Snowpiercer là chứng chỉ chứng tỏ khả năng của Joon-ho Bong đã vươn ra tầm quốc tế, và được hollywood chào đón. The Host chứng tỏ đạo diễn người Hàn có khả năng thổi tung phòng vé nhưng đồng thời cũng lấy được cảm tình của giới phê bình và hâm mộ điện ảnh. Còn với Memories of murder, Joon-ho Bong đã là một trong những đạo diễn quan trọng nhất của điện ảnh châu Á đương đại, vì Memories of murder không nghi ngờ gì, hội tụ đủ mọi yếu tố để nằm trong mọi danh sách phim xuất sắc của điện ảnh châu Á thế trong thế kỉ 21.
Dựa vào một sự kiện có thật. Một vụ án giết người hàng loạt được phát hiện vào năm 1986 ở Hwaseong, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc. Nạn nhân là những người phụ nữ trẻ đẹp, bị hãm hiếp và có cách giết hại tương tự nhau. Nhưng cảnh sát chưa bao giờ bắt được thủ phạm. Câu chuyện nổi tiếng đó trong lịch sử ngành tư pháp Hàn Quốc đã được Joon-ho Bong chuyển thể thành kịch bản và dựng thành phim ra mắt năm 2003. Và rất nhanh chóng, bộ phim trở thành một trong những phim hay nhất thuộc thể loại tâm lý tội phạm rùng rợn, vì sự hoàn thiện trong mọi góc cạnh trong việc xây dựng kịch bản, chậm và chắc, hợp lý và chỉn chu để khán giả từ từ thẩm thấu vào chính không gian của bộ phim, vừa mê hoặc, ma mị, pha lẫn sự hài hước đầy cách tân và nỗi tuyệt vọng vô cùng chân thành.
Bộ phim diễn ra ổ một tỉnh lẻ, nơi chưa bao giờ xảy ra bất kì vụ án nghiêm trọng nào. Chính vì lẽ đó, cái không khí đầu phim được xây dựng thực sự ấn tượng, không cầu kì, không nghiêm túc như thường thấy trong các bộ phim về sát nhân hàng loạt của Mỹ, mà ở đây, bộ phim bắt đầu bằng những đứa trẻ, trên cánh đồng lúa vàng, một người đàn ông xuất hiện trên chiếc xe bò, anh ta không có dáng vẻ cảnh sát, mà chỉ giống như một anh nông dân ngày ngày ra đồng làm việc, tác phong nghề nghiệp, bối cảnh với những đứa trẻ, sắc thái rực rỡ của màu phim, đưa người ta vào sự thanh bình không sắp đặt. Thanh tra Park Doo-man (Kang-ho Song) đang đến hiện trường vụ án, nơi có một thằng bé con liên tục nhại lại những câu nói của anh, kể cả hành động và cử chỉ. Một phân đoạn mở đầu đặc biệt và thực sự vô cùng thú vị. Không có không khí chết chóc, dù một xác chết được tìm thấy, chỉ có một sự bình yên thôn quê chưa bị phá vỡ bởi kẻ sát nhân. Cho đến khi xác chết thứ 2 được phát hiện. Không khí phim đã thay đổi.
Park Doo-man là một thanh tra lỗ mãng, chân quê, và tận tuỵ với công việc. Cùng với Cho Yong-koo, hai người là một bộ đôi ăn ý trong công việc cảnh sát, vốn nhuốm màu bạo lực, vì phong cách hỏi cung bằng tra tấn và đe doạ. Một vùng quê nhỏ, nên câu chuyện nhanh chóng lan truyền, những lời đồn đoán đến tai cảnh sát, họ bắt kẻ tình nghi, tra tấn, ép cung. Lúc này, một viên cảnh sát trẻ từ Seoul được cử về vùng Hwaseong kết hợp điều tra. Ngay cách mà Park Doo-man gặp gỡ đồng nghiệp của mình Seo Tae-yoon rất hài hước. Seo Tae-yoon đang ngơ ngác hỏi đường một cô gái trẻ đi bộ một mình, thì Park lao tới đạp thẳng vào người và hét lên rằng “đây là thiên đường cho bọn hãm hiếp đàn bà hay sao?”.
Joon-ho Bong mang đến cho tác phẩm của mình một tính cách Hàn Quốc duy nhất và thuần khiết, không thể lẫn vào đâu được, dù chủ đề giết người hàng loạt được Hollywood khai thác rất tốt với những bộ phim như Seven của đạo diễn David Fincher. Tính cách nhân vật được phát triển chậm, và tinh tế. Như cách Cho Yong-koo mang miếng vải bọc giày khi tra tấn, cách cô cảnh sát cố gắng tìm cách lôi kéo sự chú ý của đồng nghiệp để thể hiện tài năng của mình, cách Park ra sức chứng tỏ bản lĩnh của mình không thua gì đồng nghiệp “có học” từ Seoul… Memories of Murder hoàn toàn có thể trở thành một hình mẫu cho một kịch bản thông minh trong cách phát triển nhân vật, để từng bước từng bước, qua từng phân đoạn, từng khung hình, bộ phim lôi cuốn người xem bằng sự quyến rũ không thể cưỡng, không có sự lặp lại, không có sự nhàm chán. Chỉ có căng thẳng càng ngày càng dâng cao trong một không khí phim được xây dựng với tay nghề bậc thầy của nhà quay phim Hyung-ku Kim.
Bóng tối của cánh đồng đổ bóng trong cơn mưa, ngôi làng nhỏ của những con đường hoang vắng. bản nhạc pop buồn đầy ma mị, không khí phim trái với phân đoạn đầu, mang đến sự trầm uất, bí ẩn và đầy đe doạ. Những góc máy đẹp trong một không khí được xây dựng vô cùng ma mị khiến bộ phim tạo ra được rất nhiều cảnh ám ảnh người xem. Sự xen kẽ với nghiệp vụ sơ sài của cảnh sát, những tình huống hài hước đậm tính cách Hàn, và cách giết người đầy tính toán và nguy hiểm của kẻ sát nhân, khiến cho bộ phim luôn luôn giữ cân bằng, giữa cuộc sống thường nhật, công tác điều tra, hành tung bí ẩn, xác chết và bối cảnh Hàn Quốc những năm 80, khi chính quyền độc tài thiết quân luật khắp nơi.
Bộ phim không cố gắng kết tội kẻ thủ ác vốn chưa bao giờ bị bắt trong câu chuyện có thật của lịch sử Hàn Quốc. Thay vào đó, Joon-ho Bong xây dựng lại một bối cảnh thật, với sự tài tình trong việc phát triển tâm lý của những nhân vật trong phim, để tạo ra một sản phẩm điện ảnh hoàn thiện, từ khâu kịch bản, đến khả năng diễn xuất, và cấu trúc câu chuyện được kể, sao cho dù người xem biết, cái kết sẽ dẫn đến đâu, cũng không ngừng tò mò, không ngừng suy đoán, không ngừng thích thú, và không ngừng bị bộ phim mê hoặc, như cách mà một bộ phim tâm lý tội phạm ly kì phải làm được. Cuốn hút, khơi gợi sự tò mò, và biến người xem thành những thanh tra trong chính cái đầu của họ.