“Hôm qua tôi mơ thấy mình trở về Manderley”

Có lẽ tất cả những ai là tín đồ của điện ảnh đều biết đến lời mở đầu đầy hình ảnh này của tác phẩm kinh điển Rebecca. Câu nói này cũng là trích dẫn được nhớ đến nhiều nhất trong nguyên tác cùng tên của Daphne du Maurier, nữ tiểu thuyết gia mà đạo diễn Alfred Hitchcock từng 3 lần hợp tác để chuyển thể kịch bản. Trong đó, Rebecca là bản chuyển thể thành công nhất của Hitchcock và trở nên kinh điển trong thế giới điện ảnh không kém gì vị thế của nguyên tác đối với văn học.

Bộ phim bắt đầu bằng những lời tự sự của một cô gái trẻ không tên (do Joan Fontaine đảm nhiệm) về những ký ức trong căn biệt thự trang hoàng và cổ kính nằm sâu trong một khu rừng nước Anh. Mọi chuyện bắt đầu ở Monte Carlo, khi cô làm việc cho một quý bà đanh đá xéo xắt tên là Edythe Van Hopper thì bắt gặp quý ông quá bụa trẻ tuổi Maxim de Winter (Laurence Olivier). Maxim luôn giành cho cô gái sự quan tâm đặc biệt nhưng không hề sởi lởi quỵ luỵ quá đáng. Chỉ sau hai tuần, cô đã phải lòng Maxim và nhận lời cầu hôn của anh. Như thể lột xác sau cái vẩy đũa của bà tiên xanh, cô gái quê mùa luộm thuộm giờ đây đã trở thành bà de Winter, mệnh hệ phụ nhân của một dòng họ quý tộc lớn, sống vương giả trong căn dinh thự Manderley lộng lẫy ở Cornwall.

Tuy nhiên, mọi chuyện không phải cứ thế toàn màu hồng với cô gái trẻ. Bà quản gia Danvers tỏ ra lạnh lùng, xa cách với cô và bị ám ảnh bởi vẻ đẹp, sự trí tuệ và học thức của Rebecca, người vợ đã chết của Maxim, bảo quản và nâng niu căn phòng cũ của Rebecca như một nữ tu sĩ cần mẫn. Từ đó trở đi, Rebecca gần như hiện hữu ở tất cả mọi nơi trong nhà. Từ phòng khách, khăn tay, ga trải giường hay cửa phòng ngủ đều khắc chữ R như vật chứng của sự sở hữu. Mọi người xung quanh, bao gồm cả thư ký thân cận của Maxim cũng thừa nhận là Rebecca có vẻ đẹp như một nữ thần. Bà quản gia liên tục đem những điểm tốt đẹp của Rebecca ra để khinh thị cô. Cộng thêm việc bị mặc cảm bởi xuất thân hèn kém khiến cô gái trẻ cảm thấy ngộp thở và chìm trong tuyệt vọng. Cho đến một ngày, Maxim thổ lộ với cô rằng Rebecca là một người đàn bà xảo quyệt và chính anh đã giết cô ta.

Trong cả bộ phim cũng như tiểu thuyết, cái tên của nhân vật do Fontaine đóng không hề được nhắc đến. Trái ngược với Rebecca, không hề được nhìn thấy dù chỉ là một giây nhưng cái tên của cô ta thì được nhắc đi nhắc lại xuyên suốt cả 2 tác phẩm. Đây là một dụng ý của tác giả để tạo sự đối lập và mâu thuẫn cho câu chuyện. Nhân vật của Fontaine sau 20 phút đầu đẹp như mơ với Maxim thì nhanh chóng nhận lấy danh xưng là bà de Winter thứ 2. Cách mọi người nói chuyện với cô mà không dứt khỏi việc nhắc đến Rebecca cũng như những sự đối lập, bất tương xứng giữa cô và người vợ cũ của Maxim khiến cái bóng của Rebecca trở nên đậm hơn trong ngôi nhà tuy đầy ắp gia nhân nhưng vô cùng lạnh lẽo Manderley.

Là nhân vật chính kiêm người kể chuyện nhưng nhân vật của Fontaine còn thiếu sức sống hơn cả một người đã chết. Cô đến Manderley để tiếp nhận cuộc sống của Rebecca nhưng ngược lại lại bị Rebecca lấy mất cuộc sống. Giống như nhà bác học trong truyện cổ The Shadow của Andersen, bị cái bóng của mình nuốt chửng và cướp mất bản ngã. Cảnh “Chúng ta đã có một hôn ước hạnh phúc đúng không? Chúng ta hạnh phúc mà, phải không anh?”, Fontaine quỳ xuống hỏi Olivier trong khi anh ta quay lưng lại và lẩn tránh cô. Fontaine tiếp tục “Nếu anh nghĩ chúng mình không hạnh phúc được với nhau thì đừng nên giả vờ như vậy làm gì” rồi gần như thầm thì với chính mình, cô nói:”Em sẽ đi. Sao anh không trả lời em?”. Và ngay trong giọt khoảnh khắc đó, khán giả như đang ở lại trong cùng căn phòng với Fontaine, trực tiếp nếm trải nỗi lòng của cô. Sự cô đơn và tuyệt vọng đã đạt đến cấp độ cao nhất trong tất cả các phim của Hitchcock.

