Bi kịch về gia đình luôn là bi kịch buồn khổ nhất, vì nó chạm vào cảm xúc thiêng liêng và bí ẩn của mỗi thành viên trong gia đình đó. Bi kịch đến từ trẻ con lại càng khiến cho câu chuyện trở nên khó thở và gây ra những cảm xúc hoang mang vô cùng cho bố mẹ. Like father like son, kể một câu chuyện về hai đứa trẻ bị hoán đổi vị trí gia đình ngay từ khi sinh ra để đến khi chúng sáu tuổi, sự thật mới được tiết lộ. Đổi lại con có lẽ là cách giải quyết thông thường nhất cho mỗi gia đình để nhận lại máu mủ của mình? Nhưng thực sự có đơn giản như vậy? Liệu huyết thống quan trọng hay tình cảm được nuôi dưỡng qua thời gian và hun đúc qua năm tháng mới thực sự quan trọng?
Keita và Ryusei là hai cậu bé bị hoán đổi trong nhà hộ sinh ngay sau khi được sinh ra. Số phận đã đổi vị trí của hai đứa trẻ vào hai hoàn cảnh gia đình khác nhau. Keita may mắn được sống trogn một gia đình khá giả, một căn hộ đầy đủ tiện nghi với cha làm kiến trúc sư xây dựng Ryota Nonomiya, và mẹ là một người phụ nữ hiền dịu, sức khỏe không tốt nên ở nhà chăm sóc gia đình. Họ vô cùng yêu thương con mình, đặc biệt là Midori (Michiko Ono) vì họ không thể có thêm đứa con nào khác. Keita bé bỏng, được đầu tư những thứ tốt nhất, được học nhạc, chăm sóc từ ly từng tí một. Ngược với Keita, Ryusei không may mắn như vậy, gia đình cậu không dồi dào về vật chất, bố mẹ chỉ là những người lao động bình thường, họ sở hữu một căn hộ tuyeenfh toàng, một cửa hàng bán và sửa chữa đồ điện, chiếc xe oto cũ kĩ, Ryusei lại là anh cả trong một gia đình đông anh em, nên cậu vừa phải nhường nhịn, vừa phải chịu thiệt thòi hơn so với Keita rất nhiều.
Hai hoàn cảnh không trái ngược mà khác nhau. Trong một thành phố rộng lớn, bận rộn. Đạo diễn khéo léo lồng những chi tiết về công việc của hai người đàn ông để từ đó cho ta thấy thêm về mối quan hệ của hai người cha với hai đứa con trai của mình, đặc biệt là Ryota và Keita. Ryota quá bận rộn công việc nên nên thời gian dành cho con trai không nhiều, có cái gì đó xa cách nhưng đầy tình cảm, những cố gắng chơi với nhau mang nhiều sự ngại ngần nhưng đầy mong muốn. Một mối quan hệ kiệm lời, đầy những cái nhìn yêu thương, một điều gì đó như luôn muốn thoát ra và thể hiện với nhau nhưng rồi chỉ là những câu nói nhẹ nhàng, giọng nói tình cảm và xa cách. Cha của Ryusei thì khác, là một người lao động bình thường, tính tình xởi lởi, sợ vợ, thật thà chất phác, cách ông thể hiện tình cảm với con cái mình rất tự nhiên, gần gũi và nghiêm khắc. Nên mặc dù thiếu thốn hơn về mặt vật chất nhưng Ryusei có một môi trường đầy ắp tiếng cười và tự chịu trách nhiệm về bản thân cũng như với các em của mình từ khi còn rất bé. đó là điều mà Keita không có được, một đứa trẻ nhỏ bé yếu đuối, sống trong một căn hộ cao cấp với rất nhiều kính, Keita được bao bọc kĩ càng như một chú chim non trong tổ của mình được mẹ ớm ăn từ bé.
