Tôi nhớ đến Llywen Davis (rất xin lỗi vì lại nhắc đến cái tên này, có lẽ bộ phim của anh em nhà Coens ám vào tôi nhiều hơn tôi tưởng), anh chạy đến mọi cánh cửa nhằm tìm đường ra cho đam mê của mình, thứ đam mê mà anh luôn phủ nhận, anh luôn coi việc anh làm đó là vì tiền, vì mưu sinh. Từ đó tôi tham chiếu sang câu chuyện phim Once của đạo diễn John Carney khi anh chàng ca sĩ nhạc sĩ đường phố được cô gái đứng thưởng thức lúc anh hát đưa cho 10 cents, anh ta nhấn lại nhiều lần từ 10 cents đó với hàm ý mỉa mai, cô ấy có hỏi “vậy anh làm việc này vì tiền”? Có phải vậy không?

Tôi luôn tin, chúng ta gặp nhau trên cuộc đời này không chỉ là do định mệnh sắp đặt sẵn, mà nó được ràng buộc với nhau bằng duyên, những mối duyên kì lạ mà nếu nhìn sâu và kĩ ta sẽ tìm ra được nó, tại sao chúng ta gặp nhau, tại sao họ lại gặp nhau, để tạo nên một câu chuyện đáng yêu như vậy trong bộ phim Once. Vì một buổi đẹp trời, như mọi buổi tối khác, trên con phố mua sắm đã vắng khách qua lại, anh chàng ca sĩ biết rằng chẳng còn ai hứng thú nghe nhạc đường phố vào lúc này, để có thể cho anh tiền, anh hát ca khúc mà mình sáng tác, một ca khúc buồn, đau khổ về tình yêu, một sự dày xé không chỉ trong lời nhạc, mà trong khuôn mặt biểu cảm, những đoạn lên cao được gằn xuống thể hiện sự đau đớn tột cùng, như cách Steel Heart hát ca khúc “She’s Gone” vậy. Khi đó, chỉ có những người có chung xúc cảm, có sự nhạy cảm trong nhạc điệu và đồng điệu đến từ tâm hồn mới hiểu được, cô gái có chiếc máy hút bụi bị hỏng là người như vậy. Nghe anh hát chăm chú, camera đặt ở vị trí như đôi mắt cô, để ta có chung cảm xúc khi nhìn vào anh chàng ca sĩ đang dùng nhạc kể về chuyện tình yêu của mình. Họ quen nhau như thế, vì một cô gái nào đó đã bỏ đi, khiến anh chàng si tình sáng tác một ca khúc đầy khắc khoải để một cô gái khác cảm được điều đó, cô gái có chiếc máy hút bụi hỏng, và thật tình cờ, anh chàng ca sĩ là một anh thợ sửa máy hút bụi những lúc anh không đi hát rong trên đường phố.

Tôi không muốn gọi những người như anh chàng ca sĩ hát rong là nghệ sĩ, vì nếu dính vào hai chữ đó, tôi tự nhiên cảm thấy mình đánh mất đi của họ cuộc đời bình thường, cuộc đời đơn giản mà họ theo đuổi, không vì nghệ thuật, không vì nhân sinh một cách to tát, đơn giản là đam mê, là chạy theo đam mê, và tìm trong đam mê đó cuộc đời của chính mình. Nó đúng với Davis, và tôi tin Davis cũng nghĩ thế khi anh chỉ nghĩ đến chuyện cái thứ nghệ thuật mình theo đuổi chỉ là để nuôi sống mình mà thôi, ít nhất là anh nói vậy, ít nhất là tôi tin rằng ta không nên gán cho họ danh hiệu nghệ sĩ đôi khi rất phù phiếm của cuộc đời. Vì bản thân họ cũng chỉ là những người đang mưu cầu hạnh phúc, mưa cầu một sự bình yên với tình yêu, với đam mê mà thôi.

000000000_32

Máy hút bụi là sự tình cờ, còn việc họ cảm nhau, thấy cái hay của nhau, và nói chuyện được với nhau hẳn nhiên là không tình cờ. Khi ta cùng chung một sở thích, hay nói cho to tát là một đam mê, thì việc có thể tìm thấy nhau sự đồng điệu là điều dễ hiểu. Như Roger Ebert đã từng nói đại loại như, hãy lấy một người vợ có thể xem được những bộ phim mà bạn thích, nếu không thì rồi cũng sẽ sớm bỏ nhau. Vì để đi được trên một con đường, sự đồng hợp về tính cách là không cần thiết, nhưng sự tương đồng về một vài thứ khiến tâm hồn ta rộng mở và tràn đầy tình yêu cuộc sống là điều tốt nhất nên có. Tôi không nói cô gái có máy hút bụi và anh chàng ca sĩ sẽ thành vợ chồng, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, họ đi với nhau trong hành trình Once là cái duyên đã được gieo đầy đủ.