Nhân vật Maxim của Olivier thì yếu hơn. Nhân vật của anh tuy là kép chính nhưng lại có vẻ khá thiếu thống nhất và mờ nhạt về tính cách. Người lãng mạn có thể hiểu đây là một nhân vật u sầu mang ám ảnh về nỗi đau trong quá khứ và tìm đến nhân tình mới để làm nguôi ngoai ký ức cũ. Người thực tế thì có thể hiểu Maxim là gã đàn ông đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát các rắc rối đến từ quá khứ, ở đây là sự độc đoán ghê rợn của Rebecca, nên đã tìm đến cô vợ mới rụt rè và nhút nhát cốt để yên trí rằng người phụ nữ này vô hại với anh ta. Qua diễn xuất của Olivier, Maxim là một công tử nhà lành điển hình, bị áp chế bởi những quy chuẩn xã hội về quý tộc. Anh luôn bối rối và mất phương hướng trong nhưng lúc căng thẳng, đối lập hẳn với vẻ mạnh mẽ đầy tự chủ khi tiếp cận nhân vật của Fontaine ở đầu phim. Điều này có thể hiểu là do Hitchcock và nhà sản xuất Selznick đã thay đổi cốt truyện so với bản gốc do những quy định ngặt ngèo của Hollywood bấy giờ không cho phép một nhân vật giết hại phụ nữ có thể thoát tội. Vậy nên kịch bản đã sửa lại thành Rebecca trong cơn điên loạn đã vấp ngã và chết chứ không phải bị chồng giết khi đang tranh cãi căng thẳng. Maxim chỉ mang cái xác của cô ta ra thuyền để tẩu tán mà thôi.

Cũng có thể coi Rebecca như một câu chuyện về quỷ ám dù không có một hồn ma hay thế lực siêu nhiên nào xuất hiện. Dấu ấn của người chết ẩn hiện khắp mọi nơi trong Manderley như khói thuốc ám vào quần áo. Nhưng cơn sóng cào cấu bãi đá, sự mập mờ trong lời thoại của các nhân vật, khung cảnh ngôi biệt thư lạnh lẽo trong khu rừng như thể là điềm báo trước cho một điều gở nào đó sắp xảy ra. Alfred Hitchcock có thể nói là bậc thầy trong việc sử dụng ánh sáng và bối cảnh để thổi không khí rùng rợn vào trong câu chuyện. Và tất nhiên, không thể không nhắc đến diễn xuất cực kỳ xuất sắc của… trong vai bà quản gia Denvers, một phiên bản hắc ám giữ dội hơn của bà Gulch trong The Winzard of Oz. Rebecca không cần phải xuất hiện trong không gian vật lý của câu chuyện bởi vì cô ta đã có đầy tớ thực hiện mệnh lệnh cho mình ở chốn bụi trần. Vẻ ngoài lạnh lẽo, cô quạnh như bóng ma thời tiền xử của Danvers chẳng khác nào muốn nói rằng bà ta chính là xứ giả của thế giới người chết được gửi đến dinh thự Manderley.

Rebecca cũng là bộ phim Mỹ đầu tiên của Alfred Hitchcock, mở đường cho nhiều tác phẩm thành công của ông sau này ở xứ cờ hoa. Dù phải chỉnh sửa cái kết nhưng Rebecca vẫn là tác phẩm tôn trọng nguyên tác nhất của Hitchcock. De Maurier rất khó chịu khi thấy các tác phẩm của mình bị Hitchcock xào nấu, biến tấu khi chuyển thể. Hai tác phẩm Jamaica Inn và The Birds ban đầu từ một câu chuyện có bối cảnh nhỏ và chặt chẽ ở Cornwall khi lên phim đã trở thành một dự án đắt tiền quay ở California. Sự trung thành với nguyên tác của Rebecca lần này là nhờ công của Selznick, chính ông đã rất ngỡ ngàng khi nhìn thấy kịch bản nháp của Hitchcock và nói:”Chúng ta đã mua Rebecca thì phải làm cho ra Rebecca”.

Hitchcock (phải) và Selznick trong một buổi bàn luận

Sau này, trong quá trình làm phim, Selznick còn mâu thuẫn với Hitchcock ở nhiều điểm. Nhất là ở đoạn kết, khi Selznick yêu cầu đám cháy của dinh thự Manderley phải bốc lên ngọn khói có hình chữ “R” để thể hiện độ ma quái thì Hitchcock cho rằng cách làm đó là thiếu tinh tế. Đổi lại ông dùng hình ảnh chiếc ga trải giường thêu chữ “R” bị thiêu đốt từ từ. Để đáp trả, sau khi Hitchcock nộp bản cut cuối, Selznick đã tự mình quay thêm và làm lại một số cảnh. Chuyện này dẫn đến việc Hitchcock sau này chỉ chuyên sử dụng kỹ thuật biên tập In Cinema, một phương thức mà đạo diễn chỉ quay những gì mình muốn thấy ở bản cut cuối cùng, để ngăn cản phía sản xuất can thiệp vào tác phẩm của mình. Tuy nhiên, Rebecca năm đó đã thu về thành công trên tất cả dự kiến, thu về hơn 3 triệu doanh thu phòng vé và gặt được 2 giải oscar cùng 9 đề cử khác.

Comment