“Tim người là một con mương đầy máu. Những người thân yêu quá cố lao mình xuống bờ con mương này để uống máu và nhờ đó lại hồi sinh. Họ càng thân thiết ta bao nhiêu họ càng uống máu ta nhiều bấy nhiêu.”

Đó là lời châm ngôn trích ra từ một tác phẩm của Nikos Kazantzakis, nhà văn gốc Hy Lạp có lối tả vật rất trữ tình và diệu vợi. Cách dùng từ của ông luôn gây một ấn tượng mạnh đối với tôi. Ngay từ lần đầu tiên đọc lướt qua dòng này, tôi đã muốn ghi lại nó. Sau này, dù đã đọc qua bao nhiêu trang sách, trải qua bao nhiêu chuyện trên đời, tôi vẫn không tìm ra được cách diễn đạt hay miêu tả nào tâm đắc hơn 2 câu trên của Nikos. Nhưng đó là trước khi tôi được xem bộ phim Manchester by the sea. Một tác phẩm có thể nói là trác tuyệt về niềm đau và sự mất mát.

Manchester by the sea là phim mới của đạo diễn Kenneth Lonergan. Trước 2016, Lonergan mới chỉ làm 2 phim dài, còn lại chủ yếu đóng vai trò biên kịch. Đây là bộ phim gây tiếng vang đầu tiên của Lonergan dưới vai trò đạo diễn và nhanh chóng được ngắm vào vị trí ứng cử viên Oscar 2017.

Phim bắt đầu bằng khung cảnh mặn mòi ở một thị trấn ven biển vào mùa đông. Sóng cứ xô bờ mãi như giận điều gì, mây ngồi lại như kể mãi chuyện khổ mùa đông, những ngọn buồm trắng dập dềnh trên ngọn sóng, tất cả đều nhuốm vẻ man mác buồn khó tả. Xen lẫn đâu đó tiếng cười trong sáng của trẻ con. Trên con thuyền nhỏ, có 2 người đàn ông và 1 đứa trẻ đang vui đùa. Họ đều có vẻ đang rất hạnh phúc. Màn hình đột nhiên chuyển sang cảnh khác, vẫn là mùa đông, nhưng ở Boston. Trong khu thị trấn ấy, người đàn ông tên Lee Chandler (Casey Affleck) sống một cuộc đời lặng lẽ bằng công việc lao công. Ngày qua ngày, anh sống vô vị bằng việc lặp đi lặp lại những việc xúc tuyết, đổ rác, sửa chữa đồ đạc dân dụng. Đều đặn và liên tục như một bài kinh khắc khổ của giới tu hành. Lee Chandler hay đi bar một mình vào buổi tối, thỉnh thoảng lại gây sự đánh lộn với người trong quán không vì lý do gì.

Một ngày, Lee nhận được thông báo người anh trai duy nhất của mình, Joe đã qua đời, Lee trở về quê nhà Manchester-by-the-sea để lo đám tang. Vì người vợ nghiện rượu của Joe đã bỏ đi từ lâu, Lee được chỉ định làm người giám hộ cho cậu cháu trai đang tuổi vị thành niên là Patrick. Đến đây, mọi chuyện dần hé lộ. Lee phải đối mặt với bi kịch quá khứ mà bản thân từng gây ra cho người vợ cũ và những đứa con đã mất.

Bằng thủ pháp đa tuyến tính, đạo diễn đưa người xem nhảy qua nhảy lại giữa 2 mốc thời gian xoay quanh nhân vật Lee Chandler. Cài vào tuyến truyện hiện tại là những mẩu ký ức rời rạc về quá khứ của Lee. Dần dần khán giả hiểu ra vì sao Lee lại sống một mình, tại sao anh lại hay gây gổ một cách đột phát như vậy. Vốn dĩ Lee từng có một tổ ấm với vợ là Randi (Michelle Williams) và 3 đứa con. Lee cưng chiều vợ con hết mực. Việc đầu tiên anh làm khi về nhà là xà vào ôm 3 đứa con âu yếm. Nhưng hạnh phúc chỉ là một hồi trong vợ kịch chung về đau khổ. Trong một đêm say, Lee quên không đóng lò sưởi trước khi ra khỏi nhà và khiến cả 3 đứa con của mình chết trong đám cháy.

