Bob Marley đã từng nói: “some people feel the rain. Others just get wet”.
 
Hồi trước ở Việt Nam, Hà Nội, vào mùa hè, những cơn mưa rào ồn ã và mạnh mẽ cứ đổ đầy vào thành phố, đổ tràn sông Tô Lịch, tràn cả các cồng ngầm, giống như ngày tận thế trong các bộ phim Mỹ, trời trút nước, đời chút giận, mọi thứ chìm nhập, con người giống như tổ kiến trong truyện “Dế mèn phiêu lưu kí” của Tô Hoài, bị các cô học trò dội nước lên, chạy tan tác, sợ hãi và vụng về. Tôi thích đi dưới mưa, không khoác lên mình bộ quần áo ny lon cản nước thấm vụng về, tôi muốn được tắm mình trong những cơn mưa, những hạt mưa dù nặng hạt như tiếng lead rền rã của Metallica hay nhẹ nhàng như tiết tấu giai điệu một bản nhạc đồng quê của Bill Monroe. Những giọt mưa đó thấm nước tóc tôi, chảy vào mắt tôi, phủ một lớp mờ mờ lên kính tôi, tôi thường nghĩ, sau này mình thử nghiên cứu một cái cần gạt nước mưa cho mắt kính, nếu làm được thì tuyệt, (hình như trong truyện Harry Porter cũng có chi tiết gần gần thế, nhưng họ là phù thủy làm gì chẳng được). Những cơn mưa làm ướt sạch cả thân hình tôi, tôi hơi run run trong cái ngấm lạnh của nước trời,nhưng cảm thấy khi chìm trong mưa, tôi thấy được cái nguyên thể của mình được trở về với nguồn cội, cái cảm giác kì quặc của sự gột rửa, của những vần thơ nhảy nhót trong đầu về sự ẩm ướt của cơ thể:
 
Mưa làm ướt thân tôi
Tôi trong điệu vân khúc đã xóa tan trời đất
Tôi thấy mình ngừng thở
Tôi thấy hồn nở tan.
 
Mưa kéo mọi tế bào của tôi lại với nhau bằng những sơi mỏng tanh của nước, tôi trong sự tan chảy của nước trên khắp cơ thể lại cảm thấy mình được cô đặc và là mình hơn bao giờ hết. Nhưng có một lần tôi sợ mưa, tôi đi về quê cùng bố mẹ và em gái, lúc này tôi đã biết đi xe máy, tôi trở em gái sau lưng, bố mẹ tôi đèo nhau ở xe khác, đi vào cuối giờ chiều, giống như những cơn mưa rào không bao giờ báo trước của mùa hè, đến đoạn đường đất nhỏ với 2 bên sát đường là mương và xa xa là những đồng lúa trải ra mênh mông trong tầm mắt, mưa rơi, như chút nước, như thể drummer của Metallica trong buổi biểu diễn của ban nhạc mình đang thể hiện những ngón chơi kĩ thuật với tốc độ cực cao trên bộ trống của mình, mưa táp xối xả vào mặt, mưa quật mạnh vào thân thể, trời tối, đường đất toàn ổ gà ổ voi, 2 bên là những đường mương ngập nước, tay lái tôi lạng giữ dội vì gió to, vì mưa lớn, tôi loạng choạng, cố giữ cho đôi mắt căng hết cỡ để nhìn đường, cố chịu đựng làn da đang đau rất vì những hạt mưa to có gia tốc quá lớn, em gái bé của tôi, ngồi sau, ôm ghì tôi sợ hãi, tôi tập trung hết sức để không lao cả xe xuống con mương bên cạnh, bố tôi đi sau, thỉnh thoảng nói với lên trong tiếng gió thét mà tôi không thể nghe rõ bố tôi nói gì, mưa càng ngày càng giận giữ, người càng ngày càng sợ hãi, tôi đi qua hết con đường đất đấy với sự căng thẳng mà chưa bao giờ tôi gặp phải. Đấy không phải là thời khắc duy nhất tôi sợ những cơn mưa lớn, hồi còn nhỏ, bố vẫn phải đi xe máy đi làm, tôi sợ lắm những hôm trời mưa lớn, bố phải vất vã đi đi về về trong nhịp điệu của cuộc sống mưa sinh, những lúc đấy tôi lúc nào cũng lo lắng, cũng nghĩ lung tung, cũng sợ hãi, tôi chỉ thở phào khi bố tôi về tới nhà, tôi thương bố tôi, khuôn mặt ướt đẫm, thân hình gầy gò và nụ cười vô cùng ấm áp.
 
