Có những bộ phim tôi rất thích, tôi mê mệt, làm tôi khóc, tôi xúc động sâu sắc và chứa chất rất nhiều tình cảm sau khi xem. Có những bộ phim mà tôi có thể xem đi xem lại nhiều lần, nhưng những bộ phim đó tôi không dám viết, không dám nói gì cả vì tôi sợ, tôi thấy nó quá lớn, quá vĩ đại. Tôi sợ khi tôi viết tôi sẽ nói linh tinh, tôi làm giảm đi giá trị thật của nó, tôi sợ những lời tôi nói chỉ là sáo rỗng và vô vị. Đó là những phim như: God Father, The Lord Of The Rings, The Good, The Bad, The ugly… Once Upon A Time In America là một trong số đó. Tình cờ, nhân dịp bầu cử tổng thống Mỹ, tôi không ngủ được và quyết định xem lại cái phim về ngày xưa ở nước Mỹ đó, và mọi cảm xúc lại ùa đến vẹn nguyên như lần đầu, không những thế mà còn có phần sâu sắc hơn.
Đây là một bộ phim khá dài, bản phổ biến dài 227 phút (bản director’s cut dài 251 phút). Sẽ là thử thách cho những ai không đủ kiên nhẫn, cũng như không có nhiều thời gian để xem phim, nhưng đấy là 227 phút trọn vẹn và xứng đáng. Gần 4 tiếng ngồi trước màn hình, tôi đã chìm đắm trong một không khí của một nước Mỹ đang phát triển, một nước Mỹ dưới chân cầu Manhattan, nơi những số phận nghèo khổ chạy trốn khỏi châu Âu (người Do Thái, người Ý, người Ai Len..) để tìm cho mình một miền đất hứa để thực hiện một giấc mơ Mỹ cho mình. 227 phút chìm đắm trong những giai điệu âm nhạc tuyệt vời được soạn bởi nhà soạn nhạc Ennio Morricone.
Tương tự như Bố Già, bộ phim nói về thời kì đầu thế kỉ 20 của một nước Mỹ non trẻ, với phần lớn là người nhập cư, và trong những khu phố dành cho người nhập cư nghèo khó, tuổi thơ của nhiều cậu bé đã trở thành một tuổi thơ của trộm cắp, cướp giật, một tuổi thơ không được dạy dỗ, không được đến lớp, không có luật pháp, và thời gian của nhân vật cũng trải dài từ thời niên thiếu cho đến khi trung niên. Tuy nhiên ở đây không phải mafia Ý mà là một nhóm gangster người Do Thái trong một công đồng người Do Thái gần cầu Manhattan (có nhiều cảnh quay nhìn hướng lên cầu khổng lồ tuyệt đẹp). Trung tâm của bộ phim không phải về một cá nhân đã vươn lên thành một trùm mafia có địa vị, và xây dựng cho mình cả một đế chế tội phạm. Bộ phim dựa chính vào tình bạn của Noodles (Robert de Nero) và Max (James Woods), 2 thanh niên trẻ tuổi tình cờ gặp nhau và đã hình thành nên một băng Gangster nhỏ với tham vọng lớn. Bộ phim là một bản sử thi về tình bạn, tình anh em, niềm tin, sự phản bội, dục vọng, tham vọng, sự nuối tiếc, hối hận… 2 người bạn với tính cách khác nhau đã chọn cho mình con đường của mình, và rồi khi họ gặp lại ở những vị thế khác nhau và đã có những cách riêng để phán xét về cuộc đời mình đã đi qua.
Bộ phim bắt đầu vào thời kì vừa kết thúc luật Volstead, luật cấm buôn bán rượu trên toàn nước Mỹ. Khi một nhóm người đi tìm Noodles đã giết hại bạn gái anh, tra tấn người bạn thân anh trai người yêu thuở bé, ta đang bối rồi chẳng biết chuyện gì đang xảy ra, rồi Noodles xuất hiện, đang ngật ngưỡng nằm phê trên chiếu thuốc phiện ở một rạp hát Trung Hoa không biết chuyện gì xảy ra thì mấy người Trung Quốc biết có mấy người đang săn lùng Noodles tìm anh, mới giúp anh đi ra cửa sau chạy thoát… Một đoạn mở đầu khá là thách đố của đạo diễn Sergio Leone. Sau đó cảnh được chuyển, Noodles đôi mắt điềm tĩnh, đầu tóc đã bạc gặp lại người bạn cũ Fat… Bộ phim tiếp diễn dưới dạng những hồi ức của Noodles xen kẽ là hiện tại của Noodles đang tìm hiểu về số tiền năm xưa biến mất, cũng như vì sao anh lại trở lại mảnh đất đầy kỉ niệm buồn năm xưa.
1. Tình bạn và sự phản bội
Noodles là một cậu bé rất trọng tình nghĩa, trước khi quen Max, Noodles chơi với một nhóm gồm 3 cậu nhóc Patrick “Patsy” Goldberg, Phillip “Cockeye” Stein, và little Dominic, và ở chúng ngoài việc cùng làm việc cho một kẻ gangster Bugsy thì đó là một tình cảm anh em bền chặt, thân thiết – chúng che chở, bao bọc nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, luôn luôn tin tưởng và nghe lời Noodles, rồi khi gặp Max, 5 đứa tự tách ra không chịu sự chi phối của Bugsy thì cái tình cảm bạn bè đó càng được thể hiện bền chắc và gắn bó. Mặc dù Noodles như một dạng thủ lĩnh nhưng mọi lợi phẩm chiếm được chúng đều chia đều, chia sẻ với nhau trong mọi chuyện. Tình bạn của Noodles và Max thì càng sâu sắc hơn. Ban đầu là xung đột, sau thì thành bạn bè, 2 đứa trẻ đã trở thành một đôi bạn chí cốt, một thứ tình bạn có thể làm bất kì việc gì vì nhau, cho đến tận khi cả 2 đã già và đã có bao nhiêu chuyện xảy ra thì tình cảm ở họ vẫn còn dù không được thể hiện một cách trực tiếp.