Từ một ông bố yêu đời của gia đình, Lee trở thành kẻ trôi dạt không tổ ấm. Vợ anh không chịu nổi sai lầm gây ra cái chết cho các con của anh. Bạn bè hàng xóm khinh rẻ anh, coi anh là tội đồ. Những ký ức và sự rằn vặt quá đỗi u buồn kéo anh xuống tận đáy cùng địa ngục. Lee ước sao cho mình bị trừng phạt thật nặng. Nhưng pháp luật không cho rằng anh có tội. Lee toan tự sát nhưng không được. Miễn cưỡng phải ở lại với sự sống, không gì đau đớn hơn với Lee khi căm ghét sự tồn tại của bản thân nhưng lại phải níu giữ nó, giống như khi vuốt ve con rắng đang ngấu nghiến ta cho tới khi nó nuốt hết tim ta. Anh bỏ lại tất cả để chuyến đến Boston với cõi lòng ngổn ngang như đất liền vừa đi qua mùa bão.

Bi kịch cuộc đời là những gì chết đi bên trong một người khi anh ta còn sống. Lee dẫu cho chuyển đi nơi khác cũng không trốn khỏi được quá khứ. Lá khô bay về cội chứ không ở lại cành nhưng chuyện cũ thì lại không hề dễ quên. Ngày hôm qua còn ở trên mi trong khi ngày mai thì không thấy tới, quá khứ nhốt Lee lại trong cái lồng của mình. Anh rơi vào trầm cảm và mất khả năng tương tác với thế giới bên ngoài. Tất cả những kỹ năng xã giao, phép ứng xử Lee đều mất hết, chỉ còn là cái xác vô hồn. Bên phải là vực thẳm, đằng sau là ác mộng, đến nói chuyện phiếm với phụ huynh của bạn cháu trai cũng không xong. Lee sống chỉ để nhận ra là mình vẫn đang chết.

Trong phân tâm học, khi cái tôi và cái nó xung đột, tiềm thức sẽ xảy ra mặc cảm tội lỗi lớn. Nếu mặc cảm này đi quá giới hạn, sẽ tạo ra bệnh trầm cảm hoặc nặng hơn là bệnh điên. Điều này kích hoạt bản năng phá huỷ (Thanatos) trong con người Lee. Nó lý giải vì sao Lee thỉnh thoảng lại gây ra những vụ xung đột đột phát, vì đây là loại bản năng phá vỡ sự tổ chức của nhân cách và đưa cơ thể tới “con đường tự thân dẫn tới cái chết”, tự căm thù, gây hấn và buồn đau. Khi sức huỷ hoại của bi kịch lớn quá mức chịu đựng của con người, nỗi đau sẽ tìm cách xuất sinh sự giải toả.

Ngoài Lee ra, ta còn thấy được những sự giải toả khác từ những nhân vật xung quanh. Cậu con trai Patrick Chandler của Joe tuy bình thản đón nhận tin dữ của cha nhưng lại vẫn giấu trong mình nhiều ẩn ức và nỗi niềm riêng. Cậu lao mình vào âm nhạc, tình dục với những cô bạn gái và smartphone. Nhưng từng đó vẫn không đủ để đánh bật được nỗi đau của cậu bé tuổi vị thành niên có mẹ bỏ nhà ra đi và cha mới mất. Patrick bị kích động giữ dội mỗi khi nhìn thấy những hình ảnh liên tưởng đến việc cha mình đang cô đơn nằm trong buồn lạnh suốt mùa đông dài và phải chờ tới mùa xuân khi đất mềm mới được chôn cất tử tế. Đó là nỗi đau của lòng thương xót máu mủ truyền chủng.

