Trong năm 2013, có hai phim khiến tôi phải ra rạp xem hai lần, là phim này và phim Blue Is The Warmest Color. Thật hiếm có bộ phim nào chạm được vào bên trong tôi một cách sâu sắc như vậy, tôi nhớ trong lần đi xem thứ hai, trong cảnh mở màn phim, khi giọng Llewyn Davis cất lên hát ca khúc “Hang Me, Oh Hang Me”, nước mắt tôi đã chảy. Tôi cảm thấy một sự xúc động đầy tinh tế mà giọng hát đó truyền tải, cùng với lời bài hát đầy sự chơi vơi của tuổi trẻ. Thế giới này đầy những nỗi buồn, nhưng những vẻ đẹp cũng không bao giờ thiếu, những vẻ đẹp đó, khiến nước mắt ta chảy, khiến thời gian ngưng đọng, và khiến ta tìm thấy niềm yêu thương trong cuộc sống này.

Nếu Davis bảo vào Hải quân chỉ là sự tồn tại, vậy những người khác nhìn anh vật vã trong tuyết chạy đôn chạy đáo khắp nơi, sống vạ vật là gì? Câu trả lời nằm trong mỗi người xem, còn anh em nhà Coens chỉ muốn kể một câu chuyện bằng điện ảnh, như họ vẫn làm rất tốt ở những tác phẩm trước đó, một câu chuyện dường như không có cốt chuyện, chỉ có những người nghệ sĩ, một con mèo, và New York vào năm 1961.

Câu chuyện gói gọn trong một tuần của ca sĩ hát nhạc Folk Llewyn Davis khi anh đang bế tắc tìm lối thoát cho sự nghiệp trở thành một ca sĩ tên tuổi được ghi nhận và có khả năng nuôi sống chính minh. Chân dung Llewyn Davis (Oscar Isaac) trong câu chuyện với chiếc guitar. Anh không có nhà, chỉ có bạn bè yêu quý cho mượn ghế sô pha để ngủ qua ngày rồi đến hôm sau anh lại lận đận lăn lộn đi tìm lối thoát cho khả năng âm nhạc chưa được ghi nhận của mình. Chạy đôn chạy đáo kiếm từng đồng xu qua ngày, câu chuyện dường như không có mạch, chỉ là những sự gắn kết của ngày này qua ngày khác. Có lẽ chính vì thế, anh em nhà Coens như khi trả lời phỏng vấn, cho vào phim một chú mèo làm mối nối, dẫn dắt mạch chuyện, liên kết các ca khúc nhạc tuyệt vời trong hành trình đi tìm thứ khiến mình sống chứ không phải chỉ đơn thuần là sự tồn tại của Davis.

Mạch chuyện mờ đi trong cá tính nhân vật, dáng điệu uyển chuyển của mèo, và những ca khúc nhạc đồng quê thú vị và đầy sức sống. Llewyn Davis không bao giờ cho rằng việc đi tìm kiếm một nơi chấp nhận anh như một ca sĩ chuyên nghiệp là đam mê, anh luôn luôn khẳng định anh làm vì tiền. Nhưng rõ ràng hành trình của một người thanh niên tràn đầy nhiệt huyết với âm nhạc, giọng ca trời phú và sự cảm nhận đầy tinh tế trong giai điệu, nó là sự khát khao muốn biến đam mê thành thứ có thể nuôi sống mình. Theo chân Llewyn ta bắt gặp những chân dung khác. Jean (Carey Mulligan) và Jim (Justin Timberlake), hai người bạn thân mà anh thường ngủ nhờ nhà họ, cũng là những ca sĩ hát phòng trà, đặc biệt là Jean người phụ nữ mạnh mẽ và rất yêu quý Davis.

Qua nhân vật nữ này, chân dung của Llewyn được bộc lộ rõ hơn là một người thiếu trách nhiệm, một người chưa thực sự trưởng thành để thực sự nắm rõ được những việc làm của chính mình để hiểu nó đúng hay sai. Davis chỉ biết lặng im ngồi nghe Jean mắng xối xả vào mình, anh chẳng biết nói gì, anh hiểu mình sai, anh hiểu mình đã ích kỉ, nhưng nó lại là cá tính mà anh không thể sửa khi mà anh còn chưa có thể lo được cho đam mê của mình tìm được chỗ đứng nhất định trong xã hội. Ngoài những người bạn cùng đam mê và đồng trang lứa. Llewyn còn có được sự quý trọng và giúp đỡ của một đôi vợ chồng giáo sư già, họ luôn trân trọng tài năng của anh và sẵn lòng giúp đỡ anh khi anh khó khăn. Nhưng bạn bè chỉ giúp đỡ anh được về mặt nơi trốn để đi về.

Davis lận đận và quyết tâm. Anh tìm đến những người có thể giúp anh. Câu chuyện kéo giãn về mặt không gian, anh thoát ra khỏi New York để đến Chicago trên một chiếc xe đi nhờ của hai người nhạc sĩ khác. Một nhà thơ thế hệ Beat và một nghệ sĩ chơi nhạc jazz. Chuyến xe đi trong đêm, bão tuyết, nó như hình ảnh ám thị cho một thế hệ lạc lỗi, hình ảnh một ca sĩ chơi nhạc folk ôm khư khư con mèo, một anh chàng nhà thơ thế hệ Beat lạnh lùng, cô độc, vừa lái xe vừa đọc thơ, và một ông ca sĩ hát nhạc Jazz quá khổ, bị sốc ma túy trong phòng vệ sinh. Họ như một tập hợp của một nhóm đại diện cho một thế hệ lạc lối, nhưng đầy nhiệt huyết với đam mê của mình để cách Sống mà không tồn tại.

