Xã hội càng hiện đại, con người càng phụ thuộc vào công nghệ. Những bức ảnh trên Internet chia sẻ nhau luôn nhấn mạnh vào sự giao tiếp trực diện đang được thay thế bằng những chiếc điện thoại smartphone cầm tay, người ta dường như lười hơn trong việc nói chuyện và chăm chỉ hơn với ngón tay của mình lướt trên bàn phím. Và liệu một ngày, như Spike Jonze với bộ phim Her mô tả một xã hội tương lai nơi máy móc quản lý mọi thứ, thậm chí nó trở thành bạn bè, thành bạn tâm giao và thành người tình của mình. Her là một bộ phim đặc biệt như vậy, khi một người đàn ông yêu chính chiếc máy tính của mình. Tình yêu đó phi logic và kì lạ nhưng ấn tượng và đẹp không khác gì một chuyện tình của hai con người thực sự. Spike Jonze đã làm thế nào vậy? Ông đang phê phán xã hội hời hợt giả tạo, hay đang thương cảm cho sự cô độc của lòng người khi luôn muốn đi tìm kiếm tình yêu cho mình?

Miêu tả một xã hội giả tưởng, nơi con người nhàn nhã hơn khi mọi mệnh lệnh thức được thực hiện với máy tính bằng giọng nói. Ta có thể yêu cầu nó kiểm tra hòm thư, hay ta đọc lên những suy nghĩ và máy tính tự ghi lại (điều mà tôi luôn luôn mong muốn mình có một cái máy như vậy để ghi lại những ý nghĩ bất chợt mà mình nghĩ là thú vị khi đang đi trên đường không thể đặt tay xuống ghi chép lại), tay chân được giản tiện tối đa, ta chỉ cần ra lệnh và máy tính tự làm nhiệm vụ của mình trong khuôn thức nó có thể thực hiện. Nhân vật trung tâm của phim là Theodore Twombly (Joaquin Phoenix), một người viết thư thuê chuyên nghiệp. Sau một năm ly dị vợ, tình cảm của anh dành cho người vợ cũ đó vẫn không phai nhạt, anh luôn cảm thấy cô đơn và buồn chán, cho đến khi một hệ điều hành máy tính tên là OS (gợi nhắc đến Apple) được phát triển, nó được lập trình để có thể trò chuyện giao tiếp một cách vô cùng thông minh và có cảm xúc với người dùng. Theodore từ đó đã có một mối quan hệ tình cảm bất bình thường với chính hệ điều hành đó, được đại diện bằng một giọng nữ Samantha (Scarlett Johansson lồng tiếng) có những cảm xúc độc lập như con người. Tình yêu đó đến đâu, nó mang lại những buồn vui hạnh phúc giống như những mối quan hệ bình thường giữa nam nữ khác không? Màu phim luôn được chọn là màu ấm áp, an bình, nhưng tình yêu, khi được thể hiện và nói ra liệu có bao giờ an bình như vậy nhất là khi đây là mối quan hệ kì cục như vậy.

Theodore viết những lá thư thuê rất chuyên nghiệp. Là người nhạy cảm, tinh tế và sống đầy cảm xúc, nên câu chữ của anh, sự quan sát của anh đối với người anh được nhờ viết thư cho luôn đầy ắp yêu thương và sự thấu cảm. Chính sự nhạy cảm với câu chữ đó đã nuôi dưỡng tình cảm của anh và vợ cũ – Catherine (Rooney Mara), nhưng tình yêu cần nhiều hơn thế, sự đổ vỡ của họ không được thể hiện nhiều để ta có thể hiểu nguyên do thực sự. Những cảnh lồng ghép trong suốt chiều dài phim về quá khứ hạnh phúc của hai người, những khoảng khắc tột cùng của yêu đương, của sự không thể tách rời. Nhưng tình yêu có vòng sinh tử của nó, khi sự thấu hiểu không đạt đến mức độ cần có trong hôn nhân thì chính nó giết chết đi tình yêu. Theodore u sầu, buồn bã, tìm đến thế giới ảo để trốn vào trong những đêm mất ngủ, cho đến khi gặp Samantha. Một cái tên được chọn trong hàng ngàn tên mà trí thông minh nhân tạo của hệ điều hành OS chọn trong 2/100 giây. Ban đầu đó chỉ là một giọng nữ với trí thông minh được cấy vào nhằm giao tiếp với chủ sở hữu của nó như một người bạn, nhằm giúp giải quyết những gì mà anh cần. Nhưng càng ngày, Samantha càng hoàn thiện mình, tăng sự hiểu biết, tăng cả cảm xúc, để dần dần có sự độc lập trong suy nghĩ, có cá tính riêng rất gần với một con người hoàn chỉnh ngoài việc thiếu một cơ thể thực sự.

