Viện hàn lâm điện ảnh Colombia vừa chính thức thông báo chọn bộ phim “Memoria” (2021) của Apichatpong Weeresathakul làm đại diện cho nước họ dự tranh giải thưởng Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất của Oscar 2022. Apichatpong Weeresathakul là đạo diễn Thái Lan, điều này chắc nhiều người biết. Còn bộ phim “Memoria” được quay chủ yếu tại Colombia với ngôn ngữ nói trong phim tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh mang đến 6 quốc tịch, ngoài Colombia và Thái Lan, còn có Pháp, Đức, Mexico và… Qatar. Có 6 công ty từ các nước này tham gia sản xuất bộ phim, mỗi công ty một đại diện, và thêm Apichatpong Weeresathakul là 7 nhà sản xuất. Có đến 13 đơn vị và Quỹ hỗ trợ toàn cầu đã giúp cho bộ phim hoàn thành.
Đây không phải là điều cá biệt trong quy trình sản xuất phim hiện nay, đặc biệt là phim thuộc dòng nghệ thuật. Để hình thành một bộ phim tạm gọi là độc lập, không phải sản phẩm đầu tư chủ yếu từ một tập đoàn điện ảnh lớn, quá trình gọi vốn thường kéo dài nhiều năm và trải qua nhiều công đoạn. Giữa “Memoria” và “Cemetary of Splendor” là 6 năm đối với đạo diễn Apichatpong Weeresathakul. “Memoria” khi ra mắt tại LHP Cannes năm 2021 trong mục Tranh giải và đã được trao giải thưởng của Ban giám khảo, hẳn nhiên cũng cùng lúc mang nhiều quốc tịch. Có nghĩa tại Cannes, trong tờ bướm giới thiệu điện ảnh của từng nước trong 6 nước tham gia sản xuất phim, “Memoria” chắc chắn cũng là cái tên góp mặt. Cơ quan phụ trách điện ảnh nào cũng tự hào được góp tên trong một sản phẩm chất lượng ở tầm quốc tế.
Ví dụ như hôm nay, tôi vừa nhận được email từ ban báo chí của LHP Tokyo báo rằng có các bộ phim Đức sau tham gia LHP, trong đó có… “Memoria”. Còn nhớ năm 2005, bộ phim “Hạt mưa rơi bao lâu” của Đoàn Minh Phượng / Đoàn Thành Nghĩa tranh giải Con Hổ tại LHP Rotterdam. Bộ phim được giới thiệu trang trọng như là một bộ phim Đức trong tập in quảng bá điện ảnh Đức tại Rotterdam, được thực hiện bởi cơ quan quảng bá điện ảnh Đức German Films. Điều này không có gì lạ, vì bộ phim được đứng tên là một tác phẩm Việt Nam, Đức và Úc, đó là các quốc gia đóng góp đầu tư vào việc hình thành bộ phim. Bộ phim sau đó còn được đề cử giải thưởng Hoà âm xuất sắc của điện ảnh Úc cùng năm. Như vậy có thể thấy, chuyện quốc tịch của phim hoàn toàn là một vấn đề tương đối mềm dẻo, tất cả các bên cùng có lợi.
Từ mùa giải năm 2005 (lần thứ 77) trở về trước, vì nhiều lý do, Việt Nam chưa từng được Viện hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ gửi thư mời gửi phim dự Oscar. Phải đến mùa năm 2006 việc này mới diễn ra và bộ phim được cử đi là “Mùa len trâu” (2005) của Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Lưu ý rằng cho mùa giải 2004, “Vua bãi rác” của Đỗ Minh Tuấn đã được Cục điện ảnh đơn phương gửi đi thông qua một đối tác Mỹ, nhưng phim không xuất hiện trong danh sách chính thức công bố của Viện hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ năm đó. Còn các bộ phim từng mang quốc tịch Việt Nam dự tranh giải Oscar phim ngoại ngữ hay nhất trở về trước đều do khả năng ngoại giao riêng của các hãng sản xuất, phát hành phim, không liên quan đến Cục điện ảnh. Các bộ phim này gồm: “Mùi đu đủ xanh” (Trần Anh Hùng) mùa 1994, “Bụi hồng” (Hồ Quang Minh) mùa 1997, “Ba mùa” (Tony Bùi) mùa 2000, “Mùa hè chiều thẳng đứng” (Trần Anh Hùng) mùa 2001. Các bộ phim này ngoài quốc tịch Việt Nam vì được quay tại Việt Nam và có đối tác là hãng sản xuất phim trong nước, thì còn có các quốc tịch khác: Pháp, Thuỵ Sĩ, Mỹ. Việc quyết định dùng quốc tịch nào để gửi đi Oscar là một chọn lựa thuộc về các nhà làm phim, và dĩ nhiên, trong phối hợp với cơ quan chủ quản của đất nước đại diện.
