Với doanh thu hơn 200 tỷ ngay sau khi kết thúc kì nghỉ lễ 30/4 – 1/5, Lật Mặt 7: Một Điều Ước hoàn toàn có khả năng vượt qua Lật Mặt 6: Tấm Vé Định Mệnh và chạm được những mốc doanh số không tưởng như phim của Trấn Thành như Bố Già (gần 400 tỷ), Nhà Bà Nữ (hơn 460 tỷ) và Mai (550 tỷ).

Vì sao một bộ phim không thực sự hay, lại có thể chạm được đến nhiều khán giả đến vậy? Tôi thiết nghĩ, nó nằm ở hai yếu tố, thương hiệu Lật Mặt và câu chuyện phim có khả năng tiếp cận đến những tệp khán giả mới vì sự giản dị, bi kịch nhưng kết thúc đầy tính chữa lành.

Lật mặt 7: Một Điều Ước xây dựng một câu chuyện bao trùm không có gì mới, nếu không muốn nói là đã được khai thác rất nhiều từ điện ảnh đến truyền hình, đó là mối quan hệ đầy xung đột giữa tình mẫu tử và sự trưởng thành. Mẹ thì luôn dành hết mọi thứ cho con, luôn coi con là ánh sáng của đời mình, còn với những đứa con, chúng sẽ lớn, và lại phải đi tạo dựng gia đình của riêng chúng để rồi bỏ bê việc chăm sóc mẹ già.

Bà Hai (diễn viên Thanh Hiền) có tới 5 người con, những phân đoạn hồi tưởng cho thấy bà đã tần tảo nuôi dưỡng chúng một mình khi chồng mất sớm. Tình mẫu tử khăng khít của một cuộc sống nghèo khổ khiến những đứa con cũng gần gũi nhau, biết chăm sóc nhau để phụ giúp mẹ già. Rồi chúng lớn, mỗi người mỗi ngả, chỉ có người con thứ hai Ba Lành (Đinh Y Nhung) vẫn ở lại quê để chăm sóc mẹ cùng chồng nghiện rượu (Lý Hải) và đứa con gái đau ốm. Bà Hai bị tai nạn, Ba Lành phải lên viện chăm con gái, không ai chăm mẹ. Các đứa con ở xa bắt đầu lục đục và tìm cách xoay sở để chăm sóc mẹ mà không ảnh hưởng đến công việc của mình. Bà đến sống mỗi nơi một tuần.

Những đứa con bà Hai vui vẻ bên nhau khi còn nhỏ

Lật Mặt thương hiệu phim chỉn chu hiếm hoi của điện ảnh Việt

Đã đến phần phim thứ 7, và phim nào cũng có tên bắt đầu bằng chữ Lật Mặt, nhưng gần như mỗi bộ phim là một câu chuyện, đề tài, nội dung, nhân vật, địa danh khác nhau, không phải là một dạng vũ trụ điện ảnh có tính liên kết. Đạo diễn Lý Hải thử sức từ phim hài, phim kinh dị, phim chính kịch, phim rùng rợn, phim hành động cho mỗi phần phim của mình. Mỗi phim được làm ra đều rất chỉn chu về hình ảnh, câu chuyện, hạn chế tối đa những lỗi sơ đẳng mà điện ảnh Việt hay mắc phải về tính logic, tính cường điệu, sự màu mè và hời hợt. Phim của anh luôn đơn giản, dễ xem, gần gũi, hài không lố bịch, và không tạo nên những khuôn mặt giả tạo. Điều này giúp phim của Lý Hải ghi điểm trong lòng khán giả đại chúng, những người có nhu cầu đi ra rạp xem phim để giải trí, để có được những trải nghiệm về hình ảnh, âm thanh chạm được vào những cảm xúc đơn thuần.

Ở phần 7 này cũng vậy, nhân vật trung tâm là một người mẹ, câu chuyện trung tâm là sự hy sinh của bà Hai cho con, từ những hy sinh về mặt vật chất đến những hy sinh về mặt tinh thần, mà khán giả nói chung rất dễ cảm nhận, rất dễ thấu hiểu. Từ câu chuyện trung tâm, bộ phim tách thành 4 câu chuyện phụ, khi bà Hai đi thăm từng đứa con của mình, từ Hà Nội, đến Phan Rang, Lâm Đồng và Hồ Chí Minh. Cách bố trí khá là khéo cho 4 câu chuyện xảy ra ở 4 vùng miền, giúp khán giả bớt đi sự nhàm chán, đồng thời lồng ghép được yếu tố vùng miền khiến bộ phim có thể tiệm cận được với nhiều lớp khán giả khác nhau, với văn hoá ứng xử khác nhau, và lối sống khác nhau.