Samantha trở thành một người bạn ảo nhưng rất thật, người gần gũi Theodore, họ nói chuyện vui vẻ, ân cần, quan tâm và rồi giống như sự gần gũi của hai giới tính nam và nữ, họ yêu nhau lúc nào không biết, sự gần gũi đó không chỉ dừng lại ở những tình cảm về tinh thần, họ còn kích thích nhau về mặt thân xác như hai người tình thực sự. Sự kì quặc được đưa đẩy đến cao trào, ranh giới giữa thực và ảo bị xóa nhòa. Spike Jonze đã khôn khéo để màn hình đen đặc lại, chỉ có giọng nói tiếng thở hổn hển của hai người tình đang yêu nhau. Theodore lại cảm thấy mình yêu trở lại, tinh thần anh tươi sáng hơn, vui vẻ hơn nhưng có lẽ vì thế mà bi kịch hơn. Xem phim và ta tự hỏi một cách dằn vặt và luôn thắc mắc cái tình yêu kì dị này sẽ đi đến đâu?. Cảnh phim thực sự làm rất tới cái cảm giác bối rối kì lạ đó là khi Samantha tìm kiếm một người phụ nữ tình nguyện làm thân xác cho mình. Người phụ nữ đó đến với Theodore, trao cho anh thân xác trong giọng nói đang phát ra từ cái máy nói của Samantha. Liệu Theodore có chấp nhận thân xác đó, khi mà thực tế anh cũng không có một khuôn hình cụ thể để áp vào cái tên Samantha mà anh đang yêu hết mực? Và nó phải chăng là sự quái đản trong sự phát triển của xã hội loài người?

Những màu sắc ấm áp của không gian tô vào cuộc sống đó màu hồng của sự bình an, của tình yêu, cảm giác như luôn đầy ắp. Nhưng nhìn kĩ vào xã hội đó, ai cũng lẩm bẩm một mình trên đường với chính chiếc máy của mình, với một giọng nói ảo được truyền qua tai nghe. Người ta dường như phụ thuộc quá nhiều vào máy móc, những giọng nói ảo được lập trình. Con người giao tiếp với nhau trở thành thứ yếu. Cuộc sống cá nhân vốn đã cách biệt trong thời hiện đại ta đang sống, lại càng tách biệt và cô lập hơn ở cái xã hội giả tưởng của Theodore. Samantha đã bảo với Theodore rằng cô ấy đang nói chuyện trong một lúc với hơn 600 người. Theodore biết mình không phải là duy nhất.

Spike Jonze kể về tình yêu thật tuyệt vời, những câu thoại đầy ám ảnh và rất thật về cách người ta yêu nhau cảm nhận nhau. Nhưng đằng sau đó một thông điệp về một xã hội ảo, những giá trị không thực tồn tại mang đến những cảm xúc đầy rủi ro và thiếu nhân văn. Hình ảnh Theodore ngồi cạnh cô bạn thân của mình trên sân thượng nhìn xuống thành phố là một hình ảnh đẹp, nó đẹp vì nó thật, vì đó là hai con người thật, họ tìm đến nhau, chia sẻ cho nhau tình cảm mà chỉ có những người thực sự sống bằng xác thịt của mình mới có thể cảm nhận được.

Joaquin Phoenix trong vai Theodore một lần nữa chứng minh mình là một trong những diễn viên tài năng nhất hiện tại. Với khuôn mặt mà ta luôn hình dung đến những anh hùng bi kịch Hy Lạp, nhạy cảm, tinh tế và gần gũi và u buồn, Joaquin đã thể hiện quá hoàn hảo vai một người đàn ông cô đơn, lạc lõng yêu nồng nhiệt, thấu hiểu nhưng đầy bất an. Cùng với giọng nói đầy biểu cảm của Scarlett Johansson, Joaquin gần như đã có một màn độc diễn rất xuất sắc, chạm sâu vào cảm xúc người xem, mang đến sự thương cảm đầy âu yếm đối với nhân vật. Scarlett Johansson không phải là một diễn viên xuất sắc trong nhiều vai diễn trước đây, và phim này cô cũng không xuất hiện ngoài giọng nói của mình, nhưng thực sự chưa bao giờ ta có thể thấy một giọng nói đầy sắc thái cảm xúc như vậy, người ta cứ hy vọng rằng một đề cử Oscar đặc biệt giành cho cô trong phim này là điều nên có, và quả thực hoàn toàn xứng đáng nếu nó thành sự thật. Với một giọng như thế, Theodore đâm ra tương tư và yêu say đắm chắc cũng không có gì quá lạ chăng?

Những phim tình yêu thường kết thúc buồn. Nhưng sự bất thường trong câu chuyện của Her khiến người ta không đặt nặng quá nhiều về vòng sinh tử của tình yêu nữa, ở đây đó là cách một mối quan hệ bất thường được thiết lập ra sao, và trong sự bất thường đó, người ta yêu nhau thế nào, và làm sao có thể yêu được như vậy. Hãy xem phim để Spike Jonze thông qua Joaquin trả lời cho bạn.

PS: Hai bộ phim khác của Spike Jonze cũng rất đáng được thưởng thức là Being John Malkovich (1999) và Adaptation. (2002).

Facebook Comments Box

Comment