Dùng camera ẩn, Once hiện ra như cách một bộ phim tài liệu được làm, góc máy tự nhiên, camera được đặt xa với ống kính dài để tránh làm những người dân nơi công cộng chú ý, không cầu kì đôi khi có phần ngơ ngác, bố cục không chỉn chu sắp đặt. Chính vì vậy mà đường nét của phim càng trở nên thô mộc và giản dị, nó cộng hợp với hai nhân vật nghèo, chân phương, làm những công việc vụn vặt kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình, trong họ chỉ có duy nhất một thứ giá trị là tình yêu dành cho âm nhạc. Cô gái cũng vây, được cha dạy, cô có thể chơi piano, vì quá nghèo cho một chiếc piano đắt tiền, cô xin được chơi piano trong một tiệm bạn nhạc cụ 1 tiếng một ngày vào những giờ không có khách. Âm nhạc, thứ duy nhất tồn tại từ thế kỉ này qua thế kỉ khác, hàn gắn tâm hồn con người, đưa ta vào một thế giới nơi mọi đau khổ và buồn bã cũng như hạnh phúc vui vẻ trở thành đồng hạng và biến thành giai điệu. ở đó ta tìm ra bản thể thực sự của mình, một bản thể say mê cuộc sống. Nhìn cách cô gái thích giai điệu trong một đĩa CD nhạc của anh chàng ca sĩ, nhưng chưa có lời, cô ngồi cặm cụi nghe và tìm lời cho nó, là một khoảng khắc thật đẹp trong căn phòng hơi tối tăm và nghèo nàn, rồi pin của máy nghe đĩa hết, cô chạy vội đi nhặt nhạnh tiền xu và mua pin để hoàn thành nốt tác phẩm của mình. Ca khúc “If You Want Me” ra đời, một sự kết hợp đơn giản mà hoàn hảo của lời và nhạc, của hai tâm hồn cô đơn trong thành phố Dublin vốn đượm buồn và đầy màu của James Joyce.

Chậm dần như một ca khúc tuyệt vời khác của bộ phim “Falling Slowly” họ rơi vào nhau, quý mến và trân trọng nhau vì cùng chung một cây cầu nối như vậy. Âm nhạc, tiếng thoát thai từ cõi lòng, từ những mối tình tan vỡ, từ những tâm sự không thể cất thành lời văn. Gã ca sĩ vừa sáng tác, vừa xem lại video quay người tình cũ đã ra đi của mình, trái tim phải nhỏ lệ, thì lời ca mới chất chứa một nỗi buồn sâu sắc để chạm được vào lòng người, để thấy thanh thản trong chính sự vụn vỡ đã xảy đến với mình. Cô gái vừa chơi piano, hát và khóc, cô nghĩ về người chồng mình đang ở Séc, một người không muốn đến Dublin sống với cô, để cô một mình nuôi mẹ già và con gái nhỏ. Họ đều có tâm hồn lạc lõng, nhưng họ không trống rỗng, trong họ tràn đầy tình yêu dành cho âm nhạc, dành cho nhau. Đó không phải là thứ tình yêu nam nữ để trao nhau những nụ hôn say đắm bất tận, tình yêu của sự đồng điệu về tâm hồn, tình yêu của những người bạn đặc biệt, trao nhau tình cảm bằng nụ hôn vào má thân thương và đầy trân trọng.

Bộ phim cứ thế cuốn ta đi vào những ca khúc tự sáng tác của anh chàng ca sĩ, cuốn ta vào một mối duyên tình sâu sắc, một hành trình ngắn ngủi đi bên nhau của hai tâm hồn cô đơn, tìm thấy ở nhau mối dây liên kết bền chặt bằng âm nhạc. Để rồi cùng nhau, họ làm ra sản phẩm âm nhạc đích thực và bán chuyên nghiệp cho chính đam mê của mình. Có lẽ gã ca sĩ sẽ phát triển tiếp sự nghiệp âm nhạc khi anh chuyển đến London, hoặc có lẽ anh sẽ chạy đôn chạy đáo ở thủ đô rộng lớn đó, nơi người tài không thiếu mà cơ hội thì không nhiều. Cả hai đều nhìn ra con đường dành cho mình, họ không dành cho nhau, họ chỉ ở bên nhau để cùng nhau tạo nên giá trị của cuộc sống, để những ngày nối tiếp khi họ không còn bên nhau nữa, họ có động lực tuyệt vời để tiếp tục hoàn thiện mình.

Được thể hiện bởi hai diễn viên nghiệp dư, Glen Hansard và Markéta Irglová, nhưng sự nghiệp dư đó toát lên một sự chân thật vô cùng ấn tượng, họ hòa hợp nhau và tạo nên một mối liên giao đặc biệt về âm nhạc, để mà từ sau bộ phim cả hai đã quyết định dừng sự nghiệp diễn xuất để tập trung cho âm nhạc, họ cùng ra một album nhạc, cùng nhận tượng vàng oscar cho ca khúc “Falling Slowly”. Một sự ăn ý từ trong vai diễn đến ra ngoài đời thật.

Có lẽ với âm nhạc tuyệt vời, câu chuyện giản dị, mộc mạc và chân thật đã khiến bộ phim được yêu quý thực sự. Chẳng thế mà Bob Dylan vì quá yêu mến bộ phim đã mời bộ đôi diễn viên chính mở màn cho show diễn của mình. Điện ảnh đôi khi đơn giản vậy, nó đơn giản khiến ta nghẹn thở vì cái đẹp, nó truyền cho những ai làm nghề cảm hứng để tự tạo những tác phẩm cho riêng mình mà không hề tốn kém, cầu kì. Cái đẹp trở nên nổi bật và quyến rũ nhất khi nó được tạo thành từ sự giản đơn của cuộc sống, từ tâm hồn và tình yêu. John Carney đã quay bộ phim chỉ trong 17 ngày, mượn nhà của bạn bè để giảm bớt kinh phí, và ông ngồi viết nháp câu chuyện tại một quán cafe trong vòng 5 phút dựa vào nỗi nhớ nhung người yêu đang ở Luân đôn. Mọi điều đó đều thật đẹp phải không?

Comment