Nhưng câu chuyện của Llewyn Davis sẽ không thể thực sự truyền tải được đam mê của anh với âm nhạc, hành trình của anh để đi tìm cho mình chỗ đứng nơi mà đam mê của anh có thể tung cánh nếu như thiếu thứ âm nhạc như một liều thuốc tinh thần mà anh em Coens đã gài gắm một cách vô cùng khéo léo để khiến người xem mê hoặc:

“Nó không bao giờ mới, cũng như chưa bao giờ là cũ, đó là nhạc Folk”. Khi giai điệu đầu tiên cất lên ở cảnh mở màn bộ phim, Davis hát lên ca khúc “Hang me, Oh Hang me”, bằng một chất giọng ấm, chất chứa nhiều tâm tư, thì bộ phim đã bắt đầu tiêm một liều thuốc tinh thần cho người xem để họ không thể lời mắt khỏi Davis và cuộc sống của anh nữa. Từng ca khúc được thể hiện trọn vẹn, bộ phim như một câu chuyện âm nhạc, nhưng có những khoảng dừng hợp lý để nhạc Folk dù là đặc sản của nước Mỹ nhưng cũng có khả năng len lỏi vào khán giả khắp nơi khiến người ta mê man trong sự chân thực nhất, chân chất nhất và đẹp nhất. Một thứ âm nhạc, không cầu kì, khoa trương về kĩ thuật, nó đơn giản là đi thằng vào lòng người bằng câu từ đơn giản, những câu chuyện dân gian được kể bằng giọng ấm áp của người nghệ sĩ. Đặc biệt là bản phối Mr.Kenedy được anh em Coens dụng công dựng lên trong phòng thu nơi Davis cùng Jean và một người bạn khác của mình thu âm tác phẩm đó. Nó vừa như cười đùa, vừa như trêu trọc, vừa cho ta thấy sự hòa âm vô cùng kì cục, thú vị và mang đầy tính chất dân ca, đó chính là cái chất Folk được thể hiện rõ nhất, đậm nhất và ta cảm thấy gần gũi nhất.

Isaac Oscar là một phát hiện độc đáo và ấn tượng cua anh em Coens. Anh khi hóa thân vào vai diễn Llewyn Davis đã thực sự chứng tỏ được tài năng của mình. Tài năng mà người ta vẫn chưa thực sự chú ý khi đặt anh vào những vai diễn phụ trong các bộ phim như Sucker Punch (Zack Snyder, 2011), Drive (Nicolas Winding Refn, 2011). Isaac Oscar với đôi mắt sâu và khuôn mặt trầm tư đầy lo lắng, anh bôn ba trong vai diễn của Davis thể hiện một gã nghệ sĩ đang bối rối tìm đường đi cho mình rất xuất sắc và lôi cuốn. Justin Timberlake và Carey Mulligan cũng hoàn thành tốt vai diễn của mình. Dàn diễn viên mà anh em nhà Coens chọn trong hầu hết phim của mình luôn mang lại cho người ta cảm giác về những cá nhân rất có tài năng trong diễn xuất.

Mặc dù với giải Oscar, bộ phim đã không được ưu ái chọn lựa để đề cử, nhưng bộ phim đã thực sự thể hiện tài năng đa dạng của anh em Coens – hai trong những đạo diễn tài năng nhất Hollywood tại thời điểm này. Phim của họ luôn có một chỗ đứng rất cao trong lòng người hâm mộ điện ảnh, vì những câu chuyện của họ kể, vô cùng tinh tế, sâu sắc mang nhiều ý nghĩa cả về mặt cảm xúc lẫn hình ảnh của câu chuyện.

Tôi không rõ Llewyn Davis, một bản thể thất lạc của chí hướng trong bộ phim Inside Llewyn Davis bao nhiêu tuổi vào cái năm 1961 ở New York. Một nghệ sĩ Guitare đã từng là thành viên của Hải Quân Mỹ, một nghề nghiệp nối nghiệp cha của anh, nhưng rồi anh không chọn đi theo nó, anh chọn cách mà nghệ sĩ tính trong anh mách bảo anh, cầm chiếc guitare trong tay, với tâm hồn của một ca sĩ a muốn thể hiện mình, muốn được công chúng ghi nhận, anh rong ruổi khắp New york, không có nhà cửa, một kẻ vô gia cư đi ngủ nhờ khắp nơi có thể, một nghệ sĩ có tài nhưng thiếu may mắn, hoặc vì thời đó nhiều người có tài hơn anh, có khả năng hơn anh, hoặc có lẽ anh đã đi sai đường, khi đam mê thực sự không mang lại một điều gì bền vững cho tương lai. Nhưng ai cần bền vững? 27 tuổi là một độ tuổi thử nghiệm, nếu người ta vẫn còn đang mải miết đuổi theo đam mê của mình hơn là những thứ nằm ngoài sự phát triển an toàn thông thường, khi bên trong, cái chất của một bản ngã tự tin và tự nhận ra khả năng của mình, muốn chứng tỏ nó, muốn thể hiện cho thế giới thấy mình làm được điều mà phần lớn người khác cho rằng là sự bất khả, một sự màu mè, một sự dụng tâm vượt quá sức mình.

 Bài đăng trên Vnexpress.net

Comment