“Jingle bells, Jingle bells, Jingle all the way…” khi bạn ra đường nghe thấy những thanh âm này là biết rằng mùa Giáng Sinh đã đến rồi. Mùa Giáng Sinh mùa của những điều kỳ diệu, của phép màu, của hy vọng và mơ ước, tất cả những điều đó được thể hiện vô cùng tinh tế trong bộ phim bất tử với thời gian Miracle on 34th street của đạo diễn George Seaton ra mắt năm 1947.
Bộ phim bắt đầu trong buổi diễu hành nhân dịp lễ Tạ ơn tại thành phố New York. Lúc này, những nhân viên của công ty đồ chơi Macy đang bận rộn chuẩn bị cho buổi diễn hành thường niên. Tuy nhiên, do ông già Noel mà Doris Walker (Maureen O’Hare) thuê luôn ở trong tình trạng say xỉn, nên cô buộc phải sa thải vào phút cuối, thay vào đó cô thuê Kris Kringle (Edmund Gwenn) – người luôn tự cho mình là Santa Claus để vào vai ông già Noel.
Kris Kingle làm rất tốt nhiệm vụ của mình đến nỗi Doris quyết định thuê ông làm ông già Noel tại cửa hàng bán đồ chơi, nơi những đứa trẻ đến và nói với ông về món quà mà chúng muốn. Nhiệm vụ của ông già Noel là gợi ý những món đồ chơi do Macy bán để bố mẹ chúng mua cho chúng, nếu không có món đồ đó thì gợi ý những món đồ ế ẩm trong cửa hàng cho khách.
Tuy nhiên Kris Kingle không chấp nhận việc thương mại hoá ngày lễ Noel như vậy. Ông chỉ cho những bậc cha mẹ những quán đồ chơi khác nơi có những mặt hàng mà trẻ con muốn. Nhưng điều bất ngờ xảy ra, cửa hàng Macy không vì thế mà mất khách, thay vào đó, chuỗi cửa hàng Macy được lòng khách hàng vì sự trung thực của mình.
Liệu có ông già Noel không là câu hỏi mà mọi đứa trẻ trên đời đều một lần hỏi cha mẹ của chúng. Bộ phim Miracle on 34th street đã có câu trả lời hoàn hảo. Sự xuất hiện của Kris Kingle luôn luôn đặt cho ta nghi vấn lớn liệu ông ấy thực sự đến từ Bắc Cực? Nhưng điều đó không quan trọng, quan trọng là niềm vui ông mang đến cho mọi người.
Nụ cười luôn nở trên môi với bộ râu dài trắng muốt, Kris giống ông già Noel đến kì lạ. Đến nỗi, anh chàng luật sư trẻ tuổi Fred Gailey (John Payne) quyết định phản biện cho ông già trước toà án khi ông bị cho rằng ông có vấn đề về “thần kinh”.
Điều đặc biệt đáng yêu của bộ phim là mối quan hệ của Kris và cô bé Susan (Natalie Wood) con gái của Doris. Susan được mẹ dạy dỗ theo cách nhìn mọi việc ở khía cạnh thực tế và thực dụng. Susan không đọc truyện cổ tích, không muốn tưởng tượng, không chơi với những đứa trẻ khác vì chúng nó thì muốn làm động vật còn cô thì không. Cô bé cứng nhắc, khô khan gặp gỡ một ông già luôn tin mình là Santa Claus người mang đến niềm vui cho mọi người, và mang đến tiếng cười cho con trẻ, làm sao để Kris Kingle giúp cô bé biết tưởng tượng đây?
Bộ phim là hành trình chứng minh cho cô bé Susan thấy rằng trí tưởng tượng mới giúp cho con người có ước mơ và hy vọng. Ông chứng minh cho thế giới thấy, Santa Claus có thật ở khía cạnh nào đó. Tất cả những ai giúp cho thế giới trở nên bình yên hơn, tươi đẹp hơn, và giúp người ta yêu mến hơn ngày lễ Giáng sinh chính là ông già Noel.
Kris mang ánh sáng đến cho New York, ông làm những đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh bắt tay nhau. Ông làm cho cô bé Susan biết cách giả vờ mình là một con khỉ để đùa vui, làm cho bà mẹ đơn thân Doris tin rằng Santa Claus thực sự có thật… Bộ phim do đó tràn ngập những điều tích cực cho một cuộc sống vốn người ta chỉ luôn luôn nghĩ đến những gì thực tế của cơm áo gạo tiền mà quên đi mất việc tận hưởng nó.
Vai diễn của Edmund Gwenn là một trong những vai diễn đỉnh cao của điện ảnh. Ông diễn mà như không, ông làm cho khán giả tin ông chính là ông già Noel hoá thân thành. Tượng vàng Oscar dành cho Edmund quả thực vô cùng xứng đáng. Khi nhận Oscar ông nói: “Giờ thì tôi tin có Santa Claus trên đời.”
Mặc dù Miracle on 34th street là một phim trắng đen đã ra đời cách đây đúng 70 năm, nhưng giá trị của bộ phim là bất tử. Hiếm có bộ phim nào mang tinh thần Giáng Sinh một cách xuất sắc như vậy. Xem phim, bạn sẽ cười cùng nhân vật, cùng nhân vật sống trong những ngày lễ ấm áp đoàn viên. Và đặc biệt bạn sẽ hiểu rằng:
“Giáng Sinh không chỉ đơn thuần là một ngày, mà nó là một khung cảnh của tâm hồn.”