Tôi đặc biệt thích các chuyện tình, hay nói đúng hơn là cái cách mà đàn ông và đàn bà tiếp cận nhau và hấp dẫn nhau, lúc đó một ma lực giữa họ xuất hiện, mãnh mẽ nhưng đôi khi khốc liệt. Nhưng không phải là các kiểu tình yêu truyền thống và cổ điển như Romeo and Juliet, Phạm Công Cúc Hoa, Noah và Allie, tôi thích những chuyện tình kì quặc, họ yêu hay yêu nhau một cách không bình thường, họ đến hay không đến với nhau trong một bối cảnh không gian và thời gian nào đó đặc biệt, có thể là đơn phương, có thể là tình yêu trọn vẹn nảy sinh với rất nhiều sự trớ trêu của số phận, có thể chỉ là một một sự nảy sinh bất chợt khi người ta ở cạnh sườn của mình, như tình yêu của  Florentino Ariza dành cho Fermina Urbino. Mọi câu chuyện của Garcia đều sâu sắc và đặc biệt, đặc biệt không phải trong văn phong phong phú, bút lực dồi dào, mà đặc biệt ở cách kể, cách câu chuyện diễn biến, cách nỗi buồn của những số phận con người được viết ra, những câu chuyện của Garcia Marquez thật sự ám ảnh và sầu muộn. “Kí ức về những cô gái điếm buồn của tôi” là một tác phẩm như thế. Đẹp đến nao lòng, buồn đến não nề, một câu chuyện kể chậm rãi như nhịp thở của ông già 90 tuổi, nặng nề như bước chân ông, nhưng đẹp như khuôn mặt nhăn nheo của tuổi già.

Cả cuộc đời ông không có tình yêu, cả cuộc đời cho đến tuổi 90 chỉ có một dãy dài tên tuổi, của các cô gái điếm ông đã qua đêm, hơn 500 người, một danh sách dài không tình yêu chỉ có tình dục, chỉ có thứ phục vụ nhu cầu bản năng, không có thứ phục vụ nhu cầu về tinh thần, những nụ cười, những nụ hôn say đắm, những cái ôm ấp đam mê. Tôi cũng không hiểu, phải chăng những thứ không có tình yêu thì đều được đong đếm, được lưu trữ với những con số khô khan, những cái tên không còn nhớ mặt, trong truyện Tình yêu thời thổ tả, Florentina cũng có một danh sách cộng dồn như vậy, hay như bạn trai của một cô bạn tôi, người mà đã thành thật kể về đời sống tình dục của mình cho bạn gái cũng có một con số kha khá. Một nhu cầu cơ bản của con người, có người thì luôn luôn tìm cách để thoải mãn, cũng có người tìm cách kìm mình lại trong sự khổ hạnh của bản ngã như nhân vật chính với cô gái quầy lễ tân trong Nhảy Nhảy Nhảy vậy. Đến tuổi 90, cái tuổi cái chết gần kề, ông muốn tìm một cái gì đó thật trái ngược với mình, một nguồn sông tươi trẻ, một sự thôi thúc mãnh liệt khiến ông đã yêu cầu bà Rosa Cabarcas – người chuyên đưa mối gái điếm tìm cho mình một cô gái còn trinh để ân ái, như một món quà tự thưởng cho mình nhân ngày sinh nhật.

Và nằm đó trước mặt ông, một cô gái 14 tuổi đang trần truồng ngủ ngon giấc trong những giấc mơ mà nếu là một cô bé 14 tuổi có cuộc sống bình thường chắc hẳn phải rất đẹp. Cái sự trong trẻo đến nhợt nhạt của cô gái, sự trong sáng tỏa ra từ lớp da trần trụi đã khiến ông không làm gì cả ngoài việc nằm cạnh đợi trời sáng, rồi đặt lên trán cô bé một nụ hôn vĩnh biệt, một đức tin muốn giữ lại sự trong trắng cho cô gái. Ông những tưởng vậy là xong, ông sẽ không bao giờ gặp lại cô gái nữa, nhưng có thứ gì đó đã được nhen lên trong ông khiến ông không chỉ gặp lại lần 2,3… tình cảm mà ông có với cô bé đã không còn đơn thuần là thái độ của khách hàng và người bán hàng nữa, đó là thứ gì đó hơn thế, tiệm cận với một tình yêu nở muộn, ông muốn giữ gìn sự trinh trắng của cô gái, muốn vun đắp cho cuộc sống cô gái, muốn cho căn phòng nơi ông và cô bé gặp nhau trở nên ấm áp và có tình người hơn là một không gian xác thịt, ông làm mọi thứ, bất chấp những khoản tiền mà ông dành dụm được đang vơi dần, ở ông sự cô đơn mà một ông già gặm nhấm trong 90 năm cuộc đời đang dần được bao bọc bằng một thứ tình yêu vượt qua tuổi tác, nằm ngoài mọi trải nghiệm, thứ tình yêu mà làm nỗi cô đơn càng thêm thấm thía, càng thêm đậm đặc. Garcia Marquez luôn như vậy, luôn lồng vào nỗi cô đơn bất tận của con người một tình yêu nằm trên sự vị kỉ, một tình yêu ban đầu là vị kỉ để rồi thoát khỏi và sẵn sàng hy sinh tất cả. Cái tình yêu mà một ông già ở tuổi 90 dành cho cô bé 14 dường như là bệnh hoạn và khó chấp nhận, và thực sự khó chấp nhận nếu xét trong những hệ quy chiếu thông thường của cuộc sống, nhưng nếu xét ở khía cạnh khác, nằm ở bản năng và cảm xúc thì thật đẹp, cái đẹp làm nở bung ra những tri kiến, định kiến của người đời, cái đẹp đến từ sự bi thương, đến từ bi kịch, thoát ra từ nỗi cô đơn sâu thẳm.

