ImagePain of Salvation dựng sân khấu giống như một căn phòng khách của những năm 70, anh kéo mọi người về thời kì đó, vào thăm nhà anh với người bà bị tuổi tác che lấp nhiều kí ức. Anh hỏi mọi người có sợ chết không? Anh bảo anh rất sợ chết, a sợ chết vì rồi mọi kí ức kỉ niệm sẽ mất hết đi cùng với cái chết. Thật phí hoài, ví dụ như cả đời xem biết bao nhiêu bộ phim, chết, ta quên hết… giọng ấm, cách kể truyền cảm và hài hước, Daniel của Pain of Salvation dẫn dắt mọi người vào một show nhạc của hoài niệm, của kí ức, của tình yêu đã mất, của những năm 70 với tràng kỉ dài, bức ảnh treo tường của Hendrix thời còn trẻ. Anh bắt đầu bằng ca khúc ROAD SALT.

Maybe it’s not enough
Maybe this time it’s just too much
Maybe I’m not that tough
Maybe this time the road is just too rough
To take me home

Tôi cứ có cảm tưởng Pain of Salvation đang hát cho riêng tôi nghe, đang thì thầm với tôi những lời đấy, những lời mà như thể từ chính lòng mình phát ra, tôi cảm động, tôi cảm thấy như một chút nữa thôi tôi sẽ lại dễ dãi để những giọt nước mắt của mình lăn dài trên má. Daniel đã không chỉ mang đến cho mọi người căn phòng khách nhỏ nhắn của gia đình anh từ những năm 70, Daniel cũng mang tôi về nhà của mình, vào căn phòng nhỏ tầng 5 với dàn hoa giấy, Daniel kéo từ bên trong tôi nỗi nhớ nhà da diết.

Daniel giọng ấm, khỏe, trong, cách sử lý ca khúc điêu luyện, dù là giọng giả thanh, hay giọng thật, dù anh đang kể chuyện, hay đang hát… tất cả đều có sự quyến rũ lạ thường, sự quyến rũ của một người đàn ông từng trải, truyền tải những câu chuyện nhỏ đầy hài hước, nụ cười luôn luôn rất tươi. Anh hoàn toàn làm được cái kịch bản mời mọi người đến nhà anh chơi. Tiếng chuông cửa mở, ban nhạc khách mời đến từ Iceland, một ban nhạc indie-folk, progressive Rock, đầy khiêm tốn. Họ tặng cho khán phòng những bản nhạc tuyệt vời của họ, những bản nhạc mang âm hưởng dân ca của xứ họ, tiếng Violon du dương, tiếng Cello trầm ấm, và 2 cây guitar mộc. Một không gian khác, một thế giới khác, họ kéo tôi về lại thực tế, họ kéo tôi đến một nơi tôi chưa đến, âm nhạc của họ trong sáng và đẹp làm sao.

Daniel nói rằng tối nay sẽ chỉ có guitar mộc, anh bảo guitar điện là thứ đồ của địa ngục, của quỷ sứ, không phù hợp ở đây, ở đây band nhạc sẽ chỉ dùng guitare mộc mà thôi, đại loại vậy, anh nói trong điệu bộ hài hước, và  giọng lôi cuốn khiến cho mọi người cười ồ lên hưởng ứng. Khán giả toàn những người ngoài 25 tuổi, có thể thấy đến từ nhiều nước khác nhau của châu Âu chứ không chỉ là dân Paris, lác đác vài người châu Á, còn lại thì không hề có một người da đen hay rệp vốn rất đông ở Paris. Âu cũng chỉ là một khán phòng nhỏ với thể loại nhạc không nhiều người dễ dàng mê cảm.

Khách mời thứ 2 xuất hiện Anneke, giọng ca nữ cùng với cây đàn guitar mộc, đã từng là vocal cho ban nhạc Progressive rock The Gathering, giọng chị tuyệt đẹp và dễ thương, chị bị ho sau một lần nói, hoặc hát, chỉ kể về việc bị đau họng sáng nay của mình, chị tưởng mình không thể có mặt ở đây để nhận được sự nống nhiệt này của Paris, chị ho, vậy mà chị vẫn hát rất tốt, hát bằng tất cả những gì mình có thể để át đi cái rọng đau rát. Tôi chưa bao giờ thấy một show nào, mà đến band nhạc khách mời cũng được hưởng ứng nhiệt liệt vậy, cũng được níu kéo diễn tiếp như vậy. Khách mời đến phòng khách của Pain of Salvation thật thú vị, giống như cách mà Daniel cứ thủ thỉ với mọi người những câu chuyện của anh.