Geogre, bạn của Joe rất đau lòng trước sự ra đi của ông bạn thân. Tuy nhà vốn đã đông con nhưng ông vẫn sẵn sàng đứng ra làm người bảo hộ cho Patrick, cậu bé vừa mới mồ côi cha. Đây là cách để ông xoa dịu nỗi mất mát trước người bạn quá cố. Randi, vợ Lee quá suy sụp trước mất mát khủng khiếp, trở nên hoảng loạn và làm tổn thương những người xung quanh. Nhưng sâu thẳm trong cô vẫn luôn hối hận vì đã đối xử như thế với Lee, rằng anh không có lỗi, rằng rốt cuộc anh cũng đau khổ và rằn vặt như cô mà thôi. Nhưng giờ đã có gia đình mới, Lee đã biệt xứ sang nơi khác, hai giấc mơ giờ đã là hai xứ sở, cô khó lòng gặp được Lee để nói lời xin lỗi cũng như tha thứ. Giây phút hai người tình cờ gặp nhau trên phố là một trong những cảnh gây rung động mạnh mẽ nhất cả bộ phim.

Tuy là bộ phim làm về đề tài bi kịch nhưng đạo diễn lại không vì thế mà sa đà vào bi luỵ ướt át. Thay vào đó, Lonergan chèn vào những đoạn hài đen mô tả cuộc sống đời thường của người dân xứ New England. Trong những đoạn nhẽ ra phải thật bi thống như đám tang của Joe chẳng hạn, đạo diễn lại để cho nhịp phim vẫn diễn ra bình thường và cho vài chi tiết hài vào. Khán giả biết rằng đó là một cảnh hài hước, nhưng lại không hề thấy buồn cười một chút nào. Cách này càng tạo thêm phản ứng nghịch chuyển, thể hiện sự mỉa mai chua cay của hoàn cảnh, đồng thời có tác dụng làm nguôi bớt sự choáng váng về chiều sâu thực sự của trạng thái trầm cảm của Lee Trandler và những người xung quanh anh đang xảy ra. Cuộc đời là bi kịch khi quay gần, nhưng lại là bi kịch khi quay xa.

Phong cách làm phim này làm tôi nhớ đến một cuốn sách cũng về đề tài mất mát đó là “The Solitude of Prime Numbers” của tác giả người Ý Paolo Giordano. Paolo cũng dùng thủ pháp này để miêu tả sự huỷ diệt bằng nội tâm của nỗi đau, nhưng là dùng bằng ngôn ngữ văn chương. Anh làm chùng các chi tiết xuống, giữ cho nhịp điệu không khí trầm buồn ổn định. Tác giả hoàn toàn rút về góc nhìn thứ 3, để cho câu chuyện tự do một cách thuần thuý, đem đến cho câu chuyện một sinh mệnh tự nhiên; khiến nó biến thành rung chấn nhỏ, chuyền qua đường dây cảm xúc, làm biến dạng âm hưởng ngôn từ, kéo thế giới dao động cùng nhịp với nó, lan ra bên ngoài và biến thành khuôn mặt của nỗi đau.

Thủ pháp này khiến cho khán giả khi xem khó mà thoát ra ngay khỏi được tác phẩm mà phải mất một thời gian khắc khoải và ám ảnh rồi mới nguôi ngoai. Lonergan vốn là một biên kịch dạn dày nên ông hiểu rất rõ thủ pháp này. Do đó khi xem phim, ta thấy giống như đóng nén cả câu chuyện vào một khung tranh mà mỗi khi nhìn vào nó, ta chỉ có duy nhất một ý niệm đó là “Đau Đớn”.

Sau cùng, câu chuyện của Lonergan không phải là sự tránh né nỗi đau mà là một cuộc chiến phải đối mặt, chấp nhận và đi xuyên qua nó. Bởi dẫu cho đau đớn đến tột cùng, phải nhai nó bằng răng cấm, đóng đinh nó, cắt cổ nó, thì ta vẫn phải sống đấy thôi. Vì những con người đẹp nhất là những người từng bị đánh bại, từng đau khổ, từng tranh đấu, từng mất mát và đã tìm đường ra khỏi vực sâu. Những người này có lòng cảm kích, sự nhạy cảm và thấu hiểu với cuộc đời. Cuộc đời khiến họ tràn đầy cảm thông, sự dịu dàng và quan tâm yêu thương sâu sắc. Lee đã nhận được sự yêu thương và tha thứ từ những người thân nhất của mình và có lẽ trong một miền thời gian nào đó. Khi những vảy thời gian bắt đầu rụng vào miền thơ, con tàu với cánh buồm trắng ấy sẽ biết neo vào nỗi nhớ mà ngủ yên?

Minh Quân

Comment