Sự chênh lệch tuổi tác và môt tình yêu không công khai khiến người ta liên tưởng đến Lotita, một ông cha dượng yêu cô con gái còn đang tuổi dậy thì của vợ, nhưng ở Lolita tình yêu đó mang đầy dục vọng, một thứ tình cảm nảy sinh từ nhu câu xác thịt, từ bản năng mà Humbert không lúc nào thôi mơ tưởng đến thể xác của Lolita, còn trong câu chuyện của Marquez, tình yêu đó đã nằm ngoài nhu cầu tình dục, nằm ngoài những dục vọng, tình yêu thuần khiết gần như là mối tình đầu, như khi ta muốn và chỉ muốn nhìn ngắm giấc ngủ của người yêu, rồi thiếp đi trong cái ôm nồng nàn, không hơn không kém. Hãy tượng tượng một căn phòng mà trước đây là nơi các cặp nam nữ đến giao hoan trong bóng tối, trong sự lén lút, mang đầy dục vọng và sự nhơ nhớp của một đời sống không lành mạnh, giờ đây dưới bàn tay trang trí của một ông già 90 tuổi có một bức tranh, có ít hoa, có sự sống, có ánh nắng rọi sáng những sớm mai, và trên cái giường nhỏ bé, một cô bé trần chuồng nhỏ bé nằm đó, ngủ say giấc nồng ngây thơ trong trắng, trên chiếc bàn tròn giữa phòng một ông già để tay lên cằm như bức tượng Người Suy Tưởng, nhìn ngắm và cảm thấy hạnh phúc…

Trong các tác phẩm của Garcia Marquez tôi đã đọc thì có lẽ đây là tác phẩm dễ đọc nhất, mỏng và câu văn không quá dài lê thê, nhưng không vì thế mà mất đi vẻ não lòng thường có về nỗi cô đơn, tình yêu được mô tả đầy bóng tối và bi kịch nhưng thật đẹp và trong trẻo, câu chuyện về gái điếm nhưng không vì thế mà làm giảm đi nhân phẩm phụ nữ, mà còn tôn lên một điều gì đó thật đẹp mà tôi không thể lột tả, tôi chỉ cảm nhận được bằng tất cả giác quan, bằng kinh nghiệm non nớt, bằng những kí ức mập mờ đã lâu.

Một câu chuyện buồn, không phải nỗi buồn man mác của mùa thu, nỗi buồn nông cạn của những thời điểm ngắn, mà là nỗi buồn đã được tích tụ, vun đắp thành một ngôi mộ cô đơn khổng lồ, nỗi buồn đó có thể đến với bất cứ ai, bất cứ mảnh số phận nào trong cuộc đời, nhưng chẳng ai dám nghĩ đến, chẳng ai muốn, chẳng ai dám hình dung một bóng già cô đơn trong căn phòng nhỏ, một bóng già lẻ loi nhìn dòng đời chảy trôi trong công viên nhỏ, một ngôi nhà nhỏ trong nghĩa địa không nhang khói, không hương hoa. Nỗi buồn của những số phận trong truyện của Garcia Marquez khác xa nỗi buồn của Murakami.

Murakami đi vào cụ thể, đi vào nỗi buồn của bản ngã cái mà nó không tự sinh ra, không tự biến mất, nó cứ nằm đó trong bản thể như một quyển sách trên tủ sách, có thể được lấy ra bất cứ lúc nào và cũng có thể được cất đi. Còn nỗi buồn của Marquez là nỗi buồn của số phận, của định mệnh, đôi khi là nỗi buồn của cả thế hệ, nó nằm ngoài sự tự tính của mỗi bản thể, nó được khởi từ những nguyên nhân không chỉ bên trong mà còn bên ngoài, nỗi buồn của Marquez là những con đường quốc lộ, còn nỗi buồn của Murakami là một thành phố.

Đặc biệt thích khuôn mặt của Garcia Marquez, đó là khuôn mặt vừa phóng túng, vừa đầy đau khổ, một khuôn mặt của một đời không ngừng sống hết mình.

PS: ảnh minh hoạ lấy từ phim Like Someone in love của đạo diễn Iran Abbas Kiarostami

Comment