Cái chết là gì? Trước khi chết trong đầu con người sẽ có những hình ảnh gì? Có cảm giác sau khi chết không, người ta sẽ thấy như thế nào sau khi từ giã cõi đời? Không ai rõ được. Cái chết từ xưa đến nay vẫn là một thứ đầy bí ẩn đối với nhân loại. Ấy vậy mà nó lại là nguồn cảm hứng bất tận cho điện ảnh và các ngành giải trí. Con người ta nghĩ ra đủ thứ để minh hoạ nó, khoái lạc hoá nó, và mô tả nó bằng đủ mọi cách khác nhau. Giết, bị giết là hai thái cực trong vòng xoáy bạo lực của sự chết chóc. Chính vì thế mà dòng phim sát thủ với những phương cách giết người sắc lạnh với súng ngắn, súng nhắm, dao… được sinh ra. Người ta gọi thể loại phim này là “guilty pleasure”, một dạng phim B, với đủ những thứ đặc trưng như bạo lực, giết người, trả thù… đem ra làm thoả mãn khán giả.
John Wick, bộ phim ra mắt vào năm 2014 là một bộ phim như vậy. Với thành công khi thu về gấp 3 lần kinh phí sản xuất gốc, 86 triệu USD, tác phẩm về sát thủ khét tiếng John Wick do Keanu Reeves thủ vai và hành trình trả thù đẫm máu băng đảng tội phạm sau cái chết của… con chó của anh đã nhận được vô vàn những lời khen ngợi về sự nhập vai trong diễn xuất của Reeves và những màn hành động mãn nhãn đỉnh cao.
Với bước đệm là sự thành công của phần một, đạo diễn Chad Stahelski thừa thắng xông lên với John Wick: Chapter 2 với cùng ekip và diễn viên cũ. Cũng như các tác phẩm phần kế tiếp của Hollywood, John Wick cũng mang tham vọng mở rộng thế giới trong phim của mình và nâng cấp hệ thống nhân vật và nội dung. Nhờ vậy mà John Wick 2 mang một tầm vóc lớn hơn kể cả về nội dung cũng như mảng hành động.
John Wick 2 bắt đầu bằng cảnh Wick đột nhập vào garage của anh trai tên trùm băng đảng Nga ở phần 1 để lấy lại chiếc xe của mình. Đạo diễn không ngần ngại phô ra ý định làm phim thuần về hành động. Vẫn là Keanu Reeves trong bộ dạng John Wick, ánh mắt sát thủ trong bộ vest đen, thân thủ phi phàm, ra tay nhanh gọn, dứt khoát. Các pha ám sát, tông xe liên tiếp được quăng lên màn hình, thể hiện rằng đây sẽ là một bộ phim hành động đúng nghĩa và hứa hẹn hàng loạt những pha chiến đấu phía sau.
Sau khi lấy lại được chiếc xe, John gửi chiếc xe bị hư hỏng nặng của mình cho một người bạn sửa chữa và tiếp tục cuộc sống “nghỉ hưu” yên lặng và cô độc của mình bên chú Pitpull mới nhận từ phần I. Tuy nhiên, ngay tối hôm đó, anh bị một gã mafia Ý trẻ tuổi tên là Santino D’Antonio (Ricardo Scamarcio) đến gõ cửa nhà. Hắn cầm một vật được gọi là Huyết ấn, thứ trong đó có máu của John do chính anh điểm chỉ để nhờ John một việc là giết chị ruột của hắn là Gianna D’Antonio, người đang có vị trí trong Hội đồng tối cao. Việc này khiến cho John không thể chối từ và anh bắt buộc phải quay lại giang hồ một lần nữa.
Thế giới trong John Wick là thế giới của những luật lệ và nguyên tắc, tuy chìm trong bóng tối nhưng cũng đầy quy củ và trật tự của bóng tối. Thế giới mà ai cũng phải tự mình làm lấy hai điều, niềm tin của chính mình và cái chết của chính mình. Những tay sát thủ, vệ sĩ, ông trùm, ai cũng có nghĩa vụ và tôn chỉ riêng. Nếu đã mắc nợ, thì phải tự trả. Gây ra oán, thì phải tự chịu. Giết một người thì phải có đủ bản lĩnh để đối mặt với sự trả thù. Người thân bị giết thì nhất định phải đòi lại mạng trả mạng.
Những tên sát thủ dùng vũ khí như chơi đồ chơi, chuẩn bị ám sát như đi shopping, với họ chỉ có chuyện giết hoặc bị giết. Nếu như ở các phim trả thù khác, như ở Hàn và Nhật là 2 nền điện ảnh đứng đầu trong dòng phim trả thù, thì giải quyết ân oán sẽ không như thế. Cuộc đời là sa mạc, cuộc đời cô độc, cái chết đưa ta về với nhân loại. cái chết quá nhẹ nhàng, quá tầm thường. Một nỗi hận phải được giải quyết một cách tinh vi hơn, thâm độc hơn, khiến cho đối thủ phải cảm thấy cay đắng sống không bằng chết. Nhưng ở trong John Wick, sự ra đời chính là nơi bắt đầu của cái chết, cũng như ngọn bấc bỏ lỡ giây phút mình bắt lửa. Chỉ có những luật lệ và sự kết liễu. Ở phần một, John đã solo xoá sổ cả một băng đảng chỉ vì một chú chó. Và anh ta chẳng nói quá 2 câu khi tóm được tên đại ca miệng còn hơi sữa. Một phát súng và thế là nhiệm vụ kết thúc. Tất cả những gì ta phải làm là giết, giết thật nhiều và giết cho đến khi bấm được phát cò kết liễu vào đầu kẻ ta muốn phải chết.
