Năm 2012, trên chiếc Limousine, đạo diễn Leos Carax đã làm ra một trong những bộ phim xuất sắc nhất năm: Holy Motors. Trên chiếc Limousine đó, một người đàn ông đóng nhiều vai diễn khác nhau để đưa cho ta một cái nhìn toàn cảnh về những vấn đề của xã hội đương đại, lấy chiếc xe làm mạch chuyện, câu chuyện hướng ra bên ngoài cánh cửa xe được đóng mở liên tục để cho ta những cái nhìn khách quan về cuộc sống. Năm 2014, đạo diễn Steven Knight cũng đặt một người đàn ông vào một chiếc BMW sang trọng. Nhưng khác với chiếc Limousine có cánh cửa luôn được mở, chiếc BMW này đóng kín, không ai ra vào, người đàn ông đó lái xe suốt 85 phút phim, chỉ một mình anh, cùng chiếc điện thoại gắn trực tiếp vào xe, nói chuyện bằng loa ngoài. Anh ta giải quyết khủng hoảng của đời mình, chỉ có chính anh và vấn đề của chính mình. Không có những đoạn phim hồi tưởng, bộ phim chạy theo thời gian tuyến tính của chuyến hành trình trên chiếc BMW đó. Vậy điều gì bắt ta ngồi một chỗ suốt 85 phút chỉ để xem một người đàn ông nói chuyện điện thoại trong chiếc xe của mình?
Người đàn ông đó là Locke, một người Anh làm quản đốc tại một công ty xây dựng lớn có trụ sở chính tại Chicago – Mỹ. Một người đàn ông tận tụy với công việc, gần như không bao giờ mắc lỗi, luôn được người khác tôn trọng. “Anh là người tốt nhất nước Anh đó”, một cấp dưới của anh đã nói thế. Anh sắp phải giám sát và điều hành dự án đổ bê tông lớn nhất châu Âu có trị giá lên đến hàng trăm triệu đô la. Không chỉ hết mình với công việc, anh còn là một người đàn ông yêu thương gia đình hết mực. Hai cậu con trai đang chờ anh về cùng xem bóng đá, và vợ anh dù không thực sự yêu thích cũng mặc áo đội bóng anh thích, đi mua bia và làm gì đó để chờ anh về. Vậy mà anh quyết định bỏ lại tất cả, đi vào nơi anh cho rằng là điểm đến tồi tệ nhất của đời mình đầy quyết đoán, để sửa chữa lỗi lầm mà trước đây cha anh đã mắc phải mà không dám đối diện.
Bộ phim làm tôi nhớ đến tác phẩm The Clown của nhà văn Đức Heinrich Boll, một diễn viên hề trong giây phút suy sụp nhất của cuộc đời, đã gọi điện đi khắp nơi tìm kiếm sự giúp đỡ để giúp anh thoát khỏi sự cùng quẫn nhưng cũng qua đó, sự tan vỡ của các mối quan hệ xã hội mới được bộc lộ. Tất nhiên đó chỉ là một tham chiếu về mặt hình ảnh, không có liên quan về mặt nội dung câu chuyện, vì Locke hoàn toàn kiểm soát quyết định của mình hoặc đối diện với bi kịch, hoặc bỏ qua nó để sống tiếp cuộc đời bình thường đẹp đẽ của anh.
Cảnh mở đầu phim diễn ra tại một công trường xây dựng, người đàn ông trong bộ đồ bảo hộ lao động leo lên xe của mình và lái đi. Từ đó, chỉ duy nhất người đàn ông đó xuất hiện trên màn hình, camera được đặt ở nhiều vị trí, bên trong xe, bên ngoài xe, nhưng tất cả đều tập trung và chỉ tập trung vào Locke và chiếc xe đó. Loanh quanh trong một bối cảnh chật hẹp, chỉ đôi lúc nhoài ra ngoài để lấy vào khuôn hình ánh đèn của đám xe cộ xung quanh, đèn tín hiệu giao thông… Người xem sẽ cảm nhận được sự chật chội và bí bức như chính mình ngồi trong xe vậy. Sự tiện nghi của chiếc BMW sang trọng không làm nhân vật chính thoải mái hơn, hay làm khán giả yên tâm hơn để tiếp tục theo dõi bộ phim. Kịch bản cô đọng một cách xuất sắc, ngoài khơi mào trí tò mò phim còn gợi mở tình huống, đương nhiên là diễn viên chính cũng phải tuyệt vời mới có thể xoay xở được trong bối cảnh như vậy.