Chúng đã sống nhầm chỗ của nhau. Phải chăng đấy là bi kịch của chúng, hay người lớn những người phải chịu trách nhiệm có thể tránh cho chúng nhìn thấy bi kịch của đời mình ngay từ khi mới lọt lòng. Cách giải quyết được quyết định là tráo đổi lại vị trí hai đứa trẻ. Nhưng tất nhiên họ không thể thực hiện ngay việc đó. Tình cảm của mình với đứa trẻ, tình cảm của đứa trẻ, cách chúng được lớn lên, những đứa em, tất cả mọi ràng buộc đấy khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. đạo diễn Hirokazu Koreeda luôn luôn biết cách giảm tránh bi kịch, khiến câu chuyện trở nên nhẹ nhàng và sâu sắc. hai gia đình kết bạn, đi chơi chung, để rồi giả vờ với hai đứa trẻ, cho chúng đổi vị trí cho nhau nhưng không nói nguyên nhân thực sự, chỉ là một cái gì đó trao đổi để chúng biết thêm về những người bạn mới của bố mẹ, thử môi trường mới, cuộc sống mới. Keita nhanh chóng hòa nhập với ngôi nhà mới vì bố mẹ ruột của cậu là những người thân thiện, vui tính, cùng với hai đứa em dễ thương và dễ chơi. Ryusei thì khó khăn hơn, từ môi trường tự do sang một môi trường sang trọng nhưng buồn chán, không ai chơi cùng, ngoài điện tử và những trò chơi một mình. Rõ rằng, môi trường đã tác động từ bé đến chúng để chúng phù hợp với nó, và thấy khó hòa hợp với nơi vốn không thuộc về mình từ khi ra đời. Ryota luôn muốn được đứa con ruột của mình có thể chơi với mình, hiểu mình, nhưng anh lại hành xử như thể Ryusei là Keita. Vấn đề của người lớn là vậy, không chịu đặt mình vào đứa trẻ để hiểu. Ryota chỉ đang cố làm nghĩa vụ của một người cha với đứa con ruột mà anh cho là thiệt thòi khi sống trong gia đình không được giàu có như anh. khó xử và ích kỉ. Anh đã muốn cả hai đứa ở với mình. Tình cha con với Keita, tình máu mủ với Ryusei? bên trọng bên khinh, ai chẳng muốn có cả hai thứ đó?
Nhưng cha mẹ của ruột của Keita cũng vậy, dù họ nghèo hơn, nhưng tình cảm của họ không vì thế mà ít hơn. Xung đột được tạo ra bởi tính ích kỉ của Ryota, và rồi nó lại được hằn gắn lại, tinh tế và đơn giản, trong những góc quay đẹp không cầu kì, nhẹ bỗng với thứ cảm xúc tuyệt diệu của tình người.
Hai gia đình, hai câu chuyện, nhưng cùng chung một lòng yêu thương con mình. hai gia đình, hai tính cách, nhưng cùng chung một mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Câu chuyện cứ vậy, dẫn dắt một cách vô cùng khéo léo đưa ta vào những niềm vui giản dị, những tình cảm nấc nghẹn, rồi tạo ra một chút căng thẳng, để rồi, niềm vui lại trở lại một cách rất nhân bản. Tình cha con ở họ, không đơn thuần là dòng máu. người cha truyền cho người con mình tình yêu qua cách họ sống, cách họ đối xử với mình, qua cách họ cho mình những điều họ có, một tình thương vô hạn trong đôi mắt nghiêm khắc và giọng nói mạnh mẽ. Chính vì vậy, bộ phim đưa cho ta câu hỏi về huyết thống, tự bộ phim có câu trả lời cho mình, và mỗi chúng ta sẽ tự có câu trả lời cho riêng mình về điều gì tốt nhất cho một đứa trẻ, điều gì đáng trân trọng hơn hết trong những mối dây tình cảm bị vướng rối mà cuộc sống mang lại?
Tôi thích bộ phim ở sự dung dị của từng khuôn hình, câu chuyện tưởng chừng như phức tạp nhưng được gỡ rối một cách rất tinh tế và nhân đạo. Mỗi nhân vật đều làm tròn vai của mình, những đứa trẻ dễ thương và vô tôi, những trách nhiệm đè nặng lên vai người lớn và cách họ đối diện với chúng. Tất cả tạo nên một bản nhạc nhẹ nhàng, sâu sắc và ấn tượng. Hirokazu thực sự là một đạo diễn làm phim thực sự rất hay về trẻ con, về sự ngây thơ và về những bi kịch không hiếm gặp trong cuộc sống nhưng dưới góc nhìn vị tha đầy giản dị.