“Thứ duy nhất mà quỷ dữ cần để chiến thắng là sự thờ ơ của những người tốt”.

Câu nói của Edmund Burke từ hai thế kỷ trước, cho tới nay vẫn còn nguyên giá trị. Và trong series truyền hình “Mr. Robot” vừa kết thúc mùa đầu tiên, “quỷ dữ” đã không thể lên ngôi. Nhưng người ngăn chặn chúng lại chẳng phải là một “người tốt” mà là gã hacker Elliot Alderson (Rami Malek thủ vai). Một tay hacker lập dị, hạn chế tiếp xúc xã giao với bạn bè đồng nghiệp và xã hội … mà thay vào đó chọn cách “hack” đời tư của họ.

Dù mới chỉ xuất hiện vào mùa hè này nhưng Elliot đã kịp gia nhập những kẻ “phản ăn hùng” được ưa thích của màn ảnh nhỏ như Walter White hay Francis Underwood, giống như cách mà “Mr. Robot” đang dần bước trên con đường của “Breaking Bad” và “House of Cards” để trở thành một trong những series truyền hình chất lượng nhất.

Series truyền hình xuất sắc nhất về hacker

Đã lâu lắm rồi – nếu không muốn nói là chưa bao giờ – người ta mới được xem một bộ phim về giới hacker đem lại cảm giác chân thực đến vậy. Nhân vật chính Elliot là một nhân viên làm việc cho công ty an ninh mạng mang tên Allsafe. Thay vì tìm đến những cuộc tán gẫu với bạn bè hay những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng để tìm lấy niềm vui và được cảm thấy mình là một phần của cộng đồng, Elliot lại chọn cách hack những người xung quanh.

Với tài năng của mình, anh được một nhân vật bí ẩn có biệt danh Mr. Robot (Christian Slater) tiếp cận và mời tham gia nhóm hacker “fsociety”. Tổ chức gợi nhớ nhiều tới nhóm Anonymous ở ngoài đời này có một mục tiêu tối thượng: Xóa xạch mọi khoản nợ tín dụng để đưa tài chính thế giới về cõi hỗn mang và giải phóng con người khỏi những âu lo thường ngày về nợ nần!

 

Còn đích nhắm nào tốt hơn cho fsociety ngoài tập đoàn E-Corp (hay còn được Elliot gọi là Evil Corp như một cách mỉa mai giới tư bản) – nơi đang nắm giữ khoảng 70% khoản nợ của thế giới? Nhưng điều trớ trêu là E-Corp lại là khách hàng số một của Allsafe mà Elliot đang làm việc. Cuộc sống nhiều mặt của Elliot bắt đầu từ đây, khi anh vừa hỗ trợ fsociety, vừa làm công việc thường ngày tại Allsafe và còn đối mặt với những rắc rối từ thế giới tâm lý phức tạp của bản thân …

Hiếm có một series nào làm được những gì mà “Mr. Robot” đã làm được trong vài tháng hè qua. Ban đầu, đài USA Networks chỉ định sản xuất một mini-series, nhưng tập mở đầu xuất sắc được đón nhận nồng nhiệt đã khiến những nhà sản xuất nghĩ lại và đặt hàng nguyên mùa thứ hai! Thứ làm nên thành công của “Mr. Robot” đầu tiên là sự chân thực. Nhà sản xuất Sam Esmail thừa nhận ông đã chán ngấy với những thứ mà Hollywood gọi là “hack”, với những gã hacker sáu múi điển trai gõ phím trong tiếng nhạc nền dồn dập và giải quyết vấn đề ngon ơ chỉ trong một nốt nhạc.

Mr. Robot” không vậy, khi nhân vật chính Elliot chẳng hề đẹp trai theo bất cứ tiêu chuẩn nào với thân hình gầy gò và đôi mắt thiếu ngủ đầy ám ảnh. Những thứ mà Elliot gõ trên bàn phím cũng là những dòng mã lệnh, khác hẳn với những thứ màu mè mà các series như “CSI” hay “Scorpion” thường thể hiện. Điều này giúp “Mr. Robot” nhận được sự ủng hộ từ nhiều người làm việc trong lĩnh vực máy tính, bởi cách làm của phim thể hiện sự đầu tư, tìm hiểu của nhà sản xuất về chuyên môn tin học.

Trong một tập phim, các nhân vật hacker còn ngồi xem phim “Tron” với nhau và nói một cách đầy mỉa mai: “Tôi cá rằng giờ này đang có một gã biên kịch nào đó đang ngồi và cố nhào nặn một series hay ho về đám hacker”. Ngay cả đến trang Facebook của series “Mr. Robot” cũng có sự tương tác lớn giữa người dùng và admin, khi những bình luận của khán giả thường xuyên được trả lời với phong cách bí ẩn. Nhưng sự chân thực ấy mới chỉ là yếu tố đầu tiên giúp “Mr. Robot” hack cảm tình của khán giả.

