Ngoài cách tiếp cận thông thường với khán giả qua thị giác, thính giác.., các nhà làm phim còn tiếp cận bằng khứu giác, một biểu đạt phi thường trong điện ảnh.

1. Scent of Papaya (1993)- Mùi của ngây thơ

Tác phẩm đầu tay xuất sắc của đạo diễn Trần Anh Hùng mang đến một mùi hương dân dã của xứ sở nhiệt đới. Cái tên cha mẹ đặt của cô bé Mùi cũng tạo nên một mùi hương phảng phất trong không khí của một gia đình trung lưu nề nếp: Mùi của sự ngây thơ, tinh khiết, thanh tao và nhẹ nhàng như hình hài cô bé. Một em bé quê nghèo xa gia đình trở thành cô giúp việc. Mỗi buổi sáng thức dậy, khứu giác của cô lại được đánh thức bằng mùi nhựa cây đu đủ. Nhựa màu trắng, rơi từng giọt nhỏng nhảnh trên cành, toả ra một mùi hương nồng đượm mà thanh thản của một tuổi thơ vất vả nhưng êm đềm. Truyện phim xoay quanh cuộc trưởng thành của cô bé Mùi, từ khi còn giúp việc ở một gia đình buôn vải đầu những năm 50 đến khi là một thiếu nữ giúp việc trong nhà Khuyến- bạn của cậu con trai trong gia đình. Không có những cảnh ái ân cạp lạc, không khói súng, bắn giết của thời binh đao, bộ phim như một dòng nhựa của cây, chảy nhẹ nhàng mà mạch lạc. Cảnh Mùi xẻ đôi quả đu đủ, tay vân vê những hạt đu đủ tròn trịt, trắng phau như một phúng dụ cho sự trinh trắng, ngây thơ. Hình ảnh này được lặp lại khi tình yêu chớm nở giữa thiếu nữ Mùi và anh chàng Khuyến. Một bộ phim kiệm thoại, giàu hình ảnh, đậm tính nhà Phật và nhất là lèn chặt mùi hương, mùi của trầm tĩnh từ bi, mùi của trái đu đủ còn xanh.

2. Perfume: Story of a Murderer (2006)- Mùi của ám ảnh cuồng loạn

Grenouille, tiếng Pháp mang nghĩa Con cóc, đã phần nào phản ánh một cuộc đời ghẻ lạnh. Sinh ra giữa hàng cá hôi tanh bẩn thỉu tại một khu ổ chuột Paris, số phận của thằng bé Grenouille trở nên kỳ quặc khi sở hữu một khứu giác cực nhạy. Hắn mang một sự trớ trêu của tạo hoá khi được ban phước (hay hoạ) cho một khứu giác đặc biệt trong khi hắn là một kẻ không mùi. Cũng như Claude Monet thị lực kém nhưng lại có những bức vẽ tuyệt luân, Beethoven mặc dù bị điếc khi gần 30 tuổi nhưng để lại di sản cho loài người là những tuyệt tác âm nhạc, hắn- một kẻ vô nhiễm với mùi hương lại lớn lên với khao khát tạo ra loại nước hoa được kết tinh bằng thứ hương thơm trời phú của thân thể người trinh nữ, một loại nước hoa có sức hút ma quái, bí ẩn khó lường mang mùi hương tối thượng và trinh khiết của người con gái. Giống như một kẻ tham lam muốn lưu cữu mọi tinh chất của thế giới, hắn cuồng loạn trở thành tên sát sân với mục đích tối thượng là tạo ra một loại hương vi diệu. Hắn ngửi mọi thứ, mọi lúc và mọi nơi, từ thứ vô tri hữu hình như gỗ đá, cỏ cây đến mùi xác thịt nữ nhi. Hắn muốn tương tác với thế giới bằng một sản phẩm ly kỳ được chế tác trên thân xác thiếu nữ, hắn muốn minh chứng với thế giới rằng, hắn sinh ra trong bần cùng, mang vóc dáng bẩn thỉu và có một cuộc đời tối tăm, ảm đạm, nhưng hắn cũng là một hình nhân có thực đang hít ngửi bầu không khí của sự sống, hắn cũng là một ai đó với tấm thẻ căn cước chìa ra cho thế giới với một tiếng vọng duy nhất, một tiếng vọng không thanh âm, rằng hắn tồn tại.