Nhưng trong tình bạn thì luôn luôn sẽ có sự phản bội dù mang nghĩa tốt hay xấu. Noodles vì bạn bè mà phản bội, Max thì vì bản thân mình mà phản bội, đều là phản bội nhưng cái cách họ phản bội đã thể hiện đầy đủ tính cách của hai người. Noodles là một người sống trọng tình cảm, không tham vọng, luôn luôn biết diểm dừng trong hoạt động của mình, còn Max thì ngược lại, là một kẻ tham vọng, muốn gây dựng lên một sự nghiệp lớn (thế thì mới có nước Mỹ được), sẵn sàng đánh đổi mọi tình cảm, sẵn sàng cướp đoạt của người bạn thân nhất để trải thảm cho con đường của mình.
2. Tình yêu và dục vọng
Noodles đã có một tình yêu rất đẹp với cô bé thích múa Deborah (Jennyfer Conelly hồi bé diễn). Đó là thứ tình yêu trong sáng, đẹp đẽ của tuổi dậy thì, khi Deborah đẹp rạng rỡ, cảnh quay Noodles nhìn trộm Deborah múa trong kho hàng của cửa hàng ăn uống của bố là một cảnh tuyệt đẹp, và không chỉ Noodles mà bất cứ ai đứng ở đó nhìn qua khe nhỏ thấy một Deborah đẹp và thánh thiện như thiên thần thì không ai không say đắm. Deborah cũng vậy, cũng có tình cảm với cậu bé nghèo Noodles, suốt ngày nhìn trộm mình, nhưng ở cô là một đôi mắt dù trong sáng nhưng mạnh mẽ, cá tính. Noodles thì vừa nhút nhát, vừa không quyết đoán, lại vừa trọng tình bạn với Max, chính vì vậy mà họ yêu nhau nhưng không thể sống cùng nhau. Và khi họ lớn, khi tình cảm của họ vẫn còn, Deborah quyết định bỏ đến Hollywood lập nghiệp, còn Noodles thì mới ra tù, họ gặp nhau, và với ý chí muốn sở hữu mạnh mẽ, Noodles đã để dục vọng của mình vượt quá tình yêu…
Dục vọng là một trạng thái xuất hiện khá thường xuyên trong phim, vì có lẽ trong một môi trường nghèo khổ và đầy rẫy cái xấu thì dục vọng là thứ dễ trỗi dậy nhất. Chẳng thế mà cô gái sống cùng khu nhà với Noodles sẵn sàng cho cậu con trai làm bất cứ điều gì nếu mua cho bữa sáng và bánh kem, cũng như bán mình cho viên cảnh sát biến chất…
3. Và nước Mỹ
Một bộ phim gangster thì không thể nói được thế nào là nước Mỹ, không thể diễn tả được cả một thời đại làm nên bản sắc Mỹ. Nhưng ít nhiều bộ phim đã cho ta hình dung được cái cách mà nước Mỹ non trẻ có thể phát triển vượt trội như bây giờ. Không phải là tất cả nhưng một phần là nhờ những con người như Max, Nuch Thompson, Al Capone, Coleone… những cá nhân có nguồn gốc nhập cư trốn chạy khỏi một châu Âu tư bản mà lợi ích chỉ dành cho thiểu số, để tìm đến Mỹ, một mảnh đất hứa, nơi mà mọi ước mơ có thể trở thành sự thật, mọi nỗ lực, cố gắng của tự bản thân đều được đền đáp một cách xứng đáng. Những kẻ đó từ một cuộc sống nghèo khó tìm cách bươn chải trong cuộc sống với tất cả mọi cách, nằm ngoài những quy tắc đạo đức cụ thể, nằm ngoài luật pháp. Họ đi lên, nắm trong tay tài sản và quyền lực, và từ đó, nước Mỹ đã được nuôi dưỡng. Max nhờ tham vọng, quyết tâm đã nắm trong tay quyền lực. Nhưng nước Mỹ không chỉ có vậy, nước Mỹ còn có những mối tình, còn có tình bạn, còn có rất nhiều thứ khác, những thứ mà giúp cho những giấc mơ luôn được nuôi nấng và chăm sóc.
Nước Mỹ hiện ra trong màu sắc xấu xí của máu, của dao, của súng, của tham vọng, nhưng nước Mỹ hiện lên cũng thật đẹp với những cây cầu vĩ đại: cầu Manhattan, cầu Brooklyn… Những cây cầu như tiếp dẫn những giấc mơ, và nước Mỹ cũng hiện lên trong sự đa dạng văn hóa, một sự đa dạng nằm trong một tổng thể hài hòa mà không quá xung đột.
Bộ phim kết thúc bằng nụ cười của Noodles khi đang lên cơn phê thuốc. Và trong ánh mắt nụ cười đó, cả quá khứ và tương lai của Noodles dựng lại, trong cái quá khứ và tương lai nó dường như không phải là thực tế đã và sẽ diễn ra, nó giống như một giấc mơ mà Noodles đã chìm trong đó qua khói thuốc, qua cơn nghiện của chính mình. Ngay bản thân Sergio Leone đã từng xác nhận rằng: cái tương lai của Noodles khi về già đó có thể chỉ là một giấc mơ của Noodles. (lấy trên wiki).
Viết xong chẳng dám đọc lại vì biết chắc là sẽ dở tệ.