Tiệm cận sự hoàn hảo

Khi xem “Mr. Robot”, chắn chắn nhiều người yêu điện ảnh sẽ có cảm giác như mình đã bắt gặp câu chuyện hay nhân vật này ở đâu đó rồi. Dễ dàng nhận thấy sự tương đồng của series mới này với những tác phẩm nổi tiếng về những kẻ nổi loạn, xa rời xã hội như “A Clockwork Orange”, “Taxi Driver”, “American Psycho”, “V for Vendetta” hay đặc biệt là “Fight Club”. Bản thân Sam Esmail cũng khẳng định rằng ông đã “vay mượn ý tưởng từ mọi bộ phim và series truyền hình mà tôi từng xem trong đời, bởi tôi là một con mọt phim”. Nếu tinh ý, khán giả sẽ nhận thấy đoạn nhạc piano ở cuối tập chín “Mr. Robot” chính là giai điệu từ ca khúc “Where is my mind?” nổi tiếng trong khúc credit của “Fight Club”.

Song “Mr. Robot” không trở thành một bản nhái lỗi hay tạo cảm giác như một copycat được rập khuôn mà hoàn toàn có thể đứng vững trên đôi chân của mình. Series này đã vay mượn ý tưởng từ những tác phẩm nổi tiếng kể trên và đưa vào thêm những nhân vật độc đáo, các cú twist (nút thắt bất ngờ) khó lường để khiến khán giả phải ngóng trông mỗi tập phim.

 

Những nhân vật trong “Mr. Robot” là những gam màu đa sắc khiến người xem liên tục đoán già đoán non rằng ẩn sau lớp mặt nạ Guy Fawkes kia thực sự là bộ mặt nào? Một gã Tyrell Wellick (Marin Wallstrom) bảnh bao, làm việc cho E-Corp tưởng như đầy quyền lực ở những tập đầu tiên bỗng chốc trông như một kẻ bất tài quẫn trí ở nửa sau. Một cô nàng Darlene (Carly Chaikin) cá tính mạnh với quá khứ bí ẩn, người vợ Joanna (Stephanie Corneliussen) như một Lady Macbeth thời hiện đại hay dấu hỏi lớn mang tên Mr. Robot … Sự hấp dẫn tới từ những nhân vật đó với các tuyến truyện phụ khiến cuộc cách mạng trong phim trở nên hấp dẫn dần theo thời gian. Các nhà biên kịch đã khéo léo sắp xếp những cú twist một cách hợp lý, để khiến khán giả bị xoay như chong chóng giữa một ma trận của những câu hỏi và những đáp án dần được hé lộ và sinh ra những câu hỏi mới.

 

Ở trung tâm của mọi việc là Elliot – gã trai “anti-social” mang đôi mắt ám ảnh. Trước năm 2015, hầu như không ai biết tới cái tên Rami Malek nhưng giờ đây, anh lại đang là một trong những gương mặt nổi bật nhất của truyền hình. Rami đã hoàn thành xuất sắc vai trò được giao, khi anh không chỉ thành công trong biểu cảm gương mặt mà còn ở việc lồng giọng cho những màn độc thoại nội tâm của Elliot. Những câu thoại trong tâm trí Elliot không chỉ đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện mà còn như một cách nhân vật này phá vỡ “bức tường thứ tư” và tương tác với khán giả. Giống như cách mà Mr. Robot hỏi Elliot: “Cậu là số một hay số không?”, Elliot như cũng đang mời gọi người xem theo dõi và trở thành một phần của cuộc cách mạng số “Mr. Robot”. Elliot mang một sức hút bí ẩn, để khiến người xem vừa cổ vũ những hành động lại vừa dè chừng về chân tướng thực của con người này.

Không chỉ xuất sắc trong câu chuyện và xây dựng nhân vật, “Mr. Robot” còn có phần quay phim và sử dụng âm nhạc xuất sắc không kém. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà phê bình đã nhận xét series này “tiệm cận mức độ hoàn hảo”. Mùa đầu tiên đã kết thúc với 10 tập phim đem lại cảm giác vừa thỏa mãn vừa thòm thèm cho khán giả. Có quá nhiều bí ẩn đang chờ được giải đáp và nếu “Mr. Robot” tiếp tục được phong độ hiện tại tới mùa thứ năm theo dự kiến của Esmail, cụm “tiệm cận” trong nhận xét trên hoàn toàn có thể được xóa bỏ.

Facebook Comments Box

Comment