3. Scent of a Woman (1992)- Mùi của thượng tôn phụ nữ

Một viên đại tá mù (Al Pacino thủ vai) giận dữ với cuộc đời khi bị tước đi ánh sáng của đôi mắt, phải dò dẫm trong bóng tối với cây gậy cọc cạch. Ông ngồi một mình trong phòng, môi nhấp rượu, luôn miệng chửi rủa và hoàn toàn ủ rũ. Ông bắt đầu chuyến đi New York với anh sinh viên Charlie trước khi kết liễu đời mình. Khán giả như ngửi thấy được mùi của sự cô đơn, ức chế của một cuộc đời bị giam cầm trong đôi mắt mù. Dẫu bi quan với những khiếm khuyết của cuộc sống nhưng ông luôn nhất mực tôn trọng phụ nữ, có khả năng ngửi mùi hương của phụ nữ và đoán được tóc họ màu gì, mắt họ màu nào, và trong đáy mắt họ có lúng liếng niềm vui hay không. Ông hằn học với mọi người và mọi người hằn học với ông. Ông ngạo mạn và kiêu hãnh với kẻ này người kia nhưng chưa bao giờ ông vô phép với một người phụ nữ. Chỉ một va chạm nhẹ ông đã đoán được tướng mạo của người phụ nữ. Chỉ với một mùi hương thoảng qua ông có thể đoán được họ là một tuyệt sắc mỹ nhân. Người đàn ông mù với khứu giác trong. Tôn thờ phụ nữ như tôn thờ lẽ sống dù nhức nhối mù loà và cạn kiệt niềm tin vào con người.

4. The Reader (2006)- Mùi của người tình

Trang 196 của quyển tiểu thuyết chuyển thể cùng tên có đoạn: “Tôi ngồi bên cạnh Hanna và ngửi thấy mùi già của một người phụ nữ. Tôi không biết cái gì đã tạo nên mùi này, tôi thường ngửi thấy ở các bà nội bà ngoại hay các bà dì bà bác, và nó lơ lửng trong phòng, ngoài hành lang của những ngôi nhà cũ như là một lời nguyền rủa. ”Đó là cảm giác của anh sinh viên Luật Michael Beg cảm nhận khi ngồi đối diện người tình tám năm trước, Hanna Schmitz – một trong những nhân viên Đức Quốc Xã dưới thời Hitler và là một tội phạm chiến tranh đồng tội ác giam giữ 300 phụ nữ Do Thái trong một nhà thờ đang bốc cháy ngùn ngụt.

Khi bắt đầu yêu Hanna, Michael Berg 15 tuổi còn Hanna 36 tuổi. Lúc ấy, nàng “thơm mùi mới tắm hay là quần áo mới giặt, hay là mùi mồ hôi mới vã, hay mùi mới vừa yêu nhau xong”, “lưng và cánh tay của nàng không có mùi gì đặc biệt tuy nhiên chúng có mùi của nàng, và lòng bàn tay của nàng có mùi của một ngày và của công việc – mùi mực của những cái vé xe, mùi kim loại của cái kềm bấm vé xe, mùi củ hành hay cá hay mỡ chiên, cặn xà phòng hay mùi khét của bàn ủi”. Khi Michael đã là một người đàn ông tuổi trung niên thì Hanna đã là bà lão da dẻ nhăn nheo, “bốc mùi của người già” và cô đơn sám hối trong nhà ngục. Ký ức về mùi hương của người tình ám ảnh và day dứt trong Michael từ thuở thiếu niên đến khi tóc đã hoa râm. Còn gì dai dẳng, rứt ray và nồng đậm bằng mùi của người tình?

The Reader là một bộ phim hướng thiện, giàu cảm xúc nhân văn và nặng suy tư của một thế hệ bất an và ám ảnh bởi quá khứ của nước Đức giữa thập niên 90 của thế kỷ 20. Đây cũng là phim tinh tế lột tả hồi ức một người thông qua mùi hương người tình.

Comment