Tại sao tôi lại thích viết như vậy, trong tâm trí tôi việc viết ra cái gì đấy luôn thôi thúc, luôn đòi hỏi, luôn là một nhu cầu đến từ bên trong một cách mãnh liệt, đôi khi đi trên đường tôi chỉ ước giá có cái máy gì đó có thể chuyển giọng nói, dòng suy nghĩ thành câu chữ, có lẽ trong những chuyến hành trình dù ngắn dù dài của mình tất cả mọi ý tưởng sẽ được lưu lại, được cất lại một cách rành mạch trên những trang giấy. Vì tôi muốn lưu giữ lại kí ức của cuộc đời mình, tôi không muốn để lãng quên, để bỏ qua bất kì kí ức nào hết, mọi kí ức đều có giá, cái giá của sự sống và tồn tại. Hơn nữa, không chỉ là lưu lại kí ức của mình tôi còn muốn lưu lại kí ức của những người khác để có một mối liên kết nào đó với tôi, đã nói chuyện với tôi, đã kể cho tôi nghe cuộc đời họ, đã để tôi thấy cuộc sống của họ. Tôi muốn lưu lại hết. Chính vì vậy, tôi viết nhiều, viết bất cứ lúc nào có thể, trong laptop của tôi, trên phần mềm Evernote của mình, đầy ắp chữ, đầy ắp những bài viết ngắn dài, hoàn thiện rồi hay chưa, viết lảm nhảm hay có mục đích nào đó, tôi cứ viết đôi khi lạc lối và bế tắc nhưng tôi không thể dừng. Tôi mà dừng lại, thì bộ não vốn không có khả năng tốt lưu giữ kí ức như tôi sẽ xóa bỏ nó mất. Như mối tình thủa học sinh cấp 2 của tôi với cô bạn hàng xóm được đong đầy tình cảm bằng những lá thư tình viết tay mùi mẫn, giờ tôi chẳng còn nhớ tôi đã viết gì, tôi chẳng còn nhớ tôi đã yêu như nào trong cái tuổi trẻ con vụng dại đấy. Không chỉ tôi viết, tôi còn hay khuyến khích bạn tôi cũng phải viết, em phải viết về chuyện em đã trải qua, những trải nghiệm thú vị của những chuyến đi, những cuộc gặp, những ấn tượng trong đời mình, em phải viết về quyển sách em đã đọc, em phải có cảm nhận về bộ phim em xem, tất cả không bao giờ thừa, nó sẽ giúp cho trí nhớ của em luôn luôn ở trong tình trạng được nạp đầy năng lượng để thu nhận một cách tốt nhất những kí ức mới.

Daniel của Pain Of Salvation đã nói với tôi một cách gián tiếp rằng, anh sợ cái chết vì cái chết sẽ làm cho tất cả kí ức của chúng ta vỡ tan và hoàn toàn biến mất. Còn Nightwish một ban nhạc Symphony Metal, Gothic Metal đã kể một câu chuyện gần như vậy về những kí ức mất mát của một người nhạc sĩ già đang bị hôn mê.

Bộ phim là những mảnh ghép của quá khứ và hiện tại, của đan xen giữa siêu thực và hiện thực. Qua tâm trí đầy xáo trộn của người nhạc sĩ Thomas Whitman, ta được đưa về quá khứ xa trong một thế giới thần thoại khi ông là một đứa trẻ trong trại trẻ mồ côi nơi ông ở trong phòng cùng một người bạn tên Ann. Ông được gã người tuyết chở bay lên trời vào một không gian siêu thực ở đó cậu bé Thomas 10 tuổi gặp lại tuổi trẻ của mình đang chơi trong một band nhạc, rồi cậu lại gặp cảnh cậu và cha cậu nói chuyện… Những kí ức mờ ảo trong một cái đầu không còn minh mẫn, những nếp nhăn chứa kí ức đã bị trầy xước, Thomas đi trong đó gặp lại những gương mặt thân quen của quá khứ, tìm lại những câu chuyện đau khổ của chính cuộc đời mình, vợ chết, bố tự sát, bỏ rơi đứa con gái bé bỏng… Một chuỗi những kí ức buồn thương vụn vỡ và đau buồn.

