Kong: Skull Island đang trở thành một hiện tượng phòng vé ở Việt Nam, không chỉ vì nó là một trong những bộ phim bom tấn đầu tiên khởi động cho mùa hè 2017, mà còn vì, phần lớn bối cảnh trong phim được quay tại Việt Nam. Vẻ đẹp kì vĩ của tự nhiên khi lên phim Hollywood đã khiến cho Việt Nam trở nên thực sự lộng lẫy, rực rỡ, và hoành tráng, điều đó khiến chúng ta tự hào, và sự tự hào đó, chính là cái kích, kích động mạnh mẽ sự tò mò để Kong: Skull Island nghiễm nhiên trở thành một trong những bộ phim thành công nhất tại thị trường Việt Nam tính đến thời điểm này.

Nhưng thành công về mặt thương mại không có nghĩa nó thành công về mặt nghệ thuật. Kong: Skull Island giống một bức ảnh phong cảnh khổ lớn mà những nhiếp ảnh gia nghiệp dư vẫn chụp trên những chuyến vào thiên nhiên tìm cảm hứng. Nó rộng lớn, nhưng hời hợt, nó không có chiều sâu mà hoàn toàn phẳng trong giới hạn 2D của khung ảnh. Nó dùng sự choáng ngợp về mặt không gian và thể tích của vật thể để trấn áp thị giác của khán giả. Khán giả một cách vô tình, bị ngột thở và mê hoặc vì sự rộng lớn. Đó chính là chiêu bài hiệu quả mà nhiều bộ phim bom tấn vẫn dùng để mang lại thành công về mặt thương mại cho tác phẩm mà không cần quá cầu thị chất lượng nghệ thuật cần có của một tác phẩm điện ảnh đích thực.

Diễn ra vào năm 1973, khi Nixon tuyên bố rút hết quân đội Mỹ ra khỏi Việt Nam trong cuộc chiến tranh vô nghĩa. Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đã không bỏ qua cơ hội mang những bộ phim có tính biểu tượng về cuộc chiến tranh này vào trong phim đặc biệt là Apocalypse Now của đạo diễn Francis Ford Coppola huyền thoại và Platoon của Oliver Stone. Những chi tiết về bối cảnh của vùng nhiệt đới được sắp đặt có ý đồ, bố cục của một vài khung hình, cũng như trường đoạn khiến ta liên tưởng đến những biểu tượng bất tử trong Alocalypse Now để thể hiện sự vô nghĩa của chiến tranh, sự vô lý của loài người khi cho mình cái quyền luôn luôn đúng bất chấp những góc nhìn khác nhau. Jordan cho ta cảm giác anh là một đứa trẻ, được cha mẹ (Hollywood) cho nhiều tiền quá, nên sẵn sàng đầu tư trang phục, đầu tư đạo cụ để cosplay (hoá trang) thành những nhân vật mình thích. Với 190 triệu đô, Jordan đã làm được điều đó, rất tốt, nhưng có điều, nó chỉ mang đến cho khán giả một cái vỏ hời hợt và hoành tráng, hòng khoả lấp đi sự nông cạn của một bộ phim mà những nhân vật là con người trong đó, quá nhỏ bé, hèn yếu và vô nghĩa.

Kong: Skull Island kể về một nhóm khoa học gia, cùng với một đơn vị quân đội hộ tống đi đến một hòn đảo bí ẩn mới chỉ được phát hiện nhờ ảnh chụp vệ tinh ở Nam Thái Bình Dương. Họ muốn khám phá hệ sinh thái ở đây vì tin rằng, có những bí ẩn lớn đang đón đợi họ. Họ không ngờ, điều đón đợi họ ở đó là một con King Kong khổng lồ có những hành động vô cùng thù địch với họ. Liệu King Kong có thực sự là một con quái vật cần phải tiêu diệt? King Kong không phải là một sinh vật điện ảnh xa lạ, nó đã được làm rất nhiều phim, trong đó nổi tiếng nhất là phiên bản King Kong năm 1933, và phiên bản làm lại năm 2005 của đạo diễn Peter Jackson. Chính vì vậy, King Kong của Jordan không mang đến nhiều điều mới mẻ, ngoài việc, nó vô cùng khổng lồ so với những phiên bản King Kong trước đó, và đặc biệt, King Kong của Jordan Vogt-Roberts sẽ là khởi đầu cho dự án phát triển vũ trụ điện ảnh quái vật của Hollywood với những sinh vật bí ẩn như Godzilla, King Kong…

Bộ phim có kết cấu kịch bản đơn giản, nếu không muốn nói là đơn điệu với lời thoại không có gì đặc sắc, và những nhân vật hoàn toàn mờ nhạt, hoàn toàn không có tính cách rõ rệt, và vai trò nổi bật, kể cả những ngôi sao lớn của Hollywood như Tom Hiddleston, Samuel L. Jackson. Chính vì lẽ đó, bộ phim ngoài việc phô bày một không gian kì vĩ, với những con quái vật có hình thể khổng lồ, thì hoàn toàn trôi đi cùng những màn hành động, cháy nổ, chiến đấu hoành tráng mà hầu như không đọng lại bất kì một cảm xúc gì đáng kể. Tất nhiên, đây cũng là ý đồ của bản thân nhà sản xuất khi họ lựa chọn Jorrdan Vogt-Roberts – một đạo diễn trẻ, không có nhiều tên tuổi sử dụng 190 triêu đô la để làm phim. Bộ phim không có cá tính, mà nó được thực hiện theo đúng công thức, càng lớn càng tốt, càng hoành tráng càng tốt, và càng dễ hiểu càng tốt. Nó đánh vào nhu cầu giải trí đơn thuần của khán giả, thêm nữa, với những thị trường như châu Á, nó đã có những chìa khoá thành công, bao gồm bối cảnh thực hiện, và diễn viên châu Á tham gia diễn xuất (do nữ diễn viên Trung Quốc Cảnh Điềm thể hiện một nhân vật xuất hiện từ đầu đến cuối phim, nhưng hoàn toàn không có bất kì vai trò gì trong câu chuyện).

Kong: Skull Island mang đến cho khán giả Việt Nam sự hưng phấn, không chỉ vì một credit dài tên Việt Nam ở cuối phim, mà còn vì những bối cảnh đẹp đầy mê hoặc của Ninh Bình, Quảng Bình xuất hiện trên phim. Nó được mong đợi là sự khởi đầu cho việc Hollywood sẽ chọn Việt Nam như một điểm đến thường xuyên để lấy bối cảnh làm phim, vì điều đó rất có lợi cho không chỉ ngành du lịch, mà còn có lợi cho chính ngành điện ảnh có cơ hội đi theo, và học hỏi cách làm phim của nền điện ảnh lớn nhất thế giới Hollywood. Đó là điều rất đáng kể, dù cho Kong: Skull Island, chỉ là một bộ phim trung bình và dễ dãi.

Tiếp Thị Thế Giới

Facebook Comments Box

Comment