Đừng bao giờ chôn giấu nỗi buồn của mình, vì nỗi buồn chính là sự cảm thông, sự chia sẻ và là động lực cho ta hiểu được giá trị của niềm vui sống.

Nếu châu Á có hãng phim Ghibli của Nhật mang đến cho người xem những giá trị ẩn dụ mạnh mẽ cho đời sống hiện đại của con người, thì Pixar của Mỹ lại chứa đựng những giá trị siêu hình cốt lõi về mặt gia đình và cảm xúc của con người khi đối diện với cuộc sống. Từ bộ phim đầu tiên Toy Story (1995) cho đến bộ phim gần đây nhất Inside Out, công thức làm phim của Pixar đơn giản đến kinh ngạc và chưa bao giờ có ý định thay đổi, tập trung vào đối tượng gia đình, mổ xẻ quá trình trưởng thành của đứa trẻ, để từ đấy, họ đẩy lên cao trào cách mỗi cá nhân đứa trẻ tìm kiếm sự trưởng thành của mình. Và có lẽ, đỉnh cao là Inside Out, một tác phẩm mang một dáng vẻ siêu hình hoàn thiện, khi điều cốt tử nhất của cuộc sống được đưa vào phim bằng cách kể không thể nào hay hơn, con người, có cần nỗi buồn để biết trân trọng cuộc sống không?

Sử dụng năm yếu tố cơ bản của cảm xúc: Vui (Joy), buồn (Sadness), giận (Anger), chán ghét (Disgust), và sợ hãi (Fear). Hai đạo diễn Pete Docter, Ronaldo Del Carmen đã biến 5 yếu tố đó thành những bản thể hữu hình, có hình dáng, có tư duy và có cả cảm xúc tồn tại trong đầu của Riley đứa trẻ 11 tuổi đang sống yên bình và vui vẻ với bố mẹ tại Minnesota thì phải chuyển nhà đến nơi khác. Chọn một tình huống đơn giản là chuyển nhà, đạo diễn Pete Docter và Ronaldo Del Carmen đã khôn khéo đặt đứa trẻ vào một hoàn cảnh trớ trêu của cảm xúc, xa bạn bè, xa trường lớp, xa môi trường quên thuộc, xa ngôi nhà thân thương để làm lại từ đầu, để đến nơi lạ lẫm, và không thuộc về mình.

Bộ não của Riley được mô tả bằng những màu sắc rực rỡ của kí ức, kỉ niệm, của những cảm xúc vui buồn, của những hòn đảo chứa đựng tình cảm gia đình, bạn bè, vui chơi và cả sự trung thực. Ở trung tâm điều khiển, Joy (niềm vui) là vị thuyền trưởng, bảo vệ Riley khỏi nỗi buồn, sự giận dữ, cáu giận và sợ hãi. Joy xuất hiện ngay đầu phim như một ngôi sao may mắn, và vui vẻ, trong một vòng hào quáng sáng rực và bắt mắt, Joy ấn vào bàn điều khiển, cô bé Riley bật tiếng cười đầu tiên khi nhìn thấy bô mẹ mình. Buổi biểu diễn bắt đầu. Từng cảm xúc dần dần xuất hiện, tất cả chúng: buồn, giận dữ, chán ghét và sợ hãi không xung đột với niềm vui, chúng chỉ là trợ lý trong quá trình Joy, luôn tìm cách giúp Riley cảm thấy hạnh phúc khi ở bên cha mẹ mình.

Bộ phim khi đó đưa ta vào hai tuyến truyện song song, một tuyến truyện mà ở trong đầu Riley, Joy cố gắng tìm mọi cách để khiến Riley cảm thấy vui vẻ ở nơi mới, khi cố gắng đưa ra sáng kiến, cố gắng kiếm chế Sadness đôi khi hành động vô thức đụng vào lõi cảm xúc của Riley. Cho đến khi, vô tình, cả Joy và Sadness bị rơi ra khỏi cơ quan đầu não và lạc vào trong vùng chứa kí ức của Riley chỉ vì Sadness, đến một lúc nào đó, vô tình không thể kiểm soát được mình và muốn “nhúng tay” vào cảm xúc của Riley.