Ở thực tại thì cô con gái ông luôn luôn trách cứ, luôn căm ghét ông như một kẻ bỏ rơi mình, một người cha không có tình yêu thương. Ảnh hưởng bởi Tim Burton với tạo hình nhân vật cũng như sử dụng nhiều CGI và nhiều hiệu ứng kĩ xảo đặc biệt thế giới của Imaginaerum hiện ra vô cùng đẹp, cái đẹp của những gam màu tối của kí ức, những màu sắc đỏ đen trắng tương phản rất ấn tượng, không thể lầm lẫn được ở một bộ phim với âm nhạc Gothic làm chủ đạo. Sức mạnh hình ảnh còn lớn hơn cả câu chuyện được kể, sắc sảo và ấn tượng. Những vật biểu tượng đi theo suốt bộ phim để nói quá khứ và hiện tại, siêu thực và hiện thực như quả cầu tuyết, chú lính chì, đôi vé xem xiếc…

Bộ phim không phải là một câu chuyện kể xuất sắc giống như Pink Floyd đã làm được trong The Wall, câu chuyện kể có phần đi quá nhanh với nhiều tình tiết được gán ghép không được hiệu quả và những mối nối giữa các trường đoạn thiếu thuyết phục. Tuy nhiên, bỏ qua tất cả những điều đó đây lại là một bộ phim âm nhạc đáng xem với âm nhạc tuyệt vời từ album Imaginaerum của Nightwish và một thông điệp đầy suy ngẫm. ”

When you get old enough you don’t fear death anymore, you wait for it. And, after a while, you hope for it, even if you don’t admit it. Do you know why? Because losing your mind before you go is worse than dying.”

Những thời khắc hấp hối của Thomas đã buộc ông phải đi tìm lại kí ức của mình bằng một chuyến viễn du đầy ảo tưởng. Kí ức dù đau buồn hay vui tươi, nó đều là thứ đã tạo nên con người mình, tạo nên bản thân chúng ta, chúng ta được sinh ra và tồn tại bởi một hệ thống những câu chuyện mà mỗi một câu chuyện mất đi sẽ để lại một chỗ trống vô cùng bối rối cho mình. Thomas Witman hay chính là tay keyboard cũng như người viết lời cho các ca khúc của Nightwish Tuomas Holopainen đã sợ mất kí ức của mình, ông đẩy hết tất cả vào âm nhạc, chính vì có một cái “chậu tưởng kí” đó mà qua xuyên qua kí ức của mình được đập nhịp cùng với âm nhạc tuyệt diệu mà ông sáng tác, đã dần dần lôi dậy được những kí ức tưởng như đã mất của một người mắc chứng mất trí nhớ và đang hôn mê. Đấy là điều kì diệu của “bộ nhớ ngoài” vì cũng chúng ta không thể nhét đầy mọi thứ vào bộ não của mình, đặc biệt là những kí ức buồn thương, những kí ức mà ta sợ hãi khi chạm vào khi nghĩ đến, những kí ức mà ta chỉ muốn vùi sâu vào tận sâu trong tâm khảm mình để không bao giờ có thể chạm tới nữa. Nhưng ta không được để mất, vì những lỗ hổng chỉ càng khiến ta đau đớn, còn gì giá trị hơn bằng một cách lưu trữ bên ngoài, Thomas là một thiên tài âm nhạc, vậy anh chọn cách gửi gắm vào những ca khúc của mình. Murakami chọn cách lưu vào đâu đấy trong những nhân vật tiểu thuyết mà mình viết lên, Quentin Tarantino chọn làm phim để nhớ một thời đam mê phim ảnh của mình, đơn giản hơn như tôi, ngồi viết lại những gì tôi nghĩ, những gì tôi đã cảm đã trải qua đã hưởng thụ hoặc đã đau đớn tột cùng. Tôi không muốn mất bất kì kí ức nào. Thomas Whitman khi sắp chết đã nhận ra điều đó.