Những đứa con đã lớn, chỉ thấy nhau qua internet và không có gì vui vẻ với nhau

Tất nhiên, không thể không nhìn thấy sự dàn xếp của kịch bản để mỗi câu chuyện đều có những xung đột, đôi khi đậm chất “truyền hình” (câu chuyện xung đột gia đình của vợ chồng Hai Khôn sống ở Hà Nội), đôi khi cường điệu và đậm yếu tố khơi gợi nước mắt (câu chuyện của gia đình Tư Khôn sống ở Phan Rang), hay xung đột được giải quyết giàu yếu tố sắp đặt (câu chuyện của Sáu Tâm do Trần Kim Hải thủ vai). Nhưng khán giả đại chúng không yêu cầu quá nhiều cho một tác phẩm đậm màu giải trí, cái quan trọng của một tác phẩm thu hút là một tác phẩm mà khán giả đồng cảm được, đây cũng chính là công thức mà Trấn Thành đã sử dụng trong các phim của mình, để khán giả không chỉ có những giờ phút giải trí với yếu tố hài hước, câu chuyện lôi cuốn, mà còn ở việc những dư âm đọng lại.

Nhưng dù vậy, Lật Mặt đã là một thương hiệu, nó không bị đi vào vết xe đổ của vũ trụ điện ảnh khác về sự “một màu”, nên khán giả luôn tò mò tự hỏi “dự án tiếp theo của Lật Mặt, của Lý Hải sẽ có chủ đề gì đây?”

Một tác phẩm chữa lành cho một nhịp sống vội vàng ta bỏ quên nhiều thứ nhỏ nhặt dễ làm tổn thương nhau

Nhiều bi kịch, nhưng trong mỗi bi kịch đều có điểm chữa lành, tất cả các gia đình đều được hoá giải nhờ người mẹ. Đây là một sự khôn khéo trong việc thấu hiểu khán giả của Lý Hải. Có mẹ là có tất cả, thông điệp ngầm ẩn nhưng rõ ràng của bộ phim, đã giúp cho phim tiếp cận được những lớp khán giả không mấy khi đi xem phim, là lớp khán giả lớn tuổi được con cái đưa đi xem để gia tăng tình cảm gia đình, để giúp những thế hệ gần nhau hơn, hiểu nhau hơn.

Dù có vẻ đề tài gia đình đã được Trấn Thành làm rất tốt, nhưng việc đặt nhiều bối cảnh vùng miền văn hoá, và cách ứng xử của mỗi vùng miền trên nền cảnh đẹp của một Việt Nam giàu tình người, đã khiến Lật Mặt 7: Một điều ước có rất nhiều cái khác biệt và đủ sức lấy nước mắt và nụ cười của khán giả.

Bà Hai với bức ảnh được ghép với những đứa con chứ không có một bức ảnh chụp chung khi chúng lớn

Hơn nữa phim của Lý Hải không gây nhiều tranh cãi, vì bản thân Lý Hải – Minh Hà luôn khôn khéo trong cách làm truyền thông để tận dụng được tình cảm của khán giả dành cho mình, điều này vô tình mang đến sự so sánh với Trấn Thành, và lấy thêm được 1 lượng lớn khán giả vốn không thích cách Trấn Thành làm phim, và cách Trấn Thành tạo dư luận cho các bộ phim của mình.

Tôi nghĩ không có phim cạnh tranh ở rạp lúc này cũng là một yếu tố để phim có doanh thu cao, nhưng việc cạnh tranh hay không thực ra không quá quan trọng, quan trọng là cảm tình của khán giả, chất lượng bộ phim, điều bộ phim đã mang lại được, và cách mà Lý Hải – Minh Hà xây dựng được thương hiệu cho phim, cho cá nhân gia đình đạo diễn đã giúp khán giả lựa chọn đi xem. Được khóc vì một bộ phim, và có thể đưa được gia đình đi xem một bộ phim, là một điều tuyệt vời, mà khán giả đại chúng ở Việt Nam luôn chờ đợi.

Hay và doanh thu khủng đôi khi không phải là điều kiện song hành bắt buộc của một bộ phim. Vì một tác phẩm luôn có người yêu, kẻ ghét, người khen, kẻ chê. Một phim có doanh thu khủng, tôi nghĩ chỉ cần đảm bảo các yếu tố: truyền thông thương hiệu tốt, câu chuyện chạm đến được cảm xúc khán giả, và có điều gì đó để truyền miệng, vậy là đủ. Phim chỉn chu là đủ, phim hay thì là điều kiện quá lý tưởng rồi.

*số liệu về doanh số lấy từ trang Box Office Việt Nam và công bố của nhà phát hành.

Bài đã đăng trên báo Thanh Niên

Comment