Nếu có một sự tương đồng nào với một phim trả thù đến từ phương Đông, thì John Wick khá giống với bộ phim The Man From Nowhere của đạo diễn Jeong-beom Lee ra mắt năm 2010. Trong đó nhân vật chính Cha Tae Sik do tài tử Won Bin thủ vai, cũng là một cao thủ ám sát thượng thặng, mang trong mình một tâm hồn đổ nát sau mất mát về cái chết của vợ và cái thai chưa ra đời. Tae Sik rút vào quy ẩn và sống cuộc đời cô đơn, tịch mịch. Người duy nhất gắn kết anh với phần còn lại của thế giới là cô bé So-Mi lạc quan, trong sáng. Sau này, So-Mi bị lũ xã hội đen buôn nội tạng trẻ em bắt cóc. Điều này đe doạ huỷ hoại hoàn toàn số niềm tin ít ỏi còn sót lại trong Tae Sik và cuốn anh ta vào cuộc truy đuổi đầy máu me và bạo lực. Điều này tương tự với John Wick, nhưng thay vì là một cô bé, thứ gắn kết nhất với John là chú chó do vợ để lại.
Jeong-beom Lee là đạo diễn rất mê vũ khí quân sự và anh ta mang kiến thức của mình vào phim một cách sinh động và hoa mỹ. Nhân vật chính sử dụng súng thành thạo, đấu dao chuyên nghiệp và ra đòn nhanh, gọn, hiểm. Điều này cũng có thể thấy trong John Wick, đạo diễn Chad Stahelski vốn là một cựu Cascadeur nghỉ hưu giờ chuyển về làm đạo diễn. Anh từng cộng tác với chính Keanu Reeves trong siêu phẩm hành động “The Matrix” và những bộ phim hành động đình đám khác như 300, The Expendables… nên Chad hiểu rất rõ về cách sử dụng vũ khí và võ thuật. Điều này khiến cho John Wick trở thành bộ phim hành động ấn tượng nhất trong số những tác phẩm cùng đề tài gần đây. Những pha cận chiến không cut, đấu súng ngắn cự ly gần (tapping) với độ chính xác y như ra đòn bằng tay thay vì quạt súng tự động đạn vãi tung toé mà không cần thay băng hay một cảnh đánh đấm mà dùng nhiều góc máy. Ngoài ra còn kể đến những kỹ năng nạp đạn, thay băng, thao tác với súng vô cùng chuyên nghiệp và đẹp mắt. Điều này hứa hẹn sẽ thay đổi phong cách phim hành động Hollywood trong những năm tới và trở thành một cuộc cách mạng những cảnh chiến đấu.
Thế giới trong John Wick một góc nào đó, chính là phiên bản kiếm hiệp của Trung Quốc được chuyển hoá thành phong cách mafia hiện đại. Với những quy củ, lễ tín, môn phái không khác gì giang hồ võ lâm trong các chuyện của Cổ Long hay Kim Dung. Thậm chí đạo diễn Chad còn có cả một phiên bản Cái bang trong phim, một băng đàn toàn là những sát thủ võ nghệ cao cường ẩn dật trong một hệ thống ăn mày rải rác khắp các thành phố, bang chủ của băng này là Bowery King do Laurence Fishburne (người từng đóng cặp rất thành công với Keanu Reeves trong The Matrix) thủ vai. Chưa kể phong cách nhân vật bá đạo nhưng lại nặng nội tâm, mang trong mình đầy những vết thương của quá khứ, cô độc và lạnh lùng băng giá cũng là kiểu mẫu anh hùng thường thấy trong kiếm hiệp Trung Quốc. Các nhân vật luôn chiến đấu ở cự ly gần, mạng người luôn được quyết định bằng những phát súng dứt khoát, tạo cảm giác như một cao thủ kiếm hiệp phóng kình chưởng vậy.
Tóm lại, “John Wick” là một phim hành động giải trí đáng xem với các fan của thể loại phim này cũng như fan của Keanu Reeves nói riêng. Sau Speed và Trilogy Matrix, cuối cùng Keanu Reeves cũng đã lại có cho mình một vai diễn hành động mang tính thương hiệu. Reeves từng nói anh mê kiểu diễn mang đôi mắt sát thủ và cuối cùng thì anh cũng đã tìm ra vai diễn của đời mình với John Wick. Gương mặt u buồn và ít cảm xúc của anh hoàn toàn phù hợp với phong cách sát thủ lạnh lùng và những pha hành động không cần đóng thế của anh đã chứng minh mình vẫn còn phong độ dù đã sau tuổi 50. Đáng ngạc nhiên là anh vẫn khiêm tốn nói rằng mình vẫn không cần phải làm gì nhiều trong phim. Keanu nói Chad có kế hoạch cho phần 3 nhưng phải đợi kết quả của John Wick: Chapter 2. Nếu doanh thu không như ý, dự án sẽ bị khép lại. Tuy nhiên với chất lượng và sự đón nhận của khán giả như thế này, ta hoàn toàn có thể mong chờ vào một siêu phẩm thứ 3 trong thương hiệu John Wick và góp phần tạo nên một Trilogy tròn trịa, mỹ mãn.