Tôi vẫn không thể hình dung được làm sao có thể chuyển tải một câu chuyện như “On the road” lên màn ảnh cho đến khi được xem một “On the road” của Water Salles.
Để chuẩn bị tâm lý cho việc đi xem “cuốn sách được coi là “cuốn sách của đời tôi” được truyền tải qua hơn 2 tiếng trên màn ảnh, tôi đã tự nhủ nhiều lần về việc không so sánh, không nhớ chi tiết, không nhớ đoạn này thì trong truyện Dean làm gì, Marylou là vợ thứ mấy, đoạn này là đến San Francisco hay đến Denver… Tôi đến xem phim với một điều duy nhất muốn Water làm được là không khí của “Beat Generation”, của thế hệ của những người trẻ đi tìm ý nghĩa của một cuộc sống nhàm chán, ngạt thở, tìm cách mở lối cho một sự tự do hoàn toàn của tâm hồn, cho cái tôi được thể hiện, bột phát hết mình, cái thể hệ mà J.Salinger đã viết ra một “tác phẩm đời tôi” khác: Bắt trẻ đồng xanh.
Thực sự đây là một bộ phim “road movies” dễ mến, dễ chịu, thú vị cho một người cũng có sự hứng khởi của những con đường như tôi mặc dù không được xuất sắc như “into the wild”, “the motocycle diaries”. Nói một chút về cốt truyện phim.
Sal – một cây viết trẻ sau cái chết của người cha trở nên bế tắc với cuộc sống, bế tắc với các trang viết, muốn làm điều gì đấy để thay đổi, để thoát khỏi sự tù túng của mình, được giới thiệu với Dean Moriarty – một gã trẻ đến từ Denver, có người cha nghiện rượu mất tích. Dean cưới cô vợ trẻ 16 tuổi Marylou (Kristen Stewart) sống một cuộc sống mà nhiều thanh niên bế tắc mơ ước, tự do phóng túng, thèm khát tự do, coi việc lên đường là lẽ sống. 2 người trở thành bạn thân sau đó, và những cuộc hành trình “trên đường” đã được diễn ra, họ và Marylou – cô gái sau đã trở thành vợ cũ của Dean, đôi khi là với Carlos Max, Ed Dunkel… đã đi khắp nước Mỹ, lúc trên oto tự lái, lúc đi bộ, khi đi nhờ xe trong suốt những năm từ 1947-1950. Trong suốt những chuyến đi đó, 2 nhân vật chính ban đầu là những kẻ khát khao tìm tự do, tìm kiếm khám phá những vùng đất mới, những trải nghiệm về sex, “cỏ”, rượu, bạn bè, mỗi người đã từ đó tự hình thành con đường cho mình, với Sal, những trải nghiệm cùng Dean đã cho anh một vốn sống phong phú để tiếp sức cho cuốn sách của mình, và với Sal, sau khi chứng kiến cách Dean hành sử với 2 người vợ Marylou, Camille, cũng như đối xử với chính mình, anh đã quay trở lại cuộc sống bình thường tìm một cô gái bình thường và nghĩ vê Dean vẫn đang sống một cuộc đời vô trách nhiệm, đi tìm người cha say rượu khi có thể.
Có lẽ vì cái bóng của tiểu thuyết quá lớn nên Water Salles đã theo khá sát câu chuyện, điều đấy vừa có cái hay vừa có cái dở. Chính vì theo khá sát chuyện nên 137 phút của phim không đủ lột tả được chuyển biến tâm lý nhân vật, những chuyến trên đường cũng không được thể hiện một cách hoang dã, đầy bản năng và sự say mê. Những lát cắt của phim đôi khi bị vụn, chuyển hơi đột ngột. Nhưng vì không so sánh với tiểu thuyết nên bộ phim có những thành công nhất định đáng ghi nhận. Water Salles vì đã cố chung thành với nguyên tác nên cái không khi của thế hệ Beat Generation đã không được thể hiện một cách rõ rằng, nhưng vẫn ở mức chấp nhận được, với những quán bar người da màu chơi những bản jazz đầy ngẫu hứng, một Old Bull Lee và người vợ sống khép kín, luôn nghĩ về ngày tận thế. Ed Dunkel, trốn cô vợ để lên đường cùng Sal và Dean thoát khỏi cuộc sống tù túng, buồn bã. Và một nàng Marylou xinh đẹp mê đắm Dean, ban đầu là vợ, sau lại thành một người tình giấm dúi của Dean. Không phải khói xe mà là khói thuốc, khói cỏ, khói của sex bao trùm phim.