Trong khu vực Đông Nam Á, nước đầu tiên đề cử phim cho Oscar 2022 là Campuchia. Tin này được loan vào thời điểm bộ phim “White Building” của Kavich Neang ra mắt trailer ngay trước thềm LHP Venice 2021, nơi bộ phim dự tranh ở hạng mục Orizzonti và sau đó được trao giải Nam diễn viên xuất sắc nhất. Từ 10 năm nay, mỗi năm Campuchia đều cử đại diện tới Viện hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ, và cách Campuchia công bố đại diện của họ tuy giản dị nhưng rất đàng hoàng. Thường các bộ phim từng được chọn lựa chiếu tại các LHP quan trọng trên thế giới sẽ là những ứng viên nặng ký. Cho tới thời điểm này, chưa thấy rục rịch gì từ phía Việt Nam liên quan đến đề cử năm nay, nhưng những năm gần đây, Việt Nam thường chọn các bộ phim ăn khách phòng vé để gửi đi: “Cô Ba Sài Gòn” (mùa 2019), “Hai Phượng” (mùa 2020) và “Mắt biếc” (mùa 2021), trong khi cùng thời gian có ít nhất “Song Lang”, “Vợ ba” và “Ròm” là các bộ phim từng gây tiếng vang về nghệ thuật.
TRƯỜNG HỢP CỦA “VỊ”
“Vị” (2021) của Lê Bảo là trường hợp tiêu biểu về hợp tác sản xuất giữa các quốc gia trong thời gian gần đây của điện ảnh Việt Nam. Ra mắt tại LHP Berlin 2021 trong vai trò một bộ phim đa quốc tịch, và ngoài hai nhà sản xuất chính đến từ Việt Nam và Singapore, bộ phim còn được định nghĩa là một phim Pháp, Thái Lan, Đức và Đài Loan. Đó là những nơi bộ phim đã nhận được các nguồn tài chính và tài trợ quan trọng để thực hiện bộ phim. Cách thức để sản xuất một bộ phim đa quốc gia không giống như với một bộ phim 100% vốn nội. Khán giả đích của nó cũng như vậy, một bộ phim kiểu như “Vị” muốn tìm đến khán giả toàn cầu tuy nhiên trong giới hạn của gu thưởng thức nghệ thuật, nó sẽ tiếp cận được tương đối giới hạn người xem. Phần lớn khán giả tìm xem phim tại các LHP. Có thể một số nước sẽ mua bản quyền trình chiếu giới hạn ngoài rạp. Dù tiếp cận được ít hay nhiều khán giả, một bộ phim như “Vị” được ra đời là vì điện ảnh cần những bộ phim thách thức, với lối biểu đạt riêng biệt.
Là người theo dõi điện ảnh trẻ Việt Nam từ hơn mười năm nay, tôi cho rằng một giọng nói độc đáo như Lê Bảo là một viên ngọc quý mà chúng ta may mắn có được. Chẳng thế mà các nước, các Quỹ điện ảnh uy tín thế giới mới chịu bỏ tiền ra để tài trợ, các nhà sản xuất quốc tế mới dành thời gian và tâm huyết nhiều năm để đưa dự án “Vị” từ giấy thành hình. Điều này hẳn nhiên không nói lên chất lượng cuối cùng của bộ phim, nhưng ít nhất chứng minh lý do bộ phim cần ra đời, và cần được sống.
Chuyện một ngày kia, đạo diễn và nhà đồng sản xuất chính cân nhắc việc từ bỏ đứa con của mình để nó được sống đời riêng nó, là một hành động vô cùng dũng cảm và chưa từng có tiền lệ. Tôi rất mong Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong vai trò Bộ chủ quản của ngành Điện ảnh nên nhìn nhận bộ phim như một tác phẩm nghệ thuật, hư cấu, có tính triết lý, tính biểu tượng và ngôn ngữ cá nhân của tác giả phim. Nếu cần thiết, rất mong có một sự thẩm định lại từ cơ quan quản lý cao nhất, mà không bị phụ thuộc vào các đánh giá trước đó, để biết đến một tác phẩm mà thế giới có thể sẽ muốn xem là gì. Điều này sẽ giúp cho việc hiểu nếu muốn duy trì cái tên Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới sẽ cần những bộ phim như thế nào. Và một mục tiêu quan trọng của một bộ luật, nếu có, nên nhằm phát hiện tài năng, ươm mầm tài năng, hỗ trợ tài năng với hy vọng vào một năm nào đó trong tương lai gần, Việt Nam đồng thời có được các bộ phim tham dự ở các LHP quan trọng nhất thế giới xuyên suốt năm, và một ứng viên Oscar thực sự tiềm năng. Nếu đó là mong muốn của các nhà quản lý, tất nhiên, trong vấn đề liên quan đến quốc tịch của một bộ phim.
Bài viết là góc nhìn của anh Marcus Cường Vũ – một người đã lăn lộn rất nhiều năm ở các liên hoan phim quốc tế, anh cũng là đạo diễn và giám khảo của nhiều liên hoan phim.