Âm nhạc là điều tuyệt diệu nhất trên đời. Không có bất kì một biến cố nào trong cuộc đời dù lớn dù nhỏ mà không gắn chặt với âm nhạc. liệu có lúc nào đó mà ta không phụ thuộc vào âm nhạc để điều chế cảm xúc của mình, liệu có ai không chợt tình cờ nghe một bản nhạc nào đó mà không nghĩ đến đâu đó xa xa trong quá khứ, một nụ cười, một ánh mắt, một nụ hôn, hay một chuyến đi nào đó hay tệ hơn, những đêm vắng thất tình. Âm nhạc ở trong tất cả những điều đó, âm nhạc là người lưu giữ kí ức tuyệt vời, là một quả cầu tuyết biết phát ra giai điệu phù hợp khi ta tìm kiếm điều gì đó trong quá khứ. Tôi không tưởng tượng nổi cuộc đời này sẽ thế nào nếu không có âm nhạc, chắc khi đó người ta cứ vật vờ như những xác sống cố gắng nghĩ xem mình đã từng là cái gì. Không có âm nhạc, ta không thể tìm ra lối thoát, mặc dù có âm nhạc ta chưa chắc tìm được lối thoát nhưng chắc chắn sẽ làm dịu lại tâm hồn mình.

Đến bây giờ Symphony Metal không còn là thể loại tôi ưa thích nữa, tôi thích cái gì đó sâu sắc hơn, lắng đọng và mềm mại hơn, thâm trầm và điên loạn ở bên trong hơn, tôi chọn Prog Rock để đi tiếp con đường làm dịu tâm hồn mình. Nhưng album này của Nightwish thì khác, tôi thực sự thích cái chất nhạc, cái thông điệp mà album muốn nhắm tới, còn một lý do nữa là tôi có dịp đi xem tour lưu diễn album này của Nightwish, tôi thấy lửa, tôi thấy sự mạnh mẽ, tôi thấy sự quyến rũ, cái sắc sảo và điêu luyện của một band nhạc gạo cội. Với giọng hát của trong trẻo và cao vút của Annette Olson cùng với những âm điệu mạnh mẽ từ tiếng lead, tiếng trống, tiếng guitare chord, một album hòa âm tuyệt vời.

Mặc dù là một câu chuyện ám nhiều màu tối, và đưa vào một thế giới fantasy của kí ức nhưng Holopainen có nói rằng anh muốn truyền tải một thông điệp tích cực về Carpe Diem, về sự tuyệt vời của sự sống trong một thế giới đầy những điều tốt đẹp của tình yêu này. Thông điệp này qua bộ phim không được rõ ràng, nhưng có một điều mà anh đã làm được đó là truyền tại về sự tuyệt vời của kí ức. Mỗi kí ức là một khoảng khắc trong đời sống, mỗi khoảng khắc đó đều đáng được lưu giữ và bảo lưu toàn vẹn. Tôi không thể chịu được việc tôi đã quên đi nhiều kí ức của mình, mặc dù kí ức đó đã từng khiến tôi đau đớn và buồn khổ, nhưng nếu không có nó tôi không hiểu tôi liệu còn có biết tôi là ai không? Murakami đã nói trong Kafka on the Shore rằng:  “Memories warm you up from the inside. But they also tear you apart.”. Trong mọi trường hợp, thì kí ức, cái nằm trong quá khứ, cái đã khiến ta lộ ra một phần nào đó cái bản tính mà ta không thể biết nếu ta không trải qua nó thật đẹp, và thật sự sưởi ấm ta trong những đêm đông lạnh lẽo, trong những ngày hè nắng gắt trong cả cuộc đời chìm nổi của mình.

Comment