Nói về các diễn viên thể hiện các nhân vật trong phim thì Water Salles nói chung đã thành công Dean và Sal đã được Garrett Hedlund (Tron: Legacy), Sam Riley thể hiện khá tốt (có lẽ là nhờ hàng tháng trời bị bắt chìm đắm trong không khí của thế hệ Beat Ge trước khi quay). Tôi rât thích Garrett trong phim này, đẹp trai, lãng tử, sống tự do, phóng đãng, sống như không cần biết có ngày mai, Garrette đã thể hiện được chính xác điều đó của Dean ”You have absolutely no regard for anybody but yourself and your kicks.”. Sal thì lành hơn, dè dặt hơn và luôn coi Dean là một người bản đặc biệt, dù thể nào anh cũng luôn bảo vệ bản mình “he’s got the secret that we’re all busting to find out.” (2 câu này mình trích dẫn trong sách chứ trong phim họ nói khác, mình không nhớ chi tiết thế được). Marylou, người con gái đặc biệt, yêu Dean với một tình yêu còn hơn cả đam mê. Ban đầu là vợ, sau lại phải trở thành người tình lén lút của Dean. Sẵn sàng theo Dean đi khắp mọi nơi, làm mọi điều Dean bảo (thậm chí là ngủ với Sal theo đề nghị của Dean nhưng Sal từ chối), cùng Sal và Dean lái xe khỏa thân trên đường, bị Dean từ bỏ thẳng thằng mà chỉ biết nói “Dean will leave you out in the cold anytime it is in the interest of him”… Xét cho cùng Kristen Stewart đã làm tròn vai, cô không có nhiều đất diễn trong phim của Water mặc dù cô là một nhân tố quan trong trong cuộc đời của hai nguời, xuất hiện khá nhạt nhòa, chủ yếu là các cảnh liên quan đến sex, tâm lý chuyển biến khá hời hợt. Cho Kristen vào phim cũng là một yếu tố câu khách chăng, khi cô khỏa thân vài lần, thực sự là một cô gái sexy, táo tợn và từng trải.
Có vài điều trong phim Water Salles làm khác truyện như tình tiết dẫn tới việc Sal chán nản, bế tắc trong cuộc sống, trong truyện thì là vì chia tay với vợ. Hay như trong truyện, Dean có quan hệ tình ái với Inez trong khi người vợ thứ hai Camille đang mang thai đứa con thứ 2… Thực ra những chi tiết đấy không thực sự cần mang vào phim.
Xét tổng thể đây là một bộ phim truyền tải khá tốt tác phẩm kinh điển dành cho những kẻ bế tắc trong cuộc sống, muốn tìm cách thoát ra khỏi thực tại chán chường để tìm kiếm tự do bản thể mình, có thể sống vô trách nhiệm và ích kỉ nhưng trong đó là cả sự chiến đấu với bản thân mình, chiến thắng mình, tìm ra con đường mà mình sẽ đi, quan trọng trong cuộc đời không phải là đích đến mà là những trải nghiệm xuyên suốt cuộc hành trình. Và từ đó những ánh sáng hoặc có thể là bóng tối sẽ dần dần hiện ra trước mặt, chỉ cho ta biết con đường nào phù hợp nhất với mình. Sal đã chọn một con đường khác, Dean cũng vậy, nhưng tựu chung họ vẫn mãi là bạn. “I think of Dean Moriarty, I even think of Old Dean Moriarty the father we never found, I think of Dean Moriarty.”