Bỏ qua những điều đó thì tôi rất thích mưa, mưa lúc nào cũng mang đến cho tôi nhiều xúc cảm, có lẽ thế mà tôi viết khá nhiều về mưa, những cơn mưa của Tây Nguyên, của Hà Nội và của Pháp. Mưa làm ngậy lên những mùi và sắc tuyệt đẹp. Mưa xuống, giống như trộn lẫn cuộc sống của con người và thế giới, hòa thành một món soup đặc biệt có mùi không thể không cảm, mùi của những hương liệu từ cây cối, từ da thịt, từ đất, từ sông, mùi của một không khí thanh khiết và sạch sẽ bụi bặm. Khứu giác của tôi không tốt trong việc nhận ra các món ăn nhưng lại đặc biệt nhạy cảm trong vị mưa, cái vị hơi ngai ngái, cái vị đi vào vị giác và chạm vào những sợi thần kinh nhảy cảm nhất, khiến cả thân thể chùng xuống, giống như một nhà hiền triết, mưa làm người ta đi cúi đầu, đôi mắt nhìn xuống đất. Mưa tán sắc của thành phố thành những màu đồng điệu với tâm hồn người, những màu nóng và lạnh hòa trong những vũng nước động, hòa vào mặt đường ẩm ướt, con đường không còn là một dải dài được hình thành từ đá, cát, ximang asphalt… nữa, nó là một dải giấy nhám có màu đa sắc, vô cùng đẹp. Mưa xuống, ta có cảm giác ta đang bước vào ngôi nhà thực sự của tự nhiên, một ngôi nhà bí ẩn, mọi thứ nhòa trong những giọt mưa, và là ngôi nhà rất sạch sẽ, đi vào mưa, ta như đi vào một thế giới khác, được gột rửa, giống như đi qua dòng sông quên lãng, ta lãng quên sự tất bật và những muộn phiền, ta gặm nhấm trong ta cả 5 giác quan khi được nếm trải những vị, mùi, sắc mới lạ.
 
Đi dưới mưa, tắm mưa đã tuyệt, nhưng ngồi trong phòng, qua cửa sổ kính, những giọt nước mưa bị gió tạt đọng lại trên đó, những tán sắc nhìn gần hoặc những vết nhòe mờ khi để tiêu cự mắt ra xa thật khiến cho cái cảm thức về không gian và thời gian thật vô cùng diệu vợi,  Bên trong cừa sổ, tôi ngồi đọc sách, với một tách trà, hoặc nếu như mơ mộng hơn chút nữa tôi sẽ tưởng rằng cái ấm Xamova của Nga đang reo bên trong lò sưởi, tại sao không, tôi đang đọc truyện ngắn Bình Minh Mưa của Paustovski, một tâm hồn chiến sĩ cô độc trong đêm nghỉ phép chuyển giùm bạn bức thư cho người vợ ở quê nhà, và một người thiếu phụ đang có nhiều phiền muộn chất chứa, họ gặp nhau có một chút thôi trong cơn mưa mùa hạ, họ cảm giác như sau này đây sẽ là khoảng khắc luyến tiếc của cả hai người, hai tâm hồn cô đơn có cùng sự đồng điệu. Bình minh cuối chân trời, tiếng còi tàu kêu vang, ống khói, xa xa bóng thiếu phụ đứng dưới mưa. Thật buồn. Ấm xamova kêu, một cô gái đi pha cho tôi tách trà, nàng muốn tôi kẻ cho nghe câu chuyện Bình Minh mưa đấy, tôi kể chệch choạng và nhạt nhẽo như vấn vậy trong cách nói chuyện không thể thoát ra lời của mình. Mưa rả rích bên ngoài, tôi chợt nghe thấy tiếng mưa bên trong mình. Nàng biến mất, có lẽ nàng sợ hãi cái tâm hồn cô độc của tôi, có lẽ nàng chán ngán cách nói chuyện như ở cõi khác của tôi, hoặc có lẽ, nàng chỉ là hình ảnh tưởng tượng bất thường, một ảo ảnh được tạo bởi mưa, chỉ còn lại trên ghế ở góc phòng, con mèo đen to tôi đặt tên là “moon” nhưng bao giờ cũng gọi nó là “mèo” một cách kì quặc, và nó biết nó tên là “mèo” hơn là cái tên kia. Có người nào tên là “Người” không? Tôi hỏi mưa. Mưa trả lời: “Có, Chúa”.

Comment