mà một nhân vật trong phim có nói đến. Dylan và Jamie đã đến với nhau như vậy. Một cô nàng New York làm ở lĩnh vực tuyển dụng nhân sự tự lập, có quan niệm khá cổ điển về tình yêu vĩnh cửu nhưng bị tổn thương và lao vào những mối tình một đêm để không tự làm hại mình. Một anh chàng người L.A có khuôn mặt thông minh, nhưng thái độ ngây thơ, được tuyển vào làm vị trí giám đốc nghệ thuật cho một tờ tạp chí hàng đầu ở New York.

Họ hợp nhau ngay từ lần đầu gặp mặt. Hợp nhau, hoặc nói một cách thẳng thắn hơn họ trông hợp nhau vì Jamie với tư cách là “kẻ săn đầu người” cho các công ty, cô cần Dylan chấp nhận công việc ở New York. Và rồi họ quyết định làm bạn, quyết định làm tình mà không được để cảm xúc xen vào. Nhưng tất nhiên, bạn biết chuyện gì sẽ xảy ra rồi đấy. Làm gì có chuyện hai người bạn quan hệ với nhau, bằng những cách mà chỉ những người yêu nhau mới cảm thấy, thèm muốn, khao khát, và thật hạnh phúc. Người xem không khó để nhận ra motip tiếp theo được sử dụng trong phim để đoán định được kết cục. Có điều, Friends with benefits của đạo diễn Will Gluck có những nét thú vị mà ngay cả một người vốn không thích thể loại phim hài tình cảm như tôi cũng đôi khi cảm thấy hứng thú.

Không bao giờ nên đánh giá thấp một phim Rom-Com dù ta thừa biết bộ phim sẽ xảy ra điều gì. Vì bên trong nó, vẫn có những chỗ mà một đạo diễn tinh ý và hài hước có thể triển khai để sẵn sàng tấn công người xem bằng những chiêu trò đầy thú vị, đơn giản, nhưng cô đọng và ý vị. (Tôi nhắc mình thôi, vì tôi đã đánh giá khá thấp phim này, mặc dù bạn gái tôi lại rất thích nó và cứ bắt tôi xem hoài nhưng tôi không xem, hồi đấy). Kịch bản mang đến một sự cân bằng bất ngờ, giữa các trường đoạn, các nút thắt mở và tạo cho hai nhân vật chính có một khoảng không bộc lộ mình vừa đáng yêu, vừa đầy tự chủ. Nếu như một bộ phim khác cùng chủ đề ra đời cùng năm 2011 là Sex Friends với sự tham gia của Natalie Portman và Ashton Kutcher thì bộ đôi Justin và Mila Kunis đã hoàn toàn ăn đứt về khả năng lột xác thành nhân vật và tạo cho câu chuyện một chiều sâu đủ để khiến giả nhận diện và yêu mến.

Hai người bạn, làm tình với nhau và vẫn làm bạn. Điều đó thật quá khó cho bất kì ai. Chúng ta có thể trải qua nhiều lần tình một đêm với nhiều người khác nhau, chứ không thể tình nhiều đêm với một người và chỉ gọi họ là bạn thân. Vì cảm xúc là thứ đến cùng với sự thăng hoa của tình dục. Một người đàn ông sẽ ôm người tình của mình sau khi làm tình, vì người đàn ông đó yêu cô gái. Khi Jamie trách vì Dylan bỏ đi sau khi ngủ với cô, ta hiểu rằng cảm xúc của họ là không thể giấu được nữa. Yêu chỉ còn là một đường vạch kẻ mà một trong hai kẻ phải bỏ qua sự tổn thương mà bước qua để dành lấy người kia nếu không sẽ lỡ mất.

New York hiện ra thật đẹp, một thành phố năng động, vừa hời hợt vừa sâu lắng, vừa hào nhoáng vừa buồn bã. Một thành phố mà ai cũng mơ ước được đến một lần, để yêu, để sống và để nhìn thấy cách Hollywood lát vàng cho nó như nào trong những bộ phim của mình. Bộ phim không đưa ta vào một câu chuyện ngôn tình dở tệ với những điều lãng mạn vô duyên không thực, mà nó đưa ra một thực tế, về sự tổn thương và hàn gắn tổn thương, về tình yêu và tình dục. Về những điều chúng ta vẫn phải trải qua, vẫn phải chấp nhận và vẫn phải bước tiếp. Thế giới của mỗi người đầy những lỗ thỏ. Liệu chúng ta có dám bước xuống để được sống trong thế giới Wonderland, hay chúng ta sợ bước xuống để rồi một ngày phải quay về lại thế giới thực của mình. Sự lựa chọn dành cho mỗi người. Tuy nhiên, sự thật là, tình yêu không phải là sự lựa chọn, nó đến với ta, vô thức và bất cẩn, và kéo tuột ra vào lỗ thỏ mà ta không hay biết, không kịp đề phòng. Phần tiếp theo mới là của ta: Thái độ đối với tình yêu mà ta có.

Comment