Anh ngồi lên ghế tràng kỷ dài, anh tắt hết đèn, chỉ còn lại 1 cái đèn cây ở ngay sát ghế trường kỉ, anh ngồi đấy, trong cái bóng sáng heo hắt của mình, rồi anh chơi guitar, cùng Johan Hallgren (tôi đã buồn khi anh thông báo rời band vào năm ngoài và thật ngạc nhiên khi anh đi show này cùng với POS) đêm guitare, và Leo Magarit “nghịch” trống, Ashes vang lên

Touching you harder
Touching you harder now.

Ôi kí ức, anh kéo mọi người vào kí ức của anh và vào kí ức của chính mình. Ashes là một trong những bản nhạc tôi yêu thích nhất, gắn với nhiều đau đớn của tâm hồn tôi nhất, Ashes là sự buồn thương và sầu thảm của những trái tim nhạy cảm, của những yêu thương vụn vỡ. Trong ánh sáng tối thiểu của cả khán phòng, tiếng anh vang lên phủ lấp mọi âm thanh khác, mọi người lặng đi.

Âm nhạc là một trong những điều tuyệt vời nhất của thế giới này, nó dẫn dắt tâm hồn ta, chia sẻ với tâm hồn ta, đôi khi là sát muối vào những vết thương của ta, đôi khi là liều thuốc giảm đau cực mạnh để ta quên hết nỗi đau. Âm nhạc, kéo hồn ta về với hoài niệm, với kí ức, với những giấc mơ đã vụn dần theo năm tháng. Ashes kéo tôi đến những con đèo ở vùng Tây Bắc, nơi tôi lái xe máy trong đêm trăng tròn vi vu cùng gió ở lưng chừng một ngọn đèo nào đó đến Mù Căng Chải, đến Than Uyên… kí ức vụn mờ, tôi chỉ nhớ được những tiết tấu chính của bản giao hưởng 3 chương mà Beethoven soạn. Trên con đèo đấy, tôi đã uống ánh trăng trong giai điệu rót đầy tai qua cái máy Nokia 6681 cũ kĩ của mình đang chơi ca khúc Ashes của Pain of Salvation.

Rồi Oblivion Ocean từ album đầu tiên của band nhạc, chất prog rock thẫm đẫm, âm nhạc lại chảy từ kí ức về thực tại, xua đi bóng tối đang giăng đầy khán phòng, thực tại hóa sáng như ngọn lửa, ngọn lửa của khởi nguồn đam mê, ngọn lửa của chàng Promethe mang cho loài người. Đến Disco Queen, khán phòng như được vỡ òa ra bởi những điệu nhạc disco đầu những năm 80, Daniel luôn luôn là người khôn khéo, là “chủ trò” của Pain of Salvation, anh mang đến không gian âm nhạc của mình một sự sắp xếp khôn ngoan những dòng kí ức. Anh hát No Way từ album Road Salt, rồi Undertow của album tuyệt vời Remedy land. Thường những show nhạc tôi đi từ trước đến giờ đều là những show diễn quảng bá cho những album mới ra, giới thiệu một sản phẩm sáng tạo mới, và đi kèm với những bản nhạc mới đấy chỉ là 1 vài những ca khúc hit, những sản phẩm đã từng nổi trội, còn Pain thì khác, show này không giới thiệu album nào cả, một buổi tối tuyệt diệu với dòng chảy của những gì đã tồn tại, anh mang đến cho người nghe những mơ mộng, những ảo ảnh đã qua, a mời mọi người đi vào dòng kỉ niệm. “Great to be here again”, anh nói thế, và tất cả khán phòng cũng nghĩ như thế, tôi cảm thấy thật tuyệt diệu vì quảng khắc tôi trải qua trong show diễn đấy.