“Inside Out”, 2015 Disney

Một tuyến truyện thứ hai, kể về mối quan hệ của Riley và cha mẹ, những khó khăn ở nơi mới, với trường lớp, với sự buồn chán và xa lạ. Nếu kí ức về nơi cũ ở Minnesota tràn ngập nụ cười, sắc màu ấm, tươi vui, thì ở nơi mới, San Francesco không gian đậm một màu buồn bã, đơn diệu và xám xịt. Riley cố gắng vui vì Joy dã cố gắng hết sức mang đến cho Riley cảm giác vui. Nhưng không thể, đó là khi nỗi buồn vượt ra khỏi kiểm soát, là khi Joy trở nên quá ích kỉ để hiểu rằng, những cảm xúc tồn tại là để bổ sung cho nhau, để khiến cuộc sống ở một mặc nào đó, không quá cực đoan khi cứ ép buộc ta phải nghĩ về những điều tích cực.

Hai sắc thái đối lập, một sắc thái rực rỡ nằm trong vùng kí ức của Riley với người bạn tưởng tượng Bing Bong khi cô còn bé xíu, với hình mẫu của chàng trai lý tưởng mà một cô gái mơ tưởng đến, những kí ức đang mất dần và những kí ức bị thất lạc, đối lập với sắc thái u ám mà cuộc sống đang dành cho một cô bé 11 tuổi chưa điều khiển được cảm xúc, chưa chấp nhận thực tế và bồng bột. Sự tương phản đó làm nổi bật lên nội tâm của một đứa trẻ. Một đứa trẻ bắt đầu hiểu thế nào là sự khó khăn của cuộc sống, nhưng vẫn luôn luôn một cách vô thức tìm cách vui vẻ. Cõi vô thức đó có Joy và Sadness. Một người không hiểu vai trò của người kia, và một người không thể kiểm soát được hành động của mình, và vai trò của mình trong cuộc sống con người.

Trình bày một ý tưởng đơn giản về hành trình trưởng thành: Con người cần cảm thấy buồn để tìm thấy sự đồng cảm và sự sẻ chia. Bộ phim đã có một màn trình diễn vô cùng tinh tế và sâu sắc. Một cung đường được vẽ ra từ điểm khởi đầu là một đứa trẻ chỉ biết cười, đến điểm kết thúc là một đứa trẻ biết buồn để lớn vớii đầy cung bậc cảm xúc, với sự hài hước cũng như mang lại những khoảng lặng quý giá cho cả khán giả người lớn lẫn khán giả trẻ con. Bằng sức mạnh hình ảnh, bằng sức mạnh của câu chuyện, và bằng khả năng sáng tạo tuyệt vời, khán giả sẽ một cách vô thức kiếm tìm bên trong đầu óc mình, trí nhớ của mình những gì mà chúng ta đã đánh mất trong suốt quá trình trưởng thành.

Đạo diễn Pete Docter là một người quen của Pixar, ông đã từng làm hai bộ phim hoạt hình khác rất tuyệt vời là Monster Inc. (2001), và Up (2009). Sự thấu hiểu sâu sắc tâm lý trẻ con, đồng thời những đồng cảm của sự trưởng thành nơi người đàn ông nhạy cảm này, đã khiến những phim hoạt hình của ông có một sự giản đơn tinh tế và sức lay động khủng khiếp để khiến dù ta là trẻ con hay người lớn, đều có thể tìm thấy chính mình trong đó, như những điều đã có, đang có hoặc đã phai nhạt dần đi.

Sau vài năm hoạt hình Mỹ chững lại vì những tác phẩm nửa vời và hời hợt, mang đậm chất giải trí thì Pixar đã trở lại với Inside Out, một sự trở lại tuyệt vời. Inside Out xứng đáng đứng bên cạnh những tượng đài như Toy Story hay Up để một lần nữa, tôn vinh những giá trị thuần khiết nhất của hoạt hình, tính giải trí và giáo dục cho trẻ con, và những nỗi niềm hoài cổ của người lớn.

Đừng bao giờ chôn cất nỗi buồn của mình, vì nỗi buồn chính là sự cảm thông, sự chia sẻ và là động lực cho ta hiểu được giá trị của niềm vui sống.

Comment