Steven Knight đã khôn khéo cài vào trong những cuộc điện thoại với đồng nghiệp, với vợ, với con trai, với người mà anh phải đến gặp những dấu vết, những gợi mở để ta hiểu câu chuyện đã được bắt đầu như nào và anh đang chọn cho nó kết thúc ra sao. Đó là sự giằng xé của một người đàn ông có tuổi thơ không đầy đủ vì vắng bóng người cha. Trong ba thứ quan trong nhất của cuộc đời một con người: gia đình, sự nghiệp và cá nhân, anh đã quyết đoán chọn đi thẳng đến nơi mà anh biết sẽ chôn vùi sự nghiệp cũng như phá huỷ gia đình đang hạnh phúc của mình.
Để nhắc đến sai lầm thì ai rồi cũng sẽ mắc phải sai lầm. Và dù cho đó là sai lầm duy nhất, nó vẫn là điều gì đó quá lớn, vợ của anh nói rằng, giữa một sai lầm và không có sai lầm nào là một khoảng cách vô cùng. Quả vậy, một trăm điều tốt không xoá nổi một điều xấu. Ta phải chọn cách để thoả hiệp với thực tế ấy để tìm được lối ra cho sai lầm đó. Đa phần mọi người sẽ chọn chôn lấp sai lầm ấy đi nếu đang có một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc và giàu có như cuộc sống của Locke. Nhưng cũng chỉ có một số ít người như Locke dám đối diện với sự thật, không lẩn tránh, sẵn sàng lãnh nhận hậu quả.
Anh có bao giờ hối hận về quyết định của mình? Giọt nước mắt khi nói chuyện với đứa con trai đang mong bố về nhà, theo tôi, là giọt nước mắt hối hận, nhưng là hối hận về sai lầm trong quá khứ của mình. Một sai lầm duy nhất và bây giờ anh đang phải trả giá quá đắt để sửa chữa nó. Bộ phim không kể tiếp phần sau của cuộc đời Locke, và ta tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra, rồi mỗi người sẽ tự nghĩ tiếp kịch bản cho mình, tuỳ thuộc vào cách ta đánh giá hành xử của anh trong trường hợp này.
Sự khéo léo trong xử lý kịch bản đã tạo cho bộ phim một không khí căng thẳng nhưng lôi cuốn, và thể hiện được tài năng thực sự của Tom Hardy. Tom Hardy là diễn viên được biết đến nhiều nhất qua vai Bane trong phần 3 The Dark Knight Rises của Christopher Nolan, cùng một số vai diễn khác trong Warrior (2011), Lawless (2012), tuy nhiên chúng chỉ cho ta thấy anh là một diễn viên an toàn, có cá tính nhưng vẫn thiên nhiều vào việc làm tròn vai hơn. Nhưng đến vai Ivan Locke, tôi thực sự tin anh là một tài năng, một người có khả năng hoá thân đa dạng, với nội tâm sắc sảo và có chiều sâu vô cùng thu hút. Thực sự, để thể hiện tâm lý của một người đàn ông đang đối diện với bi kịch lớn nhất của đời mình thật không dễ, người đàn ông đó còn phải bình tĩnh để xử lý công việc qua điện thoại, phải dũng cảm kể cho vợ sự thật, và đối diện với lương tâm cũng như tội lỗi của mình. Tom Hardy không những làm được, mà làm rất tốt. Chân dung của Locke hiện lên vô cùng sắc nét, với giọng nói bình tĩnh, tiết chế, khuôn mặt u sầu, và đôi mắt đôi khi ướt lệ.
Quyết đoán là một chuyện, một tác nhân nữa là quá khứ, đó là động lực khiến anh làm điều anh cho là đúng. Quá khứ về người cha chỉ xuất hiện khi anh đã 23 tuổi. Anh đã không hiểu ông và trách mắng cha mình suốt cả đời. Nhưng trong một khoảnh khắc, khoảng lặng đắt giá mà anh dừng xe lại để suy nghĩ, tôi tin anh đã hiểu vì sao. Và lúc đó, tôi thật đã nghĩ anh sẽ quay lại. Cảnh phim không thoại đó càng khiến tôi đánh giá Locke cao hơn.
Càng trưởng thành chúng ta càng gánh vác nhiều trách nhiệm, không chỉ với gia đình và xã hội mà còn với chính mình. Càng nhiều trách nhiệm, sai lầm càng trở nên trầm trọng. Nhưng điều quan trọng là cách chúng ta xử lý chúng. Và khi đã đưa ra quyết định, ta có dám theo quyết định đó đến tận cùng hay không? Steven Knight vừa tham vọng mà cũng đầy tinh tế khi kể một câu chuyện thật thú vị với bối cảnh đơn giản nhất có thể. Và nó đã thành công. Một tác phẩm đậm chất điện ảnh, thuần khiết, đang được thưởng thức và nhận về những lời tán thưởng xứng đáng.