Một ca khúc gì đó mà Daniel hát cùng Anneke mà tôi không nhớ tên. Cứ thế gần 2 tiếng, tôi như không phải là một cá thể của hiện thực, tôi giống một linh hồn đang trôi nổi trên dòng sống Lethe cố gắng chống lại sự quên lãng, tôi nhớ lại những gì đã nghe, những kỉ niệm đi cùng đó, tôi nhớ nhiều lắm, tôi nhớ đến một vài khuôn mặt, một số đôi mắt đang cười, nhưng tôi cũng để dòng sống đó xóa đi nhiều kí ức khác, tôi trẻ mà, trẻ vậy mà vẫn để quá nhiều quên lãng. Và tôi không còn nghĩ nhiều đến điều tôi được nghe nữa, vì đơn giản Pain đã nhập những bài hát vào cơ thể tôi, nâng tôi lên và đưa tôi đi, tôi chập chờn, chới với, chơi vơi, tôi giống như kẻ mộng du đang đi đến nơi thuộc về mình, xa xăm đâu đó tôi nghe tiếng vỗ tay, tiếng nhịp trống, nhưng xa lắm. Tôi nhớ có người hỏi tôi lâu rồi khi tôi bật nhạc của Pain, hỏi tôi rằng band nhạc này đến từ đâu, ca sĩ hát tên gì, tôi chẳng nhớ. Người ta có vẻ nhìn tôi với dấu chấm hỏi to đùng, anh bảo đây là ban nhạc a thích nhất mà a lại k nhớ là sao? Tôi cười, tôi cũng không thấy ngại vì kiến thức đấy, chắc tôi đã trả lời cô bé rồi, giờ tôi trả lời lại, tôi yêu quý band nhạc và âm nhạc đó không có nghĩa là tôi phải đi tìm tất cả thông tin ngoài âm nhạc của họ để đọc, không, họ tạo ra thứ âm nhạc tuyệt vời cho tôi yêu mến, và tôi cứ yêu tha thiết thứ âm nhạc đấy, tôi cứ nghe đi nghe lại, lẩm nhẩm hát theo dù không thuộc lời, tôi đi đâu cũng bảo đấy là band nhạc tôi yêu nhất, bạn nghe thử đi. Đấy là cách tôi yêu thích họ. Tôi yêu thích họ nên tôi mang bên mình những sản phẩm mà họ muốn sẻ chia, chứ tôi không mang trong đầu lý lịch trích ngàng của từng thành viên. Đấy là cách tôi thưởng thức những sản phẩm tuyệt đẹp đến từ tâm hồn. Ngụy biện? Có lẽ, một phần trong tôi cũng nghĩ thế. Nhưng có hà gì, tôi vẫn cứ nói thế, vẫn cứ yêu theo cách đó. Mà khoan, Pain of Salvation đang chơi Iter Impius, một ca khúc tuyệt vời trong album yêu thích của tôi, Be, Be là album concept nói về con người từ lúc xuất hiện trên trái đất cho đến một ngày những hành động của con người tàn phá trái đất, chẳng còn lại gì ngoài bụi, cát, đá và một thế giới điêu tàn.

I woke up today
To a world that’s ground to dust, dirt and stone
I’m the king upon this withering throne
I ruled every forest, every mountain, every sea
Now there’re but ruins left to rule for me
And… you see, it beckons me;
Life turned its back on us
How could you just agree?
…how? I just don’t see…

Bài hát đẹp, giọng hát buồn bã và đau đớn, âm nhạc dịu nhẹ với tiếng Violon buồn, rồi đến cao trào với tiếng trống dồn, giọng Daniel lên cao… một ca khúc tuyệt vời. Một bản hòa tấu buồn đau về sự tưởng thưởng một buổi sáng thức dậy và cả cuộc sống quay lưng lại với mình. Hay quá, những ca khúc đã luôn là sự xoa dịu cho tâm hồn buồn bã của tôi, như một người đồngh hành cùng tôi trong đơn độc, âm nhạc đó ngay kia, ngay trên cái phòng khách nhỏ xinh với những cá nhân tuyệt vời đã sáng tạo ra nó. Tôi đã hiểu và thấu hiểu rất rõ thông điệp mà Daniel muốn gửi gắm qua show diễn nhỏ này. Anh hát:

Anh I remember Me and You

trong ca khúc cuối cùng của đêm, anh hát ca khúc 1979 trong album Road Salt two. Một lời tạm biệt đến những năm 70, khi anh chỉ là một đứa trẻ lên 6.

All still fime, 1979
Left behind, 1979.

Tôi ra về trong lòng vẫn còn lưu luyến, tôi nhớ quá tuổi thơ của mình, tôi nhớ lắm thay cái không gian thơ ấu của Daniel. Rồi đây, show diễn của Pain đêm 17/4 sẽ thành một hoài niệm đẹp, một kí ức mà mãi tôi sẽ không bao giờ quên, rồi một ngày tôi sẽ nói với những đứa con mình về sự chết, về sự mất mát những kí ức, những kỉ niệm mà tôi đã góp nhặt trên cả cuộc đời của mình. Tôi sẽ nhớ đến giọt nước mắt của mình khi tôi nghe Daniel